Chụp ảnh tự sướng: Đi tìm bản sắc bị mất?

Thứ Năm, 02/07/2020, 10:43
Selfie - đó là nghệ thuật, là thể loại nhiếp ảnh phổ biến, là một biến thể của loại chân dung tự họa được tạo ra nhờ thiết bị di động. Đó là cách chụp ảnh mình từ xa nhờ cánh tay giơ ra. Có lẽ thể loại chân dung tự họa trong nhiếp ảnh là đến từ hội họa, nơi nó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trên bình diện tâm lý và triết học.


Các mạng xã hội đã mang lại những khả năng mới cho sự giao tiếp từ xa. Giờ đây có thể biểu hiện các cảm xúc của mình không chỉ nhờ lời nói mà còn nhờ camera gắn vào smartphone. 

Xét về chất lượng liên kết thì thực tế ảo vượt xa mọi phạm vi giao tiếp trong khuôn khổ một tổ chức xã hội nào đấy. Môi trường xã hội của chúng ta dần dần bị dịch chuyển vào lĩnh vực ảo với những quy luật đặc biệt của nó. Gắn liền với đó là sự thay đổi các cách cảm nhận mình và thế giới quanh ta.

Hiện tượng tự sướng xuất hiện và phổ biến mới gần đây cũng có vai trò nhất định trong những sự thay đổi này. Nhưng vì sao nó lại diễn ra chính hiện giờ? Cái gì đã đưa đến những quá trình đó? Trước hết, đó là do hoàn cảnh xã hội đã thay đổi. Không chỉ cách quan hệ qua lại với nhau thay đổi, mà cả số lượng người tham gia vào quá trình giao tiếp cũng tăng lên. Cái chính là tính chất của sự tương tác xã hội đã thay đổi, kéo theo nó là mục đích tương tác.

Một cách chụp ảnh tự sướng rất lạ!

Vậy là sự giao tiếp trên mạng xã hội chủ yếu mang tính công cộng thường là nhằm mục đích lôi cuốn càng nhiều càng tốt sự chú ý đến cá nhân mình. Còn việc chụp ảnh mà hiện nay có thể chia sẻ với một phạm vi rộng rãi những người quen và không quen đóng vai trò là một trong những cách thức phổ biến nhất để đạt mục đích ấy. 

Nhưng ảnh hưởng xã hội của các mạng xã hội làm biến đổi không chỉ lãnh vực truyền thông, mà còn tác động đến quan hệ của con người với thế giới, điều này trực tiếp được phản ánh trên quá trình tư duy, trong đó cái thẩm mỹ trở thành một trong giá trị nòng cốt. Sự cảm nhận, nhìn ngắm và chiêm nghiệm hiện nay là những yếu tố chính quy định sự lựa chọn của con người. 

Nghệ thuật nhiếp ảnh đã có lịch sử một thế kỷ rưỡi, trong quá trình đó ý nghĩa xã hội của nhiếp ảnh đã nhiều lần thay đổi. Khi mới xuất hiện nhiếp ảnh là một phương tiện ghi chép lại hiện thực. Mọi người có thái độ rất nghiêm túc khi chụp ảnh: trong nửa đầu thế kỷ trước cả gia đình đứng trước ống kính và ngây ra chờ cái giây phút mình được "ghi vào lịch sử". Có thời nhiếp ảnh thậm chí còn chèn ép cả hội họa hiện thực, đặt nghi vấn về sự cần thiết của nó.

Với sự phát triển của kỹ thuật, nhiếp ảnh trở nên quen thuộc với mỗi người. Ai cũng có thể là nhà nhiếp ảnh và làm công việc chụp ảnh chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư. Cuốn album ảnh gia đình là một phần của cuộc sống gia đình. Con người bắt đầu quan tâm đến cuộc sống hàng ngày, xuất hiện hẳn một thể loại nhiếp ảnh đời thường. 

Nhưng album ảnh gia đình là một vật riêng tư, lưu lại lịch sử và ký ức dưới dạng những khoảnh khắc của quá khứ. Ngày nay nhiếp ảnh được dùng để truyền tải nhanh thông tin và với tư cách là một cách thức công bố cho mọi người biết về mình. 

