Câu chuyện “kỳ diệu” của mẹ con sản phụ bị ung thư

Chủ Nhật, 23/07/2017, 10:15
Biết tin bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, người mẹ đang mang thai ở tuần 28 rơi vào tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng, chỉ muốn tự vẫn. Nhưng với sự động viên của gia đình và nâng đỡ tinh thần của các y, bác sĩ, người mẹ này gần như hồi sinh, cố gắng “chiến đấu” với bệnh tật và đã trở thành mẹ của một bé trai nặng 1,5kg. Ca bệnh này được coi là hy hữu khi các bác sĩ đã cứu sống thành công được cả hai mẹ con bệnh nhân.

Niềm vui tột cùng của người mẹ

Ngày 18-7, ThS. BS Lê Thị Kiều Dung - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về một trường hợp bệnh nhân đầy xúc động mà bệnh viện này trước đó đã tiếp nhận chữa trị. Đó là thai phụ Vũ Thị Dung (30 tuổi, ngụ huyện Chư Sê, Gia Lai), mang thai 28 tuần đến khám thì phát hiện bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn.

Để mang lại niềm vui cho mẹ con thai phụ và gia đình, các y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực bằng mọi khả năng của mình tiến hành chữa trị và phẫu thuật thành công cho ca bệnh đặc biệt phức tạp này.

Giây phút chị Dung bế con vào lòng giúp chị như được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu chống lại bệnh tật.

Theo ThS.BS Lê Thị Kiều Dung, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói liên tục, sức khỏe suy kiệt hoàn toàn, mẹ có thai 28 tuần nhưng cơ thể chỉ nặng 35kg. Kết quả nội soi dạ dày cho thấy, bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn, xâm nhiễm cứng sang các cơ quan khác như gan, tụy, vòm hoành, môn vị bị tắc hoàn toàn dẫn đến bệnh nhân không thể ăn uống được gì, ói ra máu, xuất huyết tiêu hóa.

Đứng trước tình trạng bệnh của thai phụ, nhiệm vụ đặt ra cho các bác sĩ khá nặng nề khi vừa làm sao để cứu bé và cứu mẹ vì người mẹ bị xuất huyết tiêu hóa kéo dài. Các cuộc hội chẩn liên khoa Ngoại Tiêu hóa, Dinh dưỡng, Hóa trị, Phụ sản, Nhi được tiến hành liên tục nhằm cố gắng tìm mọi cách để giữ thai kỳ đến 30 tuần. Bởi lúc này thai nhi còn quá non, nếu chấm dứt thai kỳ thì khả năng sống của bé rất thấp.

Ngay sau đó, bệnh nhân đã được khẩn cấp điều trị nội, truyền máu, chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch để nâng đỡ thai, truyền chất hỗ trợ phổi cho thai nhi và tăng cường sức lực cho thai phụ vì lúc này chị Dung không thể ăn uống qua đường miệng.

Sau một thời gian được chăm sóc, chữa trị tích cực, đến ngày 5-7, khi thai nhi được 31 tuần, các bác sĩ Khoa Phụ sản quyết định thực hiện ca mổ bắt con và phẫu thuật dạ dày cho bệnh nhân.

Điều mong đợi đã diễn ra khi dù chỉ nặng 1,5kg nhưng tiếng khóc của bé trai như phá tan bầu không khí căng thẳng của phòng mổ, cả ê-kíp y bác sĩ hiện diện trong phòng mổ như vỡ òa vui sướng. Ngay sau đó, bé trai được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh để được chăm sóc tích cực.

Về phần người mẹ, do dạ dày đã bị xâm lấn và chảy máu nhiều nên các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa đã tiến hành cắt toàn bộ dạ dày, làm sạch và nối thực quản với hỗng tràng (hỗng tràng và hồi tràng là phần di động của ruột non).

Ca phẫu thuật thành công nhờ có sự phối hợp chặt chẽ của ê-kíp bác sĩ giàu kinh nghiệm của Khoa Phụ sản và Khoa Ngoại Tiêu hóa. Tình trạng bệnh nhân hiện tại đã ổn định, ăn uống được trở lại, lạc quan và luôn mong từng ngày có thể xuất viện để gặp mặt con trai.

ThS.BS Lê Thị Kiều Dung cho biết, đúng ra lúc đầu các bác sĩ của bệnh viện chỉ cố gắng làm sao kéo dài thai kỳ để giữ được đứa con chứ không hy vọng cứu được người mẹ vì tình trạng người mẹ lúc đó quá suy kiệt. Nhưng cuối cùng đã cứu được cả hai mẹ con là kết quả ngoài mong đợi.

Ngày 17-7, lần đầu tiên chị Dung đã được sang Bệnh viện Nhi đồng 2 để gặp con. Hai vợ chồng chị đã không kìm được xúc động và niềm vui khi nắm bàn tay nhỏ bé của đứa con trai đầu lòng. Cậu bé phát triển tốt, không phải thở máy, tăng cân và bú được 30ml sữa.

Dù chỉ nặng 1,5kg nhưng cháu bé đang triển tốt, không phải thở máy.

