Chuyện cô vợ đoảng tôn bà mẹ chồng kỳ lạ làm sư phụ

Thứ Tư, 23/05/2012, 15:49
Tôi đã từng nghĩ rằng bây giờ thời buổi nam nữ bình đẳng, phụ nữ cũng phải có trình độ, có địa vị xã hội, chẳng cần phải nữ công gia chánh làm gì cho mệt. Nhưng khốn nỗi cho đến tận bây giờ, cái trình độ mà tôi đạt được cũng ở dạng tầm tầm. Còn cái địa vị xã hội mà tôi hướng tới thì chẳng hiểu sao nó cứ mỗi ngày một bỏ xa tôi.

Xinh đẹp, trẻ trung, nhưng đoảng, mẹ tôi không biết đã bao lần khuyên nhủ: “Là con gái thì phải thực sự biết nữ công gia chánh, việc kiếm tiền, địa vị chỉ là phụ thôi, như thế thì về sau lấy chồng mới hạnh phúc”. Tôi thì không nghĩ vậy.

Tôi đã quyết chọn cho mình một chàng trai thật đảm đang để “sau này chồng hầu” như một số người xui. Việc đó đối với tôi chẳng hề khó vì quanh tôi luôn có cả chục anh chàng để chọn lựa. Người mà tôi lấy làm chồng vừa to cao đẹp trai, vừa đảm đang tháo vát chẳng nề hà một việc gì. Ngay cả đến nấu ăn, anh cũng giỏi hơn tôi.

Hồi đó, tôi đã vẽ ra một cuộc sống rất tươi đẹp ở phía trước: Tôi sẽ đẻ cho anh những đứa trẻ đẹp như thiên thần. Mỗi khi về nhà, anh sẽ ùa vào ôm lấy chúng tôi... Rồi những bữa tối sang trọng sẽ thường xuyên được diễn ra tại nhà hàng. Tôi sẽ ăn mặc như một bà hoàng, lộng lẫy sánh vai cùng anh và những đứa con thiên thần...

Nhưng rất tiếc, sau 2 năm chung sống, đẻ cho anh đứa con trai tuy không giống thiên thần cho lắm nhưng rất khôi ngô sáng sủa, tôi hiểu ra rằng, chồng tôi chỉ coi tôi như một tấm áo để diện những lúc cần diện. Đúng với câu nói mà một lần tôi nghe được khi chồng chén tạc chén thù với những người anh em họ hàng: "Anh em như tay chân, vợ chồng như áo mặc".

Tôi đã bao giờ nghĩ anh là một thứ để thay đổi như áo mặc đâu. Đối với tôi, anh luôn là chỗ dựa cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng đối với anh, anh luôn nghĩ mình là rất giỏi giang, và tôi luôn phải dựa vào anh mới có thể sống nổi.

Nghĩ lại thì anh cũng giỏi thật. Chồng tôi khá thành đạt, anh biết kiếm tiền, biết chăm con.  Khi sinh đứa con trai đầu lòng, tôi không có sữa nên toàn bộ việc pha sữa, cho con ăn đêm hôm toàn do anh đảm nhiệm. Rồi khi con ốm đau, tôi chỉ biết gọi anh về để đưa con tới bệnh viện. Thế mà chỉ sau vài lần xem xét bác sĩ khám và theo dõi “kiểu ốm” của con, anh tuyên bố luôn: “Bây giờ anh có thể tự kê đơn cho con được rồi. Chỉ khi nào áp tai vào lưng con mà nghe thấy tiếng thở nặng và hơi lọc xọc, đó là viêm phổi, rất nguy hiểm nên cần đến viện. Còn nếu không để anh tự kê đơn thuốc, nếu không tin thì đưa đến bác sĩ khám xem có giống đơn thuốc của anh kê không”. Tôi không tin lắm, nhưng qua mấy lần “kiểm định” thì đúng thật.

Thế là việc chăm lo cho con cái, tôi “nhường” cho anh hết. Ngay cả việc dỗ con ăn, anh cũng có rất nhiều trò khiến con ăn rất nhanh. Nhưng những ngày phó mặc công việc nhà cho chồng cũng không kéo dài được lâu. Vợ chồng tôi thường xuyên xảy ra hục hoặc, anh chồng chăm chỉ của tôi bắt đầu tỏ ra lười biếng và thường cáu bẳn.

Rồi một hôm, anh bảo với tôi rằng anh sắp phải đi công tác xa vài tháng, mẹ của anh sẽ từ quê lên giúp tôi việc nhà.

