Chàng “cao bồi” trên cao nguyên Đà Lạt

Thứ Bảy, 27/09/2014, 11:00
Nguyễn Anh Dũng ẩn chứa chất phóng khoáng, bay bổng và có phần ngang tàng của một tay “cao bồi” thật sự ở xứ cao nguyên Lâm Viên, Đà Lạt. Anh có tư chất của một thi sĩ đồng cỏ, với những chú ngựa từ khi còn nhỏ. Tuổi Bính Ngọ (1966), có lẽ vì thế mà anh gắn bó với đời sống của một bầy ngựa từ lúc mới lên mười, ở trại đua ngựa Phú Thọ, Sài Gòn. Kiếm miếng ăn đầu tiên từ việc chăn ngựa. Đêm đêm thường mơ về những đồi cỏ xanh non và thảo nguyên bát ngát tới chân trời…

Người ngựa - Ngựa người

Tìm đến nhà của Nguyễn Anh Dũng không dễ chút nào, mặc dù từ trên đồi cao rẽ xuống con dốc chừng vài trăm mét là tới đường Hồ Xuân Hương. Chúng tôi cứ theo địa chỉ đã ghi ấp Nam Hồ, phường 11, TP Đà Lạt, thì có mà mất cả ngày. Lại đúng lúc trời đổ mưa nữa. Loanh quanh mãi mới xin được số điện thoại của anh. Chúng tôi đứng im một chỗ để anh ra đón. Một anh chàng tóc đuôi ngựa, có đôi mắt ngựa, đội một chiếc mũ da rộng vành, mặc bộ đồ bò sờn nham nhở, cùng với con “ngựa sắt” Vespa cũ nổ bành bành xuất hiện. Tôi ngạc nhiên nhưng biết ngay đó là chàng “cao bồi” Nguyễn Anh Dũng của đồng cỏ Đà Lạt là đây.

Khi vượt con dốc dựng đứng và trơn ướt mới hay đúng là nhà của cao bồi thảo nguyên mênh mông hoa Cẩm Tú Cầu vây quanh. Mưa bay, nghiêng nghiêng gió, mái tóc đuôi ngựa ấy như dẫn dụ chúng tôi vào cõi thần tiên. Hoa và hoa. Nhưng khi vào trong nhà ai nấy đều ồ lên khoái chí bởi đã lạc vào cõi khác. Anh nói đây là cõi ngựa người và người ngựa. Bởi chung quanh anh là hàng chục bộ yên ngựa và mũ của những người chăn ngựa. Trên sàn nhà bề bộn những miếng da bò các loại để bọc yên ngựa. Anh hồ hởi vỗ ngực nói, giờ đây con ngựa này, tức là anh, sống được là nhờ làm những yên ngựa cho thiên hạ cưỡi đi chơi. Anh cười hà hà một cách sảng khoái rồi kết luận, hiện chỉ có mình anh hành nghề làm yên ngựa. Nếu không nói cha con anh là người đẻ ra cái nghề làm yên ngựa nơi đây.

Anh bồi hồi kể lại, sau khi rời trại ngựa Sài Gòn lên Đà Lạt sinh sống cùng gia đình, anh trở lại nghề chăn ngựa. Anh nhớ một thuở Đà Lạt có tới hàng trăm cỗ xe ngựa đưa du khách đi dạo quanh khu cao nguyên rộng lớn này. Trở lại quê hương anh mới thỏa mãn được những ước mơ phi ngựa trên đồng cỏ. Chàng “cao bồi” như cá được gặp nước, tha hồ bay bổng lãng mạn với những thảo nguyên xanh mướt cùng những rừng thông vi vút suốt ngày đêm. Thế rồi ít lâu sau, anh dong con ngựa của gia đình lên đồi, hay vào khu du lịch hồ Than Thở để phục vụ khách du lịch chụp ảnh làm kỷ niệm.

Dũng "cao bồi".

