Chuyện ở lưng chừng đèo

Thứ Ba, 21/04/2015, 13:00
Đi dọc Tây Nguyên, tôi thích ghé quán cà phê rừng đèo để quan sát văn hóa giao thông với nét mặt lo âu của dòng người lên xuống, nghe được nhiều mẩu chuyện đời.

Tại các quán giữa rừng heo hút này, ngoài được nhìn thiên nhiên hoa lá, đôi khi gặp vài khách bụi ghé vào kể chuyện, có khi hứng chí co chân đá “pặc pặc” như Lý Quỳ trong truyện Thủy Hử. Chuyện ở đèo là chuyện rừng núi, chuyện tâm linh nhưng đi vào lòng người. Vì thế, mỗi lần có dịp đi qua là một trời ký ức hiện về.

“Lục Vân Tiên” ở đèo Bốn Cây

Nhớ mấy năm trước, 4 giờ chiều một mình chạy xe máy từ rừng Cát Tiên qua Sóc Bom Bo. Để đến được nơi ấy phải vượt một con đèo không có người ở, dài 4km nên gọi là đèo Bốn Cây. Đường đèo rộng 6m, tựa như con rắn bò vắt ngang sườn núi với bề mặt nham nhở đầy đá cục, bên trái là dòng sông Đạ Đờng sâu hoắm, chảy cuồn cuộn đục ngầu. Ở đoạn này cứ đi 500m lại gặp một tấm bảng bằng tôn rộng 40x60cm ghi hàng chữ “Qua đèo sau 5 giờ chiều, coi chừng bị cướp”. 

Một mình trên đèo vắng với những lời cảnh báo treo lủng lẳng bờ đá, gốc cây cũng cảm thấy lạnh sống lưng. Nhìn những tấm bảng vô hồn ở chốn rừng hoang, tôi bỗng nhớ đến bảng cấm ở rừng Lạc Dương với cảnh Võ Tòng đả hổ trong truyện Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am. Tuy nhiên, vài lần qua lại sau 5 giờ vẫn chưa gặp cướp, có lẽ do tôi đi xe Dream Trung Quốc, mặc bộ quần áo cũ mèm với chiếc ba lô rách nên được tha chăng!

Năm rồi bám theo một người đàn ông to con, gương mặt chữ điền, râu quai nón bặm trợn trông như hảo hán. Ông ta đi chiếc xe máy chắc cũng qua 5 đời chủ. Người đàn ông chạy trước, tôi bám theo, thỉnh thoảng ông ta khoát tay làm tôi càng lo hơn, vì sợ đó là ám hiệu của bọn cướp. Đến khi ra ngã ba Sao Bọng giáp với quốc lộ 14, ông dừng xe mời tôi ghé quán cà phê. Chính nhờ lần hội ngộ ấy, tôi mới nhận ra ông là một Lục Vân Tiên thời nay.

Để được nói chuyện thân tình với người lạ, tôi phịa ra mình là “lều xã hội học ở Tây Nguyên”, quan tâm về tai nạn đường đèo, nhất là những vụ giết người cướp của. Ông ta trầm ngâm nhìn tôi rồi bất chợt hỏi: “Ông là người Êđê hay Kờ Ho?”. “Youn (người Kinh) nhưng ở với Kờ Ho”, tôi trả lời như một lập trình cài đặt. Sau đó, ông ta tự giới thiệu tên là Năm Hoành, dân đào vàng ở chiến khu Đ, kiêm võ sư Vovinam thời trai trẻ. Ông Hoành trên dưới 60 tuổi, nước da ngăm đen như người rừng ở triền núi Himalaya.

Sau tiết mục giới thiệu, ông Hoành kể cho tôi nghe chuyện con đèo Bốn Cây theo phong thái của người từng trải. Làm hớp cà phê, ông chép miệng: “Trong những lần ra ngã ba này, tôi nghe vài người than thở: Gần đây có một nhóm thanh niên hư hỏng, lợi dụng nơi vắng để cướp tài sản người đi đường sau 5 giờ chiều. Nhân lúc rảnh việc, tôi bỏ ra 3 ngày theo dõi quy luật bọn chúng, rồi canh me ở một đoạn đèo. Đợi lúc có phụ nữ chạy xe tốt một mình đi qua, tôi lặng lẽ bám đuôi, đến lúc gặp chúng khống chế, tôi ra tay đánh mấy thằng ranh lọt xuống hố rồi tuyên bố: “Năm Hoành muốn nói chuyện với đàn anh chúng mày tại quán cà phê Sao Bọng với tinh thần thượng võ, không cho Công an biết”. 

