Chuyện phục vụ những người không có ký ức

Thứ Sáu, 28/06/2019, 10:38
Không tên tuổi, quê quán cũng như người thân. Trong suốt nhiều năm, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã đón nhiều bệnh nhân như vậy về điều trị. Trong số đó, có những người khi bình phục đã nhớ lại được chút thông tin về mình để người thân đến nhận.


Nhưng cũng có những người, nhập viện từ khi còn bé, lớn lên và mất đi cũng ở trong bệnh viện này. Với họ, các bác sĩ mới chính là người thân thiết của mình.

Béo “đen” và Béo “trắng”

Đó không phải biệt danh mà chúng ta thường gọi vui mà tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Béo là cái tên của hai người đàn ông đã gắn bó với bệnh viện từ khi còn là đứa trẻ. Cũng giống như bao người tâm thần vô gia cư khác được bệnh viện đón về, Béo “đen” và Béo “trắng” không có một chút ký ức nào về người thân cũng như tên tuổi của mình. Cũng vì thế mà sau bao nhiêu năm, vẫn không ai biết gia đình các anh ở đâu.

Mỗi buổi chiều anh Béo lại đi lấy nước.

Theo các bác sĩ của Khoa Bán cấp tính Nam, hai bệnh nhân tâm thần đặc biệt này vào viện từ hơn 40 năm trước, khi chỉ là những đứa trẻ khoảng 4-5 tuổi. Vào một buổi sáng làm việc thường ngày, các bác sĩ phát hiện hai đứa trẻ lang thang trước cổng viện, gầy gò, đen đúa và có vẻ như đang rất đói. Khi nhìn thấy chúng bới rác để tìm đồ ăn, các bác sĩ đã thương tình đem chúng về nuôi tại bệnh viện.

Sau vài tháng được các bác sĩ chăm sóc, cả hai đứa bé đều béo lên so với ngày đầu được tìm thấy. Do cả hai đều không nhớ tên của mình cũng như không có một chút ký ức gì về gia đình nên các bác sĩ tạm gọi là Béo “đen” và Béo “trắng” để phân biệt. Khám sơ bộ, phát hiện nguyên nhân cả hai không nhớ gì là do chứng thiểu năng của chúng. Vậy là cái tên ấy theo cả hai anh suốt cuộc đời, các bác sĩ bỗng nhiên vừa trở thành người thân, cha mẹ của hai đứa trẻ kì lạ này.

Thời gian đầu, hai anh Béo được nuôi tại Khoa Nhi của viện. Do trong thời kỳ khó khăn của đất nước nên việc nuôi thêm hai đứa trẻ là điều không đơn giản. Có thêm miệng ăn, các y bác sĩ, cán bộ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I phải tăng gia vào những ngày nghỉ như nuôi lợn, gà, trồng rau… Để cho hai đứa trẻ được giao lưu, nói chuyện, các bác sĩ cũng cho cả hai anh Béo đi tăng gia cùng và hướng dẫn các anh làm một số việc đơn giản.

Sau một thời gian sống tại bệnh viện, dưới sự chỉ dạy của các bác sĩ, hai anh Béo đã nắm được những kỹ năng đơn giản nhất để chăm sóc bản thân. Đến khoảng hơn 20 tuổi, Béo “trắng” và Béo “đen” được giao nhiệm vụ canh cổng cho Khoa Bán cấp tính Nam cho tới nay.

Đáng tiếc, năm 2014, do mắc bệnh hiểm nghèo, Béo “đen” đã không qua khỏi và được chôn cất ngay trong bệnh viện. Ngày anh mất, các nhân viên của viện đều vô cùng tiếc thương. Cũng trong ngày hôm ấy, Béo “trắng” bỏ gác và bỏ ăn. Phải mất nhiều ngày động viên an ủi, anh Béo mới trở lại làm việc nhưng chỉ còn một mình.

Nhân viên đặc biệt

Mỗi buổi sáng, đằng sau cánh cửa sắt của Khoa Bán cấp tính Nam (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I), có một người đàn ông với thân hình tròn trịa mặc áo bệnh nhân, ngồi đóng mở cánh cửa khoa cho các bác sĩ và người thăm bệnh ra vào. Anh giống như một người bảo vệ mẫn cán, với khuôn mặt niềm nở của một người hiếu khách. Đó chính là anh Béo “trắng”.

Các bác sĩ cho biết, lịch trình sinh hoạt của Béo “trắng” mỗi ngày, luôn đều đặn như đã được lập trình sẵn. Mỗi sáng sớm, anh cùng các nhân viên hộ lý tham gia quét dọn khoa và dọn dẹp các khu vực sinh hoạt chung. Sau đó, lại trở về chỗ ngồi quen thuộc bên cánh cửa sắt với “đồ nghề” của mình là một chiếc ghế nhựa, nhận trách nhiệm đóng mở cửa cho các bác sĩ ra vào và ngăn không cho các bệnh nhân đi ra khu vực không được cho phép. Đến chiều, Béo “trắng” lại phụ trách đi lấy nước cho khoa hoặc bê vác giúp các hộ lý mỗi khi có việc cần.