Bất ngờ có lần du khách gợi ý nên có yên ngựa chụp ảnh sẽ đẹp hơn. Dáng dấp hơn, yên tâm khi ngồi trên lưng ngựa. Vậy là hình ảnh những chiếc yên ngựa hiện lên như ám ảnh Nguyễn Anh Dũng, với dáng hình oai phong và quyến rũ của những chú ngựa. Anh đi tìm nhiều mẫu mã yên ngựa để chụp ảnh ghi nhớ. Bất kể phim nào có cảnh ngựa phi là anh cũng vội phác thảo lại đúng hình dáng của yên ngựa mới biết. Rồi bất ngờ một hôm, anh nằn nì nói với bố đi tìm mượn một cái yên ngựa của người quen trong thành phố để nghiên cứu cách làm. Thế là cả đêm hôm đó hai bố con hì hục “mổ” con yên ngựa của Pháp sản xuất từ xưa còn sót lại. Nào vẽ. Nào đo. Nào khâu. Nào máy. Làm đi làm lại mấy lần nên thuộc. Nguyễn Anh Dũng hăm hở bắt tay vào làm chiếc yên ngựa đầu tiên, với nhãn “Made in Dalat”-1983. Khi đó anh vừa tròn 17 tuổi, trở thành người đầu tiên làm nghề “thời trang yên ngựa”.

Nhiều chủ ngựa đã tìm đến. Nhiều nài ngựa đã đặt hàng. Bởi lẽ nếu đặt hàng mua yên ngựa ngoại nhập thì đắt mà còn phải chờ đợi rất lâu. Thậm chí thời gian đầu, cốt yên ngựa của Nguyễn Anh Dũng chỉ bọc nhiều lớp vải simili, cũng nhiều người sẵn sàng mua. Giá lại rẻ. Khi ngựa lên yên nom đẹp dáng hẳn. Hơn nữa còn có người đòi sắm yếm ngựa nữa chứ. Anh cũng nghiên cứu làm. Một thời gian sau yên ngựa được bọc da màu lại càng tôn dáng ngựa lên một bậc làm khách du lịch rất thích thú. Chung quanh bộ yên ngựa còn những phụ kiện khác như dây ức, dây đuôi và khớp miệng để nài ngựa điều khiển dây cương. Nghĩa là bộ yên trở thành món hàng thời trang da đặc biệt cho một chú ngựa. Có người hỏi đến nay, 2014 năm Giáp Ngọ, anh đã làm được bao nhiêu yên ngựa. Nghĩa là đã hơn 30 năm. Anh bèn giở sổ ghi chép tính đếm, cả khách nước ngoài và các tỉnh nữa thì phải đến vài ba trăm bộ yên ngựa. Anh kể có năm gia đình anh được đặt làm tới 50 bộ. Mọi người phải làm ngày làm đêm mới hoàn thành. Anh nhún vai cười có ý mãn nguyện với 30 năm kiếm ăn trên lưng ngựa.

Chuyện vui quanh chiếc yên ngựa

Bỗng dưng câu chuyện chuyển hướng, vì có người vỗ vào cái yên ngựa nói, cái cốt gỗ của yên ngựa như thế này thì cứng chết. Ngựa không đau à? Nguyễn Anh Dũng bất ngờ cười lớn rồi bộc bạch, thì điều bí ẩn của người đóng yên ngựa là ở chỗ đó, nếu không nghiên cứu lưng ngựa đâu dễ làm. Cốt gỗ phải đẽo gọt theo độ cong của lưng ngựa. Rồi anh kể không biết bao nhiêu chuyện ngã ngựa ở cái xứ này cũng chỉ vì cái yên.

Tất nhiên anh giải thích, việc ngã ngựa cũng là chuyện ngày thường ở huyện, nếu không có yên. Những người dân tộc Lạch ở đây biết cưỡi ngựa từ nhỏ. Họ còn dạy cho bọn trẻ biết cách ngã khi bị rớt khỏi lưng ngựa. Vậy nên cuộc thi ngựa mới đây vào tháng 5/2014, các kỵ mã đều thi ngựa không yên mới khó. Trong cuộc thi có kỵ mã bị ngựa hất xuống đất trong khi phi nước đại, nhưng đã có “võ” ngã ngựa nên anh ta chỉ bị xây xát chứ không gẫy xương.

