Chuyện lạ xung quanh 3 trường hợp chữa khỏi HIV trên thế giới

Thứ Hai, 30/07/2018, 20:27
Sau 5 ngày nhóm họp tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan (từ 23-7), hôm nay 27-7, Hội nghị lớn nhất thế giới về HIV/AIDS với chủ đề "Phá vỡ rào cản, xây dựng những nhịp cầu" đã kết thúc.


Và nhân dịp này dư luận và giới chuyên môn quan tâm hơn tới thông tin về ca nhiễm HIV được chữa khỏi thứ 3 trên thế giới. Thông tin này được công bố tại Hội nghị quốc tế về bệnh AIDS diễn ra ở Thủ đô Paris, Pháp hơn 1 năm trước (24-7-2017).

Timothy Brown, người đầu tiên được chữa trị khỏi bệnh HIV-AIDS.

Và hy vọng về việc chữa khỏi căn bệnh HIV/AIDS một lần nữa được thắp lên khi bé gái Nam Phi, 9 tuổi trở thành ca bệnh được chữa khỏi thứ 3 trên thế giới. Theo giới chuyên môn, bé gái kể trên bị chẩn đoán nhiễm HIV khi mới 32 ngày tuổi và sau khi tiếp nhận liệu trình kéo dài 10 tháng theo chương trình thử nghiệm thuốc kháng HIV, điều kỳ diệu đã xuất hiện.

Được biết, sau 8 năm 9 tháng điều trị, HIV trong cơ thể cô bé đã "ngủ đông" và sức khỏe hiện của cháu hoàn toàn bình thường, không cần tiếp nhận thêm bất cứ liệu trình điều trị nào nữa.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc người nhiễm virus HIV được điều trị ngay sau khi nhiễm bệnh sẽ giúp cơ thể sớm kích hoạt khả năng "chữa bệnh chức năng" để người bệnh có cuộc sống ổn định lâu dài.

Trước đó (tháng 3-2014), các nhà khoa học thuộc Đại học California, Mỹ và các bác sỹ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm Bệnh viện nhi Long Beach cũng đưa ra tuyên bố tương tự - trẻ sơ sinh nhiễm HIV hoặc có nguy cơ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ nếu được điều trị sớm trong vài giờ sau khi sinh có thể khỏi hoàn toàn hoặc miễn nhiễm với căn bệnh chết người này trong gần 1 năm sau.

Người thứ 2 nhiễm HIV trên thế giới được chữa khỏi là cháu bé 2 tuổi đến từ bang Mississippi, Mỹ. Thông tin này được công bố tại cuộc họp về AIDS tại thành phố Atlanta, Mỹ hồi tháng 3-2013 và điều này được coi là bước ngoặt lớn trong cuộc chiến tìm phương thuốc chữa căn bệnh thế kỷ.

Theo giới truyền thông, khi mang thai người mẹ này không hề biết mình nhiễm HIV, nhưng chỉ 4 giờ sau khi chào đời, mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng cháu vẫn được chỉ định điều trị bằng thuốc ARV.

Và chỉ sau 6 ngày sử dụng thuốc ARV, kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể cháu phản ứng âm tính với HIV. Thông thường, để tránh lây nhiễm từ mẹ sang con, tất cả các trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm hay phơi nhiễm HIV đều có chế độ chăm sóc, theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Và bệnh nhân AIDS đầu tiên được chữa khỏi là ông Timothy West Brown. Từ tháng 12-2010, giới truyền thông đã đưa tin, Tiến sỹ Gero Huetter đến từ trường Đại học Y khoa Charite ở Berlin, Đức đã chữa khỏi bệnh AIDS cho một bệnh nhân 40 tuổi người Mỹ bằng phương pháp ghép tủy sống, nhưng danh tính và hình ảnh của người này vẫn bị giấu kín trong một thời gian dài.

Được biết, bệnh nhân Timothy West Brown bị mắc cả bệnh AIDS lẫn ung thư máu, nhưng sau khi được ghép tủy ông đã cải tử hoàn sinh.

Dược sĩ đang tính liều thuốc để điều trị cho bệnh nhân HIV.

Theo giới truyền thông, sau khi biết mình bị "kết án tử hình" - phát hiện dương tính với HIV khi đang sống ở thủ đô Berlin, Đức năm 1995, nhưng mãi tới năm 2007, ông Timothy West Brown mới gặp bác sỹ Gero Huetter, chuyên gia về ung bướu và bệnh đường máu.

Và chỉ sau 1 thời gian ghép tủy của 1 người hiến tặng để trị bệnh máu trắng, bệnh AIDS của ông Timothy West Brown đã biến mất. Ngày 12-7-2009, kết quả xét nghiệm cho thấy, virus HIV không tồn tại trong cơ thể ông Timothy West Brown.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, không thể áp dụng phương pháp ghép tủy sống để điều trị bệnh AIDS cho những bệnh nhân khác vì chi phí cao, phức tạp, rủi ro cao và phải tìm được người hiến tủy đặc biệt - loại tủy có gene đề kháng được HIV, thứ chỉ có ở một số người Bắc Âu. Loại gene đột biến này có tên gọi Delta 32, có khả năng ngăn chặn protein CCR5 xuất hiện trên bề mặt của tế bào.

Theo cảnh báo của giới chuyên môn, với khoảng 36,9 triệu người đang sống chung với HIV, cùng sự thiếu hụt nguồn tài chính trong khi những đối tượng dễ bị tổn thương thiếu kiến thức và phương tiện phòng tránh, cuộc chiến chống HIV/AIDS có thể thụt lùi và thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát. Được biết, những ca nhiễm HIV mới về tổng thể giảm, nhưng lại tăng tại 50 quốc gia. Theo ông Michel Sidibe, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), số ca nhiễm mới vẫn không giảm. Và theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, cứ 5 người nhiễm HIV, nhưng chỉ 3 người được điều trị thuốc ARV và được chăm sóc y tế để hạn chế sự phát tác của loại virus này. Theo thống kê, đại dịch HIV/AIDS đã giết chết khoảng 35 triệu người trên thế giới kể từ khi được phát hiện lần đầu vào đầu thập niên 1980. Và tại các nước đang phát triển, số tiền chi để điều trị bệnh nhân AIDS khoảng 1,3 tỷ USD/năm.
Thiện Lân
.
.
.