Chuyện mới ở Trường Sơn

Thứ Hai, 31/08/2020, 07:51
Năm 1959, trong những lần đi tuần ở biên giới Việt- Lào, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã phát hiện một tộc người dùng lá rừng, vỏ cây che thân thay quần áo; họ sống chủ yếu trong các hang đá, leo trèo, chuyền cành như thú hoang… đó là tộc người Rục.


Cùng với tộc người Rục, nhiều tộc người khác ở miền Tây Quảng Bình như Khùa, Sách, Mày, Ma Coong…cuộc sống của họ luôn bị nhiều hủ tục bủa vây, đến nỗi có lúc người ta đã nghĩ đến việc có những tộc người có nguy cơ biến mất. Nhờ có Công an, Bộ đội Biên phòng giúp đỡ, đồng bào đã thay đổi phong tục, biết cách sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Những ký ức buồn

Việc phát hiện ra người Rục của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình lúc bấy giờ đã gây chấn động giới nghiên cứu nhân chủng học, dân tộc học… Đến đầu năm 2013, tộc người Rục ở miền Tây Quảng Bình còn được đưa vào danh sách 10 bộ lạc còn nhiều điều bí ẩn nhất Thế giới.

Từ tộc người chỉ biết săn bắt, hái lượm, nay người Rục đã biết trồng lúa nước, sinh sống ổn định ở xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình.

Người Rục hiện nay định cư ở 3 bản Ón, Yên Hợp và Mò O - Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa và được xem là em út trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Được biết, khi được phát hiện và đưa rời khỏi hang đá, người Rục chỉ có 34 người gồm 11 nam, 23 nữ, trong đó có 4 em nhỏ và một già làng. Họ sống tách biệt, dựa hoàn toàn vào tự nhiên, săn bắt, hái lượm, sinh hoạt như người tiền sử. Người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài…

Được sự cưu mang, đùm bọc của Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương, các tộc người Rục, Sách, Mày, Ma Coong, Khùa sinh sống ở các thung lũng, đồi núi rừng Trường Sơn nơi miền Tây Quảng Bình tăng lên nhanh chóng trong những năm 80-90 của thế kỷ trước. Nhưng sau đó, những hủ tục có từ xa xưa của họ lại bắt đầu xuất hiện, nhiều lần uy hiếp đến sự tồn vong của các tộc người này.

Theo lời già làng Y Cư, người Ma Coong, người Khùa, Sách, Mày, Rục ở dưới tán rừng Trường Sơn này là những người luôn… sợ ma. Họ sợ đến nỗi khi có người thân mất, người Ma Coong đem vào rừng sâu chôn cất, sau đó họ quay đầu chạy bán sống bán chết về bản vì sợ con ma đuổi theo về nhà. Chính vì vậy, người Ma Coong hầu như đều không biết mộ người thân của mình ở đâu.

Vì sợ ma, nên không biết tự lúc nào, đời này qua đời khác người Ma Coong luôn rỉ tai nhau một lời nguyền: "Giàng bảo, nếu người mẹ chết mà con không chôn theo thì con ma mẹ luôn về nhà quấy nhiễu những người còn sống. Phải chôn theo thôi, ai không làm theo thì cả bản bị con ma bắt". Từ lời nguyền rùng rợn đó, những cảnh tượng kinh hoàng đã âm thầm xảy ra dọc thung lũng ở thâm sơn này. Đã gần 20 mùa rẫy rồi, nhưng ông Y Cư vẫn mãi dằn vặt khi tự tay chôn sống đứa con của mình.

Đó là một ngày đầu đông năm 1994, vợ Y Cư sinh con nhưng bị băng huyết rồi qua đời. Ba ngày sau, dân bản đến nhà Y Cư để thực hiện lời nguyền. Nhìn đứa con tròn xoe đang ngủ yên trên đôi tay của mình, Y Cư phải nhìn đi hướng khác khi trao con cho dân bản. Tiếng khóc thét của con trẻ khi đặt bên cạnh thi thể của vợ như nhát dao chém vào lòng Y Cư. Tiếng khóc thét của đứa trẻ vẫn vậy, đã gần 20 mùa rẫy vẫn hằn in trong tâm khảm Y Cư...

