Chuyện người đàn ông tự trói tay bò quanh núi hàng nghìn lần để cai nghiện

Thứ Tư, 27/01/2016, 08:11
Nhìn Lương Văn Giang nhỏ bé, hiền lành cầm con dao quắm đi phát cỏ, trồng cây, ít ai có thể nghĩ rằng cuộc đời người đàn ông này lại như một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn tới từng chương hồi. Đã từng có những lúc tiền nhét đầy bao tải, sống xa hoa như một ông hoàng nhưng lại có thời điểm trắng tay vì ngập chìm trong ma túy. Để làm lại cuộc đời, Lương Văn Giang đã phải tự trói tay mình, bò quanh núi hàng nghìn lần để vượt qua cơn vật thuốc. Đến nay, sau nhiều năm cai nghiện thành công, thứ mà Lương Văn Giang có được là một gia đình hạnh phúc và một tài sản khiến nhiều người kiêng nể.


Quá khứ giang hồ

Nhiều năm qua, Lương Văn Giang sống trên một ốc đảo nhỏ, lẻ loi giữa lòng hồ Sông Đà, thuộc xóm Tháu, xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình. Trước, để đến được "ốc đảo" ấy phương tiện duy nhất là thuyền độc mộc. Nhưng nay, khi kinh tế đã khá giả hơn, anh và gia đình đã tự làm một con đường ước tính tới vài trăm triệu để việc đi lại được thuận tiện hơn.

Lúc chúng tôi đến, anh Giang đang mang dao quắm đi phát cây. Anh chia sẻ: "Những cây mơ, cây mận, xoài, mít giờ không cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi phát hết đi để trồng bưởi Tân Lạc. Bưởi bây giờ đang rất được ưa chuộng vì Trung Quốc họ không trồng được loại này nên không lo phá giá".

Anh Giang nhớ lại những tháng ngày vùng vẫy khắp lòng hồ thủy điện.

Cuộc đời của người đàn ông này dù là đoạn nào cũng đều ở trạng thái cao trào. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, bố Giang từng là Chánh án Tòa án nhân dân TP Hòa Bình, mẹ công tác tại bệnh viện tỉnh. So với bạn bè cùng trang lứa, Lương Văn Giang được xem là con nhà có điều kiện. Học xong cấp III, anh nhập ngũ. Năm 1980, xuất ngũ trở về bố anh đã xin sẵn cho con trai một suất đi du học nhưng bị anh khước từ.

Anh nhớ lại: "Bố tôi gần như đã xỉu khi tôi quả quyết trả lời là không đi du học mà sẽ ở nhà đi buôn gỗ lậu". Hồi đó, sông Đà trở thành nơi hái ra tiền của những kẻ buôn gỗ lậu. Dọc con sông Đà là những cánh rừng nguyên sinh. Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, phong trào lên miền ngược mua gỗ rồi vận chuyển bằng đường thủy trên dòng sông Đà thịnh hành hơn bao giờ hết. Giá gỗ mua tại gốc là một thì về xuôi bán lên gấp 4- 5 thậm chí là 10 lần.

Lợi nhuận cao nhưng cũng tỉ lệ thuận với những nguy hiểm rình rập. Nhiều kẻ buôn gỗ lậu đã phải bỏ mạng trên dòng Đà Giang này. Với bản tính liều lĩnh từ nhỏ, Lương Văn Giang đã gia nhập đội quân buôn gỗ lậu. Và chỉ trong thời gian ngắn tên tuổi đại ca Văn Giang đã nổi tiếng trong giới. Anh cười, kể lại: "Hồi đó, tôi kiếm tiền dễ như ăn kẹo vậy. Có những lần tiền không đếm bằng tờ mà đếm bằng bao tải. Riêng bao tải tiền của tôi cứ vứt lăn lóc ở thuyền nhưng cũng không kẻ nào dám động tới".

Cuộc đời của anh như một cuốn tiểu thuyết.

Có tiền, thậm chí là có quá nhiều tiền, anh bắt đầu bập vào ma túy và cờ bạc. Có lần, anh vác cả bao tải tiền về Hà Nội đánh bạc và hút hít hằng tháng trời. Hết tiền, anh không phải về lấy mà nhiều chủ xới bạc sẵn sàng cho anh vay rồi thanh toán sau.

Thời gian buôn gỗ lậu dọc dòng Đà Giang, anh đã quen một người con gái làm nghề buôn bán trên sông. Anh nhớ lại: "Hồi tôi hay đi gỗ qua khúc sông đó, thấy một cô gái cũng ưa nhìn, rắn rỏi buôn bán trên sông nên để ý. Sau vài lần qua lại thì tôi hỏi thẳng có dám làm vợ không, cô ấy đồng ý thế là về ở với nhau".

Đốt lửa, kè đá, đào ao để cai nghiện

Thời hoàng kim của buôn gỗ lậu cũng sớm qua khi các cơ quan chức năng gắt gao vào cuộc truy bắt các đường dây. Nghiện nặng, lại trắng tay, lúc đó Lương Minh Giang mới nghĩ tới người vợ ở quê. Anh bảo: "Cô ấy đồng ý lấy tôi, tức là chấp nhận chung sống với một con nghiện nặng. Cuộc đời tôi nếu không có cô ấy chắc bây giờ cũng thành ma ở dòng sông này rồi". Hầu hết những người buôn gỗ lậu cùng thời với anh đều nghiện nặng.

