Chuyện lạ thế giới số 255

Thứ Ba, 11/02/2020, 10:10
Nói đến biểu tượng cảm xúc (emoji) thì hầu hết những người sử dụng mạng xã hội và dịch vụ di động trên thế giới đều biết. Chúng được sử dụng hàng triệu lần mỗi ngày. Nhưng giờ đây, rất có thể ngay cả khi đang đi đường bạn cũng sẽ nhìn thấy đủ các biểu tượng cảm xúc di chuyển trên đường phố ở Mỹ.


Biểu tượng cảm xúc trên biển số xe

Rebecca White, một đảng viên đảng Dân chủ từ Windsor, bang Vermont, đã đề xuất thêm một trong số 6 biểu tượng cảm xúc có thể được thêm vào dãy số và chữ, nhằm tạo ra một loại biển số giúp các tài xế thể hiện nhiều hơn về bản thân.

Nếu dự luật được thông qua, Vermont có thể trở thành bang đầu tiên tại Mỹ được phép đưa biểu tượng cảm xúc vào biển số. 

Tuy nhiên, Mỹ sẽ không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép biển số xe hiển thị biểu tượng cảm xúc vì các tài xế ở bang Queensland của Australia đã có thể cười lớn, cười mỉm, nháy mắt, "yêu" hoặc đeo kính râm thông qua biểu tượng trên biển số xe từ năm 2019 với chi phí 336 USD (7,8 triệu VND). 

Nhưng luật ở Vermont chưa nêu rõ chi phí cho loại biển số này, và 6 biểu tượng cảm xúc được đưa vào biển số xe là gì, vì hiện có khoảng 3.178 biểu tượng cảm xúc được nhận diện trong 2019. (Anh Khoa)

Mắc kẹt trên du thuyền do cúm Corona

Khoảng 6.000 hành khách và 1.000 thành viên thủy thủ đoàn trên chiếc tàu du lịch Costa Smeralda, một trong 5 chiếc tàu thủy lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu Hãng Costa Cruises, đã bị mắc kẹt tại cảng Civitavecchia ở gần thủ đô Rome, Ý do có một khách Trung Quốc bị nghi nhiễm virus corona.

Được biết nữ du khách Trung Quốc nói trên 54 tuổi, có những triệu chứng đáng ngờ như ho và sốt cao. Cơ quan y tế địa phương (ASL) liền gửi lên tàu một ê-kíp, lấy mẫu đưa về Bệnh viện Spallanzani ở Roma chuyên về bệnh truyền nhiễm để xét nghiệm. 

Hãng tin Ansa của Ý cho biết trên tàu có đến 751 du khách Trung Quốc khiến nhiều người lo sợ rằng kỳ nghỉ của mình sẽ biến thành cơn ác mộng. Rất may, kết quả cho thấy nữ du khách 54 tuổi âm tính với virus corona. (Tiên Tiên)

Nhận biết vũ khí qua bộ bài tây

Đánh bài Tây là trò tiêu khiển yêu thích của quân đội Mỹ. Đây có lẽ là một trong các lý do mới đây quân đội Mỹ đã phát hành hàng nghìn bộ bài Tây có in hình vũ khí của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, lý do ra đời chính của các bộ bài Tây đặc biệt này là giúp binh sĩ nhận dạng thiết bị quân sự toàn cầu.

Cụ thể, quân đội Mỹ đã phát hành 30.000 bộ bài Tây theo chủ đề vũ khí Trung Quốc, 38.000 bộ bài về vũ khí Nga. Đợt phát hành mới nhất gồm 33.000 bộ bài về các thiết bị quân sự mới nhất của Iran. Sắp tới, quân đội Mỹ sẽ phát hành thêm các bộ bài in hình vũ khí của các nước bạn bè và đối thủ khác. Các đơn vị và binh sĩ có thể đặt hàng những bộ bài Tây này thông qua trung tâm hỗ trợ huấn luyện của họ.

Được biết tất cả những bộ bài Tây hình vũ khí nói trên là thiết kế của họa sĩ Robin Hicks, thuộc Trung tâm Hỗ trợ huấn luyện quân đội. (Anh Khôi)

Cừu chống biến đổi khí hậu

Với việc trung bình cứ mỗi người dân lại có đến 6 con cừu, tức số cừu nhiều gấp 6 lần dân số, cho thấy New Zealand là đất nước có ngành chăn nuôi cừu vô cùng phát triển. Tuy mang lại nguồn lợi kinh tế nhưng ngành chăn nuôi này cũng đồng thời tạo ra khoảng 1/3  lượng phát thải khí nhà kính của cả nước. Do đó quốc gia này hướng tới việc tạo loại ra loại cừu ít xì hơi để ngăn biến đổi khí hậu trong vòng 2 năm tới.

Theo đó, Cơ quan quản lý ngành chăn nuôi nước này là Beef and Lamb New Zealand đã áp dụng một biện pháp được gọi là “nhân giống theo giá trị” để giúp các nông dân lai tạo những giống cừu có đặc điểm mà họ muốn. Để tạo ra những con cừu ít phát thải methane, nhà cung cấp giống phải đo lượng khí thải này của một đàn cừu trong phòng kín. 

Đàn cừu sẽ ở đó trong 50 phút, và cứ 14 ngày sẽ phải đo một lần. Dữ liệu từ hoạt động này sẽ được sử dụng song song với các thông tin về gen để tính toán qua đó xác định một “giá trị methane của giống”. Các nông dân muốn tham gia chương trình sẽ có thể nhận những con cừu ít phát thải trong vòng 2 năm tới.

Ông Russell Proffit, một chuyên gia nhân giống, chia sẻ: “Tôi thực hiện phương pháp giảm khí methane vì tôi tin rằng một con vật khoẻ mạnh, hoạt động tốt sẽ tạo ra ít khí methane hơn, ít gây tác hại đến môi trường hơn và tôi muốn kiểm chứng điều đó”. (Anh Kiệt)

PV
.
.
.