Còn chuyện ngã ngựa khi có yên chất lượng kém cũng hay xảy ra và còn nguy hiểm hơn. Anh nhớ lại các nghệ sĩ đóng phim có phi ngựa như Chánh Tín, Phương Thanh, Đan Trường hay như Trấn Thành mới đây cũng có nhiều kỷ niệm. Riêng ca sĩ Đan Trường có vía át ngựa thế nào đó. Có lần đi khá nhanh để quay phim nhưng vì chiếc yên quá cứng đè lên lưng làm ngựa đau, nó lồng lên. May tay nài ngựa Đan Trường cứng cựa đã nhổm người điều khiển dây cương, y như một tay kỵ mã chính hiệu, nên mọi chuyện diễn ra êm đẹp. Những thước phim rất đẹp và có thần là vì thế.

Tỉ thí trận đấu ngựa ở Đà Lạt.

Còn chuyện NSƯT Hồ Kiểng bị ngã ngựa gãy xương sống phải chữa trị đến nửa năm phim mới quay tiếp tục được. Tìm ra nguyên nhân cú ngã cũng chỉ vì chiếc yên không đúng tiêu chuẩn. Bởi lẽ mỗi khi ngựa đau, mà người cưỡi không phải là chủ là nó hất ngã ngay. Thảo nào tôi bỗng nhớ có lần nghệ sĩ Lý Huỳnh làm phim dã sử hồi năm 2010 đã phải thuê tới 70 con ngựa đóng phim nhưng đều không có yên ngựa chuẩn nên những cảnh quan trọng và táo bạo đã phải thuê các nài ngựa người dân tộc Lạch ở Đà Lạt đóng thế mới được.

Nguyễn Anh Dũng chợt nhớ đến chuyện ông nội anh từng kể lại vào năm 1893, bác sĩ, kiêm thám hiểm gia A.Yersin, lần đầu đến cao nguyên Lâm Viên. Để khám phá ra vùng đất Lang Biang, ông đã phải cưỡi ngựa không có yên đi mấy ngày liền trong rừng. Những người Lạch dẫn đường khi đó dù đã phải đệm những tấm khố dầy và cả thổ cẩm trên lưng ngựa, nhưng vẫn phải có người đi hai bên, đề phòng mỗi khi ông bị hất ra khỏi lưng ngựa, chỉ vì không có chiếc yên cho tử tế. Vậy đó, lúc này Nguyễn Anh Dũng nhìn chiếc yên đang làm dở với đôi mắt suy tư nhưng lại ánh lên những niềm vui đến mênh mông như đang phi ngựa trên đồng cỏ vậy.

Vĩ thanh

Khi chia tay, anh Dũng dẫn chúng tôi ra vườn hoa Cẩm Tú Cầu và nhìn về phía hồ Than Thở. Vậy ra nhà anh ở ngay phía đầu con hồ nổi tiếng này. Anh nhớ ở nơi ấy trên những đồi cỏ xanh mình đã có những cuộc đua ngựa với chúng bạn, cùng với bao kỷ niệm về những ngày bươn chải dẫn ngựa đi kiếm ăn từng đồng bạc. Và, ở cái hồ đẫm lệ này đã níu chân du khách bởi câu chuyện tình bi thương giữa cô giáo Thảo với chàng sĩ quan trẻ ngày nào. Họ nguyện đến cái chết cũng phải nằm bên nhau.

Chàng “cao bồi” Nguyễn Anh Dũng vuốt mái tóc đuôi ngựa đã có sợi bạc, giờ đã bước sang tuổi ngũ tuần, nhưng không thể nào quên chiếc yên ngựa đầu tiên đã hiện lên, trên những thảm cỏ của đồi thông hai mộ này. Chúng tôi chụp ảnh chung với anh cùng chiếc yên ngựa mầu trắng rồi tạm biệt. Anh bỗng dừng chân, như chẳng muốn chia xa. Chính vì lẽ đó hay sao mà một cô bạn trong đoàn bỗng đọc lên mấy câu thơ cổ: “Đà Lạt có thác Cam Ly/ Có hồ Than Thở chân đi sao đành”. Tôi chợt nhìn thấy trên khóe đôi mắt ngựa ấy ứa lệ… Một nỗi buồn phảng phất, cùng chiếc mũ của người chăn bò ngày nào trôi trong sương bay

Duy Anh
.
.
.