Chuyện buồn ở xóm Gò mả

Thứ Tư, 24/12/2014, 15:00
Chúng sinh ra, lớn lên, tuổi thơ bám chặt vào những ngôi mộ mốc thếch, nghi ngút khói nhang. Sống trong những túp lều giăng bạt, ép tôn giữa khu Gò mả, chúng như những con mèo hoang đói ăn, ngơ ngác giữa đêm. Nghịch cảnh đã khiến bản năng sống trong chúng táo tợn hơn những đứa trẻ cùng trang lứa…

Có một xã hội khác giữa lòng thành phố

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, qua nhiều ngóc ngách, nhưng hỏi thăm về khu Gò mả ở phường 15 (quận 8, TP HCM) thì ai cũng biết. Gò mả nổi tiếng bởi lối sống "lạ" của những công dân sống tầm gửi. Khi thấy tôi tới khu Gò mả, mấy bà sồn sồn đang ngồi ngả ngốn ở gốc cây bàng nhốn nháo hỏi: "Tìm ai"? Tôi nói tìm bà Hai Mắm để giúp đỡ. Nghe thấy tiếng giúp đỡ, tức thì một bà chồm dậy ra giá thẳng thừng: "Bà Hai Mắm không có ở đây, đưa 200 ngàn tôi dẫn đi tìm". Một bà khác từ trong nhà phi ra, đầu tóc chưa kịp búi, hạ giọng: "Là người nhà của tôi, giúp gì cứ nói với tôi". Các bà khác vây quanh tôi tranh giành đưa đi tìm bà Hai Mắm. Thật ra, bà Hai Mắm là nhân vật không có thật, trước khi vào đây, một đồng nghiệp đã nói với tôi: "Vào đó đủ hạng người, nhưng phải đề phòng mấy chị hai mắt xanh mỏ đỏ, vòi vĩnh không chừa thủ đoạn nào đâu".

Quả thật, các bà vòi vĩnh rất kệch cỡm. Tôi hỏi lại: "Thế các chị biết bà Hai Mắm già hay trẻ, gầy hay ốm, quê ở đâu?". Tất cả ú ớ, một bà nói bâng quơ: "Thì ai mà biết được, chỉ biết bà Hai Mắm thôi". Thấy không "lừa" được, các bà nhếch mép buông một câu hững hờ: "Tự mà tìm, có tìm đến tối cũng không thấy".

Cư dân xóm Gò mả đến từ khắp nơi, làm đủ thứ nghề.

Đưa chuyện này kể với bà Lê Thị Khang (60 tuổi), được cho là tử tế nhất ở xóm Gò mả, bà lắc đầu: "Xóm Gò mả mà, đừng tin lời họ". Hai vợ chồng bà Khang gia nhập xóm Gò mả từ thời những ngôi mả còn xanh (mới chôn), tính nhẩm cũng được hơn hai chục mùa xuân, đã chai sạn với khói nhang và tiếng khóc nỉ non tiếc thương của người sống. Bà có hộ khẩu ở quận 4, may mà bấu víu được một nơi gửi gắm danh phận công dân. Khu Gò mả quần tụ khoảng 20 hộ dân đều tứ cố vô thân đến từ mọi ngóc ngách của thành phố, có người ở quận 1, quận 4, người ở tận miền Tây... Chung quy lại, tất cả họ đều bần cùng bất đắc dĩ dạt về Gò mả. Về Gò mả này thì không ai có hộ khẩu, vì đất của Nhà nước, người ta đuổi lúc nào phải cuốn gói mà đi. Nên, sống như người thừa thãi, sống tầm gửi quặt quẹo để duy trì sự sống thôi.

Khi tôi hỏi xóm này nhiều trẻ em không? Người lớn chưa kịp trả lời thì bé Thanh (13 tuổi) cười khanh khách cho biết: "Nhiều lắm, ở đây được mệnh danh là xóm đẻ mà". Bà ngoại Thanh gật gù tiếp lời: "Trẻ con nhiều hơn người lớn. Như gia đình tôi đã hơn chục đứa, cứ lít nhít một bầy". Đấy là mới nói đến con nít, còn thanh thiếu niên chưa kể. Nhưng theo bà Khang, cỡ choai choai mười tám đôi mươi hư hỏng nhiều lắm. Ra ngoài ăn chơi đua đòi, rơi vào các tệ nạn xã hội, không ai dạy được chúng. Riêng nhà bà cũng góp một nhân vật năm nay 22 tuổi, là thằng con trai duy nhất. Bằng ấy tuổi mà T đã có chiến tích vài năm "số má" bên ngoài. Nó đi bạt mạng khi nào rách nát, tàn tạ mới mò về vơ vét được chút nào thì vơ, còn không thì nó ăn một bụng no rồi lại "mất hút". Bà Khang không biết thằng con trai út đi đâu, làm gì, nhưng bà nhận định là nó đã hỏng người mất rồi, không dạy nổi nữa.

