Châu Âu trong mắt người trẻ 9X hay những câu hỏi khi ở một nơi nào đó thật xa

Thứ Hai, 18/02/2013, 15:25
Thế hệ của tôi luôn nhìn châu Âu là một thiên đường để mình được thoải mái trong lối sống mà không bị bố mẹ kiểm soát ở lứa tuổi vị thành niên nhưng với những gì tôi thấy thì để vươn tới một cuộc sống tự kiểm soát được bản thân mình thì thế hệ tôi cần phải tự bổ trợ cho mình nhiều thứ lắm.

Thế hệ tôi là những thanh niên hai mươi tuổi sinh ra vào đầu những năm 90 của thế kỉ XX. Đúng thời điểm này đất nước mở cửa đã tạo ra cho những người trẻ như chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với văn hóa, lối sống đến từ nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới để từ đó lựa chọn cho mình một lối sống, một lối suy nghĩ trong quá trình hình thành nhân cách.

Sống ở một đất nước mang đậm dấu ấn văn hóa phương Đông nên việc lựa chọn cho mình một luồng văn hóa khác như phương Tây được thế hệ tôi ưu tiên lựa chọn qua ngôn ngữ để giao tiếp, âm nhạc để lắng nghe và phim ảnh để học hỏi. Thậm chí đó còn là mục tiêu phấn đấu của tôi và rất nhiều bạn bè trong học tập để giành một suất học bổng sang châu Âu – nơi đã cho thế hệ chúng tôi tiếp cận nhiều điều mới lạ khác với mảnh đất đang sống.

Tôi đã thành công với mục tiêu ấy của mình khi bước vào ngưỡng cửa của người trưởng thành và lúc này đây sau những chặng đường đã đi tôi cũng đang bắt đầu từng bước điều chỉnh lại tương lai mà một 9X trước đây vẫn luôn tự hào.

Hành trình chinh phục giấc mơ

Trong giấc mơ của tôi châu Âu luôn hiện ra với vẻ đẹp của lục địa già nua, cũ kĩ mang trong mình những câu chuyện kì diệu luôn có hoàng tử, công chúa xinh đẹp sống ở các tòa lâu đài hình chóp nhọn nguy nga, lộng lẫy, tiệc tùng thâu đêm cùng dân chúng như các cuốn truyện cổ tích bố mua cho mỗi khi đi hiệu sách.

Lớn lên một chút, qua băng đĩa và phim ảnh thì châu Âu lại mở ra trước mắt tôi hình ảnh của những người trẻ chân mang ván trượt trên đường phố, quần áo thời trang trong bữa tiệc cuối cấp, hẹn hò với các bạn cùng tuổi mà không bị bố mẹ, thầy cô cấm đoán.

Và khi lên máy bay sang châu Âu học tập tôi vẫn mang theo vẹn nguyên những kí ức và dự định ấp ủ từ lâu khi đến một nơi xa cách nhà mười mấy giờ bay. Cuộc sống của thế hệ 9X chúng tôi có lẽ đơn giản hơn rất nhiều so với các thế hệ 6X, 7X thậm chí là cả thế hệ 8X khi đến học tập, sinh sống ở châu Âu.

Nhờ mối liên kết công nghệ rộng lớn trên khắp thế giới và được học ngoại ngữ có tính chất thông hành nhất ngay từ bé nên chẳng khó khăn gì khi thế hệ chúng tôi tự mày mò ra các chương trình đào tạo phù hợp với năng lực, tình hình tài chính của mình mà gửi thư xin học đi đến khắp các ngôi trường danh tiếng ở châu Âu, nơi mà trước đây hầu như không có xuất hiện những lá đơn từ một đất nước châu Á đang vươn lên khôi phục đất nước sau chiến tranh gian khổ.

Chúng tôi là thế hệ được thừa hưởng những giá trị tốt đẹp nhất mà xã hội dành cho và cũng đang đợi chúng tôi đem những bài học quay trở lại đất nước để phục vụ cộng đồng.

Khi biết tôi có ý định xin học bổng ở châu Âu, mẹ đã gợi ý cho tôi một vài ngôi trường có quy mô đào tạo giáo dục tại châu Á với khả năng được nhận cao hơn. Nhưng thú thực ngoài vấn đề lớn nhất ngăn cản chúng ta đến học tập tại châu Âu là chi phí cao và đắt đỏ khó có gia đình nào tự bỏ chi phí ra được dù là khóa ngắn hạn thì chúng ta cũng chẳng thua kém về bất cứ mặt nào. Thậm chí với sự cần cù chịu khó thì kết quả của chúng tôi còn cao hơn các bạn đến từ chính các nền giáo dục tân tiến.

