Chuyện cái "a lô" của người thiểu số

Thứ Hai, 08/08/2016, 15:57
Từ năm 2006, điện thoại di động bắt đầu "đổ bộ" vào các ngõ ngách vùng quê, vùng núi xa xôi đến nỗi có những bác nông dân dùng đến hai chiếc điện thoại di động.

Bây giờ ở các chợ vùng Tây Bắc, rất nhiều thiếu nữ người dân tộc thiểu số xuống chợ cầm theo điện thoại, nói chuyện rôm rả. Điện thoại di động đã giúp ích nhiều cho cuộc sống khó khăn của người thiểu số, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái.

1. Đến chợ Bắc Hà (Lào Cai), thiếu nữ Mông sử dụng điện thoại nhoay nhoáy, còn cài nhạc để trên đường đi nghe cho đỡ buồn. Mấy năm trước, nhạc Mông rất được ưa chuộng thì nay, đủ thứ nhạc thị trường, nhạc sến được tải về và nghe thường xuyên.

Không ít thiếu nữ ở Bắc Hà (Lào Cai) là nạn nhân của tệ nạn buôn người.

Ở "thiên đường" du lịch Sa Pa, nhiều cô gái Mông, Dao đỏ sở hữu hai chiếc "a lô Tầu" (điện thoại di động Trung Quốc) giá khá mềm nhưng tính năng sử dụng cao.

Trước đây, trên đường xuống Chợ Tình, đi chơi xuân nhiều chàng trai, cô gái xách theo chiếc đài con, vừa đi đường vừa nghe nhạc Mông. Nay, họ vẫn cầm một thứ có thể hát được, nói được nhưng lại nhỏ gọn hơn, đó là điện thoại di động.

Ấn tượng với người vùng cao, ngoài các đồ trang sức truyền thống từ nhiều đời qua, thì nay trên tay những thiếu nữ, những người dân còn được trang trí thêm chiếc điện thoại đi động. Nó là người bạn của họ trên nương rẫy, những buổi chợ, những lễ hội xuân…

Qua nó, các thiếu nữ nghe và nhận lời mời đi chơi, lời tán tỉnh, nịnh nọt của các chàng trai. Cũng có nó, các thiếu nữ biết được cấp độ "cái bụng" người yêu thật thà đến đâu và nghe được lời tỏ tình của người yêu.

Cũng nhờ cái "a lô", các thiếu nữ có thể kiểm soát được người yêu, nếu anh ta có đi chợ và… quá chén thì còn có phương tiện để gọi. Khi điện thoại trở nên phổ biến, nó cũng trở thành món hàng bình dân mà người dân bình thường nhất cũng có thể mua được.

Chỉ cần bỏ ra 3 đến 5 trăm ngàn là có thể mua được chiếc nghe, nói ngon lành. Khá hơn, nhiều tính năng hơn thì khoảng hơn triệu đồng. Nhiều gia đình cố nuôi một đàn gà hoặc một con lợn, khi chúng lớn, hai vợ chồng rủ nhau mang xuống chợ bán, mua một chiếc điện thoại và nhậu một bữa say túy lúy rồi về.

Họ cũng quan niệm, mình phải có điện thoại cho bằng anh bằng em, chơi cho oai, nghe cho sướng, bấm cho thích. Sở hữu điện thoại di động là một thứ mốt, thể hiện sự văn minh, đẳng cấp của những người tưởng chỉ biết đến lao động, nương rẫy.

Bà Giàng Thị Sinh ở xã Bản Phố, một người chuyên bán rượu của chợ Bắc Hà vui vẻ giơ chiếc điện thoại của mình ra và nói: "Có cái a lô này cũng thú vị lắm. Hết rượu là cứ gọi về nhà bảo người mang ra là được. Có điện thoại, tôi còn nghe được giọng con gái, con trai, các cháu, hỏi các việc ngày thường. Nói chung là, điện thoại rất tốt".

Thiếu nữ dân tộc làm duyên bằng điện thoại.

Ông Đặng Văn Tân - Trưởng thôn Bản Lùng (xã Nậm Đét - huyện Bắc Hà) - một vùng đất xa xôi, hẻo lánh nhưng cũng sở hữu hai chiếc di động. Vào ngày hội thôn, khách gọi eo éo, ông liên tục móc từ túi ra nghe bằng vốn tiếng Kinh lơ lớ rồi cười mãn nguyện về tiện ích của nó.

