Chồng ngồi xe lăn, vợ có đôi bàn tay không ngón và chuyện tình đẹp như cổ tích

Thứ Bảy, 23/02/2019, 16:56
Cả anh và chị sinh ra đều mạnh khỏe, nhưng tai nạn ập đến đã cướp đi những ngón tay xinh của chị và đôi chân lành lặn của anh. Họ đến với nhau trong nỗi bất hạnh phận người, nhưng trái tim tràn đầy tình yêu thương đã đủ sức mạnh để mang lại hạnh phúc viên mãn trong ngôi nhà nhỏ, với những tiếng cười trẻ thơ.


Về thôn Hòa Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), hỏi chuyện chị Đỗ Thị Thu Thủy và anh Nguyễn Văn Bá, nhiều người đều nói đến với sự ngưỡng mộ. Cặp vợ chồng tàn nhưng không phế này - nói theo cách ví von của người dân trong thôn là "như đôi chim cúc cu" - đang xây dựng một tình yêu đáng mơ ước, khi đã vượt qua mọi rào cản, định kiến và cả những khó khăn về vật chất trong cuộc sống để có được một gia đình hạnh phúc, với những đứa con thơ đáng yêu.

Nghị lực của cô thợ may có đôi bàn tay không ngón

Cần mẫn bên chiếc máy khâu để kịp giao hàng cho khách đi lễ hội sau Tết Nguyên đán, chị Đỗ Thị Thu Thủy kể lại cho chúng tôi nghe hành trình vượt qua số phận đầy gian nan nhưng cũng lắm mật ngọt của chính bản thân mình.

Hằng ngày, anh Bá phụ giúp vợ nhiều công việc trong gia đình.

Là người con gái đất Cảng (Hải Phòng), năm 1977 chị chào đời cũng lành lặn, đáng yêu như bao bé gái khác. Nhưng chỉ hai năm sau đó, một hỏa hoạn bất ngờ ập đến đã làm biến dạng gương mặt và cướp đi đôi bàn tay của  Thủy.

Đó là vào đêm mồng 2 Tết, khi nhà chỉ có 3 mẹ con, Thủy đang nằm ngủ trên giường thì pháo do lũ trẻ trong khu phố đốt dạo chẳng may bay lạc qua cửa sổ, rơi đúng vào đám chăn màn chỗ giường mà bé Thủy đang ngủ, gây hỏa hoạn kinh hoàng.

Bé Thủy được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng gương mặt và nhiều vùng da cơ thể bị cháy sém, biến dạng. Xót xa hơn, hai tay sau một quá trình băng bó, các ngón bị hoại tử, phải tháo khớp tất cả 10 đầu ngón tay.

Mang nỗi mặc cảm đó đi hết tuổi thơ, Thủy ít ra đường, tránh tiếp xúc với mọi người nhưng lại rất ham học. Sự đam mê đó đã biến thành sức mạnh, chị lầm lũi giữa những tiếng trêu đùa của bạn bè, để học lên đến chương trình cấp 2 phổ thông. Phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần nữa nghĩ học cũng chẳng để làm gì, Thủy bỏ ngang khi đang học lớp 8.

Thương bố mẹ khốn khó, Thủy bắt đầu tự lực, kiếm việc để làm nhưng đi đâu cũng bị hắt hủi, từ chối. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng chị cũng tự kiếm được tiền để nuôi sống bản thân, khi một cơ sở làm vàng mã nhận sản phẩm của chị làm. Tuy nhiên, ông chủ này lại không muốn chị xuất hiện ở xưởng mà cho phép gia công tại nhà riêng, chỉ nhận thành phẩm.

Chị Đỗ Thị Thu Thủy và chiếc máy may gắn bó suốt 13 năm với đôi bàn tay không ngón.

Thu nhập phập phù, công việc vô cùng vất vả so với một người không có những ngón tay như chị, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác, chị chấp nhận chịu đựng và cần mẫn làm việc. Cuộc đời thêm một lần thử thách chị khi cách đây 13 năm bố chị phát hiện bị bệnh ung thư phổi. Trước khi mất, bố đã cầm tay con gái, bảo phải kiếm một nghề bền vững để sinh nhai, và ông gợi ý, chỉ có thể là nghề may mặc, may ra còn bám trụ được với đời.

Tạc dạ lời trăng trối của bố, Thủy quyết tâm chọn nghề thợ may để kiếm kế sinh nhai. May mắn, Thủy được một người lạ thương, đưa lên Hà Nội dạy cho những kỹ năng cơ bản. Ban ngày chị kiên trì theo học những người có kinh nghiệm cắt may, đêm đến xin vải vụn về để tập khâu vá.

