Chuyện anh đánh máy thế kỷ XXI

Thứ Năm, 15/06/2017, 08:54
Thời chưa có máy tính thì đánh máy là một nghề sống được. Thậm chí thợ đánh máy có thể ngồi vỉa hè gõ thuê khá đắt khách.


Máy tính ra đời đã đẩy thợ đánh máy chữ vào chỗ... thất nghiệp. Một người dàn trang trên máy tính có thể thay cho một xưởng sắp chữ chì 50 người.

Từ đó, người ta định nghĩa lại một số vị trí. Thí dụ các vị trí không thể thiếu của thế kỷ XX như lái xe, ngoại ngữ, đánh máy chữ thì tới thế kỷ XXI không được gọi là nghề nữa. Nhóm này chỉ được coi là kỹ năng.

Một cán bộ đương nhiên phải biết sử dụng máy tính gõ văn bản, lái được ô-tô và tất nhiên thành thạo một ngoại ngữ.

Tại các cơ quan thì cán bộ kiêm nhiệm tất tật mọi việc. Ai cũng biết dùng các phần mềm văn phòng làm văn bản nhoay nhoáy. Sinh viên ra trường mà không thạo kỹ năng máy tính thì khó mà xin được việc. Thực sự nghề đánh máy chữ đã biến mất.

Hình ảnh thường gặp của cơ quan hiện đại là một cán bộ quản lý đăm chiêu soạn từng từ trong đoạn văn bản trên máy tính sao cho thuyết phục và giàu sức mạnh.

Khi những chiếc máy chữ chỉ còn trưng bày trong những gian đồ cổ thì những người gõ máy chữ xưa đã  biến mất khỏi đời sống này.

Thế mà có những chuyện lạ. Hễ cứ có cuộc tranh cãi nào thì lại thấy sự xuất hiện của anh đánh máy. Các bên không bao giờ có lỗi. Lỗi là ở anh đánh máy. Còn anh đánh máy là ai, tên là gì thì không ai nhắc đến. Nhưng dù sao thì có người gõ văn bản sai thì chắc chắn anh đánh máy phải tồn tại rồi.

Cuộc đấu tranh của thời nay rất sinh động. Cái va chạm chan chát của các văn bản cho thấy nó có vai trò không kém gì đao kiếm.

Minh họa của Tả Từ.

Vừa rồi, Cục Nghệ thuật biểu diễn làm văn bản khá kỳ cục là cập nhật, công bố rộng rãi những ca khúc kinh điển (trong đó có những ca khúc cách mạng ra đời trước năm 1945, vốn là những ca khúc từ lâu đã lay động trái tim cả dân tộc).

Rõ là lẩm cẩm. Những sản phẩm đang lưu hành phải được coi mặc định là tốt, không cần bàn chuyện được phép hay không? Nếu làm thì chỉ cần quan tâm đến những ca khúc không phù hợp. Số sản phẩm này tất nhiên là ít và dễ quản lý. Dư luận phản ứng khá căng. Lúc này, Cục cho rằng có sự hiểu lầm do cánh báo chí đã viết không chuẩn, gây hiểu lầm.

Ông Cục trưởng cho rằng, hiện nay website của Cục này đang gặp phải một số sự cố trục trặc gây ra sự hiểu nhầm đáng tiếc. Người đọc tự rút ra, lỗi không bao giờ của chỉ đạo cả. Người chịu trách nhiệm cao nhất là "anh đánh máy".

Cuộc chiến đấu bảo vệ Sơn Trà gần đây cũng có những văn bản kỳ cục. Khi ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng phản đối những dự án làm bê tông hóa tới Sơn Trà, có văn bản của bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch yêu cầu "xử lý" ông Huỳnh Tấn Vinh.

Trước áp lực của dư luận, lại có văn bản của bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch với nội dung thu hồi văn bản đòi xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh.

Việc văn bản đưa ra rồi lại rụt về bằng một văn bản khác khiến dư luận thấy đây là câu chuyện đùa. Tuy vậy, lần này, đã có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch  nhận sai và nói sẽ xin lỗi người bảo vệ Sơn Trà. Tuy anh đánh máy không được huy động ra làm cái khiên, nhưng thấy ái ngại là không ít cán bộ tham mưu ra văn bản đã "không biết chữ".

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch thì cho rằng… sử dụng từ ngữ trong văn bản dẫn đến cách hiểu khác nhau. Tôi không hiểu nhầm chỉ đạo của Phó Thủ tướng mà chỉ là khi viết văn bản không rõ nghĩa".

Khoa học ngày nay chưa giải thích được hiện tượng đội ngũ cán bộ quản lý của một bộ lại "không biết chữ".

Còn bạn. Bạn đã chuẩn bị sẵn "anh đánh máy" cho riêng mình chưa?

Lê Tâm
.
.
.