Châu Âu với thế hệ chúng tôi vừa là một nơi xa xôi nhưng cũng là một nơi gần gụi nếu chúng ta sẵn sàng đối mặt với nó. Gia đình tôi không phải là gia đình có thể bỏ ra số tiền lớn để sang châu Âu học tập mà chính những bài học trên lớp như bao bạn bè khác suốt thời phổ thông đã đem cho tôi cơ hội đi sang châu Âu học tập. Tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ những giờ ngồi làm bài và học những mẫu câu khác với tiếng mẹ đẻ đã đưa tôi đi xa đến thế. Có chăng là chính những nơi xa xôi đó luôn cần đến những người ở xa xôi khác đến để được một lần giới thiệu về đất nước, văn hóa và muốn chúng tôi là sứ giả làm cầu nối xóa nhòa đi khoảng cách về địa lý, văn hóa để mọi người xích lại gần nhau hơn chứ không còn cách biệt như những thập kỷ, thế kỷ khác.

Châu Âu cách đây mấy mươi năm gần như chỉ có những người Việt Nam ở một vài quốc gia nhất định nhưng giờ đây khi đi trên xe bus, vào quán ăn, trên đường phố trong chuyến đi xuyên châu Âu, tôi có thể hoàn toàn gặp được những gương mặt trẻ giống như mình. Đôi khi không phải là qua giọng nói giữa phố đông đúc xen lẫn nhiều ngôn ngữ mà là những chiếc áo có in lá cờ quốc kì đặc trưng đi trên phố như là một niềm tự hào về mảnh đất mình đến khiến tôi không thể nào nhầm lẫn được. Ở giữa châu Âu giá lạnh thấy một ánh nắng vàng mặt trời xứ nhiệt đới cũng đủ khiến ta ấm lòng.

Đi để trưởng thành

Học bổng của tôi một năm tại Anh đã cho tôi nhiều cơ hội dễ dàng hơn trong chuyến đi khắp châu Âu, cũng như hiểu hơn cuộc sống của người bản xứ. Nhưng cũng chính từ những cuộc gặp gỡ này đã làm tôi có cái nhìn khác hơn về lục địa này, ít nhất là với những người cùng thế hệ với tôi. Điều làm tôi ấn tượng đầu tiên phải chăng đến từ chính bữa ăn tại châu Âu.

Người châu Âu rất mến khách nên việc được mời đến nhà dùng bữa tối rất thường xuyên, biết tôi nhớ nhà, cậu bạn cùng nhóm thảo luận đã mời tôi đến dùng bữa cùng gia đình cậu ấy. Gia đình cậu ấy cũng có bốn người giống như gia đình của tôi ở Việt Nam, mọi người rất thoải mái trong suốt bữa ăn. Khi tất cả đồ ăn được bày biện ra thì người chủ gia đình sẽ là người đầu tiên cầm thìa lấy đồ ăn vào đĩa rồi mọi người sẽ lần lượt chọn món ăn mình thích.

Khác với bữa ăn của gia đình người Việt trong bữa cơm tối thường ngồi quây quần cùng nhau vừa ăn cơm vừa ngồi xem phim truyền hình, thì ở khắp các gia đình châu Âu khó có thể thấy hình ảnh này. Mọi người trong bữa tối sẽ gác lại tất cả các công việc khác mà chỉ tập trung ăn và trò chuyện cùng nhau. Thậm chí khi có điện thoại di động vang lên trong bữa ăn thì họ sẽ sẵn sàng tắt đi và xin lỗi mọi người rồi tiếp tục ăn. Có thể bạn nghĩ đó là bố mẹ bạn tôi vì phép lịch sự khi có khách mà tắt máy đi nhưng rút cuộc người đó lại là em trai cậu ấy năm nay mới mười sáu tuổi.

