Câu chuyện con rắn vàng

Thứ Tư, 16/01/2013, 15:25

Rắn là con giáp thứ 6 trong 12 con giáp, nếu tính theo âm lịch. (Âm lịch là cách tính ngày tháng theo sự vận chuyển của mặt trăng). Trong Âm lịch, có tiểu chu kỳ và đại chu kỳ. Trong tiểu chu kỳ có 12 con giáp mà đứng đầu là năm con chuột tiếp theo là Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Trong một đại chu kỳ, có 60 năm. Như vậy 60 năm nữa, chúng ta lại có một năm Quý Tỵ khác. Vậy nếu ai sinh vào năm Tỵ hay những em bé nào mà sinh ra trong năm nay - 2013 thì ta gọi những người đó là cầm tinh con rắn. Những nhà chiêm tinh, hay các ông bà thầy bói rất giỏi về cách tính ngày tháng, tuổi này hợp hay kỵ với tuổi kia. Thí dụ ai mang tuổi Tỵ thì kỵ với tuổi Dần, Thân và Hợi...

Các bậc làm cha làm mẹ ngày xưa nhất định sẽ không chịu gả con gái cầm tinh con chuột (tuổi Tý) cho anh chàng nào có tuổi Tỵ (rắn), vì không ai dại gì mà dâng chuột vào mồm rắn cả, rắn nhất định sẽ ăn sống chuột ngay lập tức!.

Nỗi oan ức của... rắn

Rắn là con vật thường gây sợ hãi cho con người và một thời từng bị ghét bỏ, chẳng những vậy mà nhiều người còn coi loài rắn là động vật bò sát rất gớm ghiếc và nguy hiểm. Trong thánh kinh của người Thiên Chúa giáo thì rắn là con vật bị chúc dữ. Sau khi rắn lừa phỉnh Adam và Eva, thì bị Thiên Chúa trừng phạt phải bò bằng bụng suốt đời. Ít người thích chơi với rắn.

Người ta gắn những điều xấu xa tồi tệ cho loài rắn. Chẳng hạn kẻ nào có lòng dạ nham hiểm thì người ta gọi đó là người có lòng dạ rắn rết. Hoặc những kẻ chuyên đi lừa phỉnh người khác, nói lành, hành ác thì gọi là cái quân "khẩu Phật, tâm xà". Cái miệng độc ác, chuyên môn, đổ vạ cho người khác thì người ta gọi là "ngậm máu phun người". Con nít hư đốn, ngỗ nghịch, bướng bỉnh thì gọi chúng là "rắn đầu, rắn mặt"…!

Thực ra, loài rắn lại rất có ích cho con người. Có một thời kỳ tại Ấn Độ, người ta đồn rắn là thần dược chữa bệnh, mọi người đổ xô đi săn bắt rắn, nhất là những loài rắn lừng danh như rắn đeo kính (king cobra)... chẳng bao lâu thì rắn hầu như tuyệt chủng. Mùa lúa năm ấy người ta thấy chuột sinh sôi rất nhiều, chúng phá nát mùa màng, hoa màu của nông dân. Cái lợi bắt rắn mang bán không thể nào bù được thiệt hại do chuột phát triển phá hại mùa màng. Thế là người Ấn lại lo gầy nuôi rắn trở lại để chúng phát triển tự do nhằm ngăn chặn loài chuột thiên địch phá hoại mùa màng.

Cả Đông y và Tây y đều coi rắn là một thần dược để chữa bệnh phong thấp mà không có một loại thuốc nào tốt hơn. Tây y đã lấy hình con rắn làm biểu tượng cho ngành của mình. Các nhà nghiên cứu tân dược đã chiết xuất từ nọc rắn ra một chất có thể trị được cả bệnh ung thư. Người ta thử nghiệm trên các con vật thì thấy nọc rắn có thể chữa được một số loại bệnh cho người. Hiện nay Tây y sử dụng nọc rắn để điều trị nhiều căn bệnh nan y trước đây đành phải bó tay. Do đó, nọc rắn bây giờ còn đắt hơn cả vàng là vậy.

