"Cháy" giúp việc thời... hết Tết

Thứ Năm, 20/02/2014, 09:00

Niềm vui Tết đến xuân về chưa kịp qua thì nhiều người đã "xanh mặt" khi phải đi làm mà vẫn chưa thuê được người giúp việc để trông con, hoặc về quê ăn Tết chưa kịp lên, hoặc xin nghỉ việc vì… lương thấp. Đây cũng là cơ hội cho nhiều trung tâm môi giới vào mùa làm ăn và nhiều người giúp việc "sang, chảnh" đòi hét giá, tăng lương.

Giúp việc nhà - nghề cao giá

Tết năm nay, dù nhiều cơ quan đi làm từ mùng 6 Tết, nhưng các trường học ở Hà Nội lại bắt đầu học từ mùng 10 nên nhiều gia đình khóc dở, mếu dở vì con cái không có ai trông, phải chạy đôn, chạy đáo tìm người giúp việc.

Chị Phương (Đống Đa, Hà Nội) cười ra nước mắt khi kể chuyện cho chúng tôi nghe: "Nhà tôi có ba cháu, cháu lớn học lớp 1, hai bé sau đẻ sinh đôi mới ba tuổi, tôi làm kế toán nên thời gian rất eo hẹp, thường đi sớm về muộn, mọi việc trong nhà đều giao cho chị giúp việc. Chị ấy cũng ở nhà tôi được một năm rồi. Nghĩ rằng chị ấy làm việc cẩn thận, chăm chỉ, nên trước Tết, gia đình tôi có trả luôn lương tháng 2 và thưởng thêm 2 triệu tiền Tết cho chị ấy. Ai ngờ ra Tết, chị ấy gọi điện bảo không lên nữa, thế có bực mình không cơ chứ. Hai đứa nhỏ còn chưa đi học mẫu giáo, bây giờ tôi không biết phải xoay sở thế nào?

Tôi đã gọi điện đến rất nhiều trung tâm môi giới, nhưng đang trong kì nghỉ Tết, họ chưa làm việc. Gọi một số người chuyên môi giới về người giúp việc, họ cũng bảo ngày Tết khó thuê được lắm. Không còn cách nào khác, hai vợ chồng tôi thay nhau xin nghỉ làm để ở nhà trông con. Đang nhờ người dưới quê tìm người giúp việc cho đây, nhưng tình hình có vẻ không khả quan lắm".

Không phải chỉ mình gia đình chị Phương mới chịu cảnh "rối như tơ vò", thực tế, có rất nhiều gia đình có con nhỏ, có người già ốm đau, bệnh tật cũng rơi vào trường hợp "khổ sở" khi người giúp việc nghỉ việc sau Tết. Như chị Thuý (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang đau đầu vì người giúp việc về quê ăn Tết rồi nhất định đòi tăng lương mới chịu lên. "Bình thường tôi trả cho bà giúp việc nhà tôi 3 triệu đồng một tháng. Bà ấy mới ở nửa năm, nhưng tháng nào cũng đòi về quê thăm nhà. Mỗi lần về tôi lại mua quà cáp, quần áo, đưa cả tiền tàu xe cho. Ấy thế mà đùng cái, ra Tết bà ý gọi điện bảo nếu tăng lương lên 4 triệu thì bà ý lên làm tiếp. Còn không bà ấy đi làm cho một nhà khác lương 4 triệu. Đến ngày đi làm rồi mà con tôi mới có tuổi rưỡi, không có người trông. Lúc gửi tạm người này, lúc nhờ tạm người khác trông, nhưng cũng chỉ tranh thủ thôi, chứ lâu dài vẫn phải có giúp việc" - chị Thuý cho hay.

