Chim bắt cô trói cột

Thứ Ba, 12/05/2020, 14:56
"Bắt cô trói cột" là tên chim được dân gian gọi theo tiếng kêu của nó. Rừng quê tôi biến mất lại đang trở về để có chốn có nơi cho chim trở về. "Bắt cô trói cột" giúp tôi hiểu một lẽ đời, khi tôi đã đi sắp hết một vòng đời của mình.


Quê tôi miền trung du, thời nhà bác học Lê Quí Đôn đi qua gọi là Hạ Hoa, sau  này cũng là miền đất nghĩa quân Nguyễn Quang Bích xây dựng căn cứ địa chống Pháp qua lại. Xã tôi trước đây mấy tháng là xã Đan Hà, mới nay sáp nhập với các xã Đan Thượng, Hậu Bổng, Liên Phương thành xã mới, lấy tên chung là Đan Thượng, đi loanh quanh từ giữa thế kỷ trước đến đầu thập niên thứ hai của thế kỷ này, lại về với tên cũ Đan Thượng.

Đầm làng.

Phải nói chính quyền xã mới được tổ chức chặt chẽ, dân xã theo dõi vãng lai cũng chặt chẽ không kém. Anh công an xã đến nhà tôi, đứng ở cổng gọi cô em tôi xuống, đưa cho tờ giấy kê khai, bảo đem cho tôi điền vào những chỗ cần thiết, yêu cầu thật chính xác, rồi đứng đợi.Từ cổng lên nhà tôi, phải cỡ mươi mười lăm mét. 

Tôi kê khai xong, cô em gái cầm xuống trao lại, anh công an mới nói, chiều nay có ba bốn cú điện thoại gọi báo có khách ngoại tỉnh. Ha, việc chống dịch không phải chuyện đùa, tai mắt nhân dân ở khắp nơi. Em tôi bảo, buổi chiều anh đạp xe lên mấy khu trên, họ có ý kiến. Tôi bảo, chỉ đạp xe thể dục, không tiếp xúc tụ tập đông người mà. Nhưng thôi, anh sẽ rút kinh nghiệm.

*

Đất đai tổng Đan Thượng (nay là xã) về cơ bản vẫn thế, mấy làng thuộc ven sông Thao lở bồi theo tháng năm, nhưng cũng chả thay đổi gì nhiều. Nhưng bộ mặt làng xã thì rõ ràng là đại biến động. Khoảng từ nửa đầu thế kỉ trước trở về sau như tôi biết, rừng phủ dầy và rất nhiều ao đầm. Những tên rừng nghe đầy lạ lẫm như Hố Cụp, Gò Chạc, Dốc Cây Lọng, Dốc Bóng Sồi… Những tên đầm thì thân thuộc như Làng, Cả, Ổi, Mỏ Trang, Cây Xanh…  miên man, có thể thông nhau. Cùng với rừng và đầm là gỗ nứa, tre pheo; là chim trời cá nước, kèm theo là các phường săn, nghề bẫy chim, nghề câu. 

Cha tôi ở trong phường săn, vào loại có dáo có lưới, có chó săn. Ngày bé, tôi chừng dăm tuổi, nhìn cây dáo của cha cao vút, nhọn hoắt dựng ở góc nhà mà ngẫm nghĩ câu nói của mẹ khi mắng tôi nhút nhát, "cầm ngọn dáo cái, đứng đái xó nhà". Tay lưới săn được cuốn gọn gàng thành hai búi lớn luồn đòn lưới, để sau nhà sẵn sàng đợi gánh đi. 

Tấm lưới nếu vun lại thì to như đống mối, căng ra thì dài hết sân, sợi lưới được làm bằng sợi cây dó, bện to như ngón tay, mắt lưới hình chữ nhật khao khát nhìn ra rừng, giường lưới đan bằng dây móc to bằng ngón chân cái người lớn. Gánh lưới phải là những trang nam nhi lực lưỡng to khỏe. Lưới ấy có thể bắt được hươu, nai, lợn lòi.