Nhưng không chỉ có Y Cư phải chịu nỗi ám ảnh đó. Hơn 20 năm qua dân bản ở Cà Roòng vẫn thấy Y Hoi lầm lũi như con gấu rừng lẻ bạn khi vợ của Y Hoi là Y Bắp qua đời. Chôn cất vợ xong, Y Bắp chạy về nhà thì thấy bà con dân bản đã vây kín chật nhà để thực hiện lời nguyền.

Công an Quảng Bình luôn có những hoạt động ý nghĩa với các tộc người ở miền tây Quảng Bình.

Vợ Y Hoi sinh đôi 2 bé trai kháu khỉnh, nỗi đau mất vợ không nguôi thì Hoi lại phải tự tay chôn sống 2 đứa con của mình. Đêm đó, Y Hoi đưa 2 đứa con vào rừng. Gió lạnh xé lòng cùng tiếng khóc con trẻ. Từ rừng trở về nhà, Y Hoi uống hết 3 bát rượu sắn, cầm rựa chém nát cả thân cây già trước hiên, nhưng nỗi đau vẫn cứ lớn dần. Bỏ lại cả tiếng kèn, tiếng trống của những đêm tự tình. Y Hoi lầm lũi trở thành con người khác.

Cách đây tròn 8 năm, bà Hồ Thị L, ở bản Ka Ai trở dạ. Do băng huyết bà L đã qua đời khi đứa con còn chưa được kịp bú sữa mẹ lần đầu. Cả bản người Mày ngồi lại bên nhau bàn cách chôn cả mẹ và con. Bởi cái lý của dân bản "mẹ nó chết rồi phải chôn nó theo thôi, để nó lại nó biết bú sữa ai, rồi nó cũng chết thôi. Ai nuôi đứa bé sẽ bị hồn ma mẹ nó về đòi con mà gây chết chóc, nên phải chôn nó thôi…".

Tiếng khóc thét của đứa trẻ bên miệng hố vẫn không làm mảy may bất cứ một người Mày nào chú tâm giành sự sống cho nó. May mắn cho đứa trẻ khi các anh Bộ đội Biên phòng và Công an cắm bản kịp thời có mặt giải cứu…

Bên cạnh hủ tục mẹ chết chôn con theo, thì tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều nhức nhối trong đời sống của bà con các tộc người ở thung lũng Trường Sơn, Quảng Bình. Do kết hôn quá trẻ khi cơ thể chưa hoàn thiện đầy đủ, nên nhiều thai nhi chậm phát triển, thậm chí dẫn đến tử vong cho mẹ lẫn con. Hủ tục hôn nhân cận huyết thống đang làm bào mòn, đảo lộn cuộc sống bình yên nhiều bản làng. Một số nơi anh chị em ruột lấy nhau, con chú lấy con bác, con cô lấy con cậu…đã sinh ra những đứa trẻ bị dị tật, và khi thấy vậy, bản làng lại tổ chức cúng tế, một số đối tượng bên ngoài lại tìm đến lợi dụng việc mê tín của người dân để thực hiện ý đồ gây mất an ninh chính trị trên địa bàn…

Đổi thay của các tộc người

Chúng tôi về xã Trọng Hóa, nơi nhiều bà con có chung đường biên với nước bạn Lào. Trọng Hóa có 18 bản với 873 hộ, trong đó có 728 hộ người Khùa với 3.523 nhân khẩu, còn lại người Mày với 1.840 khẩu. Nhiều bản như bản Tà Vờng, bản Giỗ, bản Lòm, bản Chà Káp… nhiều hủ tục vẫn luôn vây quanh cuộc sống của bà con dân bản. Ngoài việc giữ gìn bảo đảm an ninh biên giới, nhiều  cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng nơi đây đang ngày đêm tìm cách xóa bỏ hủ tục mẹ chết chôn con theo, hôn nhân cận huyết thống, tìm cách tự tử khi buồn… ở bản làng.

