Chuyện chưa kể về người Tà Mun

Thứ Hai, 11/09/2017, 08:01
Từ bao đời nay, người Tà Mun mải mê với cuộc sống du canh du cư trong những vùng xa xôi hẻo lánh của các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh. Là một bộ phận của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Tà Mun có những nét văn hóa riêng khá đặc sắc…

Tộc người Tà Mun

Bước qua tuổi 60, đi gần hết những biến cố của cuộc đời, già Lâm Tăng, Chủ tịch Hội đồng già làng Tà Mun (huyện Hớn Quảng, Bình Phước) được xem là nhân chứng "đắt giá" của lịch sử người Tà Mun. Những ký ức cũ xưa của tổ tiên mình luôn hiện trong tiềm thức của già, đó là niềm vui xen lẫn niềm kiêu hãnh không gì so sánh được.

Từ khi già biết nhận thức, đã theo chân bậc cha anh thực hiện những chuyến hành trình du mục không có điểm dừng. Trên vùng đất Bình Phước ngày đó, núi rừng còn nguyên thủy, người Tà Mun sống vui với thiên nhiên, muôn loài chim rừng, cá suối, không ai có nhà cửa cố định. Sau khi mê mệt với cuộc di trú, người Tà Mun quay về định cư tại vùng đất màu mỡ nay thuộc ấp Sóc 5 (xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước).

Đền thờ truyền thống của dân tộc Tà Mun.

Người Tà Mun sống thành từng cụm 5-7 gia đình, làm nghề trồng lúa, đi rừng. Các tài liệu về người Tà Mun không được lưu giữ, ngay cả già Lâm Tăng cũng chỉ biết rõ gốc tích 4 đời trở lại đây.

Một số người già còn sót lại từ thời sơ khai của người Tà Mun đã truyền miệng cho con cháu biết, người Tà Mun ngày trước có tên gọi là người họ Lâm. Vì thế, tất cả cộng đồng đều lấy họ Lâm.

Già Lâm Tăng kể: "Hồi đó lấy vợ lấy chồng cốt yếu duy trì nòi giống. Tộc người chúng tôi sống cách biệt giữa rừng chứ không giao lưu với ai, nên cũng chỉ biết lấy nhau thôi".

Sau này có giao thoa với bên ngoài, thì tộc trưởng cho phép con gái, con trai được tự do yêu đương, có thể kết hôn với người dân tộc khác. Quy định bắt buộc lấy họ Lâm cũng được nới lỏng hơn, tuỳ vào sự thoả thuận giữa vợ chồng. Từ sau năm 1975, một số người Tà Mun từ Bình Phước di cư sang Tây Ninh sinh sống. Theo quy định nội bộ, người Tà Mun ở Tây Ninh là bậc anh.

Hiện hai nhóm cộng đồng này vẫn thường xuyên qua lại, duy trì quan hệ anh em thâm tình. Riêng tại ấp Sóc 5 được cho là nơi xuất phát của người Tà Mun.

Cụ Lâm Xô (87 tuổi), một trong 3 người lớn tuổi nhất trong cộng đồng Tà Mun ở xã Tân Hiệp kể: "Người Tà Mun trước đây đông đúc, nhưng vào các năm 1950-1953 xảy ra 2 đợt dịch bệnh ghẻ lở và bệnh sốt phát ban. Người chết vì dịch bệnh rất nhiều. Đó được xem là kí ức buồn nhất trong lịch sử cộng đồng người Tà Mun. Tình trạng duy trì nòi giống chậm, nên qua thời gian người Tà Mun dần ít đi".

 Khi được hỏi về những công trình cổ của đồng bào Tà Mun, già Lâm Tăng tiếc nuối: "Mất hết rồi, chỉ còn lại ngôi miếu thờ Bà và khu nghĩa trang". Vị trí miếu thờ Bà được cho là nơi khởi phát của tổ tiên người Tà Mun.

Già làng Lâm Tăng, người có công đưa thông tin về người Tà Mun ra công chúng.

Ngày nay, dân làng gọi ngôi miếu là đền thờ truyền thống. Hằng năm tại đền thờ, đồng bào Tà Mun tập hợp vào các ngày 16-5 Âm lịch ăn mừng lễ xuống giống và ngày 16-11 hát mừng mùa màng bội thu. Còn Tết cổ truyền người Tà Mun bắt đầu từ 30-8 đến 1-9 Âm lịch hằng năm.

Sau này hòa nhập với cộng đồng khác, thì nhiều lễ hội truyền thống khác của dân tộc Tà Mun đã bị mai một, lai tạp với phong tục của người Kinh, người S'Tiêng, người Khơmer...

Mặc dù không có chữ viết riêng nhưng người Tà Mun có tiếng nói riêng. Già Lâm Tăng đọc ví dụ: Sa-pô (ăn cơm), Âu-me (bố mẹ), Hắn-tưa (đi đâu đó)... Vừa đọc vị già làng vừa thanh minh: "Từ trước đến nay, đồng bào mình vẫn giao tiếp với nhau bằng tiếng của người Tà Mun. Mãi thời gian gần đây mới học tiếng Kinh để giao tiếp với người dân tộc khác. Nguồn tư liệu về người Tà Mun còn quá ít. Không có bất kì tài liệu nào được lưu giữ mà chủ yếu qua lời truyền miệng. Trong khi đó những bậc cao niên trong cộng đồng cũng dần dần qua đời, thế hệ sau gần như không biết về cội nguồn".

