Chuyện "giấc mơ… 4 bánh"

Thứ Tư, 06/09/2017, 15:19
Giấc mơ ô-tô của giới bình dân có vẻ đã có hy vọng. Với lộ trình hạn chế và loại bỏ hoàn toàn xe máy vào năm 2030 thì ô-tô chắc chắn sẽ chiếm vai trò quan trọng.

Bình bịch là từ tượng thanh chỉ xe máy thời xưa. Cái thời mà xe máy còn là của lạ. Mỗi khi có ai đi xe máy về làng thì trẻ con chạy theo chỉ để sờ nắn và... hít khói. Cơ hội sở hữu một chiếc bình bịch là chuyện không tưởng nếu chỉ trông vào lương ba cọc ba đồng.

Thế mà thời mở cửa, người Việt đã nhập công nghệ, sản xuất được xe máy theo mẫu Nhật. Giá xe bình dân. Hầu hết xe máy chạy ở Đông Nam Á được sản xuất tại Việt Nam.

Một số đơn vị đã bắt tay vào thực hiện giấc mơ ô-tô Việt Nam với sự bảo hộ về thuế. Giá ô-tô của Việt Nam cộng thuế trở thành giá cao muôn trượng. 

Tuy được bảo hộ nhưng sau 20 năm phát triển, ô-tô Việt Nam chỉ nội địa hóa linh kiện 10 - 30%. Trong khí đó, Thái Lan đã đạt tới 70 - 80% từ lâu.Hằng năm, Việt Nam xuất xưởng 50.000 ôtô các loại, một con số tý hon nếu so với các gã khổng lồ ôtô như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc...

Thậm chí so với "ao làng" Đông Nam Á, sản lượng ô tô của chúng ta cũng còn thua xa lắc. Nhiều nhất là Thái Lan với gần 2 triệu xe, Indonesia hơn 1 triệu xe, Malaysia hơn 600.000 xe.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Bức tranh toàn cảnh thì ô-tô Việt Nam chỉ bằng 1/40 Thái Lan, chưa bằng 1/20 so với Indonesia và bằng 1/10 so với Malaysia.

Lý do thua kém thì nhiều. Mặc dù được nhà nước bảo hộ như bảo hộ nông nghiệp, rau quả hay bò sữa, nhưng ô-tô vẫn sa lầy. Thậm chí, một đại gia sản xuất ô-tô than rằng "Có dại dột mới đi sản xuất ô-tô made in Vietnam".

Trong bối cảnh không mấy vui vẻ,  bỗng nhiên một doanh nghiệp Việt Nam bắt tay vào khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ô-tô với mục tiêu trở thành nhà sản xuất hàng đầu Đông Nam Á.

Kế hoạch chưa tiết lộ chi tiết nhưng sơ bộ thì họ sẽ cho xuất xưởng các mẫu ô-tô chỉ sau 2 năm. Người bình dân reo lên giấc mơ 1 vợ, 2 con, 3 tầng, 4 bánh (ô-tô) đã sắp chạm tay.

Cánh hoài nghi vẫn đặt dấu hỏi to. Họ vốn hoài nghi từ cái điện thoại B phone, công nghệ rau sạch cho đến ô-tô. Họ cho rằng cái đinh vít làm còn chưa xong thì sao mơ cao quá vậy.

Với tầm nhìn tới cuối vườn thì mọi giấc mơ đều có thể bị ném đá bằng rụng thì thôi. Đã mất công mơ thì hãy mơ một giấc mơ to chứ mơ bé thì mơ làm gì.

Công nghệ tiến như vũ bão cho phép người ta đứng trên vai người khổng lồ.

Doanh nghiệp này sẽ quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới, có kinh nghiệm trong lĩnh vực ôtô để thiết kế, sản xuất. Giấc mơ ô-tô của giới bình dân có vẻ đã có hy vọng.

Với lộ trình hạn chế và loại bỏ hoàn toàn xe máy vào năm 2030 thì ô-tô chắc chắn sẽ chiếm vai trò quan trọng.

Nếu cơ sở hạ tầng tiếp tục lạc hậu như hiện nay, số ô-tô xuất xưởng sẽ làm cho nạn ùn tắc thêm trầm trọng.

Chiếc ô-tô chỉ có thể rong ruổi được nếu hạ tầng đường sá hiện đại và thông minh. Những nước hạ tầng phát triển trước chúng ta vài chục năm như Thái lan, Malaysia có đủ các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, tàu trên cao… vẫn đang "bó tay" về nạn ùn tắc kinh niên.

So với khu vực thì hạ tầng đô thị của chúng ta quá lạc hậu, dẫn đến áp lực giao thông sẽ lớn hơn láng giềng gấp bội.

Logic ngược của chúng ta là trời sinh voi, trời sinh cỏ. Phần lớn chung cư của chúng ta không xây hầm đỗ ô-tô, trong khi láng giềng thì chung cư nào cũng dành khoảng 5 tầng cho ô-tô.

Chúng ta còn có một giấc mơ không kém ô-tô là giấc mơ quy hoạch đô thị sao cho thông thoáng. Chỉ phát triển theo thứ tự ưu tiên: Hạ tầng trước, phương tiện sau thì bài toán đô thị mới được giải quyết hoàn hảo.

Còn bạn. Bạn có dồn hết cá biển vào vừa cái ao không?

Lê Tâm
.
.
.