Chuyến đi cuối năm

Thứ Năm, 31/01/2019, 10:41
Hôm đó, khi đã bước vào quý cuối cùng của năm. Hôm đó, điện thoại báo tin nhắn, vào khoảng thời gian đó, và vào ngày đó, thì chắc chắn không sai vào đâu được, tôi nhận được số tiền lương hàng tháng của công ty chuyển vào tài khoản. Tôi mở tin nhắn ra xem lại tổng số dư, rồi nhẩm tính. Có lẽ, đã đến lúc cần đầu tư một số tiền vào… việc đặt vé máy bay để về Tết rồi!


Và tôi ở đây, là Sài Gòn - nơi đất khách quê người với những tháng ngày miên viễn. Trong năm qua, tôi từng đi tứ hướng mười phương, đặt chân tới nhiều miền đất khác nhau, gom nhặt được biết bao trải nghiệm quý giá, nhưng bao nhiêu chuyến đi thì chỉ có chuyến này thật đặc biệt vì đưa tôi trở về nơi bình yên nhất, nơi có người nhớ và mong ngóng tôi. Nơi ấy luôn có cả một trời ký ức của mình ở đó. Gia đình mình ở đó. Nhất là những ngày Tết - dịp đi thật xa để trở về. Để gần bên nhau.

Mỗi người xa xứ mỗi đánh đổi

Đồng nghiệp của tôi, không phải người Sài Gòn, nhưng anh bạn bảo, mình thực sự chẳng có quê để về nữa. Người thân đã xa cách anh một khoảng cách vô hình và mãi mãi. 

Chuyện được kể trong một đêm ngồi chat nhưng thực ra là tâm sự với nhau qua màn hình tới khuya, tôi hiểu về câu chuyện từ quá khứ của bạn, có lẽ đã kéo dài đủ lâu nên bạn mới đủ can đảm để chia sẻ. Tôi chỉ biết lắng nghe và cảm thông. Tôi biết bạn còn buồn bâng khuâng không thể dứt. Cũng bởi vì yêu thương sâu sắc thì bạn cũng sẽ đau buồn sâu sắc. Không có cái này thì không có cái kia.

Cuối một buổi tối trò chuyện khác, tôi nghĩ người bạn đó như đang cười giùm tôi một nụ cười khi nhắn tin: “Xem kìa, chỉ còn có vài ngày nữa thôi, đếm ngược để trở về nhà”.

Ảnh minh họa.

Tối hôm đó, không do dự gì nhiều, tôi đặt vé máy bay, vì cũng đã đến lúc! Rồi thì có bao giờ bạn tự hỏi, chúng ta đang đi đâu đây? Luôn luôn đang trên đường về nhà, đúng không?

Một buổi chiều tan sở khác, anh bạn đồng nghiệp rủ tôi ghé thăm quán dừa tắc trên vỉa hè để cùng ngồi hàn huyên thêm dăm ba câu chuyện, thay vì gõ chữ. Tôi nói giọng miền Bắc, bạn nói giọng miền Nam, vô tình thôi, cô chủ quán phân biệt được rõ ràng, cô ấy đã buông một câu hỏi vui vui, mà có lẽ gây bất ngờ cho bạn, chứ không chỉ riêng tôi:

“Sài Gòn mùa cuối năm rồi đấy! Cậu này người Bắc phải không, thế đã đặt vé về quê ăn Tết chưa? Còn cậu kia người miền Nam thì lo gì đúng không?”.

Anh bạn đồng nghiệp chỉ biết cười trừ, đáp “Dạ!”, rồi coi như bạn đã đẩy được phiên trả lời qua cho tôi:

“Dạ, cô hỏi con mới nói, con đã đặt vé về quê rồi! Mà hình như cô cũng người Bắc phải không cô?”.

 “Ừ đúng rồi, nhưng dân Bắc nhập cư ở Sài Gòn luôn rồi con”.

 “Vậy là đỡ tốn kém hơn con rồi ha!”.

 “Tốn kém mấy mà nếu về được thì nên về con ạ, không đành thì mới phải ở lại đất khách thôi con ơi!” - chú xe ôm đang đợi khách gần đó bất ngờ lên tiếng chen vào cuộc trò chuyện của chúng tôi, nhưng có duyên đến lạ. Những lời đó khiến tôi lặng người đi trong giây lát, rồi một lúc sau, tôi lại nghe thấy giọng đon đả của bà cô:

 “Ông đấy cũng là người Bắc, nhưng nghe đâu Tết này ổng không về quê được, vì tới giờ vẫn chưa có vé tàu xe”.