Ở nước ta hiện có rất nhiều trại nuôi rắn ở cả hai miền Nam - Bắc. Tất cả các trại nuôi rắn này vẫn chưa cung cấp đủ cho giới tiêu thụ, vì vậy mà giá mua một con rắn, nhất là loại rắn độc hổ mang, càng ngày càng đắt giá. Các ông chủ trại nuôi rắn phất lên nhanh chóng nhờ bán nọc rắn và thịt rắn đặc sản. Một con rắn đeo kính, giá cả mấy trăm đô la Mỹ. Trong bối cảnh khủng hoảng nền kinh tế những năm gần đây làm cho hàng chục ngàn doanh nghiệp ở Việt Nam nối tiếp nhau phá sản, hoặc giải thể, thì chưa nghe nói một công ty nuôi rắn nào có tên trong số đó. Ngược lại họ cứ tiếp tục tiến mau, tiến mạnh lên chủ nghĩa... hốt bạc!

Cái gì của rắn cũng đắt cả. Quý giá nhất là nọc rắn, rắn càng độc thì nọc rắn giá trị càng cao. Da của rắn cũng không rẻ, còn thịt rắn thì lại là thứ đặc sản vừa thơm ngon, bổ dưỡng, lại vừa chữa được nhiều bệnh tật, có lợi cho sức khỏe con người.

Năm ngoái một anh đồng nghiệp ở Bình Định tham gia đoàn Văn nghệ sĩ đi công tác thực tế ở miền Nam đã mang về khoe với chúng tôi một loại đặc sản quý ít được thấy, anh nói mua từ một trại nuôi rắn. Đó là món "pín rắn". "Pín rắn" là bộ phận dương vật của con rắn hổ mang đực. Khi làm thịt rắn, người ta lấy ''pín rắn'' rồi đem phơi khô, buộc thành từng chùm, mỗi chùm độ vài chục "pín" để bán cho khách sộp. Các quý ông chen nhau mua về ngâm rượu uống với mục đích "giúp" các quý bà “phấn khởi” vui vẻ trên giường. Nghe nói loại rượu ngâm ''pín rắn'' là một thứ thần dược tráng dương tốt hơn cả... Viagra của Tây phương.

Đây cũng chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân làm cho nghề nuôi rắn rất có giá. Một gia đình mà nuôi được mấy cặp rắn hổ đeo kính (king cobra) thì một năm chỉ cần sản xuất lấy mươi, mười lăm con rắn con cũng đủ nuôi sống cả gia đình.

Nổi tiếng trong văn chương

Trong văn học Việt Nam thì rắn cũng ghi được một số kỳ tích, như truyện "Công Dã Tràng". Nhưng lừng danh nhất phải kể đến là bài thơ về rắn của ông Lê Quý Đôn, một thần đồng trong văn học Việt Nam. Ngay từ lúc còn để chỏm, Lê Quý Đôn đã tỏ ra một danh tài xuất chúng, nhưng phải cái là biếng học và nghịch ngợm quá mức. Sợ con hư hỏng nên thân phụ của Lê Quý Đôn một hôm nhân lúc cậu bé phạm lỗi ham chơi đã đánh đòn cậu. Bị đòn đau, Lê Quý Đôn vừa khóc vừa năn nỉ cha xin tha, để thử tài con, thân phụ của ông liền nói:

- Tha cũng được, nhưng con phải làm cho ta một bài thơ, trong đó câu nào cũng phải có chữ rắn hay liên quan đến loài rắn. (Ý là trách Lê Quý Đôn lì lợm, rắn đầu, ham chơi).

Ngẫm nghĩ một lát, cậu bé Lê Qúy Đôn vội ngẩng mặt lên thưa với cha:

- Thưa cha con làm được rồi, xin phép cha cho con ngồi dậy để con đọc bài cho cha nghe.

- Ừ, ta tạm cho con ngồi dậy, nếu làm không vừa ý ta, thì lại đánh đòn tiếp.

- Dạ, con cảm ơn cha.

Lê Quý Đôn ngồi dậy đọc vanh vách cho cha một bài thơ dài về rắn, đó là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, một thể thơ khó nhất trong các thể thơ thời ấy:

Chẳng phải LIU ĐIU cũng giống nhà
RẮN đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn HỔ LỬA đau lòng mẹ
Nay thét MAI GẦM rát cổ cha
RÁO mép chỉ que lời dối lếu náo
LẰN lưng chẳng quản vệt dăm ba
Từ nay CHÂU LỖ xin chăm học
Kẻo HỔ MANG danh tiếng thế gia

Nghe xong, cha của cậu bé Lê Quý Đôn liền đổi mặt vui vẻ rồi tha cho cậu quý tử và chắc chắn ông cũng ngầm thán phục cục cưng của mình lắm!

