Không có gì mà ầm ĩ cả

Chuyện ầm ĩ xóm làng

Thứ Tư, 25/03/2020, 04:05
Không cần phải thuyết phục thì ai cũng có thể tin chuyện tiếng ồn xảy khắp mọi nơi và tất nhiên mọi người sẽ không có ai tin tuyệt đối vào một lời góp ý có thể thay đổi hàng xóm.


Dạo này đời sống cần nâng cao đuổi kịp Âu Mỹ hay ít ra là chuẩn bị cho những thanh niên tương lai đi du học nên các cậu ấm cô chiêu được trang bị piano nhiều quá. Nửa đêm về nhà, căn hộ tầng trên vẫn điên cuồng "bổ'' piano bản "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ". À mà sao quanh năm căn hộ ấy chơi mỗi bài tủ này nhỉ? Tiếng đàn với nhịp điệu xiêu vẹo đúng kiểu cậu ấm.

Đối diện tầng đối diện bên kia thường xuyên có chàng cận tập guitar điện Rock. Cậu này chỉ chơi tiếng "distortion" metal méo mó tru tréo. Vừa "quạt chả vừa rũ tóc gật gù kiểu Zombie mới "phê". Cậu này lúc nào nghe hàng xóm góp ý thì vâng vâng và tắt đài nhưng không ai nói gì, lại phang tiếp. 

Xóm bên cạnh, gần nhà xa ngõ không thể xác định được tay chơi nào tập trống. Hùng hục đánh không nghỉ. "Chát kịch… chát kịch kịch. Tu rung tung tùng tùng tùng tùng choàng… Có vẻ tay chơi rất hăng dồn trống rồi choảng tiếng "vung" Cymbal (chũm choẹ) đến nhức đầu. 

Nghe nói nghệ sĩ piano điển trai R. Richard Clayderman có 7 cây piano, nhưng ông chỉ chơi nhiều nhất cây piano điện vì nó dùng được head phone (tai nghe). Dù tay chơi đàn đỉnh nhất thế giới mà ngày nào cũng "giã" thì gia đình anh ta cũng "điên" nói gì láng giềng.

Minh họa Tả Từ.

Tầng 2 có cụ bị ốm lâu năm lại luôn mất ngủ vì tầng tầng trệt có một cụ nuôi con gà cảnh. Con gà này lại có tật không gáy sáng mà gáy ngẫu hứng từ sáng trưa chiều tối đến đêm cũng không nghỉ. Cụ mất ngủ đề nghị cụ nuôi gà thịt đi nhưng đàm phán bế tắc thế là hai cụ không nhìn mặt nhau.

Một gia đình hàng xóm xế bên thì có bà vợ nói không chấm phẩy mọi đề tài. Bà nói sàn sạt vô thời hạn đến nhức đầu. Một lần, cơ quan tổ chức đi nghỉ mát 1 tuần tưng bừng, chồng con bà không ai đi cùng (dại gì đi cùng chứ). Tiếng ồn của xóm giảm xuống một lượng đáng kể. 

Chồng con bà hôm ấy tổ chức ăn tươi. Có một căn phòng không ai dám góp ý ngoài trưởng xóm. Đó là một phòng cho một gia đình thuê được nửa năm gì đó. Nhà này có thói quen, rủ bạn bè về nhậu khuya hát hò karaoke ầm ĩ và ngồi cạnh nhau thì vẫn nói to đến cả chung cư phải nghe rõ chuyện. Hàng xóm bảo nó là dân dao búa, góp ý chả phải đầu phải tai.

Một gia đình bên cạnh thì có một bà chủ mắng chửi chồng mắng con cái với âm lượng "sư tử hống". Lúc góp ý cho họ thì họ cũng hứa vâng dạ nhưng rồi đâu lại hoàn đấy.

Không rõ có con số thống kê nào về người già bị tổn thương và đi viện vì tiếng ồn không nhưng cảm nhận trực tiếp thì người trẻ cũng quá sức chịu đựng. Cũng lạ khi vào nhà hàng, để người khác nghe được mình nói gì thì người ta chọn cách gào to lên. Kết quả là tranh nhau nói, không phải là lần lượt mà là đồng thanh "mở mồm phát loa".

Thỉnh thoảng lại có thanh niên nẹt pô xe máy lồng lộn trong sân chung cư rồi vọt đi. Ra ngõ thì gặp ngay thanh niên hát bằng loa kéo và bán kẹo kéo. Trốn đâu bây giờ?

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiếng ồn gây ô nhiễm thứ hai sau ô nhiễm không khí. Mỗi năm, tiếng ồn gây ra khoảng 12.000 người tử vong tại châu Âu.

Nếu chưa có lực lượng chuyên trách tiếng ồn thì các gia đình có con chơi nhạc cần phải lắp các tấm tiêu âm để đỡ tra tấn hàng xóm. Giá như có kỹ sư nào phát minh được thiết bị giảm thanh (tương tự như thiết bị giảm thanh cho ống khói xe máy hoặc súng giảm thanh) với các bà nói nhiều thì chắc sẽ bán rất chạy. Ai chả cần yên tĩnh.

Còn bạn. Nếu có thiết bị giảm thanh cho mồm thì bạn có ủng hộ và mua không?

Lê Tâm
.
.
.