Hàng trăm tiểu thương bất bình ở chợ đầu mối Thủ Đức, TPHCM:

Chủ doanh nghiệp tô sơn, bán chợ?

Thứ Ba, 04/09/2012, 16:55
Là chợ đầu mối lớn nhất, cung cấp lượng thực phẩm lớn nhất cho địa bàn TP.HCM, chợ Thủ Đức có mặt bằng rộng và rất đông tiểu thương. Mới đây CSTC nhận được đơn kiến nghị của hàng trăm tiểu thương trong chợ khiếu nại việc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức o ép "chặn đường kinh doanh buôn bán" của tiểu thương. Đơn vị này kẻ vạch, chia ô để cho thuê ngay trước mặt tiền các sạp theo kiểu ngăn sông cấm chợ với giá cả chục triệu/tháng, gây nên bức xúc lớn. Vậy đâu là sự thật?

"Hãy để chúng tôi được mưu sinh bình thường"!

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (CĐMNSTĐ - 141 Quốc lộ 1A, KP5, P. Tam Bình, Q.Thủ Đức) là chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM với diện tích hơn 200.000m2. Tiểu thương kinh doanh buôn bán tại chợ này đa số từ các chợ đầu mối Cầu Muối cũ chuyển ra sau khi UBND TP.HCM có quyết định di dời giải tỏa từ tháng 10/2003. Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (sau đây gọi tắt là công ty) được giao quản lý chợ, có thể hiểu đây là chợ do công ty chịu trách nhiệm quản lý kinh doanh chứ không còn là chợ theo nghĩa truyền thống.

Khi mới kinh doanh ở đây, ban đầu lượng hàng hóa còn ít, hơn nữa trong ba năm đầu công ty cũng đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa về chỗ lên xuống hàng trong lòng chợ cho tiểu thương. Nhưng 3 năm gần đây, công ty đã lấy bãi xe container xuống phía trước mặt chợ cho thuê, năm đầu tiên giá 4 triệu đồng/tháng, qua năm thứ hai đã tăng lên 8 triệu đồng và năm nay là trên 13 triệu đồng.

Tổng số xe mà công ty thu tiền là gần 30 chiếc.  Sau đó công ty tiếp tục tự phân ô 2x3m bằng những vạch sơn màu vàng toàn bộ lòng sân chợ để cho các hộ thuê với giá 1,5 triệu/tháng, có ô công ty thu đến trên 6 triệu/tháng. Ngay cả khu vực dành cho việc "thông gió" - phòng cháy chữa cháy, công ty cũng phân ô để cho thuê kinh doanh căng tin, bán đồ ăn uống…

Quang cảnh chợ về đêm với hàng hóa đầy tràn.

Đầu tháng 6/2012, công ty tiếp tục cho người kẻ các vạch sơn ngay sát trước mặt tiền các ô vựa của nhiều tiểu thương, yêu cầu ai sử dụng thì phải nộp tiền thuê mặt bằng với giá từ 400 - 500 ngàn đồng/m2/tháng. Nhiều tiểu thương than là mức giá quá cao, gấp 13 lần giá thuê sạp, vì giá thuê 1m2 sạp trong 50 năm là 28.750 đồng/m2/tháng.

Trong 4 buổi họp hầu hết tiểu thương phản ứng, bức xúc phản đối chủ trương này của công ty. Ngay sau đó hơn 100 hộ kinh doanh đã ký đơn tập thể kiến nghị gửi đi các nơi để phản đối. Công ty tổ chức 2 cuộc họp trả lời đơn khiếu nại của tiểu thương.

Tại cuộc họp ngày 7/7/2012, lãnh đạo công ty đã hủy bỏ chủ trương thu tiền của tiểu thương. Nhưng, không lâu sau tại một cuộc họp khác, lãnh đạo công ty lại tiếp tục đưa ra yêu cầu nếu hộ kinh doanh nào muốn sử dụng phần mặt tiền ngay trước cửa các ô vựa mà công ty đã kẻ sơn thì phải đăng ký và phải trả chi phí.

Chị Nguyễn Thị Hoa Mai, tiểu thương trong chợ, bức xúc: "Cứ tưởng tượng đơn giản thế này - căn nhà nào cũng đều có mặt tiền trước nhà, khu vực này không được Nhà nước công nhận là của riêng chủ ngôi nhà đó và bản thân chủ nhà cũng biết vậy. Nhưng họ biết rằng khu vực trước nhà của họ thì không ai có thể tới đó ở hay chiếm dụng nếu không được chủ nhà đồng ý.

Cũng giống như vậy, khoảng không gian trước sạp phải được dùng để đi lại, giao thương buôn bán, bày hàng và tạm tập kết, lên xuống hàng hóa, không thể nào bắt chúng tôi phải trả tiền thuê mướn không gian vốn dĩ đã là của chúng tôi. Nếu bạn bán một căn nhà mà không có lối đi vào thì có ai mua không?

Hơn nữa, chẳng hạn các sạp hàng nằm chung dãy nếu có một hai chủ sạp đăng ký sử dụng để hàng tràn ra trước thì những sạp bên cạnh làm sao buôn bán hay bày hàng, từ đó bắt buộc họ phải đăng ký và trả phí cho công ty… Lúc đầu việc đăng ký, trả chi phí thuê ô vạch là yêu cầu bắt buộc của công ty đối với tiểu thương chứ không phải muốn dùng thì đến công ty đăng ký và trả phí như hiện nay. Hãy để chúng tôi được buôn bán bình thường như từ trước tới nay".