Con chó săn nhà tôi có tên là Mực, hình như cha tôi mua từ Nghĩa Lộ, nuôi từ lúc bằng nắm tay. Tôi rất thích nó. Chúng tôi hay đùa nhau, trêu nhau. Bác tôi quí nó, gọi nó là con. Nó tinh khôn, đi săn thú chỉ nghe lời bố và bác tôi. Về chuyện săn bắn còn có thể cà kê lòng thòng, nhưng nếu sa đà e sẽ lạc đề. Vì tôi đang nói về rừng và đầm.

Chim bắt cô trói cột.

Vườn nhà tôi gà rừng bay về đông lũ lĩ, gà nhà nuôi được vây trong rào nứa mắt cáo, chuồng gà phải kín, chắc để ngăn lũ cầy hương, cáo xám bắt trộm. Nhà tôi ở đỉnh gò, hướng Nam, giếng được đào ở hướng đông chân gò, nước trong văn vắt, không bao giờ cạn. Ngôi gò nhà tôi có hai chiếc đầm nâng đỡ, trước mặt là đầm Vàng, phía đông là đầm Cây Xanh. Vì thế cha tôi lúc nào cũng dự trữ một chiếc thuyền nan, đan bằng nan tre, quét sơn ta để bơi khi mùa lụt, để đánh lưới cá vào đêm. 

Ngày đó điện thắp sáng chỉ có ở trên Yên Bái, hay ở tỉnh lị Phú Thọ nhưng nước thì không bao giờ thiếu. Sau này, mỗi khi về quê, thấy đông vui lên, ngọn gò xưa chỉ có một gia đình nhà tôi, thì nay đã thêm hàng chục gia đình. Chỉ có điều rừng đã bỏ đi, các đầm Vàng, đầm Cây Xanh đã thành ruộng cấy. Lối xưa men theo bờ rừng nay thay bằng những con đường bê tông cao ráo, sạch sẽ. 

Làng vắng cây đâm ra vắng tiếng chim, những chiếc đầm cho trẻ đùa trâu lặn ngụp không còn thì thấy thèm mùi tanh của cá dưng các diếc, mùi thơm của mẻ tôm càng rang vàng bỏ thêm mấy thìa đường, thèm nhìn mầu vàng riêu và xanh mướt rau mồng tơi của bát canh cua. Và đặc biệt chiếc giếng nước văn vắt trong không bao giờ cạn, nay mạch tắt ngấm, giếng thành giếng cạn. 

Tự nhiên có lúc tôi thẫn thờ ngồi ở hiên nhà nhìn ra, nhớ đến rừng, nhớ đến đầm, nhớ điến giếng. Em gái tôi bảo, "thôi anh, cái gì mà chả phải đánh đổi". Vậy thật, tôi đành thừa nhận.

*

Giỗ mẹ tôi vào ngày rằm. Trước đó tôi phải gọi điện thông báo cho các em ở xa, vì dịch COVID- 19 đang ở vào thời kì nghiêm trọng, động viên các em thắp hương tưởng nhớ mẹ ở nhà. Tôi làm giỗ mẹ ở quê cũng chỉ sum vầy mấy người ruột thịt, không mời anh em cành trên nhánh dưới, không mời khách.

Tôi cách li ở nhà đủ 14 ngày, nhưng Hà Nội vẫn chưa giải lệnh cách li, mỗi lần gọi điện thoại cho ai thì đầu tiên phải nghe một giọng nữ khô khốc nhắc nhở, không ra ngoài nếu không có việc cần thiết. Vậy là tôi vẫn tiếp tục cái lịch công việc mình tự xếp đặt cho mình hàng ngày. 

Sáng dậy sớm, tập những bài công pháp của mình khoảng một giờ đồng hồ, ăn sáng, ngồi vào bàn viết, hoặc đọc báo mạng, hoặc viết các statut trên facebook. Buổi chiều thì đạp xe dọc con đường xưa là bờ ngòi chẩy từ Tây sang Đông nối đầm Hồng xuống đồng Gianh, rồi đổ vào ngòi Hiêng chẩy ra sông Thao. Con đường xưa giờ được đổ nhựa nối các xã Đan Thượng, Lệnh Khanh, Phụ Khánh, Y Sơn về đến huyện lị, chạy giữa những gò đồi, thưa vắng người, thật thuận tiện cho tôi.

