Cây trà của xứ Đồng Nai Thượng

Thứ Tư, 17/12/2014, 10:22
Lâm Đồng dãy đất cuối cùng của Tây Nguyên. Sau khi bác sĩ Yersin khám phá ra cao nguyên Lâm Viên ngày 21 tháng 6 năm 1893, đến năm 1927 người Pháp mang giống trà đến trồng thử nghiệm tại sở Cầu Đất, Ðà Lạt. Cũng năm 1927, tuyến đường Dầu Giây Đà Lạt thông thương, nên các ông chủ đồn điền muốn phát triển diện tích trà kéo dài xuống phía Nam.

Đồng Nai Thượng là tên cũ của tỉnh Lâm Đồng, nơi người Pháp đưa giống trà vào trồng từ những năm 20 của thế kỷ trước. Đến nay gần 100 năm trà trở thành cây công nghiệp, là mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu mang lại  nguồn lợi khá lớn cho đất nước mình. Đi trên quốc lộ 55, 20 và 27 đoạn qua Lâm Đồng, nơi nào cũng nhìn thấy những nông trại chè xanh với  hai chị em kinh thượng mang gùi ẩn hiện theo các triền đồi. Con đường ven các vườn trà này không những tạo nên một vùng quê trù phú mà còn làm say mê không ít lữ khách lên vùng Nam Tây Nguyên nắng gió.

Tại các điểm thu mua chè tươi ở nông thôn Lâm Đồng vào khoảng 12 trưa đến 1 giờ chiều, người ta thường gặp những người đàn ông cả Kinh lẫn người vùng cao mặc áo quần nhầu nhĩ chạy xe máy đa quốc gia với tốc độ 40km/h chở 1 người phụ nữ ngồi ngất ngưởng trên bao chè tươi khoảng 100 ký. Khi đến nơi bán, người vợ cân trà tính tiền rồi vội vã mua gạo, cá, mắm muối. Sau đó hai vợ chồng lên xe về nhà với gương mặt sung mãn, ẩn chứa sự hạnh phúc nhỏ nhoi. Bây giờ những đôi vợ chồng kia, tình yêu mặn nồng một thời dành cho nhau nay đã dồn sang con cái. Họ quên mình, miệt mài lao động vì tương lai cho các con nhiều hơn cho chính họ. Có lần tôi gặp hai vợ chồng người Mạ U45 đang ngồi đợi trả tiền trà tại một tiệm tạp hóa. Để mang lại tiếng cười cho khách, tôi mang một chùm bóng đá ra mời người vợ: “Banh mới nhập về cô ơi! Cô chú mua vài quả để đêm về đá với nhau cho vui”. Người vợ trả lời bằng giọng buồn buồn: “Giờ tập trung cho mấy đứa nhỏ ăn học, đá hết nổi rồi bác ơi!”. Người chồng mỉm cười, đưa mắt nhìn về dãy núi xa xăm, như nuối tiếc một thời.

Nhọc nhằn trên rẫy chè xanh

Anh Vũ Tâm định cư tại BLao từ năm 1955 là dân trồng trà chuyên nghiệp gần 50 năm. Hiện nay anh sở hữu 1 mẫu trà, 2 mẫu cà phê với một ngôi nhà khá khang trang nằm yên ắng bên khe nước, chân đồi. Anh Tâm là sĩ quan chế độ cũ hàm Thiếu úy bộ binh. Vườn chè nhà anh có hàng tre mỡ bao quanh, có ao cá khá rộng, mỗi lần nhà có chuyện vui, anh thường điện thoại mời tôi vào uống trà ngắm trăng hay ra ao giật vài con cá đem vào cho vợ chiên xù. Hai anh em nhâm nhi ly rượu đế, bình phẩm một thời đã sống. Cứ mỗi lần điện thoại, anh đều nhắc: “Chú mày đừng nói mình làm thơ, viết văn, viết báo nhé! Bà xã nhà tôi ghét mấy cha đó lắm, chuyện khá dài, nhưng xét cho cùng bà ấy có lý, đàn bà mà!”. Vì thế, mỗi lần vào nhà anh, tôi diễn vai một người xe ôm chuyên nghiệp. Những lúc có chị ngồi cạnh anh, tôi thường kể những câu chuyện trên trời dưới đất từ việc làm chè đểu, đến các em chân dài đứng đường trên quốc lộ 20, chị cười ngã lăn ngã ngửa. Có lần chị khen làm nghề xe ôm như chú cũng hay, biết được nhiều chuyện như Công an hình sự. Những lúc ấy, anh Tâm mỉm cười, đưa ngón tay cái lên dứ dứ. Dần dần anh chị xem tôi như em út trong nhà, lâu lâu có việc ghé thăm, lúc thì chị đãi tô khoai luộc, nải chuối chín cây, có khi cả đĩa xôi đậu đen với chén muối đậu phọng thơm lừng.