Bà Khang suốt ngày quay như chong chóng với đàn cháu ngoại. Đứa khóc đòi ăn, đứa đói sữa mẹ, đứa xin tiền mua bánh… Không khí trẻ nhỏ nhộn nhịp trong căn chòi tôn chật chội, nóng như rang người. Bầy cháu bà Khang nhếch nhác, đói ăn nhưng đứa nào cũng lanh lợi, đôi mắt sáng quắc. Chúng không hề có biểu hiện e dè trước người lạ, chúng sẵn sàng lao tới khi có ai đó cho tiền hoặc quà. Bà Khang cho biết, tiêu chuẩn mỗi đứa là được đi học đến khi biết chữ là phải nghỉ. Thế nên, cả một đàn cháu nhà bà Khang chưa đứa nào vượt qua được ngưỡng cấp 2. Có đứa cha mẹ đàng hoàng, chịu khó lao động nhưng vẫn không đủ ăn. Có đứa cha rượu chè, lô đề, gái gú, mẹ bất mãn chia tay. Chúng được sinh ra và lớn lên trong khu Gò mả này, tuổi thơ dán mắt vào những nấm mồ cũ mốc, ngày mưa nước phun từ dưới mộ lên nhão nhoẹt, bốc mùi ngai ngái. Cha mẹ chúng quen, và chúng cũng "lờn" với thế giới của người âm.

Anh cả đi bán vé số về đói quá, húp nước đậu trừ bữa và những đứa cháu ngoại bà Khang ngóng mẹ về.

Những "chồi non" không mọc thẳng

Tôi không biết có phải môi trường tác động vào nhận thức và suy nghĩ của lũ con cháu bà Khang hay không, mà, đứa nào cũng cứng đầu, cứng cổ. Chúng mặc cho bà la lét, chửi thề chửi tục, lôi cả mả cha mả mẹ lên, mặt chúng cứ vênh váo khiến bà tức ói máu. Ngày nào bà cũng phải tập thể dục "mồm" với "lũ quỷ" con. Tuy ngang ngược nhưng chúng lại rất ý thức về số phận. Chúng hiểu rằng, chúng được sinh ra là con nhà nghèo, thiếu đủ thứ trên đời. Chúng cũng hiểu rằng, cha mẹ không có khả năng đáp ứng nhu cầu riêng cho một đứa trẻ. Thế nên, chúng tự bươn ra đời, "xù lông" mà tồn tại, chúng có thể làm bất cứ việc gì để kiếm tiền thỏa mãn nhu cầu riêng ấy. Có khi chỉ một hộp sữa, chúng sẵn sàng ngửa tay xin người ngoài đường, hoặc tranh giành với đám em nhỏ trong xóm, không loại trừ khả năng trôm trỉa…

Người con gái thứ hai của bà Khang sinh được ba đứa con, cha mẹ chúng tỏa đi làm các ngả, lũ con bỏ ở nhà cho bà ngoại trông nom. Công việc bấp bênh, hai vợ chồng làm không đủ nuôi đàn con. Vậy là thằng lớn đang học lớp năm phải nghỉ đi bán vé số phụ cha mẹ nuôi em. Ngày nó đi bán được 50 tờ, lời được 60 ngàn dành mua gạo và đồ ăn. Cha mẹ nó phân công như thế và ngày nào nó cũng phải hoàn thành nhiệm vụ, bằng mọi giá. Thằng bé đen như cục than, giữa trưa thất thểu chạy về lán bà ngoại, nó mua được một bịch sữa đậu nành, đói quá ngồi bệt xuống nền nhà húp sùn sụt. Mấy đứa em há mồm nuốt nước giãi ừng ực mà không được uống hớp nào. Có thêm một nhân lực lao động, dự báo là vợ chồng này sẽ còn đẻ tiếp. Vì chỉ có đẻ nhiều thì sau này mới có nhiều lao động, chúng tự đi làm nuôi nhau là vừa.