Một bệnh nhân của khoa.

Làm được nhiều việc, nhớ rõ mặt từng người, có thể nắm được chìa khóa hàng chục căn phòng trong khoa nhưng Béo “trắng” lại rất kém về giao tiếp. Trong cuộc trò chuyện với anh, bệnh nhân đặc biệt này chỉ có thể trả lời các câu hỏi bằng các từ đơn và không có ý muốn nói chuyện với chúng tôi, những người lạ. Các câu trả lời của anh chỉ vô cùng đơn giản như “khỏe”, “tốt”, “vui”, “có”, “không”…

Nhìn vẻ ngoài chậm chạp, hiền lành ấy nhưng ai biết anh Béo “trắng” lại vô cùng đặc biệt với Khoa Bán cấp tính Nam. Đối với cán bộ, y bác sĩ ở đây, anh giống như người thân trong gia đình. Hễ ai đi đâu, có đồ ăn ngon cũng đều nhớ dành phần cho Béo “trắng”. Thậm chí có đôi lúc, trên bảng phân công trực cũng có tên của anh.

“Từ khi tôi vào làm việc tại khoa, hai anh Béo đã làm việc canh cổng rồi. Nhiều bệnh nhân tâm thần vào viện đôi lúc còn đập phá, chỉ chực cửa mở là xông ra nên có anh Béo “trắng” gác cổng, chúng tôi cũng yên tâm phần nào. Anh Béo “trắng” có thể phân biệt được người nào có thể vào, người nào không. Với khách lạ, chỉ khi bác sĩ đồng ý thì anh Béo mới mở cửa”, một bác sĩ Khoa Bán cấp tính Nam cho biết.

Những người tâm thần vô gia cư

Ngoài trường hợp của hai anh Béo “trắng” và Béo “đen”, mỗi năm, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đón nhận rất nhiều bệnh nhân tâm thần vô thừa nhận. Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Tú cho biết: “Chăm sóc bệnh nhân tâm thần đã khó, chăm sóc bệnh nhân vô danh còn khó khăn hơn bởi mình không có thông tin gì về họ nên khó giao tiếp. Nhiều bệnh nhân khi được đưa vào đây trong trạng thái vô cùng kích động, họ sẵn sàng chống trả lại các bác sĩ, không hợp tác.

Khi vào đây chúng tôi phải làm vệ sinh cá nhân cho họ để tránh các mầm bệnh. Có người khi được tắm rửa, thay quần áo rồi đưa về phòng điều trị vẫn còn tiếp tục giằng co với các bác sĩ. Có người còn không chịu tắm rửa, các cán bộ y tế phải vất vả lắm mới cởi được áo của họ ra, làm ướt người rồi kì cọ cho sạch sẽ”.

Tất cả những bệnh nhân vô thừa nhận này khi đưa vào thường không có giấy tờ tùy thân hay thông tin cá nhân. Thời gian đầu khi chưa được điều trị, họ không thể nhớ được một chút gì về gia đình cũng không có ký ức. Sau khi được các bác sĩ chăm sóc vệ sinh cá nhân và cho thuốc điều trị, một số người dần tỉnh táo hơn và có thể nhớ lại. Khi đó, các bác sĩ mới ngồi nói chuyện để tìm những chi tiết họ còn lưu lại trong đầu để từ đó tìm ra danh tính, người thân của họ.

Nói về một trong số những trường hợp bệnh nhân vô gia cư được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, có một trường hợp khiến các bác sĩ nhớ mãi. Đó là một bệnh nhân được Trung tâm Bảo trợ xã hội của Hà Nội đưa tới, một cụ ông đã ngoài 60 tuổi, nhập viện trong tình trạng da bọc xương, rối loạn tâm thần và không nhớ một chút gì.

Sau một thời gian ngắn điều trị, tinh thần của bệnh nhân này đã có chuyển biến tốt. Vào những lúc tỉnh táo nhất, cụ ông cho hay mình đã từng làm bác sĩ và có con đang công tác tại nước ngoài. Các bác sĩ đã cố gắng tìm thông tin, số điện thoại để liên lạc với gia đình. Tuy nhiên phải tới 2 tháng sau, cũng là thời điểm bệnh nhân qua đời vì sức khỏe yếu sau những ngày lang thang, kiệt sức, các con của ông mới kịp về tới nơi…

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp bệnh nhân khác nhập viện cũng khiến các bác sĩ ở đây trải qua nhiều cung bậc vui buồn. Có người tìm được người thân, tìm được quê quán nhưng cũng có trường hợp dù tìm được cũng không được người nhà đón nhận. Đối với những bệnh nhân vô danh này, cũng giống như anh Béo “trắng”, các bác sĩ luôn chăm sóc tận tình không phân biệt.

Ngọc Trâm
.
.
.