Chuẩn bị đón Alzheimer toàn dân

Thứ Tư, 11/11/2015, 12:00
Đổi mới, đổi mới liên tục. Cái sai phải đổi nhưng cái đúng cũng không tha. Đang đúng lại đổi thành ngược với đúng. Thật kinh khủng. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo vốn đã đối mặt với vực thẳm đầy đe dọa, thế mà các chuyên gia vẫn cứ đòi phải tiến một bước dài. Chúng ta đã thắng giặc đói, giặc dốt nhưng còn một loại giặc dẹp yên nhất đó là đảo ngược tặc.
Vừa rồi, Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức một hội thảo long trời lở đất mang tên "Tích hợp giáo dục lịch sử, giáo dục quốc phòng-an ninh và giáo dục đạo đức công dân” ở môn học bắt buộc "Công dân với Tổ quốc” trong chương trình giáo dục phổ thông. Khách mời khá đông, Các vụ, viện của bộ, sở, ban, ngành, các hội khoa học và giáo dục, các trường đại học, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội…

Môn lịch sử sẽ không còn là môn bắt buộc. Điều này đi ngược với quan điểm "dân ta phải biết sử ta". Khi đòi hỏi bắt buộc thì lũ trẻ may ra còn tra Google. Nếu ngược lại thì Google cũng chẳng còn đáng một xu. Việc biến lịch sử thành món tự chọn theo một số chuyên gia là xóa bỏ và tất nhiên sẽ biến dân tộc ta thành một dân tộc đãng trí, tiến tới mất trí nhớ. Đây còn gọi là chứng bệnh Alzheimer. Sau vài thế hệ tích cực xóa ký ức, chúng ta sẽ hình thành một nền Alzheimer toàn dân và tất nhiên sẽ trở thành cường quốc Alzheimer thế giới.

Minh họa: Tả Từ.

Cảm giác xóa ký ức sẽ vô cùng nhẹ nhõm. Mẫu câu khi kể về mình, gia đình mình, tổ tiên mình, bạn bè, kẻ thù của mình sẽ là “tôi không biết”. Người người không biết, nhà nhà không biết. Chỉ số ngây thơ sẽ đứng đầu các bảng xếp hạng. Các ngày giỗ tổ, ngày lễ thiêng liêng sẽ trở thành một ngày như mọi ngày.

Ngành Giáo dục và đào tạo luôn coi đổi mới là trận đánh lớn. Vậy mà...? Truyện cười dân gian khắc nhập khắc xuất đã được thực tế hóa. Hứng lên là tích hợp đầu Hồn Trương Ba da hàng thịt được ngay.

Thưa các nhà cải cách. Lịch sử của chúng ta hàng ngàn năm đâu chỉ có chiến tranh ta thắng địch thua. Bên cạnh mảng đấu tranh vì độc lập dân tộc, chúng ta có lịch sử văn hóa nghệ thuật, lịch sử ngành nghề và nhiều mảng khác không kém phần đẹp đẽ. Khắc nhập chỉ khiến lịch sử thêm nghèo nàn.

Câu hỏi lớn nhất của một dân tộc nào cũng là "Chúng ta là ai?". Xung quanh ta, những nước nghèo đói vẫn phải học lịch sử  bắt buộc. Những quốc gia tiên tiến xa xôi như châu Âu cũng bắt buộc phải thuộc lịch sử. Gần ta như Nhật, Hàn thì môn lịch sử được đề cao từng dấu phẩy. Thậm chí nước nọ sửa vài chi tiết trong sách sử thì nước kia đã rầm rộ phản đối. Mỹ là cường quốc về khoa học cũng bắt buộc công dân phải thuộc làu sử sách. Theo Luật Nhập cư của Canada, những người muốn có quốc tịch Canada phải trải qua bài thi viết và phần hỏi vấn đáp về lịch sử chính trị - xã hội và lịch sử văn hóa Canada từ 1867 đến nay.

Việc biến lịch sử thành món Búp phê đã khiến nguy cơ Alzheimer đang hiển hiện trước mặt chứ chẳng mơ hồ trừu tượng gì.

Chưa biết chừng cái đề tài đảo ngược kiểu trồng cây chuối này lại là luận án của tiến sĩ nào đó? Loài người triệu năm tới nay vẫn đi bằng hai chân chứ không phải bằng tay.

Còn bạn. Bạn thử trồng cây chuối cho tôi 30 phút xem có chịu nổi không?

Lê Tâm
.
.
.