Tròn 8 năm trước, khi đứa bé đang khóc thét bên huyệt mộ vì bị chôn theo mẹ là bà Hồ Thị L như đã nói ở trên. Những cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cha Lo và Công an xã Dân Hóa đã kịp thời có mặt giằng lấy đứa bé trong tay trưởng bản. Trước trưởng bản và bà con trong bản Ka Ai, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và Công an cắm bản phải cùng làm một bản cam kết sẽ nuôi nấng đứa trẻ và "thề độc" sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu… ma bắt vạ…Đứa trẻ được cứu sống đặt tên là Hồ Dưỡng. Được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu của nhiều người, nay Hồ Dưỡng đã 10 tuổi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn.

Vợ chồng ông Nguyễn Diệu, một trong những người có công đầu trong việc xóa bỏ hủ tục "mẹ chết chôn con theo".

Để thay đổi hủ tục của bản làng, không cách nào tốt hơn là chứng minh cho bà con thấy bằng những việc làm cụ thể, bằng tình yêu thương và sự sẻ chia. Cách đây 18 năm, anh Nguyễn Diệu đặt chân đến bản Cà Roòng, Diệu bị sốt rét rừng quật ngã. Hàng ngày anh được trưởng bản và con gái Y Nhoong chăm sóc. Cảm động trước tấm lòng của cô gái bản, Diệu và Y Nhoong nên vợ nên chồng.

Cảm mến già làng, Diệu chọn Cà Roòng để an cư lập nghiệp. Sinh sống ở bản, không ít lần chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng con chôn theo mẹ của dân bản, Diệu quyết định bước qua lời nguyền. Diệu nói với già làng chuyện bỏ hủ tục. Già làng không chịu.

Tháng 9-1995, ở bản Cà Roòng, có Y Xoong vừa sinh con được 2 ngày rồi mất, dân bản họp bàn chôn thằng bé theo mẹ. Vừa đặt gánh lá rừng xuống sàn nhà, nghe tin vậy Nguyễn Diệu rụng rời chân tay, anh vội chạy đến nơi đứa trẻ sắp bị chôn theo mẹ. Trên khoảnh đất rừng, những bó đuốc sáng rực được thắp lên, già làng bồng đứa trẻ tím tái chuẩn bị đưa xuống huyệt, Diệu lao vào khẩn khoản xin già làng, xin dân bản đưa đứa trẻ về nuôi.

Không một ai đồng ý, Diệu lao vào cướp đứa trẻ trên tay già làng chạy thục mạng vào rừng tìm cách nuôi dưỡng. Tiếng la hét, tiếng nguyền rủa của dân bản đuổi theo anh. Vợ chồng anh quyết định đặt tên đứa trẻ là Cu Đường. 3 tháng sau, khi đứa trẻ đã cứng cáp, vợ chồng Diệu quyết định đưa con về bản. Những ánh mắt ngờ vực, nhiều ánh mắt sợ hãi vẫn hướng về căn nhà của Diệu. Giờ Cu Đường được ba mẹ đặt lại tên là Nguyễn Văn Vinh. Cậu bé Vinh ngày ấy nay đã tốt nghiệp đại học sư phạm và tình nguyện xin về dạy học ở bản A Ky, một bản xa xôi, khó khăn nhất của xã Thượng Trạch…

Nhờ có Công an, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương giúp đỡ, những người Mày, Rục, Sách…ở thung lũng Trường Sơn trước kia chỉ biết vào rừng săn bắt thú rừng, tôm cá…thì nay người dân đã biết cầm cái cày, cái cuốc để làm nương rẫy trồng lúa, trồng khoai, biết chăn nuôi con lợn, con bò để thay đổi cuộc sống.

Chúng tôi gặp cặp vợ chồng trẻ người Rục là anh Cao Xuân Lực và chị Cao Thị Liên ở bản Ón, xã Thượng Hóa, người vừa làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Lực trồng 3 ha keo, nuôi 3 con lợn và 5 con trâu bò. Năm vừa rồi bán keo được hơn 50 triệu đồng/ha keo nên Lực làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để địa phương giúp đỡ hộ gia đình khác vươn lên thoát nghèo như Lực.

Ông Bùi Anh Tuấn-Bí thư huyện ủy Minh Hóa cho biết, trên địa bàn huyện Minh Hóa hiện có hàng chục hộ gia đình tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo là bà con người dân tộc thiểu số.

Dương Sông Lam
.
.
.