"Thợ hàn làm cháy phòng giao dịch cùng 8 xe máy?", "Thợ hàn bất cẩn, chợ Hòa Hưng cháy rụi 2 ki ốt", "Thợ hàn bất cẩn, gây cháy lớn tại nhà xưởng Nghệ An", "Thợ sửa nhà làm cháy cửa hàng bên cạnh, thiệt hại hơn 1 tỷ", "Thợ hàn sơ ý gây cháy nhà máy chế biến cao su"… Rất nhiều tiêu đề như vậy trên các báo hiện ra khi ta gõ vài từ khóa về hỏa hoạn.
Sau vụ cháy kinh hoàng nhà hàng karaoke ở 68 Trần Thái Tông khiến 13 người chết thì nguyên nhân do thợ hàn gây ra lại được nổi bật một lần nữa.
Nguyên nhân xác định ban đầu do hàn xì, tàn lửa hàn xì rơi xuống, bắt vào những vật liệu dễ cháy, dẫn đến vụ hỏa hoạn. Những việc thế này đã lặp đi lặp lại bao nhiêu năm mà chưa có gì đổi khác.
Quán karaoke nói trên cao 9 tầng, một tum, là dạng nhà ống với mặt tiền khoảng 5m, sâu gần 20m. Tầng 2 đến tầng 7 được xây kín mít, không có cửa sổ thông khí, phía ngoài bị bao phủ bởi tấm biển quảng cáo.
Để kinh doanh karaoke, bên trong các phòng được thiết kế khép kín, cách âm. Lối thoát nạn chia làm 2 hướng, hướng chính phía sau tòa nhà và một hướng cầu thang bộ giữa ngôi nhà.
Ba trong bốn ngôi nhà lửa được dập tắt nhanh, riêng quán 68, việc chữa cháy gặp khó vì hệ thống biển quảng cáo bằng tôn bịt kín hướng tiếp cận từ phía trước. Lực lượng PCCC phải dùng búa, rìu để phá mới đưa được vòi rồng vào trong.
Sau mỗi sự vụ, bài ca cũ lại vang lên rằng tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm…
 |
Minh họa của Lê Tâm. |
Trong lúc đội ngũ cán bộ, công chức đông, tinh giản biên chế thì gần như giậm chân tại chỗ. Thử hỏi số lượng nhiều mà có những nơi việc quản lý nhà nước không được thực hiện nghiêm túc, thì cán bộ, công chức làm gì?
Chính quyền và lực lượng chức năng đóng trên địa bàn việc gì cũng biết. Cụ thể như trên địa bàn có bao nhiêu doanh nghiệp, kinh doanh, sản xuất gì họ biết tuốt.
Nhưng chỉ khi sai phạm xảy ra mới xử lý chứ các biện pháp phòng ngừa dường như đều tê liệt. Cách quản lý mất cảm giác này đã trở thành thói quen không khiến ai giật mình.
Một cán bộ bức xúc: “Điểm lại hàng loạt vụ việc như: Sập mỏ khai thác đá, vài chục người chết; sạt lở bãi thải, vài gia đình bị chôn vùi; lật du thuyền trái phép, nhiều người chết; cháy cơ sở karaoke ở Hà Nội làm chết nhiều người... Cứ xảy ra rồi đại diện chính quyền mới đến, tuyên bố sẽ rà soát, kiểm tra và xử nghiêm sai phạm. Vâng, lẽ ra việc đó phải làm từ lâu rồi chứ không đợi đến khi xảy ra mới làm".
Không chỉ hỏa hoạn, các hiểm họa khác cũng vậy. Còn một thứ nạn nguy hiểm không kém mang tên "phạt cho tồn tại".
Cách xử lý này khiến cho việc phạm lỗi trở nên một việc mua bán với giá hời. Phạt là một cách quản lý, nhưng không thể dùng hình thức phạt cho một sai phạm ở mức không thể tồn tại.
Cách quản lý trên sẽ gieo mầm tai họa cho tương lai gần và xa. Làm thế nào thì làm, đừng để con cháu thở dài oán trách phụ huynh. Phụ huynh trước tiên phải là người lớn. Hãy làm đúng trách nhiệm chứ đừng câu chữ vòng vèo.
Còn bạn. Bạn muốn chữa bệnh hay phòng bệnh?
Lê Tâm