"Chung cư không chồng"

Chủ Nhật, 08/05/2016, 15:42
Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau của Đà Nẵng nhưng cùng chung một hoàn cảnh, một số phận sống đơn thân, nuôi con một mình. Họ tập trung về đây, sống dưới một khu chung cư khang trang, sạch sẽ, nằm ngay phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, bên bờ biển của thành phố Đà Nẵng, cùng chia sẻ, nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau đi qua những tháng ngày giông tố của cuộc đời.

“Chung cư không chồng” cuối buổi chiều nhộn nhịp hẳn lên. Vài ba đứa trẻ tụ tập đá bóng. Một nhóm bà mẹ đơn thân ngồi một góc hàn huyên, tâm sự. Một góc nhỏ bán đồ ăn thức uống, thu hút nhiều em nhỏ. Có lẽ đã đi qua nhiều giông tố của cuộc đời nên dù cười nói nhưng đôi mắt những người phụ nữ ấy vẫn đượm một nét buồn xa xăm.

Mỗi người là một câu chuyện đời đầy nước mắt. Người không may chồng mất sớm, ở vậy một mình nuôi con khôn lớn. Người cuộc sống gia đình không suôn sẻ, qua mấy lần đò cuối cùng vẫn không có bến nào neo đậu. May mắn không cho họ một gia đình hạnh phúc nhưng cũng không cho họ có được một việc làm ổn định để kiếm tiền nuôi con. Hầu như phụ nữ ở xóm này đều buôn bán lặt vặt, người đồng nát ve chai, người bán hàng ăn ngay tại sân chung cư, người đi giúp việc, làm công nhân, bốc vác… Cuộc sống của họ thật sự vất vả, lam lũ khi thiếu vắng bóng dáng của người đàn ông trụ cột trong gia đình.

“Chung cư không chồng” nhộn nhịp hơn vào cuối chiều.

Khó khăn nhất phải kể đến hai mẹ con chị H. Chị H năm nay đã ngoài 40 tuổi. Ở cái tuổi quá lứa lỡ thì, chị có một mụn con. Những tưởng ở tuổi xế chiều, đứa con nhỏ sẽ là niềm hi vọng lớn cho người phụ nữ đơn thân như chị, nhưng thật không may sau một trận ốm thập tử nhất sinh, đứa trẻ bị động kinh từ đó. Trước khi con bé bị bệnh, chị còn buôn bán lặt vặt, có đồng ra đồng vào thuốc thang, ăn uống cho hai mẹ con. Nhưng từ hồi con bé ốm nặng, bao nhiêu tiền của đội nón ra đi theo những lần đưa con đi chữa trị và thuốc thang cho nó. Mỗi đơn thuốc cũng phải tốn tiền triệu. 

Ròng rã 7 năm trời như thế, chị gần như vắt kiệt sức lực vì con. Từ khi con ốm, chị phải nghỉ hẳn việc ở nhà để trông con. Đi đâu cũng phải bồng bế nó theo. Có những hôm đôi tay rã rời vì cõng vì bế con. Nhìn con chị như thắt từng khúc ruột. 7 tuổi con bé vẫn nhỏ xíu, khờ khạo như đứa lên hai, chẳng nói chẳng rằng, chỉ biết nằm một chỗ, cho ăn gì nó ăn nấy. Thi thoảng nó lên cơn, chị phải khó nhọc lắm mới giữ được.

Mẹ con chị C cũng chẳng khá hơn gì. Cô con gái năm nay đã 27 tuổi nhưng bị tâm thần từ khi mới sinh ra. 27 tuổi nhưng bao nhiêu năm nay chỉ nằm một chỗ. Tắm giặt, thay rửa, hay đút cơm cho con… đều một tay chị làm. Có hôm chưa kịp thay quần áo, cô con gái đã nghịch bẩn giăng vứt khắp nơi khiến chị phải bở hơi tai đi dọn. 

Thấy đứa con bệnh tình như thế, chồng chị bỏ mặc chị một mình chăm sóc con mà đi theo tiếng gọi của tình yêu, bao nhiêu năm nay không một lời hỏi han đến người vợ một thời tay ôm gối ấp và đứa con bệnh tật của mình. Nghe đâu ông này đã vợ con đề huề, có cuộc sống khá giả lắm ở trên thành phố nhưng chẳng bao giờ về thăm mẹ con chị. 

Dù toà xử ly hôn, ông ta cũng phải có trách nhiệm nuôi con nhưng có khi vài  tháng chẳng thấy gửi đồng nào về. Chị phải gọi điện giục giã không biết bao lần ông ta mới chịu gửi cho vài trăm gọi là cho có. Lương không có, đi làm cũng không thể được, chị C đành mở tạm một quán tạp hoá nhỏ ở ngay trước nhà để vừa trông con vừa bán hàng, nhưng lời lãi cũng chẳng được bao nhiêu, bởi ở cái xóm này, nhà nào cũng khó khăn như nhau cả.

