Không có gì mà ầm ĩ cả

Câu chuyện "Biết tuốt"

Thứ Năm, 08/12/2016, 09:31
Nữ kỹ sư ô-tô Phạm Thị Quyên bỗng nổi như cồn sau khi đi thi Ai là triệu phú. Cô nổi không phải vì trở thành triệu phú mà là lập kỷ lục lĩnh đủ số "gạch" nhiều nhất, đủ xây "chung cư" to nhất từ dân mạng khi cô không thể trả lời nổi 2 câu hỏi đầu tiên. Đó là hiện tượng El Nino và canh cua thì nấu với gì?

Một kỹ sư ô-tô mà không biết về hiện tượng thời tiết thì có gọi là kỹ sư không? Hoa hậu có thể không biết chứ kỹ sư mà không biết thì thảm họa quá. Phụ nữ toàn cầu thì khó mà biết được canh cua phải nấu với gì, nhưng phụ nữ Việt Nam mà không biết thì con cua nó thất vọng chết đi được. Không biết thì sao lại gọi là phụ nữ Việt Nam.

Cũng như đàn ông đương nhiên phải biết những gì cơ bản của đàn ông. Tôi chợt giật mình. Tầm này, tôi vẫn chưa biết thắt cà vạt và buộc dây giày sao cho chuẩn. Về mặt kỹ năng thì đó là một trong những thứ dễ nhất. Ờ mà có phải chưa tập làm đâu. Học nhanh quên sớm. Phải nói là tự tha thứ cho mình dễ thật đấy. Sao tha thứ cho người khó thế.  

Minh họa của Lê Tâm.

Vợ chồng anh bạn tôi đều là giáo viên đại học và nghiên cứu khoa học. Mà ở cõi này, vợ chồng đều nghiên cứu khoa học thì nguy cơ ăn mỳ tôm rất cao. Cơ hội để họ có một bữa tối thực sự không nhiều lắm.

Một ngày đẹp trời. Vợ bảo chồng: Mình xem hôm nay em dành cho mình bất ngờ gì nhé. Vợ mở lồng bàn ra. Trời. Canh cua nồng nàn. Chồng ăn vui vẻ. Tuy vậy có vẻ đức lang quân chốc chốc lại lén lút nhè ra giấy ăn rồi bí mật thả xuống sọt rác. Vợ hỏi: Ngon không anh?

Chồng gật gù: Ngon nhưng mà chưa đúng cách.

Vợ tròn mắt: Đúng cách thì thế nào anh?

Chồng: Đúng cách thì trước khi nấu, người ta phải lọc.

Vợ: Thôi chết! Em mua thẳng từ chợ về cho vào nồi luôn. Khuyết điểm to quá. Làm sao đây?

Chồng phá lên cười bảo: Không sao. Quan trọng là em thích nấu cho anh ăn. Thế là vui rồi. Cuộc sống còn vui vì nó luôn bất ngờ.

Câu chuyện vợ chồng bạn tôi với canh cua tưởng to chuyện mà lại nhẹ nhõm. Vấn đề chỉ là cách nhìn. Nhân vô thập toàn. Quan trọng là phải biết vị tha thì cuộc sống mới trở nên thân thiện.

Khi ta đặt ra một chuẩn đương nhiên phải biết điều này, điều nọ thì thực sự ta chưa bao giờ sống, mà là đang bị "cùm" trong "nhà tù" của kiến thức. Kiến thức được quy chuẩn, đương nhiên là đã cũ.

Chúng ta quen khâm phục những người biết tuốt hay những nhân vật từ điển sống nhưng ít ai đặt câu hỏi về những nhân vật này có gì sáng tạo để đời.

Hỏi một người Thủ đô nào đó về loại cây trồng khắp phố thì có lẽ ai cũng thạo. Nào bàng, nào xà cừ, sấu… thậm chí "khuyến mại" cho nửa tiếng đồng hồ đánh giá chủng loại và quy hoạch trồng và cái ngu của nhà quản lý.

Vẫn câu hỏi này mà hỏi một người Mỹ về loại cây nhan nhản trên phố của họ thì câu trả lời phần nhiều là "Tôi không biết". Có thể họ không tự đặt ra cho bản thân cái bắt buộc phải biết. Biết nhiều chóng già.

Câu chuyện canh cua nấu với rau gì cho thấy rằng nhiều người đã quá khắc nghiệt với những lời mỉa mai kiến thức của cô kỹ sư. Làm như không biết một vài kiến thức thì trái đất tới ngày tận thế. Thực ra chỉ là câu chuyện luật chơi. Người đi thi nếu không biết, hoặc trong lúc đầu óc nhất thời không bình tĩnh thì thua cuộc là chuyện thường. Có gì mà buông lời cay đắng.

Còn bạn. Nếu bạn là người sáng tạo thì bạn có nhớ áo sơ mi của bạn, vạt áo có khuy bên trái hay bên phải không?

Lê Tâm
.
.
.