Quyết tâm sống được bằng nghề, chị Thủy tích cóp mua một chiếc máy may đạp chân, tìm đến bác thợ rèn đặt những chiếc kéo chỉ dành riêng cho người tàn tật. Những nỗ lực đó của chị đã được đền đáp xứng đáng, khi ba tháng sau, đã có người đến may đo quần áo từ cô gái có đôi bàn tay không ngón. Khách hàng bắt đầu biết và tìm đến chị, ban đầu có thể chỉ là vì tò mò, hoặc chỉ đơn giản là để ủng hộ, động viên chị.

Nhưng dần dà, theo thời gian, tay nghề của chị ngày càng được khẳng định, những sản phẩm chị làm ra được đón chào nồng nhiệt. Thu nhập từ nghề thợ may giúp chị đủ để trang trải cuộc sống thường nhật và tự tin sống được bằng nghề.

Sau 13 năm, chị Thủy đã là một thợ may lành nghề, ngoài những khách hàng trực tiếp, chị còn có những người tận Hải Phòng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đặt hàng. Chia sẻ về điều này, chị cho biết, là do chị có mở một trang mạng xã hội để dạy may online, thu hút hàng trăm học viên từ khắp mọi miền đất nước tham gia. Thậm chí, với kinh nghiệm từ một người đi trước, chị còn mày mò tìm tòi những cuốn sách dạy cắt, may hay nhất để đặt hàng, tư vấn và mua giúp cho những người bạn trên mạng xã hội khi có nhu cầu.

Cổ tích tình duyên

Vượt qua thử thách phận người, đứng vững được giữa giông bão cuộc đời đã là một câu chuyện cổ tích giữa đời thực đối với Đỗ Thị Thu Thủy. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đó, có thêm được một tình yêu, và rời quê Hải Phòng về Hà Tĩnh xa xôi để làm dâu, có được mái ấm bên người chồng và những đứa con xinh, lại là điều hơn cả sự mong đợi của của cô gái đất Cảng.

Anh là Nguyễn Văn Bá (SN 1973), quê ở Hà Tĩnh. Anh Bá cũng có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Sinh ra khỏe mạnh, anh từng là quân nhân chuyên nghiệp. Thế nhưng, năm 1999, anh Bá gặp phải một tai nạn khủng khiếp, mạng sống giữ được nhưng đôi chân thì vĩnh viễn không còn chức năng để đi lại. Anh bị mất đến 95% sức lao động sau tai nạn, phải ngồi xe lăn.

Nhiều khách hàng đã tìm đến đặt may đo tại nhà chị Thủy.

Chị Thủy tâm sự, trước khi gặp anh, đã có lúc chị không còn niềm tin vào tình yêu, bởi trước đó, chị đã một lần đổ vỡ trong chuyện tình cảm. Cái mà chị còn lại được trong mát mát ấy, là đứa con trai kháu khỉnh, cũng là niềm an ủi duy nhất còn lại.

Chị kể, hai người gặp nhau trong một dịp rất tình cờ. Ngày đó, anh Bá đang điều trị tại Viện bỏng Quốc gia, còn chị thì lặn lội từ Hải Phòng lên thăm một người bạn đang nằm cùng phòng với Bá.

Từ lời kể của người bạn, chị Thủy đã trò chuyện, làm quen vì cảm phục nghị lực cũng như thương cho số phận rẽ ngang của Bá sau những mất mát cuộc đời. Tình yêu đến rất nhanh, 2 tháng sau kể từ lần gặp gỡ đó, họ quyết định về sống chung dưới một mái nhà.

Gia đình hạnh phúc của anh Bá, chị Thủy hiện tại.

Ban đầu, gia đình hai bên không đồng ý, vì sợ hai con người khuyết tật về sống với nhau sẽ chỉ làm khổ nhau thêm mà thôi. Nhưng rồi tình yêu và sự đồng điệu tâm hồn của anh chị đã chiến thắng mọi rào cản. Một đám cưới nho nhỏ nhưng hạnh phúc đã được đôi bên tổ chức, từ Hải Phòng, cô gái nghị lực Đỗ Thị Thu Thủy đã về Hà Tĩnh để làm dâu trong sự chúc phúc của mọi người.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, chị Thủy cho biết, chị đang rất hạnh phúc và viên mãn với những gì mình có. Dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn vì gia đình chồng cũng rất nghèo, song bù lại chị được anh dành cho một tình yêu lớn lao. Dù không làm được những việc lớn, song anh Bá rất tâm lý khi thường xuyên phụ giúp vợ những công việc trong gia đình, nhất là những ngày chị nhận nhiều đơn hàng, kịp làm để trả cho khách theo đúng hẹn.

Anh Nguyễn Văn Bá chia sẻ, từ khi có Thủy, cuộc đời anh đã sang một trang khác. Hạnh phúc, khổ đau, vất vả và cả những mật ngọt đời thường, có người để sẻ chia đã là một sự "giàu có", song trong hoàn cảnh tật nguyền, như anh chị nhưng vẫn mang lại hạnh phúc cho nhau, đó thực sự là món quà lớn của tạo hóa. Mỗi ngày, mỗi giờ cả hai luôn trân quý tình cảm đó.

Thiên Thảo
.
.
.