Nhờ các mạng xã hội, nhiếp ảnh từ không gian thầm kín cá nhân đã chuyển sang không gian công cộng, dễ dàng sử dụng cho tất cả và từng người. Khi tạo nên "tiêu điểm" của sự cảm thụ thế giới, nhiếp ảnh cũng thay đổi cả thái độ của chúng ta đối với thế giới. Chúng ta nhìn các đồ vật và đặt chúng vào khung, như thế là ta đã phân mảnh hiện thực. 

Cuộc sống như vốn có không làm chúng ta quan tâm, nó trở thành đối tượng cảm thụ, vì thế xuất hiện nhu cầu đẩy tới những giới hạn trong đó đối tượng cảm thụ trông sẽ hấp dẫn. 

Nếu trước đây đó là đặc quyền của những người làm nghề truyền thông, những người biến cuộc sống của mình thành hàng hóa trên thị trường sắc đẹp, thì hiện nay mỗi người đều có thể tự cho phép mình tương ứng với cuộc sống hào nhoáng mà lúc trước chúng ta chỉ có thể nhìn thấy trên bìa các tạp chí thời trang. 

Khi sử dụng các đồ vật hay dịch vụ, dù đó là một chuyến du lịch hay là một bữa ăn trong nhà hàng, tiêu chí lựa chọn chính là sự hấp dẫn thẩm mỹ của nó mà chúng ta ghi vào ống kính và lập tức đưa lên mạng để tìm kiếm sự khẳng định và sự thừa nhận chúng ta và sự lựa chọn của chúng ta là đúng đắn, ở đó phù hợp với hình ảnh cần có con người nhận được sự "ve vuốt" dưới dạng các like hoặc báo cáo, chúng là cơ sở cho hành động. 

Selfie - đó là nghệ thuật, là thể loại nhiếp ảnh phổ biến, là một biến thể của loại chân dung tự họa được tạo ra nhờ thiết bị di động. Đó là cách chụp ảnh mình từ xa nhờ cánh tay giơ ra. Có lẽ thể loại chân dung tự họa trong nhiếp ảnh là đến từ hội họa, nơi nó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trên bình diện tâm lý và triết học. 

Nhưng trong hội họa chân dung tự họa được họa sĩ tạo nên nhằm tìm kiếm mình, đó là cách tìm tòi thể hiện cái Tôi của mình trong tác phẩm nghệ thuật. Nếu họa sĩ vẽ chân dung tự họa trước hết là sự tìm kiếm mình cho mình thì sáng tác selfie hiện nay có thể gọi là sự tìm kiếm "mình cho kẻ khác", một cái mình sẽ khiến kẻ khác quan tâm. 

Mà làm thế nào để gây được quan tâm cho kẻ khác? Trong văn hóa tiêu dùng câu trả lời chỉ có một - cần phải có được cái có giá trị đối với xã hội. Nếu như tạo ra chân dung tự họa thì phải làm sao để nó có ý nghĩa xã hội. 

Suzan Sontag nói rằng "chụp ảnh nghĩa là chiếm hữu cái được chụp". Khi chụp ảnh, chúng ta chiếm lĩnh đối tượng, biến cái bản sao ảo của nó thành cái riêng của mình. Và nhờ mạng xã hội chúng ta khiến hành động đó thành công cộng. 

Nếu theo logic của S. Sontag thì Selfie - đó là "nhân" mình lên, chiếm hữu bản sao ảo của mình cho chính mình, là tìm cách giữ lại mình trong từng khoảnh khắc của đời mình. 

Có lẽ ham muốn Selfie được gây nên bởi nỗi sợ chết cũng như bởi nỗi lo âu nội tâm do bị đánh mất bản sắc. Selfie không phải là nhiếp ảnh thông thường, nơi khách thể và chủ thể nằm ở hai phía khác nhau của vật kính. 

Nếu theo cách phân loại của Roland Barthes thì có thể nói rằng trong hành động Selfie hòa lẫn ba người tham gia vào quá trình chụp ảnh - người xem, người chụp và người mẫu được chụp. 

Vào khi con người biết là mình đang nằm trong vật kính của thợ ảnh hắn lập tức cử động thiếu tự nhiên, không như bình thường hàng ngày, hắn chọn tư thế và loay hoay với hình ảnh cái Tôi của mình tồn tại trong ý thức mình. Khi xem bức ảnh chúng ta liền quan sát xem con người đó muốn hiện ra như thế nào cho chúng ta, chứ không phải hắn thực ra là thế nào.

