Không có gì mà ầm ĩ cả

Chia tay phí

Thứ Ba, 18/06/2019, 17:17
Một ngài dân biểu đề xuất "ý kiến nóng" là "phí chia tay". Ý ngài là người được xuất cảnh phải có trách nhiệm nộp phí chia tay.


Chia tay phí từ 3 đến 5 USD, nhẹ nhàng bằng bữa sáng từ 70 nghìn tới hơn 120 nghìn. Tiền 1 bữa của ngài bằng dân ăn cả ngày. Có không ít công dân nhịn ăn sáng vì phải dành tiền cho việc khác.

"Chia tay phí" không chỉ nóng ở mức giá. Nó phản cảm với cách lý giải thiếu thấu tình đạt lý. Chia tay phải đóng chia tay phí, vậy đoàn tụ có được nhận "đoàn tụ phí" không? Nếu được là cân đối chả vấn đề. Có ly thì phải có hợp. Bên này có phí chẳng lẽ bên kia không là rõ mất thăng bằng.

Luật về phí đã kê ra hàng trăm loại phí. Cái "chia tay phí" này mà thêm vào nữa thì đúng là con ruồi đậu nặng đầu cân. Phí chính thức trong văn bản và luật hay phí không chính thức thì số tiền phải nộp từ túi cơ quan hay cá nhân vẫn là tiền chứ không thể là gì khác. Còn cuộc sống có quá nhiều cái phí không có trong danh mục. 

"Hiếu, hỉ phí" là một dạng phí không lách được, nhưng nó không làm lệch đầu cân nhiều vì nó là trách nhiệm qua lại. Một công nhân xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc chia sẻ rằng lương tuy không cao nhưng vẫn có khoản tích cóp gửi về gia đình được là vì một điều đặc biệt: bên xứ người rất ít đám cưới hay đám ma.

Thời sinh viên thì học phí một bên và tình phí một bên. Méo mặt.

Minh họa Tả Từ.

Có bạn cho rằng "Phí chia tay" nghe rất hay. Cái này không nên áp dụng trong việc xuất cảnh. Mà nên áp dụng trong tình yêu. Dần đi vào đời sống thì sẽ nghe thấy trong tình trường có những đoạn đối thoại "đẫm lệ" kiểu như sau:

- Ừ thôi! Mình chia tay đi!

- Ta đãi đằng người không bạc, sao người nỡ phụ ta? Thôi chia tay cũng đành, đồ bạc như vôi! Nhưng trước khi biến khỏi đời ta hãy nộp 5 đô ra đây!".

Nếu trong tình yêu áp dụng phí này thì sẽ gìn giữ được những mối tình do người trong cuộc là người biết "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành".

Ngài dân biểu nói học dùng "chia tay phí" từ Nhật Bản. Tinh thần học tập là tốt, nhưng không phải cái gì cũng học. Bởi căn cứ vào tình hình phát triển của ngành du lịch Việt Nam thì việc thu phí này đã hợp lý chưa?

"Chia tay phí" được áp dụng thì sẽ giúp cho du khách ngoại thêm quyết tâm một đi không trở lại.

Các công dân rất thắc mắc ông đại biểu này đang đại diện cho ai vậy?

Có công dân đưa giải pháp thu mới đầy châm biếm: "Còn một loại phí là "Phí Hít - thở không khí" nữa, Bộ nào thu nốt đi. Phí này mà áp dụng thì ai cũng phải nộp, nguồn thu nhiều đấy".

Phí chồng phí. Nhiều phí quá chắc chắn thành lãng phí.

Còn bạn. Bạn có sẵn sàng nộp 120.000 cho mỗi cuộc chia ly không?

Lê Tâm
.
.
.