Chuyện làng Gà dưới “căn cứ” núi Voi

Chủ Nhật, 02/06/2019, 20:01
Làng Gà - Đarahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, khiêm tốn nép mình dưới chân núi Voi. Nằm giữa Đà Lạt và thị trấn năng động Liên Nghĩa, nơi đây vẫn còn giữ được những nét đẹp truyền thống của người Kho bản địa. 


Từ lâu, tượng con gà trống khổng lồ giữa làng do kiến trúc sư Lữ Trúc Phương thiết kế đã trở thành biểu tượng mang nhiều ý nghĩa của cộng đồng cư dân dưới chân khu căn cứ địa cách mạng núi Voi. Làng Gà - Đarahoa đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước...

Tên làng bắt nguồn từ truyền thuyết

Chiều cuối ngày, ánh nắng trên cao nguyên lạnh chuyển sang màu đục sắp trườn qua núi Voi hùng vĩ. Từng nhóm khách đến từ các nước phương Tây tỏ ra thích thú, hăm hở trước cảnh sắc hoang sơ, cuộc sống dân dã của làng Gà. Anh Christian Allwyn (34 tuổi), du khách người Anh quả quyết, cả nhóm chỉ trở lại Đà Lạt khi bóng tối đã bao trùm nơi đây.

Du khách nước ngoài tới thăm làng Gà - Đarahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.

Đoàn du khách gần 10 người do Christian Allwyn làm “thuyền trưởng” muốn khám phá, trải nghiệm cuộc sống thôn dã tại làng Gà. Dường như cuộc sống ở Đarahoa không chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự thay đổi của nhịp sống hối hả bao quanh. Ở đây, con người đối xử với nhau bằng chữ tín và sự tin tưởng hơn là sức mạnh cám dỗ của vật chất.

Giàng làng KLơng hằng ngày vẫn giữ thói quen cởi trần “tắm nắng” khiến làn da đen sạm nổi bật trước màu trắng phơ phơ của mái tóc và bộ râu dài. Với người K’ho ở làng Gà, KLơng là biểu tượng của sự đoàn kết, công bằng, là “linh hồn” của buôn làng, được mọi người quý trọng, y như cây thông đỏ trên núi Voi hàng trăm năm qua vẫn hiên ngang vươn mình che chở cho làng Gà.

Già làng KLơng cho biết, những người lớn tuổi ở làng Gà vẫn thường kể lại truyền thuyết thương tâm về đôi trai tài gái sắc để nhắc nhở con cháu xóa bỏ hủ tục thách cưới, ép duyên thời lạc hậu xa xưa. Chuyện kể rằng, thời ấy, làng Gà dưới chân núi Voi bấy giờ tên gọi là Đarahoa, thổ ngữ K’ho có nghĩa là suối trên ngàn.

Trong cộng đồng người K’ho có đôi trai tài, gái sắc, yêu nhau thắm thiết là nàng Hơ Bia và chàng KTien. Cả hai cùng có tâm nguyện về sau sẽ thành vợ nên chồng. Nhưng nhà Hơ Bia lại quá nghèo, đến cái ăn còn chưa lo xong, không xứng với gia đình KTien giàu có, quyền thế nhất vùng. Theo tục lệ người K’ho khi ấy, nhà gái phải chuẩn bị 5 con trâu, 20 xà rông (váy) và 5 con gà để “bắt chồng”.

Thế nhưng, bố của KTien vì không muốn con trai mình về làm rể nhà nghèo nên đã thách cưới rất cao, đòi gia đình Hơ Bia phải có 100 chiếc xà rông (váy). Ngoài ra còn phải có trâu, bò, chiêng, chóe… để làm của hồi môn, nhằm làm cho Hơ Bia từ bỏ ý định bắt KTien về làm chồng. Sức mạnh của tình yêu đã thôi thúc nàng Hơ Bia lặn lội khắp núi cao, biển sâu, nàng đi khắp mọi nơi không biết mệt mỏi để tìm kiếm sính vật.

Cuối cùng, những sính lễ cao quý phía nhà trai đưa ra Hơ Bia cũng đã có được đầy đủ. Thế nhưng, khi gia đình Hơ Bia đem sính lễ tới nhà, gia đình của KTien lại đưa ra “yêu sách”, đòi Hơ Bia phải có thêm một con gà 9 cựa, giống như trong truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh.

Lần này, nàng Hơ Bia tiếp tục lên rừng để tìm gà 9 cựa. Nàng đi, đi mãi và không thấy quay trở về với buôn làng. Vì quá yêu thương Hơ Bia, chàng KTien cũng lên rừng đi tìm người yêu. Chàng đi, đi mãi và cũng không quay trở về. Sau này dân làng mới biết cả hai đều đã chết trong rừng sâu vì đói rét. Cảm động tình yêu của hai người, muôn thú cũng kéo về gục khóc và chết.

Tượng gà trống 9 cựa khổng lồ đặt bên cạnh hồ nước nay bị bỏ hoang.

Căn cứ địa cánh mạng núi Voi phía Bắc làng Gà ngày nay chính là nơi con voi đã gục khóc bên xác hai người cho tới chết. Từ đó về sau, cộng đồng người K’ho ở địa phương luôn nhắc lại truyền thuyết đau lòng này để răn dạy con cháu từ bỏ hủ tục thách cưới lạc hậu. Cũng chính vì thế, đồng bào K’ho dưới chân núi Voi là nơi bỏ hủ tục thách cưới đầu tiên trong cộng đồng người K’ho sinh sống ở Lâm Đồng.