Các mạng xã hội đã thay đổi triệt để ý nghĩa của nhiếp ảnh trong xã hội hiện nay. Lĩnh vực nhiếp ảnh đã trở thành công cộng, nó bị phụ thuộc thẳng vào các khuôn dấu và tiêu chuẩn được chấp nhận trong xã hội. Tư duy của con người hiện nay, cái nhìn của hắn về thế giới và sự tương tác với thế giới đã biến thành sự tìm kiếm cái bản sắc, ở đó trong quá trình mỹ hóa thực tại hắn bị tách khỏi cái Tôi của mình, bị gắn với mặt nạ của mình, kẻ song sinh ảo, điều này ảnh hưởng đến cả hành vi của hắn trong đời thực. 

Mọi người tạo ra hình ảnh ảo có tính hấp dẫn đối với những người khác, phù hợp với tất cả các tiêu chuẩn của những tạp chí thời thượng và những phim về người đẹp, nơi không chỉ nhân vật chính mà mỗi tiểu tiết lọt vào khuôn hình đều là quan trọng. 

Con người tạo ra cái Tôi ảo của mình cố gắng làm kinh ngạc người khác bằng cách để vào vật kính máy ảnh không chỉ khuôn mặt của mình, mà cả những thuộc tính khác cần thiết để được thừa nhận trong xã hội, thí dụ các nhãn hiệu hàng hóa mà hắn dùng. 

Kết quả là có một sự định hướng lại một cách cơ bản không gian sống nhằm vào những hiện tượng bên ngoài hết sức lôi cuốn về mặt thẩm mỹ, gây chú ý, và vào sự bộc lộ mình. 

Điều này gây nên bởi sự tìm kiếm những đối tượng mà mình có thể đồng nhất được. Cứ có được những khuôn hình thành công trên trang của mình thì con người thậm chí cảm thấy yên ổn hơn, nỗi lo lắng trong mình dịu xuống, nhưng ngày mai là một ngày khác, thế nghĩa là cơn đói bản sắc sẽ lại phải được thỏa mãn. 

Cùng với những khả năng mới cho sự giao tiếp chúng ta cũng nhận được cả một hiện thực mới, trong đó không có chỗ cho những người xấu, những lối đi bẩn thỉu và thứ đồ ăn không hấp dẫn. 

Vâng, cái đó có thể cho thấy trình độ cảm thụ thẩm mỹ và thậm chí trình độ văn hóa thẩm mỹ của xã hội được nâng lên, điều này về sau có thể tác động đến sự biến cải trên thực tế không gian sống của con người, chẳng hạn thành phố. 

Nhưng đồng thời với đó thì sự cảm thụ thẩm mỹ đối với hiện thực cũng có thể tác động đến những quyết định có tầm quan trọng sống còn, nơi những gì có vẻ hấp dẫn là được ưu tiên. 

Con người luôn luôn hướng đến cái đẹp, nhưng sự lựa chọn được đưa ra dựa vào mức độ cảm xúc là có tính phi lý, cái đẹp có thể hóa ra sự lừa dối, còn ẩn sau sự chạy theo bức tranh hấp dẫn là sự trống rỗng nói lên sự tuyệt vọng và vô nghĩa. 

Khi cái Tôi được nhận diện thông qua bức ảnh trên mạng xã hội thì sẽ diễn ra sự biến đổi về chất của tư duy đưa đến sự mất bản sắc, bởi vì hình thức bên ngoài bắt đầu thay thế ý nghĩa bên trong. 

Con người bị lệ thuộc vào Selfie, từ đó đưa đến sự lệch lạc mang tên "bệnh nghiện Selfie". Khi cảm thấy mâu thuẫn này giữa cái bên ngoài và cái bên trong, hắn bắt đầu tìm kiếm cái Tôi của mình bằng cách đồng nhất mình với một cái gì đó, nhưng thói quen là bản tính thứ hai, nghĩa là cách tìm kiếm bản sắc lại diễn ra thông qua cái bên ngoài. 

Rõ ràng để bứt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này, cần phải có một sự xem xét lại về chất hành vi của chúng ta và những giá trị mà chúng ta dựa vào.

Ngân Xuyên
.
.
.