Xa hơn nữa, đồng bào Hà Nhì, Mông, Dao ở tít núi Nhù Cồ San, thuộc xã Ý Tý (huyện Bát Xát) cũng đã làm quen với điện thoại di động khoảng 4 năm nay. Mỗi bao thảo quả họ đổi được một chiếc khá… ngon và, họ cảm thấy sung sướng vì có thể dễ dàng giao dịch buôn bán bằng một cái vật nhỏ xíu bằng mấy đầu ngón tay.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, không ít người phải đi học kỹ thuật để về sửa chữa mỗi khi cái "a lô" trục trặc. Dịch vụ bác sĩ bắt bệnh cho "a lô" cũng ra đời trong cuộc sống có phần nghèo nàn, hoang sơ mà thú vị của người thiểu số vùng cao.

2. Bên cạnh những tiện ích như vậy, điện thoại cũng gây ra nhiều phiền toái. Thí dụ, nhờ có nó mà nhiều người đàn ông đã gọi điện cho nhau, tụ tập xuống chợ chè chén say sưa.

Nhiều lần bị vợ càu nhàu thì trốn vợ. Vợ càu nhàu tiếp thì đánh đập vợ, sinh ra những mâu thuẫn trong gia đình, những bi kịch của tổ ấm. Rồi sinh ra những trận đòn tím da tái ruột mà những người chồng dành cho vợ mình.

Rồi chia ly. Hay thí dụ, đứa trẻ thấy bạn bè có cái "a lô", đứng ở người chợ mà nói người ở nhà nghe thấy, chúng tò mò muốn sở hữu một chiếc nhưng không thể làm ra tiền, chúng liền cõng trộm thóc, ngô của gia đình xuống chợ bán. Một lần không đủ mua di động thì hai lần, ba lần, nhiều lần…

Vì điện thoại, đứa trẻ làm điều xấu xa. Thêm một thí dụ khác, đã xảy ra trong cuộc sống người dân ở Bắc Hà, đó là có người đã dùng điện thoại đi động để quay cảnh nóng của mình và vợ để cho bạn xem trong cuộc nhậu. Cô vợ bị cười cợt, trêu đùa, vì xấu hổ quá suýt nữa tìm đến lá ngón.

Ác nghiệt hơn, "thằng" di động còn gây ra những hậu quả khác. Ví như cô Tráng A Vồng ở Bắc Hà, xinh như bông hoa rừng đã bị bọn buôn người dùng điện thoại di động dụ dỗ. Ban đầu, chúng tặng cho Vồng một chiếc "xịn ơi là xịn", dạy cẩn thận cách gọi điện, cách nhắn tin, cách nạp tiền…

Một gã cao ráo thường gọi vào máy rủ Vồng đi chợ chơi, đi ăn quà và buông lời tán tỉnh. Mật ngọt chết ruồi. Qua cô gái này, gã còn lợi dụng tiếp cận những cô gái khác và cũng bằng cách tặng điện thoại lấy lòng và làm quen. Khi điện thoại các cô hết tiền, chúng chủ động nạp để các cô nghe thoải mái.

Vồng đã yêu gã trai lạ mặt đó và hai bên thường nhắn tin, gọi điện cho nhau. Thế rồi, cũng vì nhẹ dạ mà Vồng và những người bạn đã bị bọn buôn người "làm một mẻ", lừa bán sang Trung Quốc.

Thiếu nữ vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) làm duyên với điện thoại.

Rất nhiều thiếu nữ xinh đẹp của Bắc Hà đã trúng bẫy bọn buôn người thông qua điện thoại di động. Bọn chúng đánh mạnh vào tâm lý của các cô, luôn miệng mô tả về một vùng đất làm ít mà ăn uống sung sướng, không phải làm quần quật ngày này qua ngày khác. Biết bao nhiêu cô gái đã nghe lời bọn chúng và không trở về.

Nghệ nhân nấu rượu giỏi bậc nhất ở xã Bản Phố (Bắc Hà) là ông Ma Seo Dí cũng có cô con gái Ma Thì Dở (SN 1982) bị dụ dỗ bắt đi, đến nay gia đình vẫn chưa có tin tức gì. Ông Dở nói trong ngậm ngùi: "Con Dở đã có chồng và hai con, nhưng nhìn nó còn xinh lắm.