Nhìn hành động ấy tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh của cô em gái mình hơn cậu bé một tuổi nhưng trong bữa cơm nếu có điện thoại sẵn sàng bỏ dở bữa cơm tận mười phút để nói chuyện với bạn. Khi bố mẹ tôi nhắc nhở thì cô em gái lý giải nó là điều hoàn toàn bình thường, bạn bè em ai cũng thế không chỉ trong cuộc nói chuyện điện thoại. Rõ ràng cô em gái của tôi cùng thế hệ với tôi, chúng tôi ảnh hưởng khá nhiều văn hóa châu Âu nhưng hôm nay rõ ràng với hai hành động nhỏ khác hẳn nhau như vậy thì tôi mới thấy cách nghĩ đang có sự nhầm lẫn.

Trên khắp các diễn đàn lớn nhỏ, thế hệ 9X như tôi luôn cảm thấy ấm ức khi bị phê phán là có lối sống thoáng như phương Tây nhưng giờ thì chính chúng tôi mới là những người luôn tự cho phép mình sống thoáng chứ cuộc sống ở đây người trẻ sống rất chậm rãi, từ tốn chứ không có những cuộc nổi loạn trong bữa ăn như trong các bộ phim thần tượng mà tôi từng rất yêu thích.

Thậm chí khi đi thăm những chiếc cối xay gió tại Hà Lan, những cô bạn tầm mười ba, mười bốn tuổi tự làm bánh ở nhà rồi đem ra vệ cỏ ven đường nơi có rất nhiều khách du lịch qua lại để bán, có thể không ngon như trong tiệm nhưng cũng đủ khiến cho tôi sẵn sàng bỏ tiền ra mua ủng hộ.

Ở nhà tôi cũng có lò để nướng bánh, công thức thì có rất nhiều trên mạng internet nhưng từ trước đến nay mỗi khi thèm ăn bánh, thao tác đầu tiên của tôi nghĩ đến là chạy ngay qua cửa hàng bánh quen thuộc, chứ chưa bao giờ trong đầu nảy ra ý định vào bếp thử làm loại bánh mình yêu thích.

Nhưng ở châu Âu thì gần như thứ nào có thể làm ở nhà thì những người trẻ đều cố gắng tự mình làm để không phải tốn những chi phí không cần thiết. Họ sẵn sàng vào bếp để làm bánh tặng bạn bè vào dịp sinh nhật hay tự tạo cho mình một xưởng mộc ngay trước cửa nhà để tạo ra những khung tranh treo tường. Và tất nhiên là dù cho đi đến bất cứ nơi đâu họ vẫn có thể kiếm sống bằng chính kĩ nghệ đã tích lũy được hoặc làm cho cuộc sống của những người xung quanh tốt đẹp hơn.

Thế hệ của tôi nhìn châu Âu là một thiên đường để mình được thoải mái trong lối sống mà không bị bố mẹ kiểm soát ở lứa tuổi vị thành niên nhưng với những gì tôi thấy thì để vươn tới một cuộc sống tự kiểm soát được bản thân mình thì thế hệ tôi cần phải tự bổ trợ cho mình nhiều thứ lắm.

Văn hoá hình thành từ những điều giản dị

Đến châu Âu thì môi trường sống khác, bạn bè khác cái gì cũng cho tôi một cảm giác mới mẻ khi lần đầu được thấy những thứ phần lớn chỉ được cảm nhận qua trí tưởng tượng phong phú của mình. Nhưng giữa muôn vàn cái mới mẻ thì ở giữa châu Âu đi đến đâu cũng có chắc chắn một thứ rất quen thuộc đó chính là cà phê. Dù ta đang ở Ý – Pháp – Áo hay Tây Ban Nha cà phê cũng được phát âm gần giống nhau và dễ dàng thưởng thức hơn bất cứ đồ ăn thức uống nào.

Thú thực với thế hệ tôi khi ở Việt Nam mỗi khi rủ nhau đi uống cà phê thì đến quán nước bao giờ cũng gọi những đồ uống khác chứ chẳng mấy khi gọi cà phê ra để uống cả. Phần vì cà phê chưa phải thức uống quá quen thuộc hàng ngày và chúng tôi chẳng chịu áp lực gì cả mà cần đến cà phê để làm cho tỉnh táo nên cà phê đơn thuần là một điểm hẹn bạn bè vào cuối tuần mà thôi. Nhưng đi dọc châu Âu mới thấy cà phê đã trở thành một văn hóa xuyên suốt và thay đổi ở mỗi nước khiến chúng không đơn thuần chỉ là bột cà phê và nước nữa.