Vài ngày sau gặp được một thanh niên da ngăm mặt mũi có chữ nghĩa, hỏi tôi: “Ông là Năm Hoành, muốn gặp anh em phải không!” Có lẽ nó là người cầm đầu, thời buổi nào thằng cầm đầu đều là loại mưu sĩ không bao giờ xuất hiện. Tôi nói: “Tao là Năm Hoành, dân đãi vàng ở chiến khu Đ. Ở đây ai cũng biết vì chưa bao giờ gây gổ, đánh lộn với ai. Tuần trước ra tay với đàn em chú mày vì can tội cướp của người nghèo. Các chú vào đường cùng nên mới đi cướp, mà cướp của người nghèo là hành động bẩn thỉu. Tôi hỏi chú mày có người giàu nào dám đi xuyên rừng như thế này không? Nếu các chú không thôi trò này, các chú sẽ ân hận. Nhà các chú ở đâu, tôi biết hết rồi. Mẹ! Làm đĩ bốn phương phải để một phương lấy chồng chứ! Tên cầm đầu không nói gì, lặng lẽ bỏ đi, sau đó vắng bóng luôn ông ạ!”. 

Tôi vỗ tay đôm đốp, bắt tay ông một cách trân trọng: “Nếu trên các đường đèo có nhiều Lục Vân Tiên hoặc Võ Tòng thời nay như ông, chắc Công an hình sự thất nghiệp”. Năm Hoành ử hử, im lặng.

Nghe Năm Hoành kể, tôi cảm thấy tò mò và trân trọng. “Nghe ông nói giống chuyện Võ Tòng vào rừng Lạc Dương đả hổ một mình. Thế ông đã được chính quyền Bù Đăng phong cho chức Đô Đầu chưa?”, tôi vừa cười vừa hỏi. Năm Hoành ngửa mặt lên trời cười sằng sặc: “Làm việc nghĩa đâu cần hàm chức, thằng Hoành này chỉ  muốn sửa lời “kiến ngãi bất vi” của cụ Đồ Chiểu thôi”.

Nhà Năm Hoành rất nghèo, thời trai trẻ là sinh viên luật Sài Gòn năm thứ II. Sau ngày giải phóng, Trường Luật chuyển sang kinh tế, cộng với lý lịch cha là thương binh chế độ cũ nên buồn đời về làm rẫy. 

Năm ấy, ông sống một mình trong căn nhà tôn, vách thưng bằng gỗ ván bìa đầy bụi mối mọt rơi lả tả, kinh tế chỉ dựa vào 3 sào điều, hơn 10 trụ hồ tiêu và mấy chục con gà. Nghe ổng nói thời trai trẻ ham vợ đẹp nên bị người đẹp cắm cho 10 sừng, lại chán đời lui vào rừng sống bằng nghề đào vàng, kiếm được vài “cây” mua đất vườn sinh sống ở đầu đèo. 

Khi chia tay, tôi xin chụp một tấm ảnh nhưng ông phất tay: “Thôi ảnh iếc gì! Làm việc nghĩa cho tâm nó sáng. Còn làm từ thiện để quay phim, lên báo đó là hình thức quảng cáo, đánh bóng. Khối người xem từ thiện là một nghề để kiếm sống, thằng Hoành này không phải hạng người đó! Hôm nào có dịp đi ngang qua đây nhớ ghé nhà, tôi mần gà đãi đàng hoàng, chứ không phải ngồi nhai điều lộn hột, uống trà rừng, ruột gan lung lay thấy mẹ!”.

Những người họ Lê

Anh Lê Đẩu, người ở tận Hà Tây nhưng sống ở đầu đèo Blao (Nam Tây Nguyên) trên dưới 30 năm. Đời người như thế cũng đủ chiêm nghiệm thăng trầm của một vùng đất. Mỗi lần có dịp đi ngang đèo, tôi thường đẩy chiếc xe Dream Trung Quốc dựa bên hông nhà anh, lù lù vào xin cơm nguội ăn với nước mắm rồi lăn đùng ra sàn gỗ ngủ. 

Anh chị Đẩu quý tôi không phải tiền bạc danh vọng, mà thích nghe chuyện trời đất của mấy cha da trắng đi phượt. Có lần tôi dẫn một chú “Tây ba lô” người Do Thái đến nhà cho ông nói chuyện. Ba người làm hai sị đế nhậu với tắc kè ngâm thuốc bắc, thằng tây rất khoái, còn ông phấn khởi ra mặt. Ông quý tôi từ đó.