Nhưng thích nhất là vận động buổi sáng. Khoảng bốn giờ sáng có một đoàn tầu chở hàng chạy qua. Đoàn tầu chở hàng ấy quê tôi gọi là tầu đá, dù hàng nó chở hoàn toàn không phải đá. Tiếng còi tầu hú lên khuấy động không khí của miền trung du, tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray đánh thức mặt đất khiến nó cựa mình, cách mấy tràn ruộng mà tôi vẫn nhận ra được. 

Những ngày đó trời khá lạnh, nhưng tôi vẫn dậy khá đúng giờ, mở cửa bước ra sân để được thấy cây vườn và bầu trời sáng lên chầm chậm. Tiếng chim sâu cần cù lích tích, tiếng kêu của những con gà nhép, tiếng lục cục của nhưng con gà nhỡ nhỡ làm cho ngôi nhà sống động thêm.

Mấy hôm tôi ở quê mưa liên tục, dai dẳng. Cô em tôi, phàn nàn thời tiết năm nay trở chứng, mưa rào, mưa đá vào đêm giao thừa. Hôm trước bất ngờ hửng nắng, nhìn ra cánh đồng thấy người làng thi nhau phun thuốc trừ sâu. Cô em tôi cũng mũ nón khẩu trang đeo bình thuốc đi phun. Mùi thuốc sâu nồng nặc bám theo gió, chả có gì ngăn được.

Nhà văn Hà Phạm Phú (phuhapham@gmail.com)

Thế rồi buổi sáng nay thức dậy, đang lúc luyện công một bài không được phép dừng nửa chừng, thì bất ngờ nghe tiếng "bắt cô trói cột" vang lên đâu đó trên những tán cây quanh nhà. Tiếng chim làm tôi sững sờ đến ngừng tập, tẩu hỏa nhập ma thì cũng cam.

Kí ức giống như đập nước được mở, cuồn cuộn ùa về. Những buổi chiều đông, đi thả trâu trong Mỏ Trang, Đầm Ổi, Gò Chạc…cưỡi trên lưng tỏa hơi ấm áp của con vật thân thương, tôi vẫn thường nghe tiếng kêu ấy. Sao lại "bắt cô trói cột"? Chả hiểu được. 

Ngày trước cha tôi đi dân công phục vụ các chiến dịch Tây Bắc, Điện Biên Phủ, mỗi đợt hàng tháng, ông bảo nghe tiếng "bắt cô trói cột" là lại nhớ nhà. Sau này sống nhiều ở thành thị, mỗi đợt về quê vài ba ngày, chưa nóng chỗ đã đi, rừng bị phá, những nơi cũ chả còn chỗ nào cho những đôi chim tìm nhau và đậu lại, khiến tôi dường như quên hẳn tiếng chim.

Lần này về, nhìn ra vườn thấy nhiều bóng cây to, tán rợp. Góc vườn cây lát cô em gái trồng thân đã to cỡ người ôm, không nghĩ rừng lành đến mức chim "bắt cô trói cột" tìm về. Thì ra, có rừng thì có chim. Nhưng, con chim quen thuộc từ bé của tôi ấy, tôi mới chỉ quen tiếng. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó. Một buổi ngồi trà gẫu với chú em, tôi hỏi chú đã tận mắt nhìn thấy chim "bắt cô trói cột" chưa? Chú đáp đã thấy, nó từ núi bên Xuân Áng bay qua. To như con chim cu cu, lông mầu xám, điểm đốm trắng. Ờ, thế thì tôi biết.

*

"Bắt cô trói cột" là tên chim được dân gian gọi theo tiếng kêu của nó. Rừng quê tôi biến mất lại đang trở về để có chốn có nơi cho chim trở về. "Bắt cô trói cột" giúp tôi hiểu một lẽ đời, khi tôi đã đi sắp hết một vòng đời của mình.

Hà Phạm Phú
.
.
.