Cậu tôi trăn trối

Chủ Nhật, 20/08/2017, 16:10
Những cơn mưa dai dẳng, kéo dài cả tháng làm làng tôi gần như bị chìm trong nước lũ. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ lúc người ta làm thủy điện, cứ mùa mưa về, làng tôi giống như làng chài, nhìn đâu cũng chỉ toàn là nước. Và thường năm nào cũng cũng vậy, luôn có một vài người dân xấu số chết vì lũ.


Đã nhiều lần, dân làng tôi kéo lên xã yêu cầu không xả nước vào mùa mưa nữa, nhưng được mấy anh cán bộ nói rằng: “Cấp trên báo với chúng tôi là họ xả lũ đúng quy trình”. Và người làng tôi đành lủi thủi ra về.

Dù mưa như vậy, nhưng nhà cậu Hai tôi hôm nay lại đông người lạ thường, có nhiều người đứng từ đầu ngõ bàn tán xôn xao. Thì ra, cậu bị lũ cuốn, kẹt vào lũy tre làng. May có người thấy, nên cứu được cậu đưa về nhà. Dù được cứu, nhưng cậu trông yếu lắm. Cũng đúng thôi, với một người đã trên 70 tuổi, cả đời vất vả mưu sinh bằng nghề nông thì bị nước lũ cuốn dính vào bụi tre làm sao chịu nổi.

Cậu Hai tôi là anh cả trong gia đình 10 người con. Khi cậu 20 tuổi, ông bà ngoại tôi chẳng may bị tai nạn chết. Thế là cậu Hai phải làm đủ việc để nuôi 9 người em. Thương các em, cậu không lập gia đình, ở vậy nuôi đàn em. Cũng nói thêm, ông ngoại tôi đạp xe chở bà tôi lên huyện mua áo quần mới cho các con vào những ngày cuối năm âm lịch, chẳng may bị xe tải cán, rồi nó bỏ chạy luôn. Những người nông dân chúng tôi, ra đường thấy xe tải chạy là run hết người.

Ảnh minh hoạ.

Giờ đây, tuy đã ngoài 70 tuổi, cậu vẫn ở một mình. Nhà tôi gần nhà cậu Hai, nên tôi thường lui tới với cậu, cho nên cậu thương và xem tôi như con. Gia đình bên ngoại tôi tuy là 10 anh em, nhưng chỉ còn cậu Hai và mẹ tôi là bám trụ lại làng. Các dì các cậu của tôi đều đã đi vào Nam lập nghiệp, họ không sống nổi tại làng quê với mấy sào ruộng. Dù khó khăn, nhưng tất cả đều quyết ra đi.  Nên giờ đây, chỉ còn gia đình tôi là người thân của cậu Hai.

Thấy cậu nằm thoi thóp trên giường, nước mắt tôi giàn giụa. Cậu cầm tay tôi và nhìn tôi với ánh mắt yếu ớt. Cậu nói: “Việt à! Con đừng khóc nữa. Cậu sống bằng tuổi này rồi, có chết cậu cũng không ân hận gì. Nhưng cậu không có con, sợ sau này không ai nhang khói cho cậu”.

“Cậu an tâm đi! Con sẽ thường xuyên thắp nhang cho cậu, cũng giống như ba má con sau này” - tôi đáp.

Cậu chỉ dưới gầm giường: “Cậu để dành được 1 cây vàng và 2 triệu đồng. Sau khi cậu mất, con lấy số tiền này để làm đám tang, thuê thầy tụng và xây mộ cho cậu. Con tính toán sao cho chi tiêu hợp lý nhất, cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm”.

Tôi trả lời: “Dạ, con biết rồi, con sẽ làm theo lời cậu”. Cậu nhìn tôi với ánh mắt yếu ớt của người sắp đi xa, tay cậu vẫn nắm chặt tay tôi. Tôi nhìn cậu, nước mắt chảy dài, nghẹn ngào không thành tiếng, thương cậu quá, cả đời lo cho mẹ tôi, các cậu, các dì mà giờ chết trong hiu quạnh không con cái bên mình.

Cậu siết chặt tay tôi hơn, như sực nhớ ra điều gì, cậu dặn dò tôi trong giọng nói đã quá yếu: “À! Ở dưới giường có sẵn cái mo cau và một đôi dép lê. Con lấy 2 thứ đó, cầm thêm ít tiền đi xin giấy chứng tử cho cậu nha con, để cậu ra đi thanh thản”.

Tôi ngạc nhiên: “Tại sao cần tiền, mo cau và dép lê hả cậu? Con nghe nói xin giấy chứng tử đơn giản lắm mà! Có nơi chính quyền còn tự động làm giấy chứng tử đem tới tận nhà cho gia đình có người chết…”.

“Đó là địa phương khác, còn địa phương mình vừa rồi cậu nghe có người phải đi xin giấy chứng tử tới 6 lần, mòn cả đôi dép lê và còn bị chửi xối xả là đồ vô học, nên mình chuẩn bị trước vẫn hơn!” - cậu tôi thều thào.

“Dạ, con hiểu rồi” - tôi đáp. Cậu tôi nghe xong, dường như không còn điều gì bận tâm, nhắm mắt xuôi tay ra đi.

Ngoài trời vẫn đang mưa to.

Kim Việt
.
.
.