Năm 1978, khi được chính quyền địa phương tin tưởng giao thiết kế một hồ chứa nước sạch để phục vụ người dân tái định cư làng Đarahoa dưới chân núi Voi, truyền thuyết về nàng Hơ Bia và chàng KTien là nguồn cảm hứng cho kiến trúc sư Lữ Trúc Phương thiết kế con gà trống 9 cựa khổng lồ đang gáy đặt ngay bên hồ nước. Kiến trúc sư Lữ Trúc Phương là người tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Campuchia.

Ông là người khá nổi tiếng với một số kiến trúc độc, lạ tại TP Đà Lạt như ngôi nhà trăm mái, đường lên trăng... Khi được giao thiết kế hồ chứa nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất của người dân Đarahoa, ông đã rất tâm huyết với công trình này. Chuyện kể rằng, vì quá tâm huyết với tượng gà bên hồ nước, khi xây dựng bị thiếu vật liệu, kiến trúc sư Lữ Trúc Phương đã quyết định về Đà Lạt tháo dỡ sắt thép, lưới B40 của gia đình chở xuống làng Đarahoa để làm cốt thép đúc tượng con gà chín cựa.

Ông còn bán cả chiếc xe gắn máy rất quý hiếm lúc bấy giờ để có tiền mua ximăng. Tượng gà được đúc bằng xi măng, đặt bên cạnh hồ nước, cao gần 10m, nặng khoảng 8 tấn, hướng về phương Bắc. Hồ chứa nước được xây dựng chủ yếu bắng đá chẻ, có cây cầu nhỏ bằng đá, hình vòm, bắc qua hồ.

Tượng gà bên hồ nước phục vụ sinh hoạt ngoài nhắc nhở bà con K’ho về truyền thuyết trên, còn ngụ ý gắm gửi bà con chăm chỉ làm ăn, xây dựng đời sống văn hóa mới. Tiếc là ngày nay công trình này đã bị xuống cấp, không thể sử dụng được nữa, nhưng tượng gà thì vẫn uy nghi, trở thành biểu tượng của buôn làng.

Đánh thức tiềm năng làng Gà

Nhiều năm qua, làng Gà đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, nhất là khách đến từ các nước phương Tây vốn yêu thích khám phá, trải nghiệm những điều dân dã, đời thường. Tận dụng lợi thế này, nhiều phụ nữ K’ho ở làng Gà dưới chân núi Voi đã tái sinh lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Các sản phẩm thổ cẩm được dệt bằng phương pháp thủ công của phụ nữ K’ho đầy sức tinh tế, hoa văn sinh động. Chị Ka Nhã mới ngoài 30 tuổi nhưng cũng đã mở được điểm giới thiệu thổ cẩm và bán sản phẩm cho khách nước ngoài tới làng tham quan. Chị là người được mẹ truyền lại nghề dệt thổ cẩm khi vừa lên 10.

Với năng khiếu bẩm sinh, Ka Nhã tỏ ra rất sáng tạo trong việc đưa ra thị trường những mẫu mã thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn, đẹp chẳng khác gì những sản phẩm được dệt công nghiệp. Trước tiềm năng du lịch to lớn ở làng Gà, vừa qua, UBND huyện Đức Trọng đã tiến hành khảo sát để chính thức mở tour du lịch làng Gà - núi Voi với chiều dài khoảng 8km.

Núi Voi là khu căn cứ cách mạng quan trọng của tỉnh Lâm Đồng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện nay, khu căn cứ núi Voi vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích, như các hầm chiến đấu, hầm hoạt động bí mật, nơi huấn luyện tân binh của các lực lượng cách mạng đã sống và hoạt động tại đây. Năm 2013, Khu căn cứ kháng chiến núi Voi đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp tỉnh.

Khu vực này, cùng với rừng già, nhiều năm qua đã hình thành tuyến du lịch leo núi, đi bộ xuyên rừng hấp dẫn du khách nước ngoài. Núi Voi còn có hàng trăm cây thông đỏ đặc biệt quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam mà tuổi đời của cây đã lên tới hàng trăm năm. Những cây thông đỏ cổ thụ quý hiếm đường kính gốc lên tới vài người ôm không xuể.

Tôi rời làng Gà dưới ánh trăng Rằm. Làng Gà - Đarahoa thanh bình, đẹp như một bức tranh không bị nhuộm “màu” phố thị. Tượng Gà trống khổng lồ bên hồ chứa nước in hình bóng trăng rằm lại níu chân nhóm lữ khách nước ngoài, họ dừng lại chụp ảnh lưu niệm với tượng gà lần cuối trước khi khởi hành trong đêm trở về Đà Lạt.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tiếp tục khảo sát, lựa chọn, khôi phục, tôn tạo một số di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng tại căn cứ địa cách mạng núi Voi. Huyện Đức Trọng cũng sẽ tăng cường tôn tạo cảnh quan và bảo tồn đa dạng sinh học khu vực này, đặc biệt là quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa bản địa tại làng Gà với việc phục dựng nhà rông, nhà sàn, cồng chiêng của đồng bào K’ho.
Khắc Lịch
.
.
.