Phải nói rằng mẹ chồng tôi cực kỳ chăm chỉ. Bà không nề hà bất cứ việc gì và sức khỏe của bà có khi còn tốt hơn cả tôi. Sau một thời gian, bà mẹ chồng nhỏ thó, quê mùa, trình độ có lớp 6 bỗng đặt vấn đề với tôi rằng, bà sẽ đào tạo tôi thành một người vợ, một người mẹ thật “chất lượng”. Tôi đã suýt bật cười, nhưng trước sự thân tình của bà, tôi chỉ ậm ờ cho qua chuyện.

Bà mẹ chồng tỏ ra rất coi thường khi thấy tôi vụng về khi chăm con hoặc khi nấu nướng. Mỗi khi nói với tôi, bà thường chêm vào vài câu tỏ vẻ tự hào khi sinh ra chồng tôi tài giỏi và đem ra so sánh với tôi. Nhưng tôi biết trong thâm tâm, bà quý tôi lắm. Luôn tỏ ra mình rất thông minh, bà thường không bao giờ nghe theo ý tôi hoặc làm ngược lại. Tôi không bao giờ chấp bà mẹ chồng có cái tính khí ngồ ngộ này, nhưng cũng vì sự “thông minh” của bà gánh chịu những “tai nạn” nho nhỏ.

Một lần trong người mỏi mệt, chán ăn, tay tôi cứ run lên bần bật, gọi điện cho cô bạn bác sĩ thì tôi được tư vấn là nên uống vitamin B6. Tôi đang bận cho con ăn, nhờ bà mẹ chồng mua thuốc giúp, bà nhanh nhảu đi ngay. Một lúc sau, bà mang về cho thôi một hộp thuốc, lấy ra cho tôi 6 viên và còn rót nước đưa tận nơi rất chu đáo. Tôi cũng chẳng để ý, ngửa cổ uống rồi mới phát hiện ra có gì đó khác khác. Tôi ra quan sát hộp thuốc thì mới biết đó là thuốc B1. Bà mẹ chồng giảng giải: “Cửa hiệu nó hết B6 rồi, uống 6 viên B1 thì cũng khác gì đâu!”. Tôi vừa bực vừa buồn cười. Không hiểu bà hồi xưa làm sao mà nuôi dạy được chồng tôi nên người.

Nhà tôi thường giặt rất muộn, mọi người tối về nhà tắm táp, thay quần áo rồi mới đem lên máy giặt để ở trên tầng thượng. Buổi sáng, bà mẹ chồng dậy sớm lên gác phơi quần áo. Chỉ có điều là tôi dặn bà nên phơi trong chỗ có mái che để đỡ bụi bặm và ánh nắng làm bạc màu vải thì bà cứ tương thẳng ra ngoài trời để cho nó khô nhanh. Thế là những bộ đồ đắt tiền của tôi sau vài tháng cứ bạc thếch cả ra. Góp ý với mẹ chồng mãi chẳng được, một hôm tôi bảo với bà rằng: “Hôm nay cánh đàn ông ở chỗ con cứ khen áo con thơm mùi nắng”. Thế là y như rằng quần áo của tôi không bao giờ bị phơi ra nắng nữa.

Bà rất thích nấu các món ăn dân dã và hướng dẫn tôi rất tận tình. Một lần tôi thấy bà kho cá ngon quá nên buột miệng khen. Thế là cả tháng đó, tôi được ăn món cá kho đến 12 ngày. Sau vụ đó, tôi không dám khen thêm một lần nào nữa.

Một hôm đi làm về, tôi thấy bà đang lúi húi phơi những chiếc quần cũ của chồng tôi thải ra làm giẻ lau ở sân tầng 1. Thấy tôi ngạc nhiên, bà kéo tay tôi vào trong nhà nói: “Hôm nay có 2 thằng mặt mũi rất khả nghi nói là nhân viên của công ty gas. Họ đòi vào trong nhà kiểm tra an toàn cháy nổ gì đó. Mẹ không cho vào và nói đợi một chút, tôi lên gọi mấy thằng con trai của tôi xuống mở cửa cho. Rồi mẹ lên nhà ghé mắt nhòm xuống, đã thấy chúng đi mất. Đấy, chắc nó theo dõi nhà mình không có đàn ông nên định cướp. Cướp được của bà già này còn lâu nhé. Mẹ lấy mấy cái quần ra treo ở đây cho nó biết là nhà có đàn ông”. Đúng là “kẻ cắp gặp bà già”, nếu không nhanh trí thì chắc tài sản của vợ chồng tôi đã mất sạch, còn tính mạng của mẹ chồng nữa chứ. Tôi thấy phục bà mẹ chồng bé nhỏ này sát đất.

