Chờ trăng trên phố

Thứ Năm, 12/09/2013, 11:02

Qua những ngày hè nắng oi ả và chói chang, qua tháng bảy mưa ngâu rả rích, cả bầu trời nặng trình trịch những đám mây xám xịt, tháng Tám về thổi vào lòng người những giai âm trong trẻo với nắng vàng như rót mật, gió mát lạnh, trời cao và trong xanh. Như đã hẹn, tháng Tám lại về với những đèn lồng xanh đỏ, tiếng trống tùng tùng giục giã, trăng rải vàng trên khắp lối, nhắc nhớ một mùa trông trăng nữa lại tới, trẻ em háo hức đón đợi, người lớn như cũng nhìn thấy niềm vui và tuổi thơ của mình trong cái háo hức, mong đợi của trẻ con như thế. Trung thu gõ cửa từng nhà, đến với từng người bằng tất cả sự náo nức và rộn rã…

Trẻ con từ xưa vẫn thế, đến nay vẫn vậy, háo hức chờ Trung thu như đón chờ Tết đến. Tết Trung thu là Tết thiếu nhi nên tất cả những náo nức, mong chờ cũng được đong đếm theo một cách riêng, rất hồn nhiên và chân thực. Đó là niềm vui khi xòe bàn tay đếm ngược từng ngày, khi mỗi tối ngẩng đầu lên trời, ngắm trăng sao vời vợi, và cầu mong mảnh lưỡi liềm cứ càng ngày càng đầy đặn, tròn trịa… Để rồi đến một ngày, khi mảnh lưỡi liềm vắt vẻo nơi mảnh trời trở nên tròn vành vạnh, tỏa sáng lung linh và chảy tràn trên mọi thứ, niềm vui của trẻ nhỏ cũng theo đó mà vỡ òa, lũ trẻ túa ra đường, nhập thành đám rước đèn, nhóm nhỏ tụ thành nhóm lớn, đám rước cứ thế rồng rắn kéo nhau đi khắp xóm. Tiếng nô đùa hòa cùng tiếng trống tùng rinh, hòa cùng những nhịp chân sáo, huyên náo và rộn rã.

Trẻ con chuẩn bị cho cái Tết của mình cũng theo một cách rất riêng. Có đứa cả tháng trước đó cắm cúi cóp nhặt từng hạt bưởi, bóc vỏ, tách đôi, xâu qua sợi dây đồng thành chuỗi dài, rồi chỉ mong trời nắng, treo cành cây, cho hứng đủ nắng trời. Hạt bưởi ban đầu trắng bóc, qua mấy nắng lại khô rang, quắp mình, nhăn nheo như bàn tay em bé vầy nước nhiều vậy. Có đứa để dành từng hộp xà phòng, nung que cời than cho thật đỏ, dùi những mũi chắc chắn lên thân hộp, từ những chiếc hộp ấy hiện lên thật nhiều thứ: vì sao, vầng trăng, trái tim, mọi thứ mà chúng nghĩ ra được… Thêm một sợi dây, một thân nứa đủ dài, đủ chắc chắn, đặt dưới đáy một ngọn nến là đã có thể tự tin ra phố với chiếc đèn lồng tự tạo của riêng mình. Nhà đứa nào có điều kiện hơn sẽ được bố mẹ mua cho cái trống da bò, đập nhẹ tay thôi cũng kêu bong bong đến là vui tai, cả những chiếc đèn ông sao, với đủ màu vàng, xanh, đỏ, lấp lánh…

Nhưng chuẩn bị cho Trung thu cầu kì nhất có lẽ là đội múa lân. Chiếc đầu kì lân được làm cầu kì từ khung tre, phủ từng lớp giấy báo, giấy màu, sau đó được sơn phết tỉ mỉ, bắt mắt. Mọi thứ có thể cóp nhặt ở nhà đều được tận dụng tối đa: mảnh chăn đỏ đã lâu rồi không dùng để làm đuôi kì lân, bộ quần áo đã bạc màu, mo cau ngoài vườn… sẽ là đạo cụ cho một Thị Nở hay ông Địa nào đó. Tất cả đều tất bật và chuẩn bị thật tỉ mỉ, trong lòng khấp khởi đợi ngày trăng tròn...

Ảnh minh họa.

Ngày trăng tròn là ngày rộn rã những tiếng trống, kín đặc những đám rước nhỏ to, từ đầu tới cuối ngõ, đâu đâu cũng vang tiếng thình thình, tùng cắc, giục giã lũ trẻ con nhanh nhanh phá cỗ rồi ùa ra khỏi nhà, nhập vui cùng chúng bạn. Ngày trăng tròn, tiếng cười nói, nô đùa, tiếng bước chân nhịp sáo hòa cùng những sắc màu lung linh từ những chiếc đèn lồng, qua từng kẽ hở in xuống mặt đất những hình thù ngộ nghĩnh,  những chùm pháo hoa từ chuỗi hạt bưởi cháy xèo xèo, bắn ra những tia lửa xanh xanh vui mắt…

