Thứ ba là ngày đầu tuần

Chữ "Hiếu"

Thứ Sáu, 12/07/2013, 11:37

Đàn: Bác cũng lạ. Ngồi cà phê ít khi bác cho tiền trẻ con ăn xin, nhưng lại hay chạy sang bên kia đường cho tiền một người hành khất già nào đó.

Hồi: Tôi yêu trẻ con, nhưng nếu trong túi tôi còn một đồng thì một đồng đó sẽ ưu tiên cho người già. Tôi ưu tiên người già vì quỹ sống của họ đã cạn. Trẻ con gian khó vẫn còn dư cơ hội. Ở Nam Mỹ có tổng thống vốn vươn lên từ một cậu bé đánh giày đấy thôi. Nhưng người già thì không còn cơ hội nữa. Tôi biết nhiều cụ bị con cái báo hiếu bằng quyền cước và binh khí, biến cha mẹ thành phế binh, thậm chí bị tống ra đường. Mỗi khi thấy bóng hành khất già góc phố, tôi lại muốn bù đắp an ủi, dù người ấy không sinh ra mình.

Đàn: Mấy hôm nay, tôi cứ đọc tin bên Trung Quốc. Thấy người ta tranh cãi sôi sục việc dự thảo đưa chữ "Hiếu" vào luật… Bác thấy khả thi không?

Hồi: Tôi có đọc. Bà mẹ Giang Châu đã không cam chịu khi đứa con gái bỏ rơi mà kiện ra tòa. Bà mẹ 77 tuổi đã thắng kiện. Luật đã giám sát việc chăm sóc mẹ của đứa con gái bà rất cụ thể. Người ta muốn quản lý lương tâm bằng văn bản cụ thể. Tất cả cha mẹ đều có thể kiện ra tòa những nghịch tử vô đạo. Ở ta cũng có không ít những việc con cái tệ bạc. 10 con không nuôi nổi một mẹ.

Đàn: Có cái clip trên mạng. Một bà mẹ vái lậy đứa con trai cởi trần quay lưng xem TV thật quá hãi hùng.

Hồi: Gần đây, có những bậc sinh thành bị chính con ruột đoạt cả mạng sống. Thật không còn gì để nói nữa…

Đàn: Vâng. Tôi có đọc báo. Vậy hàng xóm láng giềng, đoàn thể đã ở đâu?

Hồi: Đoàn thể vốn quen với việc chỉ xử lý hậu quả chứ chưa đi đầu việc phòng ngừa. Cán bộ phát huy năng khiếu nghiên cứu nhiều hơn hành động. Vì thế, tiếng kêu cứu của nạn nhân dù thảm thiết vẫn bị cách âm sau bức tường lối sống MACKENO.

Đàn: Lẽ nào chữ "hiếu" chỉ còn mang tính hình thức?

Hồi: Chỉ vài nghịch tử đã là quá đủ để phá vỡ một xã hội trọng nền tảng gia đình. Nhưng bác ạ. Nhìn chung thì bức tranh cũng không đến nỗi xám xịt. Những gương hiếu thảo vẫn ở quanh ta tạo sự lay động trong cộng đồng. Nhiều bé trong độ tuổi nhà trường đã chăm sóc cha mẹ bị bệnh hiểm nghèo. Có cháu bé 5 tuổi chăm sóc mẹ bị ung thư rất tận tụy.

Chẳng nói đâu xa. Trong những người bạn tôi cũng không ít người thầm lặng làm tròn chữ hiếu. Một nghệ sĩ vẫn tự tay chăm sóc mẹ liệt từ ăn uống tới tắm táp hàng ngày.

Tôi lại nhớ tới hai anh em là bạn nối khố. Cha của họ đi biệt xứ. Mẹ của hai anh này có thời cùng cực đã phải bán thân để nuôi con ăn học. Sau này họ thành trí thức cả. Miệng lưỡi người đời độc địa làm cho hai anh em đau đớn từ bé. Việc bán thân ngày xưa nặng nề hơn bây giờ vạn lần. Nhưng người mẹ ấy thật hạnh phúc vì hai đứa con trai đã một lòng chăm sóc bà hết sức thơm thảo từ khi còn sức cho tới lúc già yếu, lâm chung. Phải biết ơn người cho mình một kiếp sống. Đứa con không có quyền phán xét bậc sinh thành. 

Đàn: Cần đưa chữ “Hiếu” vào luật. Muộn còn hơn không?

Hồi: Đau đầu đấy. Vào luật là những điều khoản cụ thể hóa. Vậy bao nhiêu lần thăm hỏi là ít, bao nhiêu lần là vừa, là nhiều. Ây da…

Đàn: Việc đó thành công thì có thể coi là một tín hiệu đáng mừng?

Hồi: Không hề. Nếu luật hóa chữ hiếu chứng tỏ đạo lý đã bị xói mòn nền tảng cuối cùng. Đó là dấu hiệu suy yếu một cộng đồng giàu truyền thống gia đình. Những việc thuộc về lương tâm thì hãy để trái tim lên tiếng. Trái tim phải biết rõ nhịp đập của mình hướng về đâu

Lê Tâm
.
.
.