Chile: Cảnh sát mở quán cà phê để tiếp xúc với dân

Thứ Bảy, 06/10/2018, 08:27
Lực lượng cảnh sát quốc gia Chile và thương hiệu Starbucks đang hợp tác để mở một quán cà phê chung.

Theo kế hoạch, mỗi tháng sẽ có ít nhất 3 sĩ quan cảnh sát có mặt tại quán cà phê này để tiếp xúc, nói chuyện với người dân nhằm làm tăng cường mối quan hệ, sự hợp tác và lòng tin của dân chúng đối với lực lượng bảo vệ pháp luật.

Chiến dịch này được biết đến với tên gọi "Cà phê với cảnh sát" (Coffee with a Cop), được thực hiện bởi cảnh sát Chile và hãng Starbucks. Theo đó, mỗi tháng, cảnh sát Chile sẽ cử ra 3 sĩ quan tới 120 quán cà phê của hãng Starbucks trên toàn quốc. Trong 2 tiếng đồng hồ ở quán cà phê, các sĩ quan cảnh sát sẽ trò chuyện, trả lời và giải đáp các câu hỏi, khúc mắc của người dân. 

Mục đích của chương trình là nhằm cải thiện niềm tin của công chúng vào lực lượng cảnh sát và tổ chức bộ máy của chính quyền. Điều phối viên truyền thông cảnh sát quốc gia, Thiếu tá Diego Rojas cho biết, là một phần của bộ máy an ninh quốc gia,  trước đây, trong thời kỳ chế độ độc tài quân sự Augusto Pinochet (1973-1990), lực lượng cảnh sát được coi là cánh tay nối dài của độc tài, thực hiện các mệnh lệnh bẩn thỉu, dã man nhằm vào người dân vô tội và những người chống đối. 

Gần 3 thập kỷ qua, sau khi chế độ độc tài này sụp đổ, lực lượng cảnh sát đã nỗ lực hồi phục lại hình ảnh của họ. Mọi chuyện đang dần tốt đẹp cho đến năm 2017 xảy ra bạo lực giữa cảnh sát và những người biểu tình. 

Thêm vào đó là sự huỷ hoại danh dự bằng việc ít nhất 70 sĩ quan cảnh sát Chile bị kết tội tham gia hoạt động bất hợp pháp và rửa tiền với số tiền là 38 triệu USD. Đến tháng 2-2018, sự nghi ngờ của dân chúng đối với lực lượng cảnh sát đã tăng lên con số 48%, cao hơn 17% so với năm trước, theo kết quả một cuộc khảo sát của Camden. Sự trọng sạch và minh bạch của cảnh sát Chile khi được xếp vào danh sách những lực lượng cảnh sát không tham nhũng ít nhất khu vực châu Mỹ-Latinh bắt đầu bị dây bẩn. 

Thiếu tá Diego Rojas thừa nhận: "Những scandal đã nhấm chìm hết thành tích và nỗ lực của cảnh sát trong việc bảo vệ an ninh, an toàn xã hội. Chúng tôi nhận thấy người dân bắt đầu bất hợp tác hơn và không thích lại gần hay dính dáng tới cảnh sát. Khi có vụ việc gì xảy ra thì không chỉ kẻ phạm tội mà nạn nhân cũng không muốn nói chuyện hoặc cung cấp thông tin cho cảnh sát".

Giới quan sát nhận định, sự gia tăng căng thẳng giữa cảnh sát Chile và người dân lên ở mức đỉnh điểm vào tháng 5 khi cảnh sát trấn áp các cuộc biểu tình của thanh niên ở Santiago. Ngay sau đó, vào tháng 7, cảnh sát và hãng Starbucks đã bắt đầu bàn thảo về cách thức hợp tác này và phát động một chương trình thí điểm tại Santiago. Khi đó, hai sĩ quan cảnh sát đã được bố trí luân phiên tại 3 cửa hàng của Starbucks ở Santiago mỗi ngày với khoảng thời gian là 2 tiếng/ngày. 

"Cuộc thử nghiệm đã diễn ra tốt đẹp. Các sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục đã trò chuyện cởi mở với người dân. Chúng tôi đã nhận thấy một sự tin tưởng và gần gũi hơn. Mặc dù họ mặc sắc phục cảnh sát nhưng người dân không hề e ngại. Đây là bước tiến lớn", Thiếu tá Diego Rojas nói. 

Nhận xét về cách tiếp dân kiểu này của cảnh sát, Thị trưởng Santiago Claudio Orrego cho biết: "Sự thay đổi này đã mang lại nét hành động mới. Tôi thấy người dân hào hứng và vui vẻ. Nó cũng giải toả được nhiều vấn đề nghiêm trọng và làm ấm nóng bầu không khí lạnh nhạt trước đó. Khi đó, chương trình hợp tác của chúng tôi chỉ gói gọn ở Santiago. Thử nghiệm thành công đã giúp lãnh đạo cảnh sát quốc gia có cái nhìn khác và họ quyết định làm việc tiếp với Starbucks trên quy mô toàn quốc". 

Juan Pablo Riveros, Giám đốc tiếp thị cho Starbucks Chile, cho biết trong một tuyên bố: "Vai trò cụ thể của chúng tôi trong chương trình này sẽ là cung cấp nơi tốt nhất cho các cuộc họp quan trọng diễn ra. Chúng sẽ được thực hiện tại tất cả các cửa hàng của chúng tôi ở Chile, mỗi tháng một lần, theo lịch cố định. Chúng tôi tin rằng những loại hình tiếp xúc và hợp tác kiểu này rất quan trọng đối với tất cả mọi người. Chúng tôi mời gọi cộng đồng nói chuyện và điều đó đối với chúng tôi là phù hợp nhất". 

Cũng theo Juan Pablo Riveros mô hình hoạt động này từng được Starbucks triển khai cùng cảnh sát Mỹ và hoạt động này được thực hiện trong các cộng đồng khác nhau. Và chiến dịch "Cà phê với cảnh sát" tại Mỹ được bắt đầu vào năm 2011 ở Hawthorne, California với cùng ý định xây dựng niềm tin giữa cảnh sát và công dân một cách thường xuyên hơn.

Tuy nhiên, Giám đốc Quảng cáo tại Đại học Diego Portales, Cristian Leporati thì nói với giới truyền thông địa phương rằng sáng kiến này cần được phát huy không chỉ ở các cửa hàng của Starbucks. 

"Có gì đó hơi chủ quan trong việc này. Nói chung, những người có thành kiến với cảnh sát không phải là những người thường đi Starbucks. Tôi nghĩ cần phải có phân khúc đối tượng với mục tiêu cụ thể hơn. Tôi thấy nó như là một hiệu suất để làm cho một sản phẩm phụ, như tạo ra hình ảnh của họ nói chuyện với mọi người", Cristian Leporati nói thêm. 

Linh Oanh
.
.
.