Vợ chồng anh Tâm là người lao động chính danh, quần quật suốt ngày trên vườn đất của mình. Ở Nam Tây Nguyên làm vườn bằng tay, không sang giàu như dân thành phố, nhưng cuộc đời no đủ thảnh thơi. Suy cho cùng đời người trước sau gì cũng về với đất, được cuộc sống như thế là hạnh phúc rồi. Hôm tát nước đìa, bắt được 2 con lươn gần cả ký, chị điện thoại nhắn vợ chồng tôi vào cùng làm món lươn om chuối xanh, đậu khuôn ăn với bún chấm mắm tôm. Chúng tôi mang theo một lít rượu Bàu đá mua tận Bình Định. Đến khi có tí rượu chị Tâm kể chuyện ghét 3 nhà: Văn, thơ, báo…

Số là nhà chị ở tận đường cụt, nhà xây, ao cá, sầu riêng trồng hỗn giao với chè, cộng với gió rừng quanh năm mát mẻ, nên nhiều anh chị viết văn làm thơ thường kéo đến chơi. Các ông bà ấy, sau vài câu vu vơ khen gia chủ, rồi cả nhóm ngồi tung hô nhau, kế tiếp chửi nhà thơ này, nhà văn kia bằng đại từ con, thằng. Chưa hết, họ còn gợi ý anh chị pha trà, nấu cơm hứa hẹn làm cho bài thơ, đăng cho bài báo. Lần sau lại đến cả nhóm cũng vẫn thế không thấy tặng thơ, báo gì cả! Sau này chị đi truy, mới phát hiện mấy ông mấy bà tự xưng các “nhà” này không có nghề nghiệp, học hành dang dở, chẳng làm việc cơ quan ngôn luận nào, chỉ đàn đúm đi chơi để mấy bà vợ, ông chồng ở nhà chạy ăn từng bữa. Theo chị như thế là người vô trách nhiệm, nhưng lại thích đi dạy dỗ, hành hạ người khác, chị đâm ra ghét lây.

Anh Tâm yên lặng, không nói gì, anh chuyển đề tài thăng trầm của cây chè của xứ BLao. Anh chép miệng: “Nghề trồng chè, trồng cà phê cũng có  nhiều cái hay, nhất là dùng nó để minh họa đời người, giáo dục con cái về sự tương tác giữa hai bên. Những năm trước do đầu ra, giá cả bấp bênh khiến người làm vườn xáo xác. Lúc chè tươi xuống giá dưới 1.000 đồng/ký, người ta đào gốc chè trồng cà phê, đến lúc cà phê nhân xuống dưới 10.000 đồng/ký người ta lại đào gốc cà phê trồng chè. Mọi thứ cứ như chiếc đèn cù, cuối cùng người làm vườn bị khánh kiệt. Có người theo chủ nghĩa “mackeno” bỏ hoang không chăm sóc, chạy lo tìm việc khác mưu sinh. Đó là nỗi buồn cho người có đất có vườn lại sống bằng nghề làm thuê, làm mướn ngay tại quê mình. Chú biết! Những năm ấy, nhiều lúc tự tay đào gốc trà hay cà phê của mình đang xanh tốt bỏ đi, nước mắt như muốn trào ra vừa tiếc của vừa buồn đứt ruột. Ai có lâm vào cảnh dở khóc dở cười này mới biết, nhiều người cứ tưởng nhà có vườn chè là sung sướng lắm!” Anh trầm ngâm vài phút như thủ thỉ với mình: “Chưa nói, phân tro, thuốc trừ sâu, mưa dầm nắng hạn trà cháy tới mức bi thương…”.

