Chuyện cổ tích có thật ở làng Trinh Tiết

Thứ Tư, 14/10/2015, 07:00
Cổng làng Trinh Tiết (xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ở ngay bên sông Đáy, trên đường đi vào chùa Hương. Nếu đọc những câu đối ở cổng làng ta mới thấy, người ở đây có niềm tự hào về cái tên được nảy sinh từ bao đời nay...

Hai hàng chữ viết rằng: “Làng Sêu quê cũ chim đậu đất lành văn vật ngàn xưa còn lưu mãi-Trinh Tiết đời nay xuân về vận mới thanh cao muôn thuở là đây”. Một câu chuyện có thật đã làm nên một ngôi làng cổ hơn ngàn năm qua...

Người đẹp thờ chồng, dạy con thành tướng tài

Tôi có may mắn gặp được ông Lộc người trông nom quán đền Trinh Tiết kể câu chuyện có thật của làng cách đây gần 1.500 năm, còn lưu truyền lại cho đến nay. Làng cổ Trinh Tiết đầu tiên mang tên là Bối Lang, có một ngôi chợ Sêu nổi tiếng khắp vùng bên sông Đáy. Dân gian gọi tên làng theo chợ cho dễ nhớ, vậy là cái tên làng Sêu có từ đó. 

Nhiều cô gái làng Sêu vừa đẹp lại khéo tay nuôi tằm kéo tơ, nên hàng lụa ở đây được khách thập phương tìm đến. Câu chuyện nàng Thanh xinh tươi và tài giỏi còn ghi dấu trên từng viên gạch và ngọn cỏ của làng. Khi sinh được con trai đầu lòng là Nguyễn Đức Bảo (còn gọi là Bảo Công) thì chồng chết. Hai mẹ con bơ vơ cực khổ trên cánh đồng chiêm trũng. Nàng Thanh phải đi làm thuê làm mướn quanh làng để kiếm gạo nuôi con. 

Thấy người đẹp vất vả bùn lầy không ít người giàu sang phú quý yêu mến và ngỏ ý kết duyên tơ lòng, nhưng không lay chuyển được tình cảm sắt son, thủ tiết thờ chồng của nàng. Khi bé Bảo lớn lên cũng đi chăn trâu thuê, kiếm kế sinh nhai giúp mẹ, và được nuôi dậy khôn lớn.

Ông Lộc người trông coi đền Trinh Tiết.

Nguyễn Đức Bảo ngày một thể hiện có chí khí hơn người, khi lớn lên dám tập hợp binh mã, chờ thời cơ đánh giặc Lương, phương Bắc xâm lược nước ta, vào thời nhà Tiền Lý (Lý Nam Đế). Vào những năm chiến đấu chống quân Lương khó khăn, vua Lý Nam Đế đã trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến. Nghe tin ở làng Sêu có chàng dũng sĩ Bảo Công sẵn sàng động binh tiêu diệt giặc nhà Lương, nên ông đã tìm đến. Từ đó Nguyễn Đức Bảo trở thành tướng lĩnh của Triệu Quang Phục và thể hiện tài năng chỉ huy dũng mãnh, xả thân vì đất nước. 

Năm 550, Triệu Quang Phục lên ngôi, khôi phục lại nước Việt và xưng vương (Triệu Việt Vương), đóng đô ở thành Long Biên. Nhưng sau đó, Bảo Công hay tin mẹ mất nên đã xin phép trở về quê chịu tang, không kịp nhận bổng lộc gì của triều đình. Ba năm sau, tướng Bảo Công mới trở lại làm quan trong triều.

Cùng thời gian này, Lý Phật Tử em họ của Lý Nam Đế, cũng xưng vương ở Cửu Châu Thanh Hóa. Lý Phật Tử đã đem quân đánh nhau với Triều Vương nhiều lần nhưng đều thất bại nên cầu hòa. Trong lòng Lý Phật Tử vẫn canh cánh âm mưu phục hồi nhà Lý, nên tìm cách tiêu diệt Triệu Việt Vương. 