Tôi nghĩ, mình không nên tò mò mà hỏi tiếp vì sao, hoàn toàn không nên. Không dưng, tôi thấy thương người xa lạ đến thế! Tôi dừng lại ở đó và cắm mặt vào ly nước của mình, tự nhủ: Ở thành phố này ngày nào cũng vẫn khó kiếm tiền như hôm nay, hôm qua... phải không chú xe ôm, phải không anh bạn đồng nghiệp, phải không tôi ơi? Mỗi người, mỗi đánh đổi.

Tết nào cũng thế, với người này thì là niềm vui còn với người khác thì có những áp lực, gánh nặng riêng. Ai cũng có mong mỏi, muốn này muốn kia nhưng nếu không đủ tài chính thì cũng tự thấy nan giải. Muốn dắt nhau về quê mà chi phí đi lại, thăm nom nhau cũng thấy khó khăn chất chồng. Rồi xếp loại thi đua để xét tiền thưởng thì chỉ thấy ít đi, rồi chẳng lẽ lại nợ nần thêm một số triệu đồng để ra Giêng còng lưng mà trả thì khó khăn cũng lấp ló đằng sau.

Vô vàn lắm! “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”… đón Tết là vậy!

 Như tôi có mặt ở đây - Sài Gòn, tôi vẫn không thể quên ký ức ngày xưa, tôi nhớ bố mẹ mình cũng không quản ngại trong những đêm khuya, làm lụng không màng gì cả, có khi mệt rũ cả người rồi họ mới liều liệu bảo nhau nghỉ ngơi cho xuôi ngày. Tôi từng trộm nghĩ, chắc có khi, họ còn mong ngày dài hơn nữa, để họ có thể làm được nhiều hơn thế nữa... Bao nhiêu là đủ? Hồi đó tôi non nớt không thể biết được.

Đến khi tôi nai lưng đi làm, may mắn vì có thể thiếu thời gian làm việc chứ không thiếu việc. Cũng bởi tôi khắc ghi hình ảnh làm lụng của những người lớn đó trong tâm khảm, tôi coi đó là tấm gương, là động lực trong lao động. Tôi không thể dễ dàng bỏ cuộc, chây lười, biếng nhác, vì như thế sẽ phải hổ thẹn với chính mình trước tiên.

*

Tiền kiếm cực lắm! Và tôi muốn đặt tên cho chặng bay về nhà dịp lễ Tết của mình là “chặng bay khốc liệt của năm”, thành thực mà nói, nó còn mắc hơn giá vé tôi đặt đi du lịch nước ngoài, và có lẽ còn phải xếp hàng rồng rắn trước quầy check in. Có lần gần nhất, bố mẹ hỏi tin từ tôi, khi nào con sẽ về nghỉ Tết. Tôi chỉ nói cho họ an tâm rằng, con đã đặt được tấm vé chắc chắn trong tay rồi, chỉ chờ ngày về đoàn viên với gia đình nữa thôi! Đôi bên cùng vọng ngóng.

Kiếm tiền cực lắm, có lẽ, trong đầu tôi đã chết đi bao nơ-ron thần kinh sau mỗi lần góp ý tưởng, tâm sức để làm việc. Đổi lại, tôi có đồng lương xứng đáng với những gì mình bỏ ra. Đổi lại, tôi có thứ này thứ kia, cái gì cần mua thì mua. Nhưng đối với cha mẹ thì quà nào cũng lạ vì họ chưa thấy chúng bao giờ, và cũng quý, cũng thương, vì chúng được của con cái đi xa mang về. Và hơn hết thảy, con người mới là thứ đáng quý nhất.

Tôi cũng chẳng hé răng nói thêm chuyện bên lề. Như tôi băn khoăn phân vân giữa bay giá rẻ và bay giá tốt. Cái gì cũng có cái giá phải trả cho nó. Còn tôi thì chẳng dám bõ lỡ hay chậm trễ chuyến bay về nhà, nên tôi chẳng muốn chọn hãng hàng không bị mang tiếng với cái mác “sorry airline”. 

Hay khi tôi chuyển đi một khoản cho người ta mà tự nhiên thấy nhẹ bẫng trong tài khoản và trong lòng, đổi lại, đó là cảm giác như sắp được cất cánh bay về miền yêu thương. Vì tôi nghĩ, bao xa cũng có thể nối lại cho gần, bằng nỗ lực cố gắng, bằng tình thương mà tôi đã tận tâm hết mình suốt những năm tháng qua. 

Cũng như những đứa con của phố thị với những nỗi niềm nhọc nhằn đâu chỉ riêng ai hay những đánh đổi, phong ba cũng còn xá gì. Để sau tất cả, cho tôi hiểu mái nhà là đâu, cho tôi hiểu cha mẹ từng trải mưa nắng dãi dầu, ưu phiền, lo lắng… để cho tôi hành trang cuộc đời.

 Và mỗi năm chỉ có một dịp, tôi may mắn được đếm ngược chờ Tết.

Trần Duy Thành
.
.
.