Indonesia:

Chống đốt rừng gây "bão lửa"

Thứ Ba, 24/01/2017, 17:09
Gia hạn qui định tạm ngưng chuyển đổi các đầm lầy than bùn thành đồn điền, ra lệnh buộc các công ty phục hồi những khu vực mà họ đã đốt phá, là những bước mới trong việc chống mất rừng, đốt rừng của Chính phủ Indonesia.


Việc hút kiệt các vùng đầm lầy than bùn của các công ty khai thác dầu cọ và gỗ giấy đã góp phần lớn vào việc tàn phá những cánh rừng nhiệt đới ở Indonesia, cũng như làm tăng khí thải nhà kính.

Đốt rừng làm rẫy lên nương

Việc chuyển đổi đất làm trầm trọng thêm những vụ cháy rừng vào mùa khô hàng năm, làm thoát ra lượng khí carbon khổng lồ trữ dưới than bùn. Nhiều vụ cháy rừng là do cố tình để “dọn sạch” thảm thực vật tự nhiên.

Theo báo The Wall Street Journal, suốt nhiều năm, dân làng, chủ đất và các chủ đồn điền đã dùng chiêu “đốt nương làm rẫy” để phá rừng nhằm phát triển nông nghiệp. Những vụ cháy rừng có thể kéo dài nhiều tuần ở các tầng than bùn giàu khí carbon đã hình thành từ hàng ngàn nãm và  nằm sâu dýới thảm thực vật. Những vụ cháy rừng tạo ra làn khói mù dày ðặc ðe dọa sức khỏe hàng triệu ngýời trong khu vực.

Các đám cháy gây ra bụi mù trên diện rộng

 Cuối tháng 10-2016, từng tổ 6 cảnh sát phòng cháy chữa cháy ở thành phố duyên hải Dumai đã dùng xe gắn máy tuần tra để có thể sớm phát hiện những vụ cháy rừng ở phía đông Sumatra. Họ có thể xin điều máy bay dội nước chữa cháy, nhưng cũng đem theo phương tiện chữa cháy, như cùng binh lính, thanh niên tình nguyện dùng ống hút nước từ kênh để dập tắt những đám cháy. Sau mỗi ngày, họ đều phải quay lại kiểm tra để chắc chắn rằng đám cháy đã bị dập tắt hoàn toàn. Họ tiếp cận vùng đã cháy, vẽ bản đồ hành trình và dùng điện thoại di động để báo cáo tình hình.

Thế nhưng, do sóng điện thoại yếu và việc thiếu nước chữa cháy, phương tiện khiến họ khó thực hiện nhiệm vụ, trong khi kinh phí do chính phủ cấp thì không ổn định. Các hạn chế kể trên cho thấy Indonesia đang đối mặt với một nhiệm vụ khổng lồ là xử lý một trong những vấn nạn phá rừng trầm trọng nhất thế giới, phần lớn do thế giới có nhu cầu cao trong việc sử dụng các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Indonesia: giấy, bột giấy và dầu cọ.

Hành động gia hạn qui định tạm ngưng chuyển đổi rừng thành đồn điền của Chính phủ Tổng thống Joko Jokowi Widodo được Na Uy hoan nghênh. Năm 2010, nước này đã hứa tặng 1 tỉ USD để giúp Indonesia chấm dứt việc triệt hạ những mảng rừng nhiệt đới đầy giá trị, nhưng chỉ mới giải ngân chút ít. Ngoài ra, Na Uy hứa sẽ cấp 25 triệu USD cho Indonesia làm quỹ phục hồi những vùng than bùn đã bị hút cạn, và 25 triệu USD nữa một khi lập được kế hoạch giám sát việc thực hiện qui định.  

Tại Hội nghị thượng đỉnh Paris 2015 bàn về sự thay đổi thời tiết, Tổng thống Widodo đã phát tín hiệu sẽ cải tổ cách quản lý rừng, để kéo giảm 29% lượng khí thải nhà kính kể từ năm 2030. Mới đây, ông Widodo nói rằng chính phủ đang làm việc giải quyết cả những vấn đề xã hội sau những vụ cháy rừng: “Chúng tôi đang xóa nghèo, chống tham nhũng và củng cố pháp luật”.

Nhân công đồn điền bắt đoàn chính phủ

Cảnh sát Indonesia cho biết có hơn 450 người nghi đốt rừng đã bị bắt trong năm 2016, so với khoảng 220 người bị bắt hồi năm 2015. Người bị buộc tội đốt rừng có thể bị kết án tối đa 10 năm tù và phải nộp số tiền phạt 10 tỉ rupiah (tương đương 765 ngàn USD). Từ năm 2013, Bộ Tài nguyên - Lâm nghiệp Indonesia cũng tăng cường truy tố các công ty, khi một vụ cháy rừng lớn đã gây căng thẳng ngoại giao giữa Indonesia với Singapore và Malaysia.

Hồi tháng 8-2016, một tòa án ở thủ đô Jakarta đã tuyên mức phạt kỷ lục 1.000 tỉ rupiah (80 triệu USD) đối với một chi nhánh của Công ty Nông nghiệp PT Sampoerna Agro Tbk, do chi nhánh này gây tổn thất môi trường bằng cách đốt rừng để lập đồn điền trồng cây cọ lấy dầu ở tỉnh Riau, đảo Sumatra hồi năm 2014. Luật sư biện hộ cho rằng, vụ cháy bắt đầu từ ngoài đồn điền, không gây thiệt hại môi trường và công ty đang kháng án lên Tòa án tối cao Indonesia. Năm 2016, tòa án cũng đã bác đơn kháng cáo của một công ty trồng cọ lấy dầu ở tỉnh Aceh. Công ty này bị tuyên phạt 26 triệu USD vì tội đốt rừng vào năm 2014.