Năm 2007, Dở đi chợ, có thằng cho nói cái điện thoại, bảo nó lên xe ôm, chở về cho đỡ mỏi chân. Dở nhẹ dạ nghe theo, thế là bị nó chở đi mất, không về được nữa. Hai đứa con của nó giờ thì không có mẹ chăm sóc. Năm đó, nó cứ khóc suốt đòi mẹ".

Ông Dí đã hơn 70 tuổi, cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, an dưỡng thì nay lại phải chịu cảnh mất con. Điều khiến ông Dí đau đớn nhất là không biết con gái và các cô gái khác sang bên kia biên giới sống chết thế nào. Nếu còn sống thì ra sao, hay phải chịu nhiều khổ cực, bị đánh đập.

Đại diện Công an Bắc Hà cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến nhiều thiếu nữ Bắc Hà mất tích là do các cô gái nhẹ dạ, dễ tin theo lời kẻ xấu. Khi chúng mô tả về cuộc sống sung sướng ở bên kia xứ người thì thích thú, lại được tặng điện thoại nữa thì nghe và đi theo chúng là chắc chắn. Nếu các cô ấy có kiến thức, biết đề phòng thì đã không đến nỗi…".

Cũng vì điện thoại làm mờ mắt mà không ít thiếu nữ ở huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng) trở thành nạn nhân, bị bọn buôn người lừa bán sang Trung Quốc như một món hàng. Đó là khi người dân ở vùng cao này "ngộp thở" về chiếc điện thoại di động lúc nó tràn về bản làng.

Ai ai cũng muốn sở hữu nó để tiện cho sinh hoạt hằng ngày. Lợi dụng điều đó, bọn buôn người đã dùng điện thoại để tiếp cận, dụ dỗ những cô gái có nhan sắc và các cô đã dễ dàng mắc bẫy. Cái "thằng" đi động lúc này trở thành bùa mê, thành một thứ độc dược khủng khiếp hơn cả lá ngón.

Nó đã nuốt biết bao cô gái bằng những lời tán tỉnh ngọt ngào. Một người cha có con gái bị lừa tâm sự: "Người ở vùng cao này thật thà quá, người lạ mặt nhắn tin, gọi điện vài cuộc thôi mà cũng đi theo, dù chẳng biết mặt mũi người ta thế nào.

Có khi bọn gian ác như rơi từ trên trời xuống, móc trong túi ra chiếc điện thoại tặng cho bất kể cô gái nào mà chúng định tăm tia, thế mà các cô ấy cũng cầm… Và nhiều người đã phải khóc vì điện thoại, vì mất con, mất mẹ".

3. Đi vùng cao, đi "phượt" nhiều, tôi đã bắt gặp những hình thật ngộ. Đó là một bác nông dân vận bộ trang phục dân tộc truyền thống đã sờn rách, vừa dắt trâu đi cày vừa nghe điện thoại; đó là một người mẹ lấm lem, nhếch nhác vừa vạch vú cho con bú vừa nghe điện của chồng; đó là một chàng trai ngồi vắt vẻo bên mỏm núi nhắn tin cho bạn gái và đợi chờ hồi âm...

Nhưng cũng đôi khi, tôi gặp một thiếu nữ khuôn mặt đỏ bừng, nói cười rạng rỡ vì hình như ở đầu dây bên kia, bạn trai cô nói những lời tỏ tình thật ngọt. Cái "a lô" có ích cho người thiểu số đấy chứ, đã làm vơi đi những nhọc nhằn của họ và làm cho cuộc sống của họ trở nên sinh động hơn.

Những người dân mà trình độ dân trí còn thấp đó, khi được tiếp cận và sử dụng điện thoại thì đó đã là một tiến bộ rất lớn. Họ không ngờ rằng đến một ngày, vì điện thoại tai họa đã giáng xuống đầu họ, cuộc sống và gia đình họ.

Thật vô lý nếu đổ lỗi cho điện thoại đi động. Tốt hay xấu đều do người sử dụng. Nhưng tai hại thay là đã nhiều kẻ lợi dụng tính năng của điện thoại để trục lợi. Và mỗi ngày lại có thêm nhiều người đi… căm thù chiếc điện thoại di động.

Ngô Thục Miên
.
.
.