Chị T.T.T., một tiểu thương khác, cũng cho rằng: "Chúng tôi dứt khoát không đồng ý với chủ trương này của công ty. Tiểu thương di dời lên chợ này không phải ai cũng giàu có cả, có người muốn có một ô sạp cũng phải thế chấp nhà cửa để vay mượn tiền, đến bây giờ có người vẫn phải trả tiền vay ngân hàng. Buồn hơn là thời gian này đang mùa mưa nên tình hình buôn bán rất ế ẩm, nếu giờ lại thu thêm chi phí này sẽ khiến chúng tôi vô cùng khó khăn".

Cùng ý kiến với chị T., chị N.T.Đ. bộc bạch: "Công ty yêu cầu phải để gọn hàng hóa lại thì chúng tôi sẽ thực hiện nhưng nếu vẫn bắt phải thuê mấy trăm ngàn/m2, quy ra cũng phải từ 5-10 triệu/tháng tùy diện tích mặt bằng ô sạp - số tiền này quá lớn - sẽ khiến chúng tôi rất khó xoay xở…".

Đơn kiến nghị của tiểu thương.

Không phải tô sơn… bán chợ!

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, việc lấy lý do kẻ ô vạch cho thuê để có kinh phí duy tu bảo dưỡng đường sá, trả tiền rác, vệ sinh chung là hợp lý, vì công ty là đơn vị phải cân đối thu chi, thu để bù chi. Do việc vận chuyển hàng hóa mật độ dày, lớn, lâu ngày nên đường sá xuống cấp, hư hỏng, công ty cũng đang gặp khó khăn nên bắt buộc phải yêu cầu các tiểu thương sử dụng mặt bằng kinh doanh đóng góp với công ty.

"Xưa nay dù công ty đã nhiều lần thông báo việc giữ gìn trật tự kinh doanh tại chợ nhưng tiểu thương vẫn để hàng hóa ra ngoài phạm vi cho phép quá nhiều. Thời gian đầu hàng hóa chỉ chừng 1 tấn, sau này lên đến 4-5 tấn hàng, nếu để như thế thì sẽ gây khó khăn cho mọi người đi lại, vận chuyển hàng hóa ra vào chợ…

Bà Nguyễn Thanh Hà.

Ngoài ra cũng phải kể đến một thực trạng là khu vực trước phần kẻ ô có người để hàng hóa thật nhưng cũng có người cho người khác thuê để kinh doanh. Cho nên để biết rõ tình hình và sắp xếp lại trật tự kinh doanh, chúng tôi đã cho kẻ những ô vạch trước các sạp là để tiểu thương sắp xếp hàng hóa cho gọn gàng, nếu để vượt ra bên ngoài chúng tôi sẽ buộc phải có chế tài.

Vì nếu ai cũng để hàng hóa tràn ra mặt tiền ô sạp quá nhiều thì chợ này sẽ không còn trật tự, nề nếp nào hết và công ty quản lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, ngay từ đầu chúng tôi đã xác định là không cho người nào khác đến thuê mặt bằng ngay trước sạp của các tiểu thương, vì mục đích chính là chúng tôi chỉ muốn dẹp gọn để không gian đi lại thông thoáng.

Lúc đầu chúng tôi phát ra phiếu đăng ký, nhưng sau khi các tiểu thương không đồng ý, chúng tôi cũng đã có thông báo thu hồi lại. Tuy nhiên, tiểu thương nào có nhu cầu sử dụng mặt bằng thì phải lên công ty đăng ký và đóng phí cho công ty chứ không được tự ý chiếm dụng. Riêng mức phí thuê ô vạch hiện vẫn đang được bàn bạc để hai bên - công ty và tiểu thương thỏa thuận với nhau chứ cũng chưa quyết một mức phí nhất định nào", bà Nguyễn Thanh Hà lý giải.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, việc các tiểu thương phản ứng quyết liệt là vì quyền lợi của họ - ở đây không phải vì phải đóng tiền cho công ty vài trăm ngàn mà là khi bị bó buộc như thế thì họ sẽ mất nguồn thu nhập khá lớn (chẳng hạn như từ việc cho người khác thuê lại mặt bằng kinh doanh…). Đây là hai mặt của một vấn đề.

Riêng những chi tiết các tiểu thương thắc mắc về một số khoản thu ở chợ, bà Nguyễn Thanh Hà trả lời: "Tất cả những vấn đề thu chi ở đây hàng năm đều phải qua kiểm toán, và nguyên tắc làm việc của công ty phải theo sự chỉ đạo của cấp trên. Do đó không thể có chuyện lạm thu hay thu sai được. Tuy nhiên, có người vẫn đưa ra những chi tiết theo hướng này hay hướng khác để cố tình tạo cho người ta nghĩ không hay về chợ".

Ngoài ra, việc tiểu thương nêu về chuyện công ty phân ô cho thuê ở khu vực ăn uống thì theo bà Nguyễn Thanh Hà, khu vực ăn uống được quy hoạch nằm ngay trong dự án ban đầu để chủ yếu phục vụ ăn uống cho các tiểu thương, do một số người không hiểu nên mới nói vậy. Tuy nhiên bà cũng thừa nhận đây đang là nỗi khổ của công ty vì hiện nay muốn dời khu vực này cũng không biết dời đi đâu vì mặt bằng ở chợ không còn…

"Trong kế hoạch sắp tới, công ty sẽ mời tất cả thương nhân đến để giải quyết khúc mắc. Chúng tôi dự tính mời Sở Công thương xuống để hỗ trợ làm rõ tính pháp lý ở đây như thế nào giúp cho các thương nhân yên tâm buôn bán, đồng thời hỗ trợ xây dựng chợ ngày một tốt hơn" - bà Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.

Phú Lữ
.
.
.