Chuyện cổ tích thế kỷ 22

Thứ Tư, 14/03/2018, 11:40
Trái đất vào năm 2150, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, khắp nơi khói bụi mù mịt.


Lúc này, thứ quý giá nhất trên thế giới không phải hột xoàn, kim cương nữa mà chính là cây xanh. Nước nào có càng nhiều cây cổ thụ thì càng được trọng vọng.

Ở châu Mỹ, nước được cộng đồng thế giới trọng vọng nhất không phải Mỹ mà là Brazil. Tại sao ư? Vì nơi này có cánh rừng Amazon, dù chỉ rộng vài hecta nhưng cũng thuộc diện trùm thiên hạ.

Khi đó, những nước khác trong cùng châu lục hàng năm vẫn phải thường xuyên mang vàng bạc, kim cương sang Brazil để đổi lấy giống cây con đem về trồng, với khao khát cải tạo được môi trường cho nước mình.

Và về quyền lực chính trị, Brazil được bầu làm Chủ tịch thường trực Hiệp hội châu Mỹ, có quyền can thiệp vào nội bộ của tất cả các nước thành viên. Tuy nhiên, Brazil vẫn chẳng là cái đinh gì so với một nước ở châu Á. Đó chính là nước S!

Vào năm 2150, trong khi toàn bộ diện tích rừng ở các nước khác cộng lại chỉ được chừng 10 hecta, thì diện tích rừng ở nước S lên đến 3.000.000 hecta!

Khỏi phải nói, lúc này nước S chính là nước đứng đầu của Liên Hiệp Quốc, một lá phiếu của nước S ở Liên Hiệp Quốc có giá trị gấp đôi tổng lá phiếu của tất cả các thành viên còn lại.

Tháng 3-2150, thế giới tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Cây xanh ở nước S, do nước S chủ trì. Tại hội nghị, đại biểu các nước lên chia sẻ những thành tựu mới trong việc trồng rừng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh minh họa

Đại biểu Mỹ, với trình độ khoa học kỹ thuật thuộc hàng số 1 thế giới, bước lên bục diễn thuyết đầu tiên: “Chúng tôi vừa tìm ra một kỹ thuật nhân giống vô tính tối ưu, có thể trong vòng một năm nhân giống một tế bào thành một cây con!”.

Hội trường vỗ tay như mưa rào.

Đến lượt đại biểu từ một nước lớn ở châu Á: “Chúng tôi vừa tìm ra một loại hóa chất tăng trưởng cực kỳ hữu hiệu. Chỉ trong vòng một năm có thể biến cây con thành cây trưởng thành!”.

Hội trường vỗ tay như mưa giông.

Cuối cùng, đại biểu nước S bước lên bục tổng kết: “Thành tựu của các bạn đều rất tân tiến, rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, các bạn quá dựa vào công nghệ mà quên mất yếu tố con người, nên không thành công. Chúng tôi không dựa vào công nghệ, mà dựa vào con người, đó là các lãnh đạo tài ba của chúng tôi…”.

Cả hội trường nghe tới đó liền nhao nhao: “Lãnh đạo các bạn tài ba như thế nào?”; “Họ tài ba ra sao?”; “Họ là siêu nhân ư?”…

Giơ tay ra dấu cho hội trường im ắng bớt, đại biểu nước S giải thích: “Các lãnh đạo của nước tôi tuy không phải siêu nhân, nhưng họ… chỉ cần một năm là có thể trồng được cây cổ thụ hàng trăm tuổi! Đó chính là bí quyết giúp chúng tôi có được diện tích rừng bạt ngàn như hiện nay!”.

Cả hội trường vỗ tay như vũ bão.

Út Ngoan
.
.
.