Câu hỏi trong ngày Tết

Thứ Tư, 13/02/2019, 22:12
Một số anh chị em muốn bỏ Tết Nguyên đán mà không thấy Tết là một phát kiến văn minh. Tết văn minh như cái "chiếu nghỉ" ở cầu thang.

Dù lên hay xuống cầu thang thì mỗi lần tới cái "chiếu nghỉ" có thể thảnh thơi dừng bước ngẩng đầu ngắm đời và thậm chí còn ngắm mình sau chuỗi bậc thang đã qua. Cứ cắm đầu mà đi mãi thì giống hệt con trâu chứ đâu có ra hồn con người.

Nếu chúng ta chỉ có những cái cầu thang liền mạch không "chiếu nghỉ" thì tất cả sẽ chỉ có chuỗi hùng hục bước cho đến khi kiệt sức. Có gì vô nghĩa hơn sự hùng hục bất tận? "Chiếu nghỉ" thì cầu thang Tây và ta đều có bởi vì cả Tây và ta đều có những người thông minh.

Minh họa của Lê Tâm

Về nghỉ lễ thì trong một năm Tây nghỉ nhiều hơn ta. Ta nghỉ khoảng 20 ngày lễ, còn Tây nghỉ khoảng 30 ngày lễ. Còn 51 tuần nữa ta sẽ lại gặp cái "chiếu nghỉ". Hãy bắt đầu một năm mới đầy hứng khởi với công việc nhé.

Ai cũng thích câu "về quê ăn Tết" nhưng cũng có không ít bạn trẻ ngại về quê chỉ vì không dám đối diện với những câu hỏi đầy quan tâm của họ hàng.

Đại khái thì mẫu câu và trả lời loanh quanh kiểu thế này: 1. "Sao rồi cháu, sắp lấy chồng chưa?"/ "Dạ, duyên chưa tới bác ạ"./ "Mày kén quá! Bác phải giục cho mày đỡ khó tính đi".

2. "Sao rồi cháu, sắp lấy chồng chưa?"./ "Dạ sắp rồi bác?"./ "Bao giờ cưới để tao "mài răng"?"./ "Dạ tìm được chú rể là cháu cưới liền".

3. "Sao rồi cháu, sắp lấy chồng chưa?"./ "Dạ con ở vậy luôn bác ơi."/ "Trời, đừng có đùa!"./ "Dạ cháu già quá rồi"./ "Ờ mày già thì bác càng phải giục…".

Thỉnh thoảng lại có câu: "Trông đâu đến nỗi nào mà mãi chưa lấy được chồng/vợ nhỉ"?

Những câu hỏi này chẳng bao giờ dừng lại. Chưa cưới thì hỏi có đám nào chưa? Có rồi thì hỏi bao giờ mời ăn cỗ? Nhận thiếp cưới thì hỏi "thầy chọn ngày đẹp" hay bác sĩ bảo cưới? Cưới xong lâu chưa thấy bụng to hỏi sao lâu thế? Đẻ đi cho ông bà vui. Có bụng rồi thì hỏi trai hay gái? Đẻ xong thì lại hỏi bao giờ đẻ nữa cho có nếp có tẻ. Con đi học thì hỏi học có giỏi nhất lớp không? Giấy khen đâu?

Nếu không hỏi về cưới xin thì lại hỏi cái khác. Tết này lương thưởng thế nào? Mày cứ giả nghèo giả khổ. Sắp mua ôtô chưa? Bao giờ thì mua nhà riêng? Được đề bạt lên chức gì rồi?

Nản lòng vì câu hỏi kiểu trên nên trai làng đã in các khẩu hiệu treo cổng ngõ với dòng nội dung "Ăn tết văn minh, không hỏi thăm bao giờ lấy vợ". Có nhạc sĩ còn viết 1 ca khúc vì đề tài này.

Tương kế tựu kế, năm nay có "Gia Cát internet" hiến kế hãy trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi mới thực là "tiên hạ thủ vi cường". Chiến thuật phủ đầu bằng cách hỏi liên tục khiến người định hỏi không kịp hỏi lại nữa. Đại khái thế này:

Cháu chào bác ạ! Con bác có người yêu chưa ạ? Bác mua được nhà cho con giai cưới vợ chưa ạ? Nhà mình đã mua ôtô chưa bác? Con bác đã làm lãnh đạo chưa ạ? Lương hưu bác có khá không ạ? Có quà Tết từ cơ quan cũ không bác? Bác nên tập giảm cân đi. Nặng quá không tốt lắm đâu bác. Cháu xin phép bác cháu về ạ!...

Người hòa nhã hơn thì cho rằng, họ hàng bày tỏ quan tâm thôi, đừng có nặng nề. Giống như ngày xưa gặp nhau hỏi "ăn cơm chưa?" như lời chào thôi mà. Cả đời bạn sẽ phải đối mặt với những câu hỏi kiểu như vậy. Chấp nhận "sống chung với lũ" thay vì phản kháng rồi phải "sống trong sợ hãi" không dám về quê.

Xã hội văn minh khiến cho tự do cá nhân ngày càng được tôn trọng. Mỗi cá nhân sẽ tự trưởng thành và biết quyết định hạnh phúc và sự nghiệp của mình. Muốn theo kịp sự phát triển, chúng ta nên chăng cần tránh việc "đồng phục hóa" câu hỏi đi.

Còn bạn. Nếu đã có dự định gì cho năm mới thì xin chúc bạn vạn sự như ý nhé!

Lê Tâm
.
.
.