“Chợ quê giữa phố”

Thứ Tư, 27/12/2017, 16:08
Gần 2 tháng nay, cứ đến sáng Chủ nhật là có một phiên chợ đặc biệt được họp tại một quán cà phê yên tĩnh ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Người bán, người mua đa phần đều là phụ nữ và trẻ em.


Ðây là hoạt động do Hội quán Các bà mẹ tổ chức với mong muốn lưu giữ hồn quê giữa phố, chung tay giữ các làng nghề và giáo dục trẻ nhỏ lối sống xanh. 

Sản phẩm của Chợ quê giữa phố đa phần là đồ thủ công mỹ nghệ và quà đặc sản các vùng miền.
Sạp tàu phớ này hết hàng chỉ sau 2 tiếng khai chợ. Mùi vị đặc trưng, thơm nồng của món ăn dân dã níu chân biết bao người.

Tại phiên chợ  này, các sản phẩm được bày bán chủ yếu là sản vật các vùng miền, sản phẩm làng nghề hoặc ít ra cũng là “của nhà trồng được”. Với phần lợi nhuận thu về sau phiên chợ, các bà mẹ trong Hội quán trích ra một phần để xây dựng các tủ sách từ thiện, tặng học bổng và thực hiện các chương trình giáo dục giới tính cho trẻ em vùng sâu, vùng xa…

Một em nhỏ cùng mẹ đến thăm quan chợ phiên. Em thích thú khi lần đầu được tìm hiểu về các vật dụng bằng mây, tre hay lục bình. Tại đây, mỗi tháng đều có chương trình dạy khoa học từ cuộc sống cho trẻ em, thu hút rất nhiều bạn nhỏ tham gia.
Các món quà quê được giới thiệu tại chợ phiên.
Các bà mẹ không quên bày sẵn một sạp sách để phục vụ nhu cầu giải trí của các em nhỏ. Các đầu sách đều được chọn lọc kỹ càng để chắc rằng chúng bổ ích và phù hợp với trẻ em.
Một bạn nhỏ tranh thủ đọc sách khi vắng khách. 10-15% lợi nhuận từ phiên chợ sẽ được các tiểu thương “nhí” cùng bố mẹ chia sẻ cho những dự án thiện nguyện ý nghĩa.
Áo dài là trang phục rất dễ bắt gặp tại phiên chợ này. Ðây là nét đặc biệt mà Hội quán muốn duy trì trong suốt quá trình hoạt động của phiên chợ.

Tại phiên chợ, Hội quán Các bà mẹ dành riêng một không gian để trưng bày, giới thiệu và bán lụa Mã Châu cũng như các sản phẩm áo dài cách tân được may từ loại lụa thủ công này. 

Chị Nguyễn Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ cho biết: “Chúng tôi muốn ngày càng nhiều người biết đến lụa Mã Châu, loại lụa thủ công truyền thống của người dân Quảng Nam. Chúng tôi đến tận làng nghề tìm hiểu rồi mới đưa sản phẩm từ tay nghệ nhân đến với mọi người, với mong muốn cùng chung tay giữ gìn làng nghề hàng trăm năm tuổi này”.

Mỹ Dung
.
.
.