Chuyện một người bình thường

Thứ Tư, 17/06/2015, 10:41
Đúng vậy. Cô ấy giống như hàng nghìn, hàng triệu người đàn bà trên xứ sở này. Cũng muốn có một gia đình yên ấm với một người chồng yêu thương, có trách nhiệm và những đứa con ngoan ngoãn, khoẻ mạnh, học hành tấn tới. Cô ấy cũng ưa làm dáng, cũng cam chịu, cũng nổi giận trước mọi sự bất bình, cũng buồn tủi khi bị lừa gạt và phản bội… Vì vậy, chuyện tôi kể dưới đây về cô ấy có người bảo là phi thường, có người bảo là bình thường.

Có người cho rằng những chuyện ấy không đáng kể lại vì nó đơn điệu, loàng xoàng của một phận người như những lớp sóng biển đêm ngày táp vào bờ giỏi lắm chỉ để lại những vết sóng in hằn vào lớp cát mong manh, để rồi trong giây lát lại tan biến. Tuỳ mọi người nghĩ. 

Còn với tôi…Tôi lại cho là may mắn khi được chứng kiến hành động của con người ấy vào một buổi sáng trong giờ tan trường một trong những ngày cuối năm học, khi tiếng ve đã râm ran trong những  vòm cây phượng vĩ, cây bằng lăng thả vào không gian mạng lưới âm thanh mỏng mảnh của ngày hè tới. Lớp lớp học sinh lao xao, từ trường Phổ thông cơ sở Tây Sơn, thành phố Đà Lạt chạy ùa ra. Một vài đứa trẻ hua những tấm giấy khen định co chân chạy. Có tiếng gọi gióng giả của những ông bố, bà mẹ, người đứng bên hè đường, người ngồi trên yên xe. Khi những đứa con lại gần bố, mẹ. Tôi nghe rõ tiếng đối thoại của họ:

- Con định đi đâu mà chạy ghê thế ?

- Con đến quán của bác Tâm ăn hủ tiếu.

- Nhưng má nhớ sáng ngày có cho con tiền đâu .

- Má không biết sao. Kì này con được là học sinh giỏi. Mà đã là học sinh giỏi thì được bác Tâm thưởng cho ăn hủ tiếu không phải trả tiền.

Hai vợ chồng đi hai chiếc xe máy chở hai đứa con trên yên cũng quay lại nhìn đứa bé trai đang nói với mẹ. Hai đứa con cũng liên tục giật áo bố mẹ:

- Đúng rồi, con quên mất, con cũng là học sinh giỏi, con cũng được bác Tâm cho ăn bún canh không mất tiền mà.

- Con cũng thế. Ba má đưa chúng con lại quán bác Tâm đi. Kia kìa, quán của bác Tâm kia kìa.

Cặp vợ chồng và người phụ nữ chiều con, đưa những đứa trẻ đi về phía quán. Tôi cũng ngạc nhiên không kém khi nghe ba đứa trẻ đòi bố mẹ dẫn bằng được đến quán bác Tâm để được bác thưởng hủ tiếu, bún cua vì đạt học sinh giỏi.

Đến quán tôi chọn một chỗ ngồi kín đáo để chứng kiến tiếp câu chuyện.

Bác Tâm chủ quán là một người đàn bà có thân hình đậm đà đang ở độ trung niên với khuôn mặt phúc hậu, nhưng vẫn lộ nét bản lĩnh của một cuộc đời va đập nhiều và cố vươn lên sống cho đúng lẽ làm người. Vừa nhìn thấy những đứa trẻ cầm tờ giấy khen, bà chủ quán đon đả:

- Nào vào đây. Bác biết rồi, thôi cất những tờ giấy khen vào cặp đi cho khỏi nhàu, khỏi bẩn, rồi các con ăn gì để bác làm.

Thấy ba đưa trẻ nhìn ba, má. Bà chủ tươi cười:

- À, cả ba má các con đi cùng hả. Thế thì tôi mời cô chú vào ăn luôn thể. Tôi cũng thưởng luôn các vị vì có những đứa con học giỏi. Xin mời vào ngồi đi. Không mất tiền đâu.

Tôi nhận ra vẻ xúc động trên ánh mắt không chỉ của cặp vợ chồng và người mẹ mà còn của những khuôn mặt khách hàng đang ăn trong quán ngẩng lên.