Chị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bức xúc không kém: "Vừa mới qua Tết mấy ngày thì người giúp việc gọi điện không đi làm nữa, tôi phải lên khắp các trang mạng rao tin tìm người giúp việc, điện thoại đến các trung tâm cung ứng lao động, nhờ người thân, bạn bè giới thiệu... nhưng phải qua ngày rằm tháng Giêng mới có, mà cũng chẳng biết lúc ấy người giúp việc có đúng ý mình không, hay lại phải thay đổi lần nữa thì tôi chết mất".

Sau Tết, osin càng trở nên khan hiếm.

Chủ một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Láng (Hà Nội) cho biết, hầu hết các trung tâm, công ty đã chốt sổ các hợp đồng nhận làm người giúp việc trước và trong Tết từ tháng 12 dương lịch. Vì thế mà sau Tết, họ chỉ nhận lời với các đề nghị thuê osin phục vụ ra ngoài Tết (sau tháng 1 âm lịch). Trong khi từ ngày mùng 4 Tết, ngày nào cũng có hơn chục khách hàng tìm đến các trung tâm để thuê người giúp việc nên chuyện "cháy" người giúp việc sau Tết là chuyện… bình thường. Hơn nữa, sau Tết, nhiều người giúp việc trẻ ham vui, muốn ở nhà chơi lâu hơn, người già thì bận hội hè, đình đám, cấy hái… hoặc lấy cớ tìm được công việc tốt hơn để nghỉ việc khiến tình trạng "cháy" người giúp việc càng trở nên phổ biến.

Tình trạng này sau Tết cũng xảy ra với các quán ăn, nhà hàng. Chị Phượng, chủ quán bánh Tôm ở gần phủ Tây Hồ cho hay, dù đã thỏa thuận với người giúp việc là mùng 1 mở hàng, sẽ tăng lương gấp đôi ngày thường, nhưng họ đều tìm cách để ở qua rằm tháng Giêng, báo hại chị phải huy động hết cả anh em, họ hàng ra chạy bàn mà vẫn làm không xuể.

Hét giá vì… Tết!

Chính vì việc khan hiếm người giúp việc những ngày sau Tết nên nhiều người tận dụng cơ hội để "làm giá", thậm chí ra điều kiện với chủ nhà, có trường hợp còn chọn chủ nhà có tính tình hiền lành, hoặc không có trẻ em mới sinh, hoặc người già bệnh tật mới nhận lời đến giúp việc chứ không phải ai họ cũng đồng ý đến giúp. Lý do tăng giá của người giúp việc cũng nhiều vô kể: thích đi làm "công ty", phải ở nhà giúp việc gia đình, bố mẹ ốm, con cái hư nên muốn ở gần gia đình, sắp lấy chồng, gia đình người yêu không muốn con dâu làm người giúp việc… Nhưng đa phần là do thời điểm này khan hiếm người giúp việc, nên có "hét giá" thì nhiều gia đình vẫn chấp nhận để có người dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, chăm sóc con cái…

Theo lời giới thiệu của một người bạn, bác Khanh (Kim Liên, Hà Nội) gọi điện cho một cô giúp việc ở Thanh Hoá, mặc dù đã trả giá ban đầu là 2,5 triệu, vì không biết cô này là người thế nào, làm việc ra làm sao, lại chưa gặp lần nào và hứa nếu làm việc tốt sẽ tăng thêm tiền lương và thưởng, nhưng ai ngờ, cô ta vẫn chê thấp, đòi ít nhất là 3,5 triệu đồng/tháng (không tính tiền ăn và các sinh hoạt khác) thì mới chịu lên giúp việc. Vì đang cần người gấp nên bác Khanh đồng ý với "yêu sách" của người giúp việc mới mà bác chưa từng gặp bao giờ.

Trường hợp nhà chị Mai (Thành Công, Hà Nội) thì lại khác, mặc dù người giúp việc lên làm việc rất đúng hẹn, đúng sáng mùng 6 Tết, nhưng chưa gì đã gióng vài bữa nữa phải về đi cấy, rồi bố mẹ đang ốm ở nhà, con cái chưa có tiền đóng học. Hiểu ý, chị đành chấp nhận tăng lương, cũng như cho thêm tiền để chị này về thuê người đi cấy, thuốc thang cho bố mẹ để chị ta yên tâm ở lại làm việc.