Ở Ý cà phê được pha bằng áp suất rất cao, dùng hiệu ứng của nước nóng già để giữ lại hương thơm của cà phê mà không khiến bột cà phê bị cháy tạo ra hương vị cà phê rất đặc trưng mang hương vị Ý không thể lẫn ở đâu hay ở Viên – thủ đô của nước Áo với những quán cà phê còn trông như một căn phòng khách lớn, với đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp phải qua đào tạo bài bản chứ không giống như các quán cà phê ở các quốc gia khác phần đông là sinh viên làm thêm.

Tôi vẫn nhớ ngày nhỏ luôn bị mê hoặc bởi tiếng nhỏ từng giọt tong tong từ phin pha cà phê xuống trong ly cà phê của bố theo phong cách hơi giống thói quen uống cà phê ở Pháp. Dẫu không thích lắm đồ uống cà phê nhưng qua mỗi một quốc gia ở châu Âu tôi luôn đứng lại lâu nhất ở các quán cà phê bên lề đường để lựa chọn xem loại cà phê nào có giá tiền phù hợp nhất với mình dù là ở tiệm ngoài trời nằm ở vị trí đẹp nhất.

Đáng tiếc là ở Việt Nam vẫn chưa nhiều văn hóa công khai giá bán mọi thứ để ai lướt qua cũng có thể cho mình một vài lựa chọn. Nhiều khi giá không hề đắt đỏ nhưng nhìn vẻ bóng bẩy của cửa kính bên ngoài đôi khi khiến những sinh viên như tôi chẳng mấy khi dám bước vào nếu như không được mời.

Từ một loại thức uống có thể thấy rõ nhất trên các đường phố là cà phê thì đằng sau bức tường của những căn nhà là muôn vàn các loại đồ uống thơm ngoan tuyệt hảo khác. Đó có thể là loại nước ép hoặc sinh tố từ những loại cây trái quen thuộc được trồng hay mọc dại nếu chịu khó đi kiếm vòng quanh nơi mình đang sống hay những dòng rượu đặc trưng của mỗi vùng được cất cẩn thận trong những thùng gỗ sồi chất lượng gỗ tuyệt hảo.

Nếu như ở phương Đông các loại đồ uống đều được hình thành từ lúa gạo mà nên thì ở châu Âu những giọt rượu lại được chưng cất từ vị ngọt của những loại trái cây đặc trưng vùng ôn đới như nho, táo, hạnh nhân,… làm ai khi nhấp môi lên đầu tiên cũng cảm nhận được vị ngọt của trái cây lên độ men cay cay và sau cùng vất vưởng mùi hương ở mũi. Từ từ chậm rãi đi sâu vào lòng người khiến nhớ mãi không thôi.

Ra đi là để trở về

Suy thoái kinh tế ở châu Âu khiến cho cuộc sống của mọi người dường như cũng tất bật hơn so với lối sống truyền thống. Thay vì dành một khoản tiền lớn vào những mặt hàng xa xỉ phẩm thì ở đây mọi người sẵn sàng thức qua đêm để đợi cho bằng được giờ mở cửa siêu thị để chọn cho mình mặt hàng đang có nhu cầu.

Chính vì mọi thứ thuận lợi trước đây đã trở nên khó khăn như thế nên với những du học sinh nước ngoài như tôi muốn kiếm cho mình một công việc làm thêm phù hợp thì phải cạnh tranh khá nhiều, thậm chí khi được nhận vào làm rồi vẫn phải luôn có ý thức thay đổi mình không ngừng để tránh những cuộc đào thải ở nơi làm việc. Nói nghe thì có vẻ công việc đầy áp lực nhưng thực sự đó chỉ là thái độ trách nhiệm công việc của mỗi người đối với công việc của mình dù đó là ông chủ hay nhân viên làm thêm.

Công việc của người dân châu Âu dù bận rộn đến đâu họ cũng luôn cố gắng giải quyết hết công việc trong khung giờ làm việc tám giờ mỗi ngày để có những khoảng thời gian chăm sóc cho bản thân mình như chạy bộ trong công viên, đi xe đạp, nấu ăn, đọc sách trên bãi cỏ,… Đó là những thói quen thân thuộc hàng ngày của họ mà tôi có thể bắt gặp ở rất nhiều lứa tuổi khác nhau khi đi ra ngoài.