- Nào nào, cô chú. Vào sâu trong này, còn đủ chỗ mà…

Sau này vì sự tò mò nghề nghiệp tôi biết được rằng đã gần mười năm nay, cứ mỗi khi vào dịp tổng kết năm học thì không chỉ học sinh giỏi trường PTCS Tây Sơn mà hai trường PTTH Quang Trung và trường chuyên Thăng Long ở quanh khu vực này đều được bà chủ quán hủ tiếu thưởng những bát hủ tiếu đậm đà của mình làm quà cho các cháu. Còn trước đó vào năm 2005 thì không ít cháu học sinh gia đình khó khăn còn được bà chủ hảo tâm tài trợ vở viết, đồng phục…

Quán của bà chủ tên Tâm đúng nghĩa là một quán cóc nho nhỏ, xinh xinh nép vào một góc đường với tấm biển cũng nhỏ, xinh nhưng đề khá rõ dòng chữ “quán Lê, phục vụ hủ tiếu, bún… Vào sáng 14, rằm và ngày 30, mùng 1 có phục vụ mì Quảng chay”. Quán nhỏ đó chỉ có một bà chủ quán kiêm luôn người phục vụ. Khách ra vào không ngớt. Bà chủ quán khoác tạp dề đỏ, mặt tươi cười, luôn miệng mời khách và cảm ơn. 

Ngạc nhiên vì nghĩa cử của người chủ quán ăn “Lê” đối với các cháu học sinh, tôi cất công tìm hiểu về con người này. Bởi tôi hiểu hành động con người đều có xuất phát điểm từ nguồn gốc của họ. Thì ra cái quán nho nhỏ thế thôi nhưng thực sự là niềm tự hào, kiêu hãnh của người đàn bà cố vượt qua mọi khó khăn của cuộc đời để tồn tại bằng chính sức lực, khả năng của mình.

Lê Đặng Nhật Tâm - tên đầy đủ của chủ quán Lê - có một thời thơ ấu không đứa trẻ nào mong muốn. Ba của cô quê gốc ở vùng Vỹ Dạ nổi tiếng vì bài thơ của Hàn Mặc Tử. Ông lại làm nghề tài xế bôn ba các tỉnh và mỗi nơi dừng chân ông lại có một người đàn bà sống với ông như một người vợ. 

Mẹ của Tâm, người đàn bà Hải Phòng theo dòng người di cư trôi dạt đến Đà Lạt để rồi bất ngờ gá nghĩa trở thành bà vợ thứ 5, thứ 6 với ông tài xế đa thê. Bà cứ một mình như thế chờ ông để mỗi một lần ông rẽ qua là lại khiến bà sinh ra một đứa con. Tâm cũng là kết quả của một đợt ghé thăm đó. Chòi chọi chờ đợi chồng, chòi chọi nuôi con nên bà chỉ xởi lởi những khi có chồng rẽ qua nhà chớp nhoáng, còn trên khuôn mặt gầy xọm của bà rất ít hiện lên vẻ thanh thản, hiếm khi có lấy một nụ cười. 

Mặc dù là một đứa trẻ thông minh, mười năm học là mười năm Tâm đều là học sinh giỏi, nhưng cô đành bỏ học giữa chừng “vì con gái học lắm cũng chả bổ béo gì”. Ngay từ năm học cấp một, cô đã phải phụ mẹ bán xoài cóc cho học sinh mấy trường lân cận. Năm 20 tuổi, cô lấy người chồng mà cô chưa biết đến tình yêu là gì chỉ với ước muốn thầm kín “nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc sống vất vả của gia đình với bà mẹ luôn cáu gắt vì một mình chạy bữa cho 6 đứa con”. 

Nhưng chưa đầy một năm sau, cô lại bồng con quay về nhà mẹ đẻ vì không chịu được sự phản bội của chồng. Về nhà, Tâm lại tiếp tục hứng chịu sự tức giận của mẹ. Bà quan niệm đã là đàn bà con gái thì phải có chồng dù đó là một gã đàn ông độc ác, bội bạc. Thế là với thân phận của gái có chồng đơn thân nuôi con, trong sự đay nghiến, giày vò của mẹ, Tâm sống lay lắt qua ngày trong sự khốn khó ăn nhờ mẹ. 

Có lúc cô tưởng mình không thể sống nổi vì sự eo hẹp đến tận cùng của kiếp người. Đến độ cô đã vượt qua lòng kiêu hãnh, cắn răng lấy trộm của hàng xóm con gà đang trên ổ ấp. Khổ thay, con gà tưởng to khi nó ủ trứng lại là con gà gầy xẹp đầy lông, chẳng ai mua. Cuối cùng bà chủ con gà bắt gặp, rồi lại lắc đầu cho Tâm con gà vì thương xót, vì nhìn thấy khuôn mặt ân hận giàn giụa nước mắt. 

Khi con được 6 tháng tuổi, cô gửi con cho bà giáo già rồi xin vào làm chân rửa bát cho một quán ăn. Hôm nào cô cũng mang theo một cái xoong nhỏ hi vọng lấy được chút ăn thừa của khách. Nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn đó, mua được xuất ăn khách hàng cũng ăn kì hết nên chẳng mấy khi cô có đồ ăn thừa mang về. 