Nhắc tới Trung thu là nhắc tới chuỗi ngày lấp lánh những màu sắc kì diệu của tuổi thơ với những chiếc đèn ông sao, đèn lồng đủ màu, với tiếng trống tùng tùng rinh rinh nhịp nhịp cho mỗi bước chân, với đám rước đèn kéo nhau đi từ sẩm tối cho tới khi trăng cao quá ngọn tre, với cả những chiếc đầu kì lân phết màu tỉ mỉ, hai mắt chớp mở liên hồi, thỉnh thoảng lại thổi bùng lên những ngọn lửa sáng lóa, đám đông vội vã lùi ra xa nhưng vẫn không quên nổ những tràng cười thích thú, đôi mắt mở to không chớp vì thán phục. Đám rước và đám múa cứ đi lần lượt từng nhà trong xóm, tiếng trống thùng thùng, những chú kì lân khi cuộn mình lăn tròn trên khoảng sân trước nhà, lúc tung mình lên cao nhảy múa. Trên cao, trăng vẫn vằng vặc, sáng và trong như muốn soi thật rõ từng mái đầu, trăng rải một màu vàng óng, con đường lấp loáng ánh trăng, cành lá bên đường lấp lánh những giọt vàng…

Rất nhiều mùa trăng đã đi qua, đọng lại trong mỗi người những hồi ức thật đẹp. Nó thân thuộc, gần gũi và quyến luyến đến nỗi bức tranh Trung thu trong lòng họ luôn được đóng khung với những đèn ông sao, đèn lồng tự tạo, tiếng trống, đám rước đèn… Rồi bỗng một ngày trăng tròn nào đó lại đến, tiếng trống thưa dần, những chiếc đèn lồng năm xưa được thay bằng những chiếc đèn hiện đại, với nhạc vui tai, đèn xanh đỏ nhấp nháy, trẻ con chẳng tụ tập nhau thành từng đám, từng đám, những nhà cao tầng mọc san sát, đèn đường quá sáng chói để ánh trăng được dịp chảy tràn trên mọi thứ như trong khung tranh mà họ tự gò vào, lại có một chút ngậm ngùi, một tiếng thở dài cố nén và một chút tiếc nuối cho những khoảng thời gian trong trẻo mà họ đã đi qua. Người lớn bây giờ lại thương cho lũ trẻ con khi chẳng được trông trăng một cách trọn vẹn như cha mẹ chúng đã từng được, thấy tội cho trẻ con khi chúng không được trải nghiệm những thú vui mà cha mẹ đã từng trải qua…

Nhưng trẻ con thì không!

Chúng vẫn hân hoan đón đợi và mong ngóng ngày trăng tròn, và vẫn theo một cách rất riêng: là khi thấy trên đường phố bắt đầu nhộn nhịp những cửa hàng bán bánh Trung thu, cả dãy phố khoác lên mình chiếc áo màu đỏ rực rỡ của những cửa hàng giới thiệu sản phẩm; là niềm vui khi được khoe với chúng bạn món quà mà cha mẹ hứa sẽ mua cho, là sự háo hức khi tới ngày ấy sẽ được đưa đi chơi trên phố, hay được vào khu vui chơi và nô đùa thỏa thích…

Ngày trăng tròn, dù có thể ánh trăng bị khuất lấp hay bị che mờ bởi những tòa nhà cao tầng, mọc san sát, dù ánh đèn điện quá sáng, quá chói để cho ánh trăng được mặc sức khoe mình, trẻ con vẫn háo hức. Háo hức khi được bố mẹ dẫn ra đường, hòa mình vào dòng người đông đúc, được mua cho những chiếc bóng bay với đủ hình thù, màu sắc, cảm giác khi được nắm chặt một thứ thuộc về mình thật sự là thích thú. Quả bóng lơ lửng trên đầu trong cả chuyến đi chơi, rồi lại chập chờn trong giấc mơ của trẻ nhỏ sau một buổi tối đi chơi đến mệt nhoài, một nụ cười trên môi ai đó đã bừng nở… Đó cũng là niềm háo hức khi cả đoạn đường ứ lại với nào người lố nhố, nào xe san sát  khi một đội múa lân đang biểu diễn trước cổng nhà nào đó. Những tiếng vỗ tay ràn rạt, những tiếng trầm trồ, và đáng yêu nhất là hình ảnh những ông bố kiệu con trên vai, bế bổng trên tay, vừa chỉ trỏ, vừa giải thích…

Ánh mắt trẻ con nhìn chăm chú, thích thú, ngời lên niềm vui và thán phục như bố mẹ chúng năm nào, ánh mắt bố mẹ nhìn con trìu mến, thân thương, và cũng ngời ngời hạnh phúc khi có thể chia sẻ với con một chút ít kỉ niệm tuổi thơ của mình. Khoảnh khắc ấy là khoảnh khắc gần nhau nhất giữa hai thế hệ, khi mọi thay đổi, mọi biến chuyển của cuộc sống dường như chẳng thể nào xóa nhòa được sự háo hức của trẻ con bao thế hệ, từ thế hệ đi trước tới thế hệ đi sau, và cả những thế hệ kế tiếp về sau sau nữa…

Đâu phải cứ nhất thiết nhìn thấy một vầng trăng tròn trên đầu mới biết đó là Trung thu, mới cảm nhận Trung thu một cách trọn vẹn. Trẻ con đơn giản lắm, vì chúng tin rằng cứ tới Trung thu thì trăng sẽ lại tròn và sáng vằng vặc, nên chẳng như người lớn mất công tìm kiếm, chúng ùa vào để tận hưởng mọi niềm vui mà chúng có được, để khi một ngày khép lại, chúng vẫn luôn tin rằng: Trung thu là trăng tròn - ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm

Bảo Linh
.
.
.