Những “cụ” trà về phố

Lâm Đồng dãy đất cuối cùng của Tây Nguyên. Sau khi bác sĩ Yersin khám phá ra cao nguyên Lâm Viên ngày 21 tháng 6 năm 1893, đến năm 1927 người Pháp mang giống trà đến trồng thử nghiệm tại sở Cầu Đất, Ðà Lạt. Cũng năm 1927, tuyến đường Dầu Giây Đà Lạt thông thương, nên các ông chủ đồn điền muốn phát triển diện tích trà kéo dài xuống phía Nam. Tư liệu cũ còn ghi lại rằng: Để thử nghiệm cây trà có sống được ở vùng đất này, người Pháp đã dùng máy bay rải hạt chè trên các cánh rừng thưa. Vài năm sau họ xuống tận buôn làng KHo, Mạ… đổi 1 cây chè con lấy một ký gạo nếu trên 10 cây sẽ được “khuyến mãi” thêm cá khô, nước mắm. Nhằm kiểm chứng tại vùng sơn nguyên này trà có thể phát triển bền vững! Qua việc gom nhặt cây con đã chứng minh rằng cây chè ở cao độ từ 1.000m trở lên mới có thể tồn tại. Nhờ thông số trên, người Pháp đã mạnh dạn lập ra các đồn điền trà dọc theo con đường mới mở trên tỉnh Đồng Nai Thượng. Vì vậy chè ở Lâm Đồng có hai loại: Loại trồng trên nông trại và loại chè hoang do thả hạt của đầu thế kỷ trước.

Chính vì thế, gần đây trên các quốc lộ này lại xuất hiện các điểm bán “cụ chè”. Chúng là những gốc trà già được đào bới trong rừng mang về xếp dọc đường để chào bán. Hằng ngày có những chiếc xe du lịch, xe tải nhỏ chở gốc trà chạy như bay về phố, các cành lá chè xanh phất phơ theo gió như vẫy chào cao nguyên một thời đã sống.

Để tìm hiểu sự mua bán “các cụ” trà này, chúng tôi mượn xế hộp, đóng vai đại gia, ghé thăm hai cơ sở bán gốc chè tươi. Trong vai người sang trọng nước hoa thơm phức mua với số lượng lớn nên được các ông chủ tiếp đón nồng hậu. Ông chủ trà kiểng dẫn chúng tôi đi hết cả trăm gốc chè đã được bó bầu rễ cẩn thận cho biết: “Các gốc chè này được đào bới từ trong rừng hay các vườn chè hoang. Chúng tôi là dân trồng chè nên đoán được tuổi. Cây này khoảng 50 năm tuổi, cây này khoảng 60 năm tuổi và cây kia khoảng 30 năm tuổi”. Khi được hỏi về giá cả ông cho biết: “Một gốc chè cổ ở vườn, nhiều lúc chỉ vài triệu đồng nhưng khi mang vào chậu cho bén rễ lên đến vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng. Cơ sở chúng tôi không những bán cho các tỉnh thành phố phía Nam mà còn bán ra miền Trung và Bắc”. Ông chủ còn cho biết: “Sở dĩ chè cổ được ưa chuộng vì ngoài mục đích làm cây cảnh, người chơi còn có thể hái đọt pha trà. Theo một số tài liệu, đọt chè cổ có hàm lượng giải độc cao gấp nhiều lần chè bình thường”.

 Tạm biệt ông chủ, sau khi xin số điện thoại hẹn một vài ngày sau trở lại. Đến quán cà phê, chúng tôi nhờ xe ôm tìm những người chuyên nghề đi săn các “cụ” chè trong rừng. Chỉ một vài tiếng đồng hồ anh Hải xe ôm dẫn đến hai thợ săn chè cổ. Anh cao to tên là Võ Thạnh, anh có nước da màu cà phê sữa là KHẻm, hai người có gần 10 năm đi tìm gốc chè xưa. Thạnh cho biết: “Vài năm trước, vùng Lộc An này vẫn còn khá nhiều chè cổ, nhưng bây giờ hiếm lắm, muốn tìm được gốc chè vài chục năm tuổi phải đi lùng rất xa. Còn những cây 70-80 tuổi thì năm thì mười họa mới gặp. Tìm được một cây chè cổ đã khó, việc đào gốc còn khó hơn. Đối với những cây lớn, phải đào một ngày cho xong, vì nếu để qua đêm có thể bị bốc hơi”. Anh còn cho biết từ khi gốc chè có giá, nạn đào trộm cũng xảy ra khá nhiều.

Đang câu chuyện rôm rả về săn lùng “cụ chè”, tình cờ gặp khách Biên Hòa, Mỹ Tho ghé quán. Họ là những người mua chè cổ ở Lâm Đồng vài năm nay mang về đồng bằng vừa làm cây kiểng vừa là điểm mua bán cho những ai yêu thích. Anh Lâm Quang, khách mua ở Biên Hòa cho biết: “Cây trà có đặc điểm khác với mai, si, tùng, sanh… là có tuổi thọ cao, dễ chăm sóc và không phải canh cho hoa nở đúng vào dịp tết, bởi trà là cây chơi thân và lá, thay vì chơi hoa. Hơn chục năm trước đã có người mua cây trà ở đây về bán lại với giá 300 ngàn đồng/gốc. Thời điểm đó, thấy dáng cây trà hay hay, tôi cũng mua một gốc về nhà, mục đích trưng bày trong vườn cho đẹp. Mỗi lần có bạn đến chơi, tôi hái lá pha trà mời. Nhiều người thích thú cảnh cây nhà lá vườn, nên hỏi mua. Từ đó, tôi thành người chơi kiêm người bán cây trà”.