Lê Đẩu biết nhiều chuyện ở đường đèo Blao, từ ma ngoại đến ma nội. Vợ chồng anh sống bằng nghề bán cà phê võng cho dân phượt tại đầu đèo. Quán nằm vắt vẻo một góc ở thung lũng nên ngồi trên sàn nhìn thấy cây rừng chao lá, cứ sáng sớm và chiều muộn sương mù phủ lên ướt cả tóc lẫn lông mi. Vào sáng tinh mơ, vài ba con sóc gọi bầy đứng chồm dậy kêu vang cả  góc rừng, hoặc có lúc đàn khỉ núi chuyền cành nhe răng cách người vài mét. Tôi từng ghé uống cà phê ở rừng đèo nhưng chưa gặp quán nào có cuộc sống hoang dã gần gũi với người như thế.  

Anh Đẩu có gương mặt phúc hậu, đã có lúc anh tự nguyện đi nhặt xương cốt những người vô danh chết dưới vực thẳm đem chôn không một tí vụ lợi. Vì vậy, anh có biệt danh là “Hiệp sĩ đầu đèo”.

Nhân lúc vui vẻ, tôi hỏi anh: “Trong từ điển tiếng Việt, hiệp sĩ là người tài giỏi, dũng cảm đem mưu trí và võ học ra giúp người thế cô. Đời người không phải ai cũng có tước hiệu đó. Thế hành động phi thường của anh bắt đầu từ đâu?”. Anh chậc lưỡi trả lời: “Cũng chẳng phải là hiệp sĩ, hiệp sanh gì! Tôi đã đi qua một cuộc đời đầy gió bụi, được nhiều người giúp, bây giờ làm thế cũng chỉ trả ơn, đồng thời cũng muốn qua việc làm nhân văn này để giáo dục các con tôi. Suy cho cùng, trong đời người nếu sống bằng cái tâm bao giờ cũng  thảnh thơi”.

Anh Đẩu nói chuyện từ tốn, thích nhìn những giọt cà phê đen nhỏ xuống như tìm kiếm sự tinh túy của một đời người. Anh chậm rãi kể: “Thực ra, sau khi xảy ra tai nạn, người có trách nhiệm thường đến quán tôi ngồi trao đổi bàn tính, phân công nhiệm vụ. Đến lúc gặp vấn đề nhạy cảm, thấy mọi người yên lặng đưa mắt nhìn nhau, tôi mới xin giúp không kèm theo điều kiện. Anh biết thường xác người đã đến giai đoạn thối rữa, người sống vì lý do riêng tư gì đó hay né tránh. Suy cho cùng nạn nhân cũng là con người vô phúc đáng thương. 

Tôi nhớ một việc xảy ra cách đây khoảng 6 hay 7 năm gì đó. Lúc ấy tử thi đã nằm khá lâu dưới hố thẳm, được các cháu Kờ Ho đi hái măng rừng phát hiện. Vài chú công an trẻ đu dây xuống hiện trường nhưng gặp phải mùi hôi thối và sương mù dày đặc nên phải bò lên, đợi khi có nắng và bớt sương mù chúng tôi mò xuống. 

Việc đầu tiên là đối mặt với ruồi nhặng, chúng to bằng hạt ngô, xanh sẫm bóng lộn bay vù vù từng đàn bám vào cây lá, thậm chí đu đeo vào người mình mang theo mùi hôi thối dữ dội. Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông đã thối rữa, xương hiện ra từng phần. Sau khi Công an chụp ảnh khám nghiệm, tôi thắp nhang khấn vái hương hồn người xấu số xin được chôn cất, rồi túm gọn xác bỏ vào bọc nilon vác lên đường nhựa. 

Nói là đơn giản nhưng khi bắt tay vào việc, người không có thần kinh thép dễ bỏ cuộc vì mùi xú uế nồng nặc, đến sự lạnh lẽo huyền bí của núi rừng. Nhiều lúc phải đốt nhiều nhang để giảm bớt mùi hôi, vừa xin vong hồn trợ giúp khi phát hiện thiếu cái tay hoặc cái chân do kỳ đà tha đi. 

Chưa hết, còn một hình ảnh khác cũng không kém phần hấp dẫn là ma ngoại, hồn vong của quân đội viễn chinh. Họ không phải chết vì tai nạn giao thông, mà chết vì cuộc chiến đường đèo”. 