Các quan chức cho biết những vụ án trên ngăn chặn đáng kể các vụ đốt phá rừng, nhưng các nhà nghiên cứu nói tham nhũng, sự tham tiền và thiếu chứng cứ đã “làm hỏng” không ít cuộc điều tra. Hồi hè, một đoàn của chính phủ được cử đi điều tra về vụ đốt một đồn điền trồng cọ lấy dầu ở tỉnh Riau, nhưng đoàn đã bị các công nhân ở đó bắt làm con tin, và họ chỉ được thả khi đồng ý hủy những hình ảnh và các đoạn video thu thập được. Vụ này vẫn đang được điều tra, ông Rasio Ridho Sari, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ pháp luật do Bộ Tài nguyên - Lâm nghiệp Indonesia cho biết.

Lính phòng cháy chữa cháy dập tắt các đám cháy.

Một số chuyên gia đề nghị cách làm khác, như phân phối máy khai hoang đất giá rẻ và thưởng tiền cho làng nào không “đốt nương làm rẫy”, như một số công ty và các nhóm viện trợ đã thực hiện. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia đã sử dụng máy bay không người lái và ảnh vệ tinh (của Cơ quan Không gian Mỹ - NASA) và các nguồn khác để phát hiện và điều tra những điểm nóng. Chính phủ cũng lập một ủy ban khôi phục các vùng đất than bùn, lắp đặt thiết bị cảm ứng để giám sát các nỗ lực này.  

Đốt rừng đốt cả mạng người

Indonesia đã có nhiều nỗ lực kéo giảm khí thải nhà kính và bảo vệ rừng nhiệt đới vốn là nơi ở của nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng, nhưng việc phá rừng vẫn tiếp tục chứ không giảm. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change đã ước tính từ năm 2012, Indonesia đã khai hoang 840.000 ha rừng/năm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Theo chuyên gia rừng Arief Wijaya thuộc Viện Các tài nguyên thế giới, sự gia hạn qui định tạm ngưng (chuyển đổi rừng thành đồn điền) là một quyết định quan trọng để bảo vệ vùng Papua của Indonesia “như biên giới cuối cùng của những cánh rừng tự nhiên” vốn chưa bị sự khai phá “sờ đến”. Hiện nạn phá rừng vẫn diễn ra ồ ạt ở đảo Sumatra và nghiêm trọng hơn ở Kalimantan và  Borneo thuộc Indonesia. Viện trên ước tính Indonesia có thể đạt được sự kéo giảm 7,8 ngàn tỉ tấn khí thải carbon trong 15 năm, tức tương đương một  năm khí thải nhà kính ở Mỹ.

Chuyên gia Wijaya nói trên thực tế, việc gia hạn qui định có nghĩa các công ty bị cấm mở rộng quyền sử dụng đất than bùn, dù vùng đất này đã nhượng quyền khai thác cho họ. Các công ty cũng phải khôi phục những vùng đất than bùn bị hút kiệt và những vùng đất than bùn bị đốt. 

Trong một tuyên bố gần đây, Bộ Môi trường - Lâm nghiệp Indonesia đã phê bình Công ty Asia Pulp & Paper (một trong những công ty sản xuất giấy lớn nhất thế giới) và cho rằng do công ty quản lý kém vùng đất than bùn nên để xảy ra vụ cháy rừng vào mùa khô năm 2015.

Vụ cháy này xảy ra từ tháng 7 đến tháng 10-2015 ở phía nam Sumatra, và Kalimantan là vụ cháy nghiêm trọng nhất tính từ năm 1997, đã đẩy làn khói mù đe dọa mạng sống con người bay từ Indonesia sang Singapore, Malaysia và phía nam Thái Lan. 

Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard và Colombia đã đánh giá những hạt vật chất nhuyễn trong khói mù đã dẫn đến cái chết của gần 100.000 người. Ứơc tính vụ cháy này trong mỗi ngày đã bơm nhiều khí thải nhà kính vào khí quyển hơn cả nguồn khí thải do toàn bộ nền kinh tế Mỹ thải ra, theo Viện Các tài nguyên thế giới. Chỉ riêng ở Indonesia có nửa triệu người phải nhập viện vì các bệnh đường hô hấp. Theo Ngân hàng thế giới (WB), tổn thất kinh tế - gồm: phải đóng cửa trường học, hoạt động du lịch và buôn bán - đã lên đến con số hơn 16 tỉ USD.

Năm 2016, mưa nhiều giúp giảm đáng kể số vụ cháy rừng, nhưng vẫn còn rất nhiều vùng đất than bùn bị đốt và bị hút kiệt đang bị cháy, và khói mù gây báo động ô nhiễm khắp eo biển Malacca ở Singapore. David Gaveau, nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu rừng quốc tế (ở Indonesia) nói vì có quá nhiều vùng đất cực kỳ dễ cháy, chẳng cần đến sự bất thường của  thời tiết - như hiện tượng El Nino năm 2015 gây hạn hán - mới gây ra cháy rừng.

Kim Hương ( tổng hợp)
.
.
.