 Theo anh Quang, để có những gốc trà giá trị, đẹp về kiểu dáng, tốt về chất lượng, người mua phải tuyển chọn khắp các nơi. Mua về rồi phải dùng kiến thức nâng giá trị lên, tạo nét ấn tượng độc đáo. Anh chặc lưỡi: “Nghề nuôi trà kiểng gần giống như nghề đẻ thuê ông ơi! Có nghĩa là nhận tiền để mang thai nhưng khi sinh con ra vừa giao con vừa khóc. Cây trà cũng vậy mình mua về chăm sóc thầm thì như bạn. Cây trà gắn liền với mình sáng chiều, trở thành người bạn tri kỷ. Nhiều lúc xong giá, họ mang đi mình cứ đứng nhìn theo trong tâm trạng bẽ bàng. Nhưng không phải tất cả đều sống 100%, vì thay đổi môi trường, khí hậu, chưa nói chết khô vì bể bầu hoặc đứt bộ rễ trong lúc vận chuyển”, anh Quang trải lòng.

Những đại gia chè KHo

Chúng tôi đến buôn Bờ Kọ thuộc xã Lộc An huyện Bảo Lâm. Đây là vùng đất được cho là chất lượng trà lý tưởng nhất của Nam Lâm Đồng và cũng là nơi phố “cụ chè” đông khách nhất dọc theo quốc lộ 20. Buôn Bờ Kọ dải đất bằng nằm theo suối lớn Đạ Dàm chi lưu của sông Đạ Rngaa, nơi mà năm 1930 người Pháp đã chọn để thành lập đồn điền chè.

Già làng ở Lâm Đồng hiện nay tuổi đời từ 60 đến 70, già đi xe máy, điện thoại di động cầm tay, có người còn sử dụng cả máy tính. Già làng KĐèo ở Bờ Kọ, sinh năm 1953, học hết cấp I, tham gia quân đội chế độ cũ, nhưng bố là cán bộ đảng viên cách mạng. Sau năm 1975, ông KĐèo tham gia lực lượng du kích xã tiêu diệt FULRO, kêu gọi bà con trong buôn không quan hệ và không nghe lời kẻ xấu. Chính vì thế, ông không những được Nhà nước khen thưởng còn được bà con bầu làm trưởng thôn rất nhiều năm. Ông KĐèo kiên quyết không để bà con trong buôn nghèo nàn khi trong tay có đất đai mầu mỡ, nên ông kêu gọi mọi người trồng chè, cà phê cao sản để kiếm cái ăn và vươn lên làm giàu ngay tại vườn đất của mình. Thôn Bờ Kọ cũng là thôn đạt tiêu chí văn hóa năm 2009. Toàn thôn có 102 hộ, 725 khẩu, với 113 mẫu cà phê lẫn với cây chè. Trong những năm chiến tranh, Bờ Kọ là nơi ủng hộ cho cách mạng nhiều nhất. Chính vì thế trong thôn có đến 92 người được Nhà nước thưởng Huân, Huy chương kháng chiến.

Hiện nay, nếu nói về tiềm lực kinh tế vườn, thôn Bờ Kọ khá giàu có. 100% là nhà tường, mỗi nhà đều có tivi, xe máy, điện thoại di động cầm tay. Cá biệt có 8 biệt thự kiểu Thái từ 2 đến 4 tầng. Gia đình K Xat Seoh mua cả xe con giá 700 triệu đồng từ nguồn trà và cà phê ghép. Các con của già làng KĐèo bây giờ là những đại gia ở thôn Bờ Kọ.  

Đến gặp già KĐèo trong lúc ông đang cặm cụi đan gùi. Tôi chào ông bằng thổ ngữ KHo. “Ông KĐèo được phong chức đại gia mà ngồi đan gùi hơi bị lạ”. Ông ngẩng đầu lên cười khằng khặc làm một tràng KHo dài ngoằn, thấy chúng tôi đực mặt ra, ông chuyển sang tiếng phổ thông: “Mình thì đại xương thôi, chứ  da gì, mấy thằng con mình mới đại gia. Tụi nó giàu hơn mình nhiều. Bây giờ mình có chút tuổi nên không đi rẫy nữa, ở nhà đan gùi kiếm ăn thôi. Ngồi đó chơi đi mình mang gùi cho xem, có ưng bụng mua một cái kỷ niệm, còn không thì thôi, không ép mà”.