Anh Đẩu pha thêm tuần trà lần hai chép miệng, vong người nước ngoài 60-70 năm đến giờ vẫn chưa siêu thoát, không biết còn chờ đợi gì! Họ chỉ xuất hiện vào buổi trưa anh ạ! Ngày trước tôi đi nhặt củi khô đã có hai lần phát hiện một nhóm quân nhân đứng trên mỏm đá cao cách tôi vài mét vung tay nói chuyện với nhau, tôi chú ý lắng nghe nhưng không hiểu được rồi từ từ biến mất. 

Lúc đầu tôi sợ đến nỗi chạy mất dép, mặt mũi xanh lè về nhà thở dốc, những lần sau tôi hương khói lầm râm khấn vái. Từ dạo ấy, không biết vì sao mãi đến giờ không thấy họ xuất hiện nữa. Anh là người lạ, lại biết tiếng tây, ngày mai anh đi với tôi xuống lưng chừng đèo, tôi cam đoan anh sẽ gặp và nói chuyện với họ, họ không làm gì mình đâu vì đó chỉ là vong hồn mà!”.

Mới đây tôi ghé nhà một cư dân đầu đèo tên là Lê Hà, thuộc dạng khá giả, làm nghề nuôi heo thịt và bán phân hữu cơ cho nhà vườn. Lý do tôi ghé thăm anh vì nghe Lê Đẩu kể rằng, anh Hà tự bỏ tiền túi làm cái am nhỏ ở đầu đèo để hương khói vong linh những người xấu số. 

Khi được hỏi động cơ nào dẫn đến hành động nghĩa khí cao đẹp, anh Hà trải lòng: “Tôi ở đây gần 40 năm, từ lúc còn là rừng hoang, hằng năm chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn chết người, trong những người nằm xuống sợ nhất là trinh nữ tử nạn. Vong hồn các em, các cháu đó linh thiêng lắm, ông không tin đi hỏi hết bà con đường đèo. Cụ thể nhất là ông qua trạm xá trước nhà tôi đây. Ngày hai vợ chồng ông thầu xây trạm, đêm ngủ lại giữ vật tư bị chúng nó phá đến mức nửa đêm mang mền gối mò sang nhà tôi mặt mũi dớn dác”.

“Cụ thể phá như thế nào?”, tôi tò mò. “Nghe vợ chồng ổng kể, đêm đầu tiên có ai dựng tấm dra lên, đêm thứ hai cũng vậy, đến đêm thứ ba kéo cả tấm dra đi, trong lúc có hai vợ chồng ông ta nằm trên đấy. Tôi giải thích đất có thổ công, sông có hà bá, ông đến đào móng xây nhà mà không xin phép thì bị quở trách thôi. Sáng sớm cả hai người đến miếu xì xụp lạy tạ thế là hết. Bây giờ vợ chồng ổng còn tích cực hương khói hơn tôi, có lúc mua cả hai, ba hộp cơm cúng ông ơi! Duy vật, duy tâm mình chưa biết nhưng đó là điều có thật không lý giải nổi”. Lê Hà đứng trên đỉnh đèo nhìn về cõi hư vô, tôi không biết ông ta đang nghĩ gì.

Quái kiệt đầu đèo

Ở đầu đèo Blao có một khu rừng xà nu gần 20ha. Dân địa phương gọi là đồi thông Sơn Núi, trước kia chỉ là rừng hỗn giao. Ngay tại đây, năm 1957, Thiền sư Nhất Hạnh lập ra một cái am nhỏ để tu thiền, sau đó ông mua thêm đất rẫy của đồng bào Kờ Ho để mở rộng khuôn viên tu hành giữa rừng già. Chính thời điểm này ông viết tác phẩm Nẻo Về Của Ý, mở ra trường phái tu thiền của Phật giáo tại cao nguyên Lâm Viên. 

Nghe nói trước khi sang Pháp, Thiền Sư giao khuôn viên này cho TW hội Phật giáo vào cuối thập niên 1960. Năm 1979, ông Nguyễn Đức Sơn, một trong những nhà văn có tên tuổi của chế độ cũ, dẫn vợ con lên dựng lều trại giữa rừng rồi từ từ thay thế cây thông phủ lên rừng nghèo. Tính đến nay, vườn thông gia đình ông Sơn trồng và chăm sóc đã gần 40 năm.

Chuyện về ông già trồng thông có hỗn danh là Sơn Núi có thể viết thành sách. Nếu click chuột vào Google với hàng chữ “Nguyễn Đức Sơn”, sẽ hiện lên nhiều bài viết về ông. Người ở tận trời tây hay ở Huế-Sài Gòn ca ngợi ông là một nhà minh triết tầm cỡ, một trong tam kỳ nhân văn học miền Nam là Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. 

