Không có gì mà ầm ĩ cả

Chuyện rọ mõm

Thứ Ba, 12/05/2020, 17:36
Sao phải sợ sức ì của văn hóa? Thực tế chúng ta phải luôn thích nghi với một sự "bình thường mới". Vậy sao trì hoãn việc đeo rọ mõm cho chó?


Một đoạn video ngày 9/5, tại Nghệ An, một con chó chọi Pitbull đã truy đuổi cắn chết một con dê. Chủ của chó và người đi đường ra sức tách hung thủ ra nhưng không kịp.

Giống chó này đã cắn là "sấm đánh cũng không nhả". Suốt cuộc tấn công khoảng 1,5 phút. Mặc cho chủ và người đi đường liên tiếp đánh vào đầu nhưng con chó vẫn cắn chặt không thay đổi. Khi bị phang bằng giầy, mũ bảo hiểm và vật cứng vào đầu tới khoảng 70 nhát thì con chó mới từ tuột khỏi con mồi và bị khống chế. Nếu không phải là dê mà con người bị tấn công thì sẽ ra sao?

Thuật ngữ Pit bull từ tiếng Anh gồm pit có nghĩa là cái hố lớn và bull nghĩa là bò mộng. Họ Pitbull được xem là "trùm cuối" của các loài chó chọi. Dòng này đứng đầu trong 11 giống chó nguy hiểm nhất đối với con người trong tổng số hơn 400 loài chó khắp toàn cầu. Riêng bảng xếp hạng giống chó nguy hiểm thì Pitbull được đứng đầu trong số những loài nguy hiểm nhất. Chó sói cũng chưa chắc là đối thủ của nó.

Sát thủ gâu gâu này có xuất thân từ châu Mỹ, "hành tẩu giang hồ" lai với chó Bull Anh quốc từ đầu thế kỷ 18, hiện đang dần được nuôi phổ biến ở Việt Nam. Nó là hung thần của các loại chó chọi. Với sức mạnh của cơ bắp cộng với hàm răng vô địch, khi đã xung trận Pit bull có thể cắn nhau đến chết. Đúng như sự mệnh danh tên gọi là "chó chiến binh" hay "võ sĩ giác đấu".

Minh họa Lê Tâm.

Để kích thích bản năng giết chóc, chủ chó thường cho Pitbull ăn thịt bò sống. Đôi khi chủ chó phải dùng một công cụ banh hàm để buộc nó phải nhả đối thủ ra.

Mỹ có chừng 4,7 triệu người bị chó cắn mỗi năm. Anh mỗi năm có hơn 200.000 người bị chó tấn công làm tiêu tốn chi phí y tế tới 3 triệu bảng. Mỗi tuần có hơn 100 nạn nhân bị chó cắn nhập viện. Chưa kể hàng trăm con chó thường, chó chăm sóc người tàn tật và các loại thú nuôi khác bị Pit bull giết chết mỗi năm.

Có chừng 28.000 người bị chó ngoạm vào mặt mỗi năm. 19.000 trong số đó phải phẫu thuật thẩm mỹ để phục hội dung nhan, nạn nhân phần nhiều là trẻ em và nhân viên đưa thư. Xu hướng vụ cắn tăng lên hàng năm chứ không giảm.

Ai trong chúng ta cũng không lạ gì chuyện chó cắn. Thậm chí mỗi người đều có kỷ niệm từng bị chó cắn hoặc từng thoát hiểm vì chó. Theo thống kê thì mỗi năm ở ta có 500.000 người bị chó cắn, trong đó khá nhiều nạn nhân là trẻ em. Vết cắn chủ yếu vào cổ, đầu và mặt. Không cần kể những phần nghiêm trọng khác thì đã thấy việc "khóa mõm" các loại chó là cần thiết đến mức nào.

Vậy mà gặp con chó được chủ đeo rọ khi đi dạo hiếm như đếm đầu ngón tay. Phần lớn các loại chó chiến chó ngao ra đường đều nhe răng lè lưỡi. Lại nhớ câu "Chó dữ mất láng giềng".

Bên cạnh các quy định xử phạt nghiêm minh thì chó đạt chuẩn an toàn cũng phải là một tiêu chí xét hạnh kiểm, văn hóa chủ chó.

Sao phải sợ sức ì của văn hóa? Thực tế chúng ta phải luôn thích nghi với một sự "bình thường mới". Vậy sao trì hoãn việc đeo rọ mõm cho chó?

Lê Tâm
.
.
.