Chiến dịch đạp xe "vì quyền phụ nữ" ở Pakistan

Chủ Nhật, 30/06/2019, 14:41
Một buổi sáng chủ nhật ở thành phố Karachi, một nhóm các cô gái đạp xe từ con hẻm chật hẹp của khu phố cũ Lyari - nơi từng xảy ra cuộc xung đột băng đảng kéo dài và tàn bạo, ra những phố lớn. Mũ bảo hiểm che kín chiếc khăn chùm đầu, đi dép lê, những cô gái vui vẻ cười đùa, nói chuyện. Một cảnh tượng tưởng như đơn giản ấy lại rất hiếm ở Pakistan trước đây.


"Khi đi xe đạp, bạn cảm thấy mình được tự do"

"Cháu đã từng đạp xe một mình. Thật tốt khi có thể đạp xe ở đây vì đường phố rộng rãi,  không có xe hơi. Cháu rất vui khi có những cô gái khác đạp xe cùng", Gullu Badar, 15 tuổi, nói. "Các bạn có muốn nghỉ ngơi chút không?", Zulekha Dawood, một người hướng dẫn đi xe đạp của chương trình "Lyari Girls Café" hỏi. "Không, không, chúng cháu không muốn nghỉ", những cô gái nói to và tiếp tục đạp xe đuổi theo nhau.

Ngày càng nhiều cô gái trẻ ở Pakistan đạp xe trên phố vào những buổi sáng cuối tuần.

Rất hiếm khi thấy phụ nữ đi xe đạp ở Pakistan nhưng những cảnh như thế này đang ngày càng xuất hiện nhiều ở Karachi vào các buổi sáng cuối tuần. Thậm chí, đã xuất hiện những cuộc tuần hành bằng xe đạp để nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh bại liệt, đánh dấu sự khởi đầu mùa xoài…

Nhiều phụ nữ Pakistan chia sẻ rằng, đây là lần đầu tiên họ đi xe đạp hoặc sau mấy chục năm mới tiếp tục đi xe đạp. Aliya Memon, 30 tuổi, bắt đầu đi xe đạp vào tháng 9 năm ngoái nói rằng, sau 15 năm, cô mới tiếp tục đạp xe trở lại. "Tôi bắt đầu đi xe đạp trở lại và đó giống như một lối thoát cảm xúc", Aliya Memon nói.

Aliya Memon cho biết thêm, đi xe đạp mang lại cho cô cảm giác tự do, thư thái. Với phụ nữ Pakistan, di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng là nỗi ám ảnh. Những chiếc xe buýt cũ, nát, phụ nữ chen lấn vào khu vực dành riêng cho họ nhưng chật chội chỉ có vài chỗ ngồi.

Quấy rối tình dục đầy rẫy trên tàu và tại các điểm dừng xe buýt. Hệ thống dịch vụ hạn chế buộc hành khách phải đi bộ quãng đường dài. Phụ nữ phải lựa chọn phương tiện di chuyển khác là xe kéo hoặc taxi nhưng mức phí không hề rẻ hoặc phụ thuộc vào người thân là nam giới đưa, đón đi làm, đi học.

Habiba Allahdad, 39 tuổi, một cư dân của Lyari nói rằng, ban đầu cô cũng do dự khi quyết định có nên tập xe đạp hay không vì thân hình quá khổ của mình. Giờ đây, khi đã có thể di chuyển bẳng xe đạp một cách tự tin, Habiba Allahdad hy vọng một ngày nào đó có thể sử dụng xe đạp để chạy một số việc lặt vặt. "Khi đi xe đạp, bạn cảm thấy mình được tự do", Sadaf Furqan, 42 tuổi, nói. Tuy nhiên, Sadaf Furqan cũng nói rằng, đi xe đạp ra ngoài một mình không phải lựa chọn sáng suốt vào thời điểm này mặc dù cô rất muốn điều đó.

"Nhiều người nghĩ rằng chúng tôi đến từ một hành tinh khác"

Di chuyển bằng xe đạp có thể là một cách để phụ nữ có được tự do cá nhân và tiết kiệm chi phí nhưng nó sẽ là một chặng đường dài, khó khăn ở phía trước. Thực tế hiện nay, phụ nữ chỉ ra ngoài đạp xe để giải trí vào dịp cuối tuần chứ không sử dụng xe như phương tiện đi lại.

Karachi không có đường dành cho xe đạp hoặc địa điểm đỗ xe đạp, giao thông bằng xe máy rất hỗn loạn. Bên cạnh đó, người đi xe đạp trên đường phố cũng bị đe dọa bởi nạn cướp bóc khi mang theo những vật dụng có giá trị như túi, máy tính xách tay…

Ngoài rủi ro tiềm ẩn về an ninh, phụ nữ phải đấu tranh với định kiến của xã hội. Faiza Hasan Rizvi, 32 tuổi, nói rằng, phụ nữ Pakistan bị từ chối bởi các chuẩn mực văn hóa và thậm chí bởi chính những người thân trong gia đình của họ. "Chúng tôi đã bị tẩy não và nghĩ rằng, mình không được phép, không thể làm điều đó. Phụ nữ ở độ tuổi tôi không có trí tưởng tượng để làm bất cứ điều gì", Faiza Hasan Rizvi nói.

Zulekha Dawood, điều phối viên của của chương trình "Lyari Girls Café" nói, cảm xúc lần đầu tiên cô cùng một người bạn đạp xe trên những con đường gồ ghề thật tuyệt, giống như được tự do. "Chúng tôi đã mở những lớp hướng dẫn phụ nữ đi xe đạp cho đến khi thuần thục mới ra phố lớn. Chúng tôi phải đối mặt với sự phản đối của nhiều người, trong đó có cả sinh viên", Zulekha Dawood nói.

Gần như tất cả phụ nữ được hỏi đều nói rằng, khi đạp xe trên phố, họ bắt gặp những người đàn ông nhìn chằm chằm vào họ. "Nhiều người nghĩ rằng chúng tôi đến từ một hành tinh khác. Dù xã hội đã có những tiến bộ nhất định nhưng cái mới vẫn không dễ dàng được chấp nhận. Nhiều người có quan điểm rằng, con gái không nên đi xe đạp vì khi đã đi xe đạp họ cũng có thể đi xe máy. Có lẽ, đàn ông không muốn nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ tiến về phía trước", Daw Dawood nói.

Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.