Chuyện ăn củ mài nuôi 9 người con thành tài ở Yên Bái

Thứ Năm, 04/02/2016, 14:00
Cho đến nay, câu chuyện về đôi vợ chồng nghèo nuôi 9 người con thành tài tại xã Bảo Ái (huyện Yên Bình, Yên Bái) vẫn luôn được những bà con người Tày ở nơi đây nhắc đến. Người con trai lớn hiện là PGS.TS, Viện trưởng Viện nghiên cứu hệ gen, con trai thứ hai là giám đốc sở GTVT tỉnh Lào Cai, người con trai thứ ba hiện là Cục trưởng cục thuế tỉnh Yên Bái...


Những năm tháng khó khăn

Câu chuyện về những năm tháng khó khăn nuôi 9 người con khôn lớn của ông Nông Văn Mùi và bà Trần Thị Tuyết giống như một câu chuyện cổ tích. Ít ai có thể tin được rằng, trong những năm tháng chiến tranh, cuộc sống vô cùng nghèo khó, hai ông bà vẫn có gắng cho các con ăn học nên người.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng dường như ông Mùi vẫn còn rất nhớ những khó khăn của những ngày tháng xưa cũ. Trong căn nhà mới được các con xây cho, ông Mùi nhìn về phía căn nhà cũ cách đó không xa, nói: "Căn nhà kia của tôi đã ở được 70 năm rồi, vẫn còn chắc chắn lắm nhưng các con muốn xây một căn nhà mới. Tôi vẫn giữ căn nhà cũ và một vài đồ đạc ngày trước coi như để làm kỉ niệm".

Chiếc xe đạp ngày nào vẫn còn được cất giữ cẩn thận trong ngôi nhà cũ. Ngôi nhà sàn mới xây của gia đình ông Mùi, bà Tuyết.

Và như hồi tưởng lại những kỉ niệm quá khứ, ông Mùi trầm ngâm kể lại cho chúng tôi nghe về một thời phải chịu đói, chịu rét để nuôi các con. Vốn sinh ra trong một gia đình chẳng mấy làm khá giả, sau khi lấy vợ, ông Mùi cũng định cư ngay tại quê hương và tham gia vào chính quyền xã để cùng bà con xây dựng kinh tế, tìm cách thoát nghèo. Rồi 9 người con (4 trai, 5 gái) của hai ông bà lần lượt ra đời, họ là niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng khi ấy nhưng cũng khiến họ nhiều đêm mất ngủ, lo toan khi nghĩ đến cái ăn, cái mặc và cái chữ.

Khi có 9 đứa con, tuổi ông Mùi cũng đã cao, cái ăn chỉ trông chờ vào từng cân thóc của hợp tác xã chấm theo công điểm. Vào thời điểm ấy, người dân Bảo Ái chẳng mấy ai lo đến việc học hành cho con cái bởi chỉ nghĩ đến việc kiếm cái ăn cũng đã khiến họ bù đầu rối tai.

Thế nhưng, nhìn thấy cảnh cả bản chỉ có vài người biết chữ, ông Mùi biết rằng để thoát đói, thoát nghèo, xây dựng đất nước cần phải có kiến thức. Là một ủy viên thư kí xã, tương đương với phó chủ tịch xã bây giờ, ông Mùi càng hiểu hơn ai hết về tầm quan trọng của việc học. Vậy là vợ chồng ông động viên nhau chịu đựng gian khó để các con được ăn học nên người.

Do huyện Bảo Yên khi đó không có trường học, ông phải đưa con sang tận thị xã Tuyên Quang, Thác Bà để đi học. Mỗi tháng một lần, ông Mùi lại lóc cóc trên chiếc xe cà tàng vượt quãng đường gần 80 cây số, mang muối, gạo đi thăm con. Ông Mùi hồi tưởng: "Ngày ấy, đường xá khó đi vô cùng, muốn ra khỏi xã phải vác xe trên vai đi bộ 10 cây số. Có hôm tôi phải đi từ đêm, vừa dắt xe vừa cầm đuốc soi đường và tránh thú dữ. Chiếc xe đạp tôi phải bán hai con trâu là tài sản lớn nhất của gia đình lúc đó mới có thể mua được, không thì không có phương tiện đi thăm con. Đến chỗ các trường học phải vào rừng lấy lá cọ và cành cây để dựng lán gần trường làm nơi trọ cho con...".

Cho con đi xa như vậy, hai vợ chồng ông đã biết bao đêm mất ngủ vì lo lắng. Họ lo con không đủ áo ấm, chăn đắp, không đủ cái ăn, lên lớp bị đói. Và cũng vì nỗi lo lắng đó, ông Mùi tranh thủ những lúc rảnh rỗi lặn lội vào rừng tìm cây cà sẹ về làm chiếu, nhờ người làm chăn sui, rồi vá chằng vá đụp từng chiếc áo rách để con có manh áo ấm đến trường.