Nhân nhắc tới thơ hay, tác giả chợt nghĩ tới chuyện về câu đối trong văn học Việt Nam, đó là giai thoại câu đối của cậu bé Cao Bá Quát đã tự cứu mạng của chính ông, dù khi ấy cậu bé mới chỉ khoảng 8 tuổi. Một hôm trời rất nóng, Cao Bá Quát cởi truồng lao xuống hồ Tây (Hà Nội) để tắm, đang tắm dưới hồ, bỗng Cao Bá Quát nghe tiếng tiền hô hậu ủng, chiêng trống rền vang trên bờ. Cậu bé tò mò liền tồng ngồng chạy lên bờ coi. Các quan lính đang tháp tùng nhà vua bỗng nhiên thấy một thằng nhỏ ở truồng từ dưới hồ Tây lao lên đứng xem kiệu vua trông rất chướng mắt. Đã vậy Cao Bá Quát thấy kiệu vua đi ngang lại không quỳ xuống như mọi người, liền bị lính thị vệ tóm cổ, định xử chém vì cái tội khi quân. Luật lệ thời xưa là khi người dân nghe thấy tiếng tiền hô hậu ủng thì biết có vua đi qua, mọi người, không phân biệt già trẻ lớn bé đều phải quỳ sát mặt xuống đất, ai bất tuân thì sẽ bị chém đầu.

Nghe thấy tiếng ồn ào, nhà vua (người ngồi trong kiệu) hỏi quan cận vệ nội dung sự việc, vị quan bẩm, có người đứng tồng ngồng bày cả chim ra mà nhìn kiệu vua đi qua, hiện đã bị bắt và sẽ chém đầu theo luật lệ. Nhà vua sai lính dẫn Cao Bá Quát lại và nói: Tội của ngươi đáng chết, nghĩ ngươi còn nhỏ tuổi, ta ban cho một đặc ân là nếu  ngươi đối được câu đối nầy thì ta sẽ tha mạng. Nói xong nhà vua quay đầu nhìn ra mặt hồ, thấy có con cá dưới hồ Tây nhảy lên đớp khí, liền đọc ngay một vế câu đối:

- Nước trong leo lẻo, cá đớp cá.

Cao Bá Quát nghe xong liền ứng khẩu đọc một đối đáp lại nhà vua:

- Trời nắng chang chang, người trói người.

Nghe xong nhà vua thầm tấm tắc khen Cao Bá Quát có tài đối hay, và ông vua văn hay chữ tốt nhất nhà Nguyễn liền tha tội chết cho cậu bé họ Cao nghịch ngợm mà thông minh tuyệt đỉnh…

Động vật quý

Trở lại chuyện rắn, thế giới có hai loại rắn là rắn sống trên bờ và rắn dưới nước. Rắn trên bờ thì có những con rất to như loài trăn ở Nam Mỹ, có con dài cả mười mấy mét, nhưng có con chỉ ngắn có 10cm. Rắn trên bờ thường ăn các con vật nhỏ như chuột, bọ, ếch, nhái. Những con rắn sống dưới nước thì gọi là rắn nước, thuồng luồng, chình, đẻn... Con đẻn được xếp vào loại cực độc trong các động vật sống trên quả đất này. Nếu chẳng may bị rắn đẻn cắn, thì có lẽ bạn chỉ sống thêm được không quá 15 phút!

Rắn quả thật là con dao hai lưỡi, lợi hay hại là tùy ở người sử dụng nó. Trong tương lai, rắn có thể chiếm một địa vị tối quan trọng, khi mà người ta hoàn chỉnh thuốc trị bệnh ung thư bằng nọc rắn độc. Việt Nam là một trong những nước có nhiều giống rắn độc, nhiều loại rắn gần như đã bị tuyệt chủng như rắn mai gầm, hổ bành hay rắn cạp nong chẳng hạn. Các ông thầy Đông y luôn ca ngợi những hũ rượu ngâm rắn độc vì nó có thể chữa trị được chứng đau nhức và phong thấp. Còn các đấng mày râu nào bị yếu sinh lý, bị vợ chê yếu thì rượu rắn cũng có thể là một món "ông uống, bà khen" nhằm bảo toàn hạnh phúc gia đình.

Nhân năm con rắn Quý Tỵ - 2013 lan man vài ba chuyện rắn xin hầu quý độc giả đọc báo, vui xuân

Nguyễn Tấn Tuấn
.
.
.