Ôm đứa con trên tay, chị Dung xúc động nghẹn ngào: “Lần này tôi chỉ có 15 phút quý giá bên con, nên tôi đã tận dụng từng giây để được vuốt ve khuôn mặt, rồi từng ngón tay, ngón chân con... Lúc được bế con, tôi đã ôm con thật chặt mong con cảm nhận được hơi ấm của mẹ. Tôi thực sự vui và hạnh phúc. Tôi không còn biết gì đau đớn, mệt mỏi nữa. Tôi sẽ cố gắng điều trị khỏe để được về với con”.

Những ngày đầu, mỗi khi chồng chị đi thăm con về, chị đều bắt anh kể chi tiết, tường tận để mường tượng ra đứa con bé bỏng của mình. Chị Dung bộc bạch: “Tôi sẽ cố gắng chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ để nhanh chóng được gặp lại con, được nuôi dưỡng con như những người mẹ khác…”.

Đứa con chính là động lực để vượt qua bệnh tật

Tâm sự về hoàn cảnh gia đình mình, anh Lê Đình Thịnh, chồng chị Dung cho biết, hai vợ chồng mới cưới được 8 tháng và đây là đứa con đầu tiên của hai người. Chị Dung là một cô giáo tiểu học…

Trong 3 tháng đầu có thai, vợ anh bị ói rất nhiều và sụt gần 3kg, gia đình nghĩ đây chỉ là triệu chứng nghén thông thường nên không đi khám. Cho đến khi chị Dung mang thai đến tuần 27 mà tình trạng nôn ói không thuyên giảm, sụt từ 48 kg xuống còn 35kg, đi khám tại bệnh viện địa phương thì chỉ được nói là suy nhược do mang thai.

Khi được đưa lên Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh để làm các xét nghiệm chuyên sâu, chị Dung đã được tiến hành nội soi dạ dày và phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn muộn, hẹp môn vị dẫn tới không ăn uống được và ói ra máu.

“Lúc nhận được kết quả chẩn đoán của bác sĩ, vợ tôi đau xót trào nước mắt, vừa thương con lại vừa thương cho chính bản thân mình. Khi ấy vợ tôi chỉ mới mang thai được 27 tuần mà giờ vợ không thể ăn được, không thể ngủ được, nôn ói liên tục thì làm sao có sức lực.

Vợ tôi khóc nhiều lắm, đôi lúc đòi tự tử vì không thể chịu đựng sự đau đớn và sự giày vò của căn bệnh nghiệt ngã. May mà có các y bác sĩ, điều dưỡng và các anh chị Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Đại học Y Dược ngày nào cũng vào thăm hỏi, động viên và đưa ra hướng điều trị nên tâm lý vợ tôi cũng dần ổn định hơn. Hơn hết chính mong muốn đứa con sẽ được chào đời nên vợ tôi đã cố gắng rất nhiều”, anh Thịnh xúc động chia sẻ.

Tiếp lời chồng, chị Dung nói khi biết mình bị bệnh, chị đã thực sự rơi vào tình trạng hoảng loạn, tuyệt vọng. “Tôi chỉ muốn chết vì nghĩ rằng ung thư giai đoạn cuối sẽ không thể sống được lâu, đứa con trong bụng rồi cũng sẽ không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời. Nhưng sau khi được các bác sĩ tư vấn, tôi tự nhủ phải cố gắng hết sức để con được sinh ra, còn mình có ra sao cũng không còn quan trọng nữa”.

Theo BS. Võ Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, hướng điều trị tiếp theo cho người bệnh là sẽ hóa trị sau 1 tháng nữa theo đúng phác đồ, hy vọng sẽ kéo dài thêm sự sống của người mẹ.

Chị Dung được y bác sĩ thăm khám, chăm sóc sau hai ca phẫu thuật lấy thai và cắt bỏ dạ dày.

“Khi bệnh nhân có thai mà kèm các bệnh khác, chúng tôi cũng đã gặp nhiều rồi nhưng không giống trường hợp như thế này. Chị Dung vừa gầy, ăn uống không được, cơ thể như da bọc xương mà phải trải qua một cuộc mổ lớn như vậy. Cứu được bệnh nhân và con là may mắn cho chúng tôi và cho cả người bệnh. Còn sau này chúng tôi cũng chưa thể nói trước được gì nhưng bệnh nhân đang cố gắng chiến đấu với ung thư và chúng tôi cũng cố gắng hội chẩn, đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”, BS. Võ Duy Long cho biết thêm.

Tuy nhiên, cũng theo vị bác sĩ này thì quá trình điều trị cũng như chăm sóc đứa con thiếu tháng còn rất dài, đầy khó khăn phía trước, trong khi điều kiện gia đình chị Dung lại vô cùng eo hẹp.

Anh Thịnh làm nông, nên trước giờ chi phí sinh hoạt hằng tháng của cả gia đình chỉ trông chờ vào tiền lương giáo viên ít ỏi của chị Dung. Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Đại học Y dược (điện thoại (028) 3952 5350) hiện đang kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để tiếp sức cho gia đình chị.

Qua trường hợp bệnh nhân đặc biệt này, các bác sĩ khuyến cáo nếu qua 3 tháng đầu khi mang thai, thai phụ còn tình trạng nôn ói không giảm thì phải đến cơ sở y tế khám, tìm ra nguyên nhân vì có nhiều bệnh lý xuất hiện trong giai đoạn này nhưng thai phụ và gia đình cho rằng do ốm nghén, chủ quan không đi khám.

Phú Lữ
.
.
.