"Có cỡ khoảng hơn chục thằng thì chết sạch hết rồi còn lại mỗi mình tôi thôi. Hồi đó tôi là thằng nghiện nặng nhất thế mà thế nào vẫn còn được sống để làm người tới ngày hôm nay" - anh Giang nói giọng buồn buồn. Đã có thời gian, Lương Văn Giang trở thành một kẻ đầu trộm đuôi cướp ở một số tụ điểm như chợ Hòa Bình, Bưu điện thành phố… miễn sao có tiền mua "cơm đen". Ngày biết tin con trai nghiện, bố anh đã ngã quỵ và chỉ một thời gian ngắn sau ông tự viết đơn xin nghỉ hưu sớm vì cảm thấy quá nhục nhã. Cùng lúc đó, ông cũng viết đơn từ con trai.

Dù vậy, lòng người cha lúc nào cũng đau đáu hướng về đứa con trai út. Anh Giang kể: "Khoảng những năm 1990, bố tôi nghe tin chính quyền tỉnh Hòa Bình đang có chính sách khuyến khích các hộ dân ra khai hoang ở xóm Tháu nên ông đăng ký bắt chúng tôi phải ra đó. Bố tôi đã nghĩ chắc chỉ ra nơi biệt lập với thế giới xung quanh may chăng tôi mới có thể cai nghiện thành công".

Tại đây, vợ chồng anh đã nhận một quả đồi gần chục héc-ta để khai hoang. Thời gian đầu, mỗi lần lên cơn vật thuốc anh Giang lại bắt vợ lặn lội chèo đò lên cạn mua thuốc về để hít. Vừa thương chồng, vừa sợ chồng nên chị Huệ không dám trái lời. Để có tiền mua thuốc cho chồng chị Huệ đã phải đi chặt củi bán. Những hôm trời mưa, củi không bán được chị chắc chắn sẽ phải nhận cơn thịnh nộ từ chồng.

Khi ra xóm Tháu, sống giữa lòng Đà Giang chị Huệ đã hy vọng chồng có thể bỏ thuốc nhưng chồng chị đã không đủ bản lĩnh. Đứa con gái sinh ra, chưa một lần được anh bế ẵm. Thứ anh quan tâm duy nhất là chiếc bàn đèn thuốc phiện. Đứa con gái nhìn thấy cha như đứa trẻ nhìn thấy con quái vật, nó thường khóc thét lên sợ hãi. Có lẽ vì đứa trẻ tội nghiệp ấy phải chứng kiến quá nhiều những lần cha mình lên cơn vật thuốc, đập phá đồ đạc, gào thét, gầm rú.

Những lúc rảnh, anh Giang như một nghệ sĩ giữa đại ngàn.

"Có lần, vợ tôi nhất định không mua thuốc cho tôi. Cô ấy bế con ra trước mặt tôi và nói, nếu anh không quyết tâm cai nghiện ngay bây giờ em sẽ ôm con nhảy xuống sông tự tử. Nếu em và con chết mà anh thức tỉnh được em cũng cam lòng. Nghe cô ấy nói vậy tôi toát mồ hôi. Lúc đó lương tri như thức tỉnh, tôi hứa với cô ấy sẽ cai nghiện" - anh Giang nhớ lại.

Những ngày tháng sau đó, mỗi lần lên cơn vật thuốc anh Giang lại tự trói tay mình rồi bò, rồi lăn vòng quanh núi để qua cơn. Anh bảo: "Tôi không nhớ nổi là mình đã bò quanh núi bao nhiêu nghìn vòng mỗi khi cơn vật thuốc đến. Có những lúc bò cũng không đỡ, tôi lấy hòn đá sắc cứa vào tay mình chảy máu cho đau đớn, cho nguôi cơn vật".

Thời gian cai nghiện, đêm đêm anh đốt đuốc đào ao, rồi vác những tảng đá để kè ao. Ba năm cai thuốc anh tự tay đã đào được 1.700 mét vuông, chia thành 2 ao thả cá. Anh khoe với chúng tôi, một ao anh thả cá giống bán cho bà con trong xóm thả lồng, còn một ao nuôi cá thịt. Số tiền thu từ hai ao cá mỗi năm cũng cho gia đình anh xấp xỉ trăm triệu. Không chỉ thả cá mà những năm gần đây gia đình anh Giang còn nuôi vài chục con bò, khi xuất chuồng mỗi con có giá lên tới 40 triệu đồng.

Nhờ có những thu nhập ấy, vợ chồng anh đã quyết định làm hẳn một con đường từ trên núi tới "ốc đảo" nhà anh. "Con đường đang làm dở thì phải dừng lại vì con gái đầu của vợ chồng tôi chẳng may bị bệnh ung thu. Đến thời điểm này vợ chồng tôi đã chữa trị cho cháu mất đến 500 triệu đồng rồi. Chỉ mong tế bào ung thư đừng phát triển nữa. Lúc con còn nhỏ, tôi có lỗi với con nhiều rồi, giờ bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải cứu con" - anh Giang nói mà như khóc.

Trong tiết trời lạnh thấu xương, thấu thịt người đàn ông ấy vẫn lầm lũi làm việc. Sự chăm chỉ ấy không phải để mưu cầu sự giàu có mà có thể nó chỉ là cách để "trả ơn" những người thân yêu, để "trả nợ" cuộc đời này.

Đồng chí Nguyễn Văn Lượng, Trưởng Công an xã Thái Thịnh cho biết: "Anh Giang hiện có khu đất rất rộng, vừa trồng cây vừa chăn nuôi gà, nuôi bò, thả cá và cho thu nhập khá cao. Nói chung sau khi cai nghiện thành công, anh Giang rất tu chí làm ăn và chấp hành tốt mọi quy định của địa phương. Đó cũng là tấm gương đáng để nhiều người lầm lỡ học tập, noi theo".
Phong Anh
.
.
.