Tuy nhiên cũng có một bộ phận khá lớn những người trẻ ở thế hệ tôi thì lại đang có xu hướng chuyển dịch vào trong nhà để sử dụng tiện ích của những khu liên hợp thể dục thẩm mĩ với máy móc hiện đại, có sự hướng dẫn của các huấn luyện viên nhằm tăng cường thể lực và làm vóc dáng đẹp hơn trong cuộc sống đô thị.

Châu Âu là lục địa có mật độ đô thị lớn nhất trên thế giới nên cuộc sống của dân cư phần đông là cư dân thành thị đã khiến mỗi một thành phố lại tạo ra cho mình vài nét riêng độc đáo chứ không mang đặc trưng đồng nhất.

Có những đô thị như Amsterdam (Hà Lan) trên đường phố hình ảnh giao thông bằng xe đạp sẽ thu hút nhiều ánh mắt của khách du lịch đến đây. Xe đạp đã trở thành nét văn hóa khi xuất hiện ở trên khắp các vỉa hè, được người đi chằng dây xích vào thân cầu rồi khóa lại bằng ổ khóa treo lủng lẳng rất thích mắt.

Hay đến Brussels (Bỉ) những người trẻ ở đây lại khiến tôi lầm tưởng mình đang ở một kinh đô thời trang lớn của thế giới. Họ ăn vận trang phục rất đa dạng từ lịch sự trang nhã đến kiểu cách cá tính, thậm chí là hơi khác thường nữa.

Mỗi một thành phố đi qua là mỗi một lần châu Âu thay đổi trong mắt tôi. Có khi nó vẫn là châu Âu nguyên bản với nhiều công trình kiến trúc cũ kĩ, hoành tráng xuất hiện rất nhiều trên các ấn phẩm nên chẳng có gì cần phải giới thiệu, lúc khác lại là một châu Âu gấp gáp đang thay đổi bởi nhịp sống của người trẻ trong thời kỳ khủng hoảng.

Châu Âu hiện đại biểu trưng đặc sắc cho văn hóa phương Tây đi khắp thế giới giờ đây đang dần xuất hiện những biểu hiện của phương Đông ở trong nội tại bản thân mình. Từ các đồ dùng trong nhà nhập khẩu từ các nước phương Đông đến đồ gia vị sử dụng trong bữa ăn.

Ở lứa tuổi của tôi thì cụm từ “hàng bên Tây” được sử dụng khá nhiều như một cách ám chỉ để nói về các sản phẩm đồ tiêu dùng chất lượng được mang từ châu Âu về qua những người sang châu Âu làm việc, công tác. Thậm chí nó còn là niềm hãnh diện cho nhiều người khi được sở hữu món đồ đó nhưng khi ở giữa châu Âu nhìn những người bạn trẻ của mình cũng nâng niu và ưa thích những món đồ “hàng bên Đông” thì suy cho cùng ở mỗi một nền văn hóa đều có chung tâm lý thích sở hữu những thứ khác lạ trong đời sống của mình. Miễn là nó đảm bảo cho mục đích sống cũng như khả năng chi trả của bản thân mỗi chúng ta là được. Ở châu Âu mọi thứ cũng đơn giản và nhẹ nhàng như bất cứ nơi đâu ngoại trừ chui vào thư viện nghiên cứu những cuốn sách cổ đầy ký tự La tinh.

Châu Âu là một tổ hợp nhiều đất nước đa dạng cá tính, nơi mà tôi luôn muốn đến dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Ngắn nhưng cũng đủ để cho tôi, một thanh niên 9X trở về nhà muốn vào bếp để hỏi mẹ xem có cần giúp gì không thay vì nằm đọc sách suốt ngày dù mẹ tôi luôn bảo phải học đi hay tự làm cho gia đình những món ăn ngon. Biết tắt điện thoại trong bữa cơm để dành trọn khoảng thời gian ngắn ngủi đầy đủ các thành viên trong gia đình nhất.

Khi đến một nơi nào đó thật xa. Tôi nghĩ nó sẽ chôn vùi cho tôi những vấn đề khó khăn chất đầy theo thời gian. Nhưng khi đi và trở về điều mà tôi nghĩ là mình phải giải quyết cho xong những món nợ mà tôi đã đóng băng từ lâu, tìm kiếm tiếp cho mình những chuyến đi mới vì những món quà nhận được trước đó chẳng phải là rất tuyệt vời hay sao. Những điều tuyệt vời thì luôn cần nhân lên mãi

Phương Hoa – Trọng Huy (CSTC Xuân 2013)
.
.
.