Con gái thứ 3 của bà Khang sinh được hai con gái, năm nay đứa 13, đứa 12. Nhìn con, bà mẹ trẻ thở dài: "Con lớn bằng này rồi mà có nhờ chúng được cái gì đâu". Suy nghĩ của chị ta thật lạ, con mới 12, 13 tuổi mà chị đã nhăm nhe dựa dẫm. Trong khi đứa 12 tuổi bị bệnh thận phải nghỉ học từ 3 năm nay. Từ ngày phát bệnh, người nó phù nề, mặt sưng múp, mình mẩy õng nước. Những lúc tỉnh là nó vui chơi, cười đùa rôm rả, khi lên cơn, nó giật đùng đùng, mồm trào bọt, mắt trợn trắng xóa, không ai dám đến gần. Cho tiền, bảo nó đi mua sữa về chia cho các em, nó nhất quyết không đi, tay cầm chắc lấy tiền, hất mặt lên nói: "Con để dành lúc nào đi bệnh viện mới mua sữa". Nó thật tội nghiệp, vậy mà người lớn mắng nhiếc nó, chửi nó là đồ này đồ nọ chỉ vì tội…tham tiền. Có lẽ khi sinh, cha mẹ đã khát khao muốn có tiền nên đặt tên nó là Kim Tiền. Kể cả khi bệnh tật có thể "giật" nó đi bất cứ lúc nào, thì nó vẫn khao khát được có tiền vì nó thèm đủ thứ. Đã thế, cha nó rượu chè, cờ bạc, gái gú rồi bỏ mẹ con nó ra đi. Mẹ nó, vì uất giận cộng thêm bĩ cực trong cuộc sống nên hay chửi bới hai chị em nó.

Túp lều của bà Khang như trại trẻ, chúng ăn nằm la liệt, đứa nọ chồng lên đứa kia, chật kín lối đi. Bà Khang thở dài: "Ba đứa này tối đến về "chuồng gà" bên kia ngủ với cha mẹ chúng. Còn nhà này chỉ đủ chỗ ngủ của hai vợ chồng tôi, thằng con trai và ba mẹ con đứa con gái bỏ chồng".

Hai vợ chồng bà Khang vướng bầy cháu nên mấy năm nay không đi làm được việc gì. Con cái lấy chồng nghèo khổ chẳng đứa nào có khả năng nuôi. Bà sống vật vờ bằng vài đồng tiền ông nhà đi vặt lông gà, lông vịt cho quán ăn. Mỗi con gà, vịt làm sạch ông được trả 20 ngàn đồng. Còn lại, bà Khang mong nhất đến những ngày rằm, mồng một để vào chùa xin cơm chay. Có lần may mắn gặp được nhà hảo tâm người ta cho bịch gạo, bà mừng lắm.

Đầu năm nay, có quyết định giải tỏa xóm Gò mả, người ta đồng loạt đến bốc mộ. Xóm Gò mả bỗng quang đãng, thông thoáng, không còn âm khí nữa. Nhưng người dân sống ở đây lại buồn bã, lo lắng bởi chẳng biết khi nào sẽ phải rời đi. Biết tìm nơi đâu dung thân cho hàng chục con người.

Từ ngày về Gò mả, bà Khang hiến máu tình nguyện gần 30 lần. Mỗi lần có đợt hiến máu, bà đều hào hứng tham gia. Thật ra, bà không ý thức được đầy đủ sự cao thượng trong việc làm của mình. Bà hào hứng hiến máu để nhận được vài chục ngàn, dăm hộp sữa, mấy vỉ thuốc bổ máu. Chỉ thế thôi. Người ta tặng bà bằng khen mà nhà rách quá chẳng dám treo, hôm rồi dọn dẹp để láng nền nhà, ông chồng vứt bằng khen đi đâu không rõ nữa. Bà bảo ở Gò mả này, gia đình bà có đến 4 người thường xuyên đi hiến máu. Trong đó, thằng em họ của bà hiến tổng cộng khoảng 40 lần, bằng khen, giấy khen treo không hết. Nói đến đây, cô vợ của em họ bà réo lên: "Tôi cứ tưởng hiến máu nhiều thế người ta sẽ giúp đỡ gia đình mình. Rốt cuộc khi mình cần giúp đỡ thì chẳng ai giúp". Hóa ra, bên trong sự cao thượng hồn nhiên ấy, vẫn lẩn khuất những toan tính vụn vặt đời thường.
Ngọc Thiện
.
.
.