Tuy nhiên, những người ở gần, tiếp cận với ông hằng ngày thì không nghĩ thế, họ chỉ trân trọng cả nhà ông từ tay trắng trồng được 17ha thông nay đã thành khu rừng xanh, gió lộng suốt ngày. Đến phố trà Blao gặp giới văn chương U50 trở lên, hỏi về dị nhân Nguyễn Đức Sơn ai cũng biết, có người nói với tôi rằng: “Ông Sơn Núi là hiện thân con tê giác luôn chạy chúi sừng về phía trước tăng thù bớt bạn”.

Mới đây tôi ghé thăm ông tại rừng Phương Bối. Bây giờ vào nhà ông có đường rộng dân cư đông đúc không còn hiu quạnh cây cối um tùm như cuối thập niên 70 nữa. Rất may có ông bà ở nhà, trong lúc đang ăn cơm chiều. Ông hỏi tôi: “Ông lên đây đã uống thuốc chống té đái chưa?”. Tôi ngơ ngác chưa biết cách trả lời.

Từ trong nhà, ông ném ra một cái ghế con bằng gỗ quay lăn lóc dưới gốc thông bảo tôi ngồi chơi, vì nhà không có phòng khách. Nhìn thấy bữa ăn gia đình đạm bạc chỉ có rau má nấu canh ngồi húp xì xụp. Tôi hỏi: “Thế hai bác chỉ ăn rau má, không cần cơm a?”. Ông không nhìn tôi, bốp chát: “Sao ông hỏi ngu vậy! Trâu, bò, voi, ngựa có ăn cơm đâu mà con nào cũng mập ú!”.

Có lẽ rất khó tìm được mẫu số chung để tiếp chuyện với dị nhân, tôi xin lỗi xuống núi tìm đến nhà con trai của ông là Nguyễn Đức Vân, tức Đại Đức Thích Giới Lực, có một ngôi chùa nhỏ và tự tay trồng 2ha sim gần đấy. Vị sư trẻ sinh năm 1973 được vào chùa từ nhỏ nên tính cách có khác đi so với bố. 

Ông Đại Đức từ tốn: “Cha tôi tuy là nhà văn có tên tuổi vào thời trước, nhưng cách sống khá lập dị. Ông chủ trương đưa gia đình về thời nguyên thủy, sinh tồn bằng hái lượm. Các anh em chúng tôi không được đi học, không được gọi nhau bằng thứ bậc. Ông thương con cái vô hạn, một kiểu thương hoang dã như gà mẹ và đàn con. Có lẽ ông muốn con cái tự tồn tại khi đủ lông đủ cánh, nhưng vào thời buổi này nhu cầu trẻ con phải được hội nhập với cộng đồng nên chúng tôi xin vào chùa để tìm cái ăn cái chữ. Lúc trẻ chúng tôi hận ông nhưng bây giờ thì không. Ông ấy có cái đúng của ổng khi quyết định đưa con cái về sống với rừng tìm cái tâm trong chốn hoang vu như Đức Phật tìm bóng dáng từ bi giữa rừng già u tịch”. 

Ông Đại Đức dẫn tôi lên chánh điện trên đỉnh đồi cao nhìn về hướng đèo với bức tranh toàn cảnh bắt đầu từ đồi sim của ông. Rừng núi bây giờ màu xanh của cây cà phê - trà đã dần thay thế rừng hoang, con đường đèo trên quốc lộ 20 cũng thay màu áo mới rộng thênh thang tráng nhựa phẳng lỳ.

* * *

Chia tay những cuộc đời sống ở lưng chừng đèo cả người sống lẫn những vong linh, tôi cứ lầm lũi đi mang theo những dư âm như một bản hòa tấu muôn màu. Con người chỉ sống vài chục năm rồi trở về với đất. Vì vậy, cuộc sống xa hoa, quyền lực, bạc tiền đâu phải là mục đích cuối cùng để vươn tới rồi tàn sát lẫn nhau. 

Nó còn một thứ khác lớn hơn là tấm lòng dành cho đồng loại, dành cho thiên nhiên như Năm Hoành, Lê Đẩu, Lê Hà hoặc khu rừng thông Phương Bối và đồi sim của nhà sư Thích giới Lực. 

Mai này có ai đi qua dựa lưng vào gốc thông già nghe tiếng gió vi vu hoặc nhìn cánh rừng mang màu tím hoa sim biền biệt. Không biết trong họ, có ai nhớ đến mồ hôi và nước mắt của người xưa đã đổ xuống mới có phong cảnh thơ mộng cho mình ngồi ngắm hôm nay.

Ký sự Trần Đại
.
.
.