Gượng sống, đắp đổi qua ngày như vậy trong hai năm đầu cho đến năm 1989, Tâm được chủ quán nâng cấp từ người rửa bát vào chân phụ bếp rửa rau. Sáng nào cô cũng phải gửi con từ 4 giờ sáng để đến quán. Ba năm sau, vào năm 1992 thì nhờ sự sáng dạ, ưa học hỏi nên cô đã có thể nấu thành thạo tất cả các món ăn của quán. Cô dần dần được quán tin tưởng vì là người phụ việc siêng năng, thật thà và trung thực. Cuộc sống có nhỉnh hơn một chút vì được chủ quán cho ăn no, được mang thức ăn thừa về nuôi con và có chút tiền lương của chủ quán…

Vào những năm 1994, 1995 đó, Đà Lạt đã có những dấu hiệu phát triển, thay đổi, khách du lịch đã lác đác đến. Không ít kẻ khi biết hoàn cảnh của Tâm đã rủ cô đi làm gái cho khách vãng lai. Cô biết nếu bước chân vào lĩnh vực này cô sẽ có tiền và cuộc sống sẽ thay đổi nhưng cô kiên quyết chịu đựng sự thiếu thốn, vất vả với quyết tâm “thà làm con ở khốn khó chứ không làm điếm”. 

Tám năm Tâm làm cho hai quán ăn, đến năm 1996, cô tích tụ được một ít vốn một phần do đồng lương cô dành dụm, một phần do người chủ quán ăn thứ nhất, sau khi qua Mỹ định cư, quý tấm lòng cô đã gửi về cho Tâm 1.000 đô la Mỹ. Tâm nói với tôi: “Em nhớ công ơn ông bà chủ ấy suốt đời vì lòng tốt của họ”.

Mặt hàng đầu tiên của quán ăn do Tâm mở ra là món bánh căn rất đặc trưng của Đà Lạt. Tôi hỏi:

- Sao cô lại chọn món này ?

Tâm cười rất tươi trả lời:

- Thành phố Đà Lạt là thành phố du lịch, vì vậy dân Đà Lạt sống được là nhờ tiền của khách thập phương đến. Anh là người đi nhiều, chắc anh cũng có sở thích đi đến đâu cũng muốn thưởng thức món ăn đặc sản ở đấy. Đúng không?

- Trên tấm biển tôi thấy vào những ngày tuần đầu và giữa tháng cô bán cả món chay.

- Vâng. Anh biết đấy. Như món bánh căn ngày trước của em có 5000 đồng theo thời giá lúc đó, món mì Quảng chay này cũng có giá khiêm tốn 15 nghìn đồng nhưng chỉ có quán em có nên bán khá chạy anh à.

- Vậy là cô biết chọn ra kẽ hở để thu hút khách.

- Khe hở gì thì cũng phải làm ăn cho cẩn thận, sạch sẽ. Khách ăn cũng như mình ăn, không thể tắc trách được. Không phải ngẫu nhiên dân mình gọi đồ ăn là ngọc thực.

 Nhìn cô chủ cẩn thận đổ đĩa rau sống khách ăn chưa hết vào chiếc rổ đựng đồ thải loại, rồi cô thận trọng đeo găng tay nilon bốc rau mới xếp vào đĩa, tôi hiểu vì sao quán của Tâm đông khách. Dòng suy nghĩ của tôi bị tiếng trống trường báo giờ hết tiết vang lên, tôi nhớ ra điều cần hỏi:

- Vì sao cô lại thực hiện việc thưởng quà cho học sinh giỏi?

Tâm nhìn tôi, khuôn mặt bầu bầu khẽ đọng nụ cười tươi:

- Mẹ em thì đông con, riêng em có một đứa, cháu cũng 30 tuổi rồi. Hàng ngày lại tiếp xúc với học trò của ba trường, nghe chúng nó ríu rít nói chuyện, em lại nghĩ đến những tháng năm thơ ấu khổ sở, lẻ loi không bố, lại liên tục bị mẹ rầy la vô cớ nên tự nhiên không hiểu sao em thấy thương những đứa trẻ vô cùng. Vì thế em muốn an ủi, động viên các cháu. Mà em thì biết làm gì để thực hiện tình thương đó ngoài khả năng của mình. Nhìn mái tóc dày, lượn sóng đu đưa cùng cái lắc đầu e ấp, tôi hiểu đó là sự suy nghĩ chân thành của một người bình thường khi làm điều thiện.

Hà Nội những ngày quá nóng hè 2015.

Hoàng Bách Thành
.
.
.