Bà N năm nay đã ngoài 60 tuổi. Bà sống với cô con gái duy nhất hơn 20 năm nay. Hồi còn trẻ, bà đi thanh niên xung phong mở đường tải đạn cho chiến trường miền Trung ác liệt. Chiến tranh gian khổ, kéo dài, mãi đến gần 40 tuổi bà mới lập gia đình. Ông cũng là bộ đội. 

39 tuổi bà mới sinh được một cô con gái, nhưng bất hạnh thay, khi đứa con sinh ra cũng là lúc chồng bà mãi mãi ra đi vì một trận ốm thập tử nhất sinh. Bà ở vậy nuôi con đến tận bây giờ. Mẹ goá con côi sống dựa vào đồng trợ cấp thanh niên xung phong ít ỏi. Cô con gái giờ đã lớn, đã biết đi làm kiếm tiền giúp mẹ, với bà đó là hạnh phúc là nguồn động viên an ủi lớn nhất trong cuộc đời.

Những đứa trẻ vô tư nô đùa.

Bà V nhà cũng chỉ có hai mẹ con. Anh con trai đi làm công nhân. Bà ở nhà vừa tranh thủ cắt may vừa cơm nước cho con. Mấy tháng nay bà bị ngã gãy chân, phải đóng đinh ở đầu gối, đi lại khó khăn lắm, nhưng bà vẫn phải tự mình làm hết mọi việc trong nhà. Xong xuôi lại quay ra cắt may. Nghề may này bà học được từ bố mẹ đẻ, nhờ có nó mà bà nuôi được cậu con trai khôn lớn qua những ngày khốn khó. Khách hàng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ là những người lao động nghèo khó ở khu chung cư này và gần đó. Tiền công cũng chẳng đáng bao nhiêu nhưng dù sao có cái nghề để nuôi sống bản thân mình cũng là may mắn lắm rồi.

Nhiều người gọi vui là “chung cư không chồng” nhưng tập trung chỉ có 4 tòa nhà, còn lại là của các gia đình trẻ, các gia đình tái định cư. Trước đây, khi chưa có khu chung cư này, những người phụ nữ đơn thân phải sống tạm bợ trong những căn nhà tồi tàn, chật hẹp bên bờ biển Đà Nẵng. Sau một cơn bão lớn, mọi thứ đều bị cuốn bay. 

Các chị mới làm đơn lên bác Nguyễn Bá Thanh bấy giờ là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng để xin có được một chỗ ở tạm thời. Và thế là khu chung cư này được dựng lên, chắc chắn, kiên cố và sạch đẹp, làm nơi trú ngụ của 144 gia đình phụ nữ đơn thân. 

Có lẽ vì chung hoàn cảnh, chung số phận mà khu chung cư này chị em sống đoàn kết, yêu thương nhau lắm. Không có của cải vật chất để cho nhau, nhưng các chị có tấm lòng và những lời cảm thông, chia sẻ sâu sắc. Ngày lễ ngày Tết hay những lúc rảnh rỗi, họ lại cùng nhau tụ tập, chuyện trò cho vơi bớt nỗi cô đơn. 

Trước đây, những người phụ nữ đơn thân ấy cũng từng tủi thân, chán chường lắm. Họ sống lầm lụi, gần như khép kín lòng mình, nhưng rồi thời gian trôi qua đã xoá nhoà tất cả. Ở nơi mà hầu hết mọi người đều chung cảnh ngộ như mình, họ sống mở lòng và hoà nhập hơn.

Không chỉ chăm lo tốt cho gia đình, mà nhiều chị còn tích cực tham gia vào hoạt động xã hội như hội phụ nữ, tổ bảo vệ dân phố nữ… Tổ bảo vệ dân phố nữ có 7 thành viên. Ngoài giờ đi làm kiếm tiền nuôi con, các chị tự nguyện tham gia tổ bảo vệ dân phố do phường phát động để bảo vệ tình hình trật tự an ninh ở khu vực phường mình sinh sống cũng như góp phần hoà giải, xử lý các công việc lớn nhỏ ở khu chung cư, góp phần phát triển một khu phố trật tự, bình yên và văn minh.

Dù bận rộn việc gia đình, có con nhỏ, tiền bồi dưỡng không có gì ngoài những bữa ăn đêm sau khi tuần tra quanh khu phố trở về, tiền xăng xe, tiền nước uống khi đi làm nhiệm vụ các chị đều tự bỏ tiền túi mình ra, thế nhưng ai cũng tự giác, hào hứng và làm việc đầy trách nhiệm. Những hoạt động tích cực của các chị không chỉ được địa phương ghi nhận, mà còn được Công an quận Liên Chiểu, Công an thành phố Đà Nẵng khen ngợi. Đó thực sự là những việc làm đáng quý của những người phụ nữ đơn thân nơi đây.

“Chung cư không chồng” nhộn nhịp hơn vào cuối chiều.

Những đứa trẻ vô tư nô đùa.

Ngọc Mai
.
.
.