Sau Tết luôn là thời điểm khan hiếm người giúp việc nhất. Đây là cũng thời điểm "ăn nên làm ra" của các trung tâm, công ty môi giới, giới thiệu việc làm. Nhiều trung tâm nếu có "hàng" thì được thể hét giá rất cao, do biết nhu cầu bức bách của "khổ chủ".

Anh Thịnh, nhân viên của một trung tâm môi giới việc làm trên đường Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: "Sau Tết nhu cầu thuê người giúp việc theo giờ tăng cao, dịp này cao hơn khoảng 70% so với ngày bình thường.  Từ mùng 5 Tết, nhiều gia đình đã đến trung tâm để tìm. Trung bình một ngày có 20-25 trường hợp đặt chỗ, chưa kể hàng chục cuộc điện thoại nhờ tìm người giúp việc".

 

"Cháy" giúp việc (Ảnh minh hoạ)

Cũng theo anh Thịnh, do đầu năm mới, việc tìm osin cũng rất khó khăn, nên phí môi giới thành công mỗi vụ cũng được tăng lên 800.000 - 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, phần lớn các khách hàng đều cho rằng, giá cả bao nhiêu không quan trọng, miễn là tìm được người giúp việc ưng ý, nhiệt tình, chịu khó và hiền lành thì hết bao nhiêu tiền cũng chịu. "Giá thuê người giúp việc bây giờ cũng rất cao, đa số từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng đối với gia đình có con nhỏ hoặc người già và khoảng 3 triệu đồng/tháng đối với gia đình chỉ cần giúp việc nhà", anh Thịnh cho biết.

Nhiều gia đình không tìm được người giúp việc đành tìm giải pháp thuê theo giờ. Nhưng vì ngày đầu năm khan hiếm nên giá thuê theo giờ cũng khá cao, từ 150.000 - 200.000 đồng/giờ. Đa số người giúp việc, làm việc theo giờ đầu năm này là sinh viên, những người đồng nát... vì họ thường muốn tranh thủ thời gian nhàn rỗi đầu năm để kiếm thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt, học hành.

Chị Hương (Ba Đình - Hà Nội) có cô con gái lớn học lớp 2 và cậu con trai 3 tuổi đang học mẫu giáo, trong thời gian chờ trung tâm môi giới tìm người giúp việc cho, chị đành chấp nhận thuê chị tạp vụ ở công ty chị đang làm một ngày 2-3 giờ để đưa đón hai đứa con, cũng như cơm nước, dọn dẹp những lúc chị đi làm về muộn. "Giá tuy hơi cao, nhưng còn hơn là không có người giúp việc, bởi vợ chồng tôi đi làm từ sáng sớm, lại hay về muộn. Hi vọng hết tháng Giêng có thể tìm được người giúp việc thay thế" - chị Hương chia sẻ.

Đời sống người dân càng nâng cao thì họ càng muốn được hưởng thụ. Vì thế mà xu hướng của rất nhiều gia đình hiện đại là muốn có người giúp việc để cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, bố mẹ… để được rảnh tay nghỉ ngơi, thư giãn. Điều đó khiến cho nghề giúp việc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và những người giúp việc ngày càng ý thức được vai trò của mình đối với gia chủ nên rất chủ động trong công việc. Đặc biệt là vào những ngày giáp Tết và những ngày sau Tết, họ chủ động đòi tăng lương, đòi được hưởng sự đối đãi tử tế; chủ động tìm chỗ có điều kiện làm, sống tốt hơn… Nhiều nhà may mắn tìm được người giúp việc tử tế, sống gắn bó với nhà chủ vì tình nghĩa, nhưng cũng không ít nhà phải ngậm đắng nuốt cay khi "vớ" phải những kẻ không ra gì

Ng. Mai - Ng. Minh
.
.
.