Chuyện những chiếc xe đạp công cộng tại Trung Quốc

Thứ Tư, 21/06/2017, 14:29
Nằm dọc những con đường đông đúc của thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) những chiếc xe đạp tỏ ra hữu hiệu trong việc giải quyết vấn đề môi trường và giao thông vốn đang là nút thắt khó gỡ của đất nước hơn 1,3 tỷ dân.


Thời điểm những năm 1990 trở về trước, "vương quốc xe đạp" là cái tên người dân Trung Quốc tự gọi đất nước mình. Khi đó, xe máy chỉ dành cho người giàu, ôtô là niềm ước vọng xa vời thì chiếc xe đạp có một vị trí vô cùng lớn trong đời sống của người dân đất nước diện tích rộng thứ 2 thế giới này. Khi nhắc về lịch sử xe đạp, người Trung Quốc có thể tự hào với cái tên Phượng Hoàng - chiếc xe đạp nổi tiếng toàn cầu.

Thế nhưng trong cơn bão phát triển, người Trung Quốc giàu lên nhanh chóng, các hãng xe khắp thế giới tiến vào Trung Quốc theo hình thức liên doanh khiến giá thành giảm xuống rất nhiều. Mong muốn sở hữu các phương tiện di chuyển "cao cấp" hơn xe đạp của các gia đình đều đã có thể chạm tới. Vì lẽ đó, việc sử dụng xe đạp bắt đầu trở thành chuyện hiếm hoi.

Nhiều năm tại Thượng Hải, phương tiện được phát minh đầu thế kỷ 19 này gần như chỉ được thấy xuất hiện cùng các vị khách người nước ngoài. Hàng trăm  cơ sở sản xuất xe đạp đứng trước nguy cơ phá sản.

"Hoặc là thay đổi, hoặc là chết", những chủ xưởng sản xuất phương tiện 2 bánh di chuyển bằng sức người này đã tiến một bước tiến lớn khi quyết định chuyển sang con đường đáp ứng tiêu chuẩn "xanh" của những siêu thành phố trên thế giới với hình thức cho thuê xe đạp công cộng.Điều này rất được Chính phủ hoan nghênh và dành cho nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất. Các doanh nghiệp cung ứng xe đạp được đảm bảo sự tồn tại.

Những chiến lược đưa xe đạp trở lại tại Trung Quốc đang cho thấy hiệu quả tích cực.

Từ năm 2014, hình thức xe đạp công cộng tại Trung Quốc được hình thành. Hàng chục  chiếc xe đạp với nhiều màu sắc (mỗi hãng một màu riêng) nằm dọc những bãi đỗ công cộng trên vỉa hè.

Cứ cách khoảng vài trăm mét lại có một địa điểm như vậy. Người dân muốn sử dụng chỉ cần đăng ký 1 tài khoản tại phần mềm quản lý rồi nạp tiền như thẻ điện thoại trả trước. Khi muốn sử dụng xe, người dùng chỉ cần quét mã phía sau yên xe bằng điện thoại, khóa sẽ tự mở.

Một điểm nữa cho thấy sự quyết tâm mang phương tiện giao thông từng tạo nên cuộc cách mạng di chuyển trên thế giới này trở lại là việc giảm giá tiền các buổi sáng trong ngày cộng với miễn phí hoàn toàn giá tiền vào 3 ngày cuối tuần.

Trong khi giá phương tiện này vốn đã rất rẻ, chỉ khoảng 5-6 ngàn đồng Việt Nam/1 giờ. Vì số lượng người dùng rất đông nên dù giá rẻ vẫn có lãi, thêm nữa các đơn vị cho thuê xe thu tiền quảng cáo từ bãi đỗ.

Anh Lưu Kiệt, một lái xe taxi tại Thượng Hải cho biết: "Giá xăng tại Trung Quốc khoảng 7 tệ 1 lít (24.000VNĐ), mức giá cao cộng với nhiều khó khăn trong việc sở hữu phương tiện cá nhân nên nhiều người chọn sử dụng phương tiện công cộng. Xe đạp giá thành rất rẻ nên được thuê nhiều để đi lại các điểm gần, hoặc tới các ga tàu cao tốc, bến xe".

Câu chuyện về việc xe có thể bị người sử dụng không trả lại bến đỗ đã được dự tính cụ thể. Sau khi quét mã, điện thoại sẽ cho hãng thuê biết thông tin chủ nhân, các tài khoản tín dụng ngân hàng, thông tin xếp hàng đánh giá mức độ tin cậy…

Các chỉ số này sẽ bị đánh tụt xuống nếu người thuê không mang xe trả điểm đỗ. Một khi các thông tin cá nhân có "vết nhơ"; như thế sẽ rất khó khăn để được vay nợ ngân hàng, hỗ trợ tài chính trong tương lai.

Thiết bị định vị 24/24 giờ nằm trong khóa xe sẽ chuyển thông tin về trụ sở cho biết vị trí các phương tiện. Trường hợp phá khóa những chiếc xe này sẽ kích hoạt âm thanh báo động rất lớn.

Cũng như Thượng Hải, đến cuối năm 2016, số lượng xe đạp công cộng tại Bắc Kinh phát triển lên 500 ngàn chiếc. Bên cạnh việc số xe tăng, tại những thành phố cấp 1 khác như Trùng Khánh, Thiên Tân… lượt lăn bánh của những chiếc xe đạp công cộng có tần suất khoảng 7 lượt sử dụng mỗi ngày (theo Đại học Wharton, Mỹ).

Là quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới cộng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường, Trung Quốc đang trong một cơn đau đầu dai dẳng. Bên cạnh đó, với vị trí của một cường quốc, nước này cũng nằm trong các nước phải cam kết cắt giảm từ 60-65% khí thải vào năm 2030.

Với việc mang chiếc xe đạp trở lại trong chuỗi "giao thông xanh", Trung Quốc đang phần nào thực hiện cam kết của mình. Tiện lợi, thân thiện môi trường, nguy hiểm khi va chạm thấp (xe đạp được di chuyển tại làn đường riêng), tiết kiệm chi phí; chiếc xe đạp một thời gian bị coi là lạc hậu lại đang trở lại mạnh mẽ. Bên cạnh đó, đã cứu hàng trăm doanh nghiệp sản xuất trên bờ vực phá sản.

Trung Hiếu
.
.
.