Ông KĐèo tưởng chúng tôi là dân mua gùi, nên mang ra 3 chiếc từ nhỏ đến lớn và một túi pùlơ dùng để ăn cơm thay tô chén đặt lên bàn giải thích: “Cái gùi bằng bàn tay xòe này, nó nhỏ nhưng mắc tiền lắm đó, vì công vót nan cực khổ lắm đó, những cái càng to thì càng rẻ hơn. Riêng cái pù lơ chỉ 300 ngàn thôi, vì pù lơ hiện nay người ta không dùng nữa, chỉ làm cảnh thôi. Người Yuôn (Kinh) thường hay mua lắm, còn bà con KHo thì đi rừng chặt tre về mình chỉ bỏ công ra tre, ngâm rồi phơi đan thôi”. Già làng đang ngồi ngửa mặt lên nhìn và nói một cách hiền từ.

Biết chúng tôi đi tìm hiểu về buôn làng làm giàu từ trà. Ông chặc lưỡi: “Nãy giờ cứ tưởng là người đi mua gùi, đợi mình mặc quần rồi dẫn đi quanh buôn. Ai lại dẫn cán bộ đi mà mặc quần đùi, phải lịch sự theo tiêu chí của thôn văn hóa chớ!”. 

Đến buôn Bờ Kọ vào lúc 2 giờ chiều, đã cuối giờ thu mua chè tươi nhưng trên đường bê tông xóm, vẫn còn nhiều cặp vợ chồng KHo chở chè  chạy vù vù đến điểm thu mua. Tại đầu mối việc mua bán vẫn còn khá nhộn nhịp, các vựa trà sau khi thu xong trải ra nền đất, xanh cả một phần diện tích. Ở Bờ Kọ, người KHo có hai nguồn thu nhập chính là trà và cà phê. Trà dùng để chi tiêu hằng ngày, mỗi tuần hái một lần, mỗi lần vài trăm ký với giá 1 ngàn rưỡi đến 3 ngàn đồng/ký, tùy theo tốt xấu. Còn cà phê dùng để tích lũy, trung bình mỗi hộ có trên một ha, hộ khá giả 5ha. Với sản lượng cà phê ghép hiện nay có nhà đạt được 10 tấn nhân giá cà phê nhân giá trên 30 ngàn đồng/ký. Vì vậy không ít gia đình KHo trở thành đại gia nhà cao cửa rộng.

Ông KĐèo dẫn chúng tôi đi thăm các biệt thự của người KHo trong buôn Bờ Kọ. Những ngôi nhà xây kiểu Thái 3-4 tầng đứng sừng sững giữa trời xanh mây trắng tỏa bóng lên vườn chè, cà phê. KXat Seoh, người có ngôi biệt thự và chiếc xe con mới mua đập vai tôi lắc lắc “Giàu như vầy thì ăn thua gì, ông KPhèn ở Di Linh biệt thự còn to hơn, có 4 đứa con đi học ở tận Sài Gòn. Giàu thế mới ngon. Vài năm nữa, mình cho con mình đi học tận Hà Nội luôn cho nó oách”.

* * *

Trên đường rời buôn Bờ Kọ, tôi cứ nhìn về những dãy núi mù sương ở đầu nguồn sống Đạ Đờn. Tôi lại nhớ dưới những cánh rừng kia là buôn làng của đồng bào KHo, Mạ. Nơi ấy, một thời những người đàn ông đóng khố, mình trần, những người đàn bà quấn ùi nhầu nhĩ, đứa trẻ 10 tháng tuổi ốm tong teo ngậm nấm vú teo tóp của mẹ day ngang day dọc... Những hình ảnh xa xôi ấy bây giờ như chuyện cổ tích, mà đâu phải xa xôi gì, chỉ mới vài chục năm đang còn nóng hổi. Từ ngày Nhà nước định canh định cư và rồi từ cây chè và cà phê tạo nên sự đổi đời với các bộ tộc KHo, Mạ. Buôn làng bà con ở Bờ Kọ bây giờ mang dáng phố quê, rất khó tìm được ngôi nhà dài ong ong màu khói. Chứng tích 80 năm, những cây chè của người Pháp hôm nay trở thành màu xanh bất tận.

Trần Đại - Nghiêm Truật
.
.
.