Nhiều năm liền, già Lâm Tăng lặn lội khắp nơi, sang cả những anh em thuộc nhánh thứ 2 của người Tà Mun ở Tây Ninh tìm kiếm tài liệu nhưng không có kết quả.

Duy trì bản sắc riêng

Người có công đưa thông tin về người Tà Mun ra công chúng, trở thành đề tài trên các diễn đàn xã hội chính là già làng Lâm Tăng. Ông kể, người Tà Mun có cả ngàn người, có tiếng nói riêng nhưng rất ít người biết.

Nhiều đồng bào cùng quan điểm đã bày tỏ lo lắng với người đứng đầu cộng đồng. Già Lâm Tăng trăn trở: "Với đà hao hụt nhân khẩu, ngày qua ngày thì người Tà Mun sẽ biến mất…".

Những người già nắm giữ lịch sử người Tà Mun đang dần hao hụt.

Trước đó, người Tà Mun được xếp vào một nhánh của dân tộc S'Tiêng khiến già Lâm Tăng và nhiều người trăn trở. Vị già làng giải thích: "Những người cho rằng người Tà Mun tách ra từ người S'Tiêng rồi xếp vào một là không đúng. Nếu tách ra từ dân tộc S'Tiêng thì phải cùng ngôn ngữ, đằng này đồng bào Tà Mun có tiếng nói riêng".

Đã sống gần hết đời người, già Lâm Tăng khẳng định từ trong sâu thẳm tiềm thức của người Tà Mun xuyên suốt quá trình lịch sử đều có ký tự riêng, những cuộc di cư cũng hoàn toàn độc lập mà không hề có ảnh hưởng của người S'Tiêng hay bất kỳ dân tộc nào khác.

Về tiếng nói của người Tà Mun thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơmer, gần với ngôn ngữ của dân tộc Chơ Ro, rất xa với ngôn ngữ S'Tiêng. Ngay cả phong tục tập quán, nếp văn hóa đồng bào cũng riêng biệt không hề giống dân tộc khác. Đó là lý do già Lâm Tăng cảm thấy buồn khi "gán" người Tà Mun vào với người S'Tiêng.   

CMND ghi người Tà Mun.

Trong các buổi giao lưu, gặp mặt, già Lâm Tăng đều tham dự với tư cách đại diện cho một dân tộc. Cụ thể năm 2007, lần đầu tiên người Tà Mun tham dự Đại hội liên hoan các dân tộc thiểu số.

Nung nấu những tâm nguyện trên, tại buổi tiếp xúc cử tri 3 cấp ở địa phương, già Lâm Tăng đã phát biểu ý kiến đề nghị Đảng, Nhà nước sớm công nhận dân tộc Tà Mun.

Sau ý kiến đó, hàng chục đoàn công tác cấp huyện, tỉnh và cả Trung ương về gặp già Lâm Tăng để tìm hiểu thông tin người Tà Mun. Thấy ý kiến của mình được cấp trên xem xét, già Lâm Tăng mừng trong bụng.

Ông tìm lục lại tất cả giấy tờ liên quan chứng minh sự tồn tại lâu đời của người Tà Mun đồng thời ông tìm gặp tất cả những người lớn tuổi hy vọng gom góp được thông tin quý giá.

 Bẵng đi thời gian dài, năm 2013, già Lâm Tăng bất ngờ nhận được thông báo trả lời của Ban dân tộc tỉnh Bình Phước. Trong thư, Ban dân tộc cho biết cấp tỉnh đã công nhận người Tà Mun là một dân tộc mới. Sau đó cấp tỉnh đã gửi báo cáo ra Trung ương và đang chờ kết quả.

Già Lâm Tăng hồ hởi: "Hy vọng người Tà Mun sớm được ghi nhận dân tộc mới, đóng góp vào sự phong phú của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Chúng tôi đã chờ đợi lâu lắm rồi".

Ở miền Đông Nam bộ, cụ thể là ở 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước hiện có khoảng 3 ngàn người Tà Mun sinh sống. Nhiều năm qua, trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam, không có dân tộc Tà Mun, tộc người này được xếp vào một nhánh của dân tộc S'Tiêng. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, người Tà Mun có nhiều điểm khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử so với người S'Tiêng.

Người Tà Mun ở tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 234 hộ với 1.143 khẩu tập trung. Còn ở Tây Ninh là 1.680 người cư trú rải rác ở các huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh.

Năm 2012, tại Bình Phước, Viện Dân tộc thuộc Ủy ban Dân tộc tổ chức hội thảo "Nghiên cứu thành phần tên gọi người Tà Mun". Tại hội thảo, các đại biểu mong sớm có sự công nhận tên gọi đối với tộc người Tà Mun theo đúng tiêu chí, quy định.

Ngọc Thiện - Mai Văn
.
.
.