Một lần vợ chồng nhà hàng xóm cãi nhau ầm ĩ, tiếng đồ đạc vỡ loảng xoảng vọng sang khiến đứa con của tôi sợ quá khóc thét lên. Bà mẹ chồng đang ăn cơm liền gác đũa đứng lên nói: “Mẹ phải cho bọn này một bài học”. Nói rồi bà thoăn thoắt bước ra cửa khiến tôi không kịp can ngăn. Tôi vừa ôm con, vừa lo cho mẹ chồng.

Tiếng ầm ĩ bỗng im bặt, khoảng 10 phút sau mẹ chồng tôi về nhà trong tâm trạng hỉ hả. Tôi mắt tròn mắt dẹt nghĩ bà có võ. Những không phải. Bà kể lại: “Mẹ sang lấy cớ téc nước trên sân thượng nhà mình bị dò, chảy tràn sang cả nhà bên đó. Mẹ bảo bảo anh chồng lên nhà kiểm tra xem có bị nước chảy sang làm hỏng nhà không. Khi anh ấy đi lên gác, mẹ mới khen chị vợ rằng anh nhà đẹp trai nhỉ, hồi xưa yêu nhau nó tặng cô những món quà gì? Chị vợ lí nhí chẳng nói được, nhưng có vẻ cũng bớt giận. Mẹ lại khen nhà có nhiều đồ đẹp thế, vợ chồng trẻ mà sắm được thế này cũng phải giỏi lắm.

Mẹ bảo là đàn ông nó nóng tính, cứ nhịn một tý đi rồi mọi thứ mới theo ý mình. Nếu cô muốn điều khiển chồng, trước tiên là không được cãi tay đôi với chồng. Mình tìm thời cơ, lúc nào nấu cho nó một bữa ăn ngon, mua cho nó bộ đồ, rồi ngọt nhạt thủ thỉ, cái được có khi còn giá trị gấp cả ngàn lần món quà ấy chứ.

Anh chồng đi xuống, chị vợ lui vào bếp dọn dẹp. Mẹ mới gọi anh chồng ra một góc mà khen vợ nó xinh. Mẹ bảo nó là đàn ông thì chấp gì cái lũ đàn bà, nó mà cáu thì cứ nhe răng ra mà cười. Thế mới là trượng phu quân tử. Thằng chồng gãi đầu gãi tai một lúc rồi... cười. Thế là xong”.

Hóa ra nền tảng văn hóa dân gian của các cụ không hề đơn giản một chút nào. Bây giờ chúng tôi học nọ học kia nhưng đâu có thâm thúy được bằng các cụ.

Bây giờ tôi mới nghĩ lại thấy lời mẹ tôi dạy khi xưa là đúng. Cũng như lời bà mẹ chồng nói, khi biết chăm sóc cho chồng con, cái mà tôi thu lại được có khi là vô giá. Tôi bắt đầu học cách chăm con, học cách nấu nướng từ bà mẹ chồng. Tôi cũng tham khảo thêm cách nấu ăn qua internet, học các mẹo vặt của các bà các chị trên những diễn đàn dạy cách chăm chồng…

Trước đây tôi luôn nghĩ rằng xinh đẹp như tôi thì luôn được chồng chăm sóc, thì bây giờ tôi lại phải làm ngược lại. Tôi đã học được rất nhiều điều và định bụng hôm nào chồng về, tôi sẽ thể hiện để cả nhà lác mắt.

Rồi cũng đến ngày chồng tôi về, bữa cơm hôm đó thật vui vẻ. Qua thái độ và ánh mắt của chồng, tôi biết anh vui lắm. Một tuần sau thì bà mẹ chồng về quê, tôi thực sự cảm thấy buồn vì cũng rất quý mẹ chồng. Vợ chồng chúng tôi sống rất hạnh phúc và rất ít khi phải to tiếng, đó cũng là một phần tôi học được từ vụ “hòa giải dân phố” mà mẹ chồng tôi thực hiện.

Mãi đến gần đây, chồng tôi mới tiết lộ một điều bí mật. Anh đã có thời gian rất bức xúc với sự đoảng vị của tôi, anh tâm sự với mẹ và bà đã ra tay hành động. Anh đã chủ động xin đi công tác theo đúng “kịch bản” và mẹ chồng tôi đã kịp thời cứu chúng tôi thoát khỏi sự khủng hoảng mà hầu hết các cặp vợ chồng trẻ đều mắc phải

Phạm Hà
.
.
.