Vào năm 557, hắn cầu hôn cho con trai lấy con gái của Triệu Việt Vương. Hay tin tướng Bảo Công ra sức ngăn cản và tố cáo âm mưu thâm độc của Lý Phật Tử, nhưng Triệu Việt Vương không nghe. Bảo Công thất vọng treo ấn từ quan về quê và tổ chức cho người dân làng Sêu làm ăn trở nên thịnh vượng. Quả nhiên đến năm 571, Triệu Việt Vương bị hai cha con Lý Phật Tử hợp đồng đánh thua trận phải rút chạy về cửa biển Đại An, Nam Định rồi tự vẫn. 

Cổng làng Trinh tiết

Cũng vào khoảng thời gian 10 năm sau đó, Bảo Công mất, được dân làng Sêu tôn thờ làm Thành Hoàng Làng. Ngôi đền, theo như ông Lộc kể, được xây dựng lại vào năm 892, vào thời Tiền Lê. Sau đó đền còn được tu sửa nhiều lần mới được khang trang như ngày nay. Tuy trải qua nhiều năm tháng, các câu đối sơn son thếp vàng và ngai của đức ông Bảo Công vẫn còn được lưu giữ cho đến nay đã hơn một ngàn năm.

Khi tôi hỏi đến chuyện làng Sêu được đổi thành tên Trinh Tiết, thì ông Lộc nở một nụ cười móm mém, rồi hồ hởi kể. Đó là vào năm 1054, vua Lý Thánh Tông có dịp du thuyền trên sông Đáy, và dừng chân bên nương dâu của làng Sêu. Hay tin các bô lão chọn những tấm lụa đẹp nhất của làng dâng tặng làm vua Lý Thánh Tông cảm động và hỏi chuyện mới biết tướng tài của làng là Bảo Công, có người mẹ thủ tiết thờ chồng nuôi con có chí khí đánh giặc ngoại xâm. Cảm động trước tấm lòng của người mẹ đã làm gương cho bao phụ nữ khác của làng cũng một mực thủy chung son sắt với chồng con, nên vua đã đổi tên làng thành Trinh Tiết.

Đình làng Trinh Tiết.

Ông Lộc nói, nghe các cụ trong làng xưa kể lại từ đó nhiều gương các bà mẹ luôn luôn nêu giữ truyền thống đó, không ít phụ nữ khi chồng mất đã ở góa thờ chồng nuôi dạåy con nên người. Đó là nét đẹp về tâm hồn đạo lý của người phụ nữ ở làng Trinh Tiết còn gìn giữ và phát huy cho đến nay. Họ là những người thợ dệt khéo tay, tinh xảo từ đường tơ và yêu thì hết lòng và chung thủy một bề với chồng con. 

Ông còn kể nếu cô nào đi lấy chồng xa bao giờ cũng góp cho làng mấy trăm viên gạch để lát đường, như một sự lưu luyến với làng xóm. Mấy thế kỷ qua thói quen như một ước lệ này vẫn được gìn giữ. Làng vẫn còn lưu giữ được hình ảnh những đường làng ngõ xóm với những viên gạch hồng hạnh phúc của những cô gái đi lấy chồng xa gửi tình cảm lại cho quê hương.

Vẫn còn đó những người phụ nữ son sắt thời nay

Theo chỉ dẫn của ông Lộc, tôi tìm đến trưởng thôn làng Trinh Tiết, hỏi thêm về những người phụ nữ đang viết tiếp những câu chuyện cổ tích thời nay. Anh Trưởng thôn Bùi Chí Dũng nói ngay, hàng chục năm nay làng không ít người mẹ trẻ đã thủ tiết thờ chồng nuôi con thành tài. Nào là bà Định Thị Huyến, Bùi Thị Tít, Lê Thị Vấn, Bùi Thị Dung, nào đó còn những chị Nguyễn Thị Hà, Lê Thị Huy... 

Riêng trường hợp bà Bùi Thị Tít (sinh năm 1948), khi mới 23 tuổi, chồng là Nguyễn Văn Thảo hy sinh ngoài mặt trận, năm 1971. Hạnh phúc ngắn ngủi chỉ sau ba tháng thành hôn, cô gái Bùi Thị Tít đã mất người thân yêu nhất. Từ đó chị thủ tiết thờ chồng với tình yêu trọn vẹn. Cho dù nhiều người ngỏ ý tìm hiểu và đem lại hạnh phúc mới cho mình, nhưng chị Bùi Thị Tiết một mực sống với tình yêu duy nhất trong cuộc đời.

