Không có gì mà ầm ĩ cả

Chả giấu gì bác

Thứ Tư, 22/02/2017, 14:42
Đừng để những người hảo tâm trở nên lạnh lùng vì mất niềm tin. Đừng để những người tốt không dám làm việc thiện. Đừng để người tốt sẵn sàng nói dối để mong an lành. Cuộc sống không có gì vội. Chúng ta cần sự chân thực đứng đầu mọi thứ.


Chúng ta thường tự hào về phẩm chất chân thực. Số đông là như thế, nhưng hễ mở mồm ra là hay nói câu "Chả giấu gì bác", "Chả giấu gì thủ trưởng"… Cái câu cửa miệng này mang trong đó sự hoài nghi về độ chân thực. Nếu thật thà sao phải thanh minh chuyện không giấu? Một thói quen có tính lây nhiễm và nguy hiểm.

Chuyện cô Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên Tạ Thị Bích Ngọc đi taxi vào trường làm gãy chân học sinh Trần Chí Kiên đã gây phẫn nộ những ngày qua.

Thay vì nói thật và giải quyết chu đáo, cô Hiệu trưởng đã tìm cách làm cho giáo viên, phụ huynh tin rằng học sinh nói trên đã tự ngã và gãy chân. Muốn tự ngã mà gãy chân chẳng dễ.  Nhưng đời sống hiện nay nhiều thứ hoang đường còn tồn tại dai dẳng hơn cả những sự thật hiển nhiên.

Thật khó tin là lãnh đạo nhà trường đã tổ chức lấy ý kiến khảo sát để khẳng định chẳng ai thấy chuyện taxi chở cô hiệu trưởng gây tai nạn cả. Đây là động tác mang tính bảo vệ Hiệu trưởng. Dường như thói quen giả vờ điếc, giả vờ mù, giả vờ câm đã là một lối sống mặc định.

May thay, không phải tất cả đều im lặng. 18 giáo viên đã không đứng về phe những thông tin giả.

Nếu cô Hiệu trưởng chọn cách ứng xử khác thì câu chuyện không đi quá xa như vậy. Việc gây ra tai nạn đương nhiên liên quan trực tiếp đến anh tài xế chứ không phải là khách hàng của taxi. Có thể do quá hoảng sợ mà tính quẩn dối quanh. Nhưng dù thế nào thì việc thiếu trung thực là điều không thể chấp nhận.

Sự nghiệp "trồng người" không thể chấp nhận một lãnh đạo giáo dục ứng xử thiếu trung thực. Dư luận cho rằng, cô Hiệu trưởng nên từ chức.

Minh họa của Lê Tâm.

Cô Hiệu trưởng đã bị đình chỉ chức vụ và sẽ bị chuyển công tác. Chuyển xuống hay chuyển ngang, hay nhảy lên thì chưa biết. Hy vọng việc điều chuyển này cũng là việc xử lý nghiêm thật sự.

Đừng quên rằng chúng ta có một núi xử lý nghiêm kiểu ảo. Hy vọng ngôi trường này sẽ có được một Hiệu trưởng mới trung thực mạnh mẽ. Hy vọng, cháu Trần Chí Kiên sớm bình phục và câu chuyện khép lại. Ngành Giáo dục cần mang lại niềm tin cho con em chúng ta.

Chuyện khác tại phía Bắc Hà Nội. Chuyện làm ân mắc oán. Chị Dung bị taxi va chạm. Anh Sơn tình cờ thương tình đưa đi viện điều trị chấn thương.

Chị Dung nhờ anh Sơn gọi điện thoại cho người thân. Người thân của chị Dung là Khá đã đến bệnh viện và cầm dao đâm anh Sơn xuyên phổi do tưởng anh Sơn là kẻ gây tai nạn.

Đây không phải chuyện hiếm gặp mà đã có những chuyện tương tự từ lâu. Thói quen hành động cảm tính đã đẩy không ít cuộc đời vào vòng lao lý. Thậm chí người làm ơn còn bị mất mạng.

Người ta băn khoăn rằng, thấy người bị tai nạn thì cứu hay bỏ mặc? Nhìn người bị nạn thì thương, nhưng nghĩ đến người thân của nạn nhân thì lại thấy khôn lường. Hỡi những người thân của nạn nhân. Hãy bình tĩnh, đừng để tay nhanh hơn não! Hãy biết sử dụng não trước mọi hành động!

Đừng sống trong tình trạng "nuôi mãi không lớn".

Đừng để những người hảo tâm trở nên lạnh lùng vì mất niềm tin. Đừng để những người tốt không dám làm việc thiện. Đừng để người tốt sẵn sàng nói dối để mong an lành. Cuộc sống không có gì vội. Chúng ta cần sự chân thực đứng đầu mọi thứ.

Còn bạn, bạn có hay sử dụng câu "Chả giấu gì bác" hay không?

Lê Tâm
.
.
.