Hình ảnh người cha già vượt mưa giông, gió rét với mảnh áo mỏng manh trên chiếc xe đạp cũ đến thăm con vẫn khiến nhiều người nhớ mãi. Đến nơi con học, mặc kệ nỗi khó khăn vất vả, cơn gió rét khiến da thịt tím tái, ông luôn giữ nụ cười trên môi và vỗ về các con ăn học nên người. Đối với ông, đó là sự ấm áp giúp hai vợ chồng già có thể vượt qua hết những khó khăn trở ngại. Mỗi lần nhìn thấy con trai, con gái khoe những tờ giấy khen, những lần các con đoạt giải lớn trong các kì thi ông lại thấy một nguồn động lực dồi dào khiến ông biết lựa chọn của mình hoàn toàn đúng đắn.

Nhớ về những năm tháng nuôi con, bà Trần Thị Tuyết xúc động kể lại: "Trong những lần sinh con, tôi chẳng được ăn một hạt đường nào, thậm chí khi vừa sinh xong anh con út chưa được bao lâu đã phải đi cày rồi. Một thời gian dài hai vợ chồng cứ ăn quả trám, củ mài để nhường cơm cho con. Khổ vô cùng nhưng nghĩ đến tương lai của con lại thấy phải cố gắng nhiều hơn. Nuôi con không quản tháng ngày, giờ đây các con đều thành đạt, lắm lúc tôi nghĩ lại những thời gian khó khăn lại vui đến trào nước mắt".

Ông Mùi kể lại rằng, có một kỉ niệm mà ông nhớ mãi, nếu lần đó không có những người hàng xóm tốt bụng thì ông đã phải mất bà. Đó là khi ở nhà chẳng còn gì để ăn, bà Tuyết thì đang ốm, ông Mùi lặn lội vào rừng tìm kiếm chút rau rừng, quả dại có thể ăn được để đem về cho bà nhưng tìm mãi chẳng được nên không dám quay về. Ở nhà vừa ốm vừa đói, bà Tuyết suýt chết lả nhưng may mắn có vài người hàng xóm sang giúp đỡ và qua được cơn hoạn nạn.

"Cổ tích" có thật

Có lẽ chứng kiến được nỗi cực nhọc của bố mẹ, 9 người con đều tự nhủ phải phấn đấu học tập. Tranh thủ cả những phút làm đồng, chăn trâu, cắt cỏ thì tất cả đều mang theo sách bên cạnh để học. Sau nhiều năm, của cải trong nhà đều bị bán hết để dành tiền cho các con đi học. Và dưới sự chăm nom cẩn thận của hai vợ chồng, "quả ngọt" đầu tiên đã được hái khi người con trai lớn Nông Văn Hải có thành tích học tập luôn dẫn đầu toàn trường. Anh cũng là người duy nhất của tỉnh trúng tuyển đi du học ở Liên Xô thời bấy giờ. Hiện anh Nông Văn Hải đang là PGS. TS  - Viện  trưởng Viện nghiên cứu Hệ gen (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam).

Ngôi nhà sàn mới xây của gia đình ông Mùi, bà Tuyết.

Thành tích của người anh cả như một sự khuyến khích, động lực lớn lao cho các em. Noi gương anh lần lượt những người em gái, em trai phấn đấu đi học chuyên nghiệp và làm việc ở những vị trí quan trọng. Con trai thứ 2 Nông Văn Hưng làm Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai; con trai thứ 3 Nông Xuân Hùng là Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái. Các con gái ông, người là Thạc sỹ công tác tại Nhà xuất bản Bộ GD&ĐT, người là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường tiểu học và mầm non tại quê nhà.

Để khuyến khích phong trào học tập của địa phương, các con ông Mùi cũng thường xuyên động viên, đóng góp giúp đỡ những em nhỏ ở quê nhà để tạo động lực cho các em cố gắng học tập, có công ăn việc làm ổn định, thoát khỏi cảnh nghèo đói. Gia đình ông Mùi đã mở ra một phong trào thi đua học tập ở xã Bảo Ái, hiện tại xã có hàng chục con em đồng bào dân tộc đang theo học các trường cao đẳng, đại học trên cả nước. Năm 2009, gia đình ông vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh Yên Bái đi dự Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc ở Hà Nội, cũng là gia đình người Tày duy nhất của đại hội.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Mùi vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Khoe chúng tôi căn nhà sàn cũ, nơi hai ông bà sống, từng đổ mồ hôi và nước mắt để nuôi các con ăn học thành tài, ông Mùi chỉ vào chiếc xe đạp cũ được dựng bên cột gỗ cười và nói: "Đây là những kỉ vật cho những năm khó khăn. Giờ các con thành tài, trở thành niềm tự hào cho hai vợ chồng rồi nhưng tôi vẫn muốn giữ lại những vật này để con cháu sau này biết được, để có được ngày hôm nay thì phải trải qua nỗi khó khăn vất vả thế nào".

Và rồi ông bảo rằng, đã sắp đến Tết, thời điểm ông bà vui nhất bởi đó là thời điểm gia đình sum vầy bên nhau sau một năm công tác ở xa. Năm nào cũng vậy, những khi quây quần bên mâm cơm gia đình, ngoài những câu chuyện vui về cuộc sống, công việc thì không thể thiếu những câu chuyện một thời đã qua. Đó cũng chính là câu chuyện cổ tích rất đời thường mà ông Mùi muốn các cháu của mình ghi nhớ và biết những gì họ đã phải đánh đổi để có được niềm vui, hạnh phúc khi nhìn những người con thành đạt ngày hôm nay.

Lê Phong - Xuân 2016
.
.
.