Giờ đây không còn là chị Bùi Thị Tít ngày nào mà đã là một bà lão gần 70. Trong nhiều năm, bà Bùi Thị Tít chỉ có một ước nguyện tìm được mộ chồng đưa về quê. Cho đến nay đã 40 năm trôi qua, tuổi già sức yếu, bà Bùi Thị Tít vẫn ngày đêm nhớ đến người chồng ở tuổi hai mươi ngày nào và sống với linh hồn của người liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc thân yêu. 

Anh trưởng thôn còn kể các bà như Đinh Thị Huyến, hay Lê Thị Vấn để ở vậy nuôi dạåy con cái. Các con của những người này đều là giáo viên trong làng trong huyện. Hiện trường hợp chị Lê Thị Huy (sinh năm 1972), chồng mất cách đây gần 10 năm khi còn trẻ, nhưng vẫn chịu thương chịu khó làm ăn nuôi hai con trai. Chị Huy hiện là người làm công thu gom rác thải ở làng và được nhiều người yêu mến. Chị chỉ mong hai con khôn lớn và được ăn học đến nơi đến chốn là hạnh phúc và đó chính là phần đời của mình còn lại, chứ không nghĩ tới chuyện đi tiếp bước nữa.

Đền Trinh Tiết đã được trùng tu.

Cùng với chuyện của những người phụ nữ làng Trinh Tiết, anh trưởng thôn còn kể đến trường hợp bà mẹ Việt Nam anh hùng của làng mới được truy tặng gần đây. Đó là trường hợp bà Bùi Thị Phúc. Bà có công nuôi dạy 8 người con (7 trai 1 gái) nên người và có nhiều đóng góp cho xã hội. 

Trong đó bà có 6 người con trai tham gia quân đội và hai người con đã hy sinh ngoài mặt trận. Tiếp nối truyền thống dạy con cái nên người có ích cho cộng đồng, con gái bà Phức cũng nuôi dạy con cái trưởng thành. Cháu ngoại của bà Phức là chị Thường hiện là Chủ tịch xã Đại Hưng cũng là người của làng Trinh Tiết... Anh Trưởng thôn Bùi Chí Dũng xởi lởi kể chuyện, nụ cười của anh lây sang tôi với với niềm vui bất tận, về nét đẹp của người phụ nữ làng mình.

Con đường gạch màu hồng hạnh phúc

Dẫn tôi ra ngay con đường gạch trước nhà mình, anh Dũng nói đó là những con đường của các con gái làng đi lấy chồng xa. Những viên gạch có cái tên Trinh Tiết gom lại thành những con đường xinh xắn vẫn hồng lên trong ánh nắng vàng ươm. Một buổi sáng mùa thu. Gió trên sông Đáy thổi về rung rinh lá cây ven đường. Ắt hẳn giờ đây tục lệ các cô gái làng đi lấy chồng không còn phải góp gạch nữa, nhưng nghe như cách anh Dũng nói có vẻ gợn lòng. Không phải làng nghèo cần gạch lát đường nữa. Cái giá của mỗi viên gạch giờ cũng rất rẻ. Bởi nếu không lát gạch thì xã cho đổ bê tông cũng xong... Nhưng!

Bao nẻo đường con gái làng Trinh Tiết đi xa, tới một miền hạnh phúc mới, mỗi viên gạch để lại luôn luôn tươi mới với thời gian. Đó là những lời gửi lại với những dòng lưu niệm của một thời tuổi trẻ để lại với làng quê. Nghe anh trưởng thôn nói, tôi bỗng nhớ đến bài hát “Về quê” của Phó Đức Phương: “...Ơi quê ta bánh ta bánh đúc. Nơi thỏa thơm đồng xanh trái ngọt. Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ. Ơi quê ta dầu sương dãi nắng. Phiên chợ nghèo lều mái tranh xiên. Kìa dáng ai như dáng mẹ, dáng chị tôi...”. Những giai điệu và lời ca đúng như của cái làng Trinh Tiết này, với những viên gạch hồng ong lên trong ánh nắng, như con mắt của người con gái làng lấp ló, e ấp và yêu thương xiết bao.

Mộ La
.
.
.