Chuyện thờ lúa ở đại ngàn Trường Sơn

Thứ Ba, 24/02/2015, 10:00
Xuất phát từ thành phố Đông Hà, sau khi vượt chặng đường gần 200 cây số, chúng tôi đã đặt chân đến bản A Đăng, xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Điều khiến chúng tôi lặn lội đến tận bản của người Pa Kô nằm sâu trong dãy đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ này, là vì nghe tin tại đây, đến nay người dân bản địa còn giữ tục thờ cây lúa…
Trong nếp nhà sàn bạc phếch cũ mòn năm tháng, già làng Côn Liên mời chúng tôi uống thứ nước đỏ tươi, đặc quánh thơm lừng được nấu từ lá rừng rồi cười hả hê bảo: "Ôi, phong tục đồng bào mình nhiều lắm, hay lắm. Muốn nghe hết chắc phải kể cả tuần".

Nói rồi ông lão tuổi đã ngoài 76, bưng chén nước lá rừng nhấp ngụm ngon lành và chậm rãi kể về phong tục thờ cây lúa có một không hai của người Pa Kô. Già Liên không rõ tục thờ cây lúa ra đời từ khi nào, chỉ biết đây là một trong những phong tục ra đời sớm nhất. Người Pa Kô tôn thờ cây lúa như đấng tối cao. Vì vậy họ có những "vương phép" hết sức ngặt nghèo để bảo vệ cây lúa.

Theo lời già Liên: Đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô phát dọn nương rẫy vào tháng 4 âm lịch hằng năm. Sau khi trỉa hạt, chăm sóc cây lúa trên nương mãi cho đến tháng 11 mới thu hoạch. Từ công đoạn phát nương, trỉa hạt, chăm sóc… lúa, họ đều lam lũ trên nương rẫy lởm chởm đá núi. Vất vả là thế nhưng trong kí ức của người Pa Kô không mấy khi được đủ đầy, nói gì việc thừa mứa. Cái ăn luôn là câu hỏi muôn thuở trong khối óc và bàn tay của họ. Hơn ai hết người Pa Kô rất biết quý trọng lúa gạo.

Chính vì điều đó, từ ngàn xưa người Pa Kô đã đặt ra 3 điều cấm kị để tôn thờ, bảo vệ cây lúa, mùa màng, bảo vệ miếng cơm. Già Liên giảng giải rõ cho chúng tôi nghe từng điều cấm kỵ. Điều cấm thứ nhất, khi hạt lúa đã được trỉa trên nương thì những người phụ nữ đến ngày có kinh nguyệt không được bước chân vào rẫy. Lý do, vì những người phụ nữ đến ngày "đèn đỏ" được xem là dơ bẩn, nếu bước chân vào rẫy sẽ làm dơ bẩn cây lúa. Hậu quả, lúa sẽ tức giận mà làm mất mùa đói kém, còn trừng phạt người thân của chủ lúa.

Đồng bào Pa Kô ca hát, thổi kèn, gảy đàn.... trong lễ cúng A Ya.

Chính vì điều cấm kị này mà những người phụ nữ Pa Kô luôn hết sức chú ý đến sức khỏe của mình. Họ nhìn mặt trời, nhìn mặt trăng để tính từng ngày, tránh lên nương vào những ngày ấy. Điều cấm kị thứ hai, đó là khi săn bắn được con mang thì phải ăn ngoài rừng, ngoài suối chứ không được đem về nhà. Bởi vì, người Pa Kô quan niệm, cây lúa chỉ thích hợp với con bò, thịt bò. Lúa đặc biệt ghét con mang. "Con mang không ăn lúa nên thần lúa ghét vì nghĩ nó chê lúa. Con bò lại khác, nó thích ăn lúa, ăn nếp như con người, lại giúp bà con mình làm việc nên thần lúa ưng cái bụng hơn", già Liên cười bảo.

Điều cấm kị thứ ba là lúa không thích nóng nên mỗi khi lúa đã trổ bông; hay thu hoạch về nhà rồi thì cấm đốt lửa gần lúa. Nếu làm trái điều cấm này thì lúa bị nóng, người trong gia đình có lúa sẽ bị đau ốm, phải cúng tạ tội với lúa mới được khỏi bệnh. Để được thần lúa tha tội khi lỡ vi phạm các điều cấm kị, người vi phạm phải dâng cúng lễ vật hậu hĩnh và thành thật xin lỗi với thần lúa. Lễ vật cúng gồm một con heo (lợn) vòng ngực chừng bốn vòng gang tay, hai con gà, rượu, xôi, chè… đặc biệt không được thắp hương.

Lúc hành lễ, người bị thần lúa bắt phạt sẽ dùng than bếp đỏ đặt vào trong chén (bát), sau đó đội lên đầu vừa ngồi khấn vái xin lỗi vừa lắc đầu theo chiều kim đồng hồ. Người khấn phải thành tâm, thành ý xin lỗi. Nếu trong khi lắc đầu, cái chén trên đầu không bị rơi xuống có nghĩa là thần lúa đã tha tội, bệnh tật trong người sẽ khỏi. Còn nếu cái chén bị rơi xuống có nghĩa là thần lúa chưa chấp nhận lời xin lỗi, có thể do thiếu lễ vật hoặc chưa đủ thành tâm, bệnh tật sẽ còn hành hạ.

Được mùa.

"Ở bản này có ông Vũ Hảo là người bị thần lúa bắt phạt nhiều nhất vì tội đốt lửa gần lúa làm lúa bị nóng. Ông ấy đã 85 tuổi rồi đó. Bố (già làng Côn Liên - cách xưng hô thân mật của người Pa Kô với khách) cũng bị phạt vì tội đó", già Liên cười lớn. Già Côn Liên nói rằng, năm 1982 khi gia đình già gặt lúa mang về nhà đặt trên sàn, vì sơ ý nên già đốt lửa phía dưới sàn làm lúa bị nóng. Sau đó ít ngày, con gái của già bị thần lúa bắt phạt làm cho sưng má. Già phải làm lễ cúng, thành thật xin lỗi mới được thần lúa cho khỏi bệnh. Nói về điều cấm kị thứ 3, già Liên giải thích: "Việc cấm đốt lửa gần lúa rất hay. Vì lỡ khi sơ ý đốt lửa gần lúa làm lúa cháy hết thì lấy gì mà ăn"…

Nhìn mông lung ra rừng một lúc, già Côn Liên tiếp tục câu chuyện. Ông kể rằng, theo phong tục của người Pa Kô, trước khi lên nương trỉa lúa thì phải cúng thần lúa một con gà để cầu được mùa. Sau khi thu hoạch lúa về nhà thì đặt lễ hậu hĩnh để tạ ơn. Khi mùa màng xong xuôi đồng bào Pa Kô làm lễ cúng cơm mới gọi là A Ya. Nơi thờ thần lúa được các gia đình đặt ở góc nhà. Bàn thờ đơn giản chỉ có chiếc nồi nhỏ bằng đồng, bên trong đặt cái khâu rựa được buộc bằng sợi dây màu đỏ. Khi thờ cúng chủ nhà sẽ đặt lễ vật quanh bàn thờ đó...

Trước ngày tổ chức lễ cúng, người đại diện trong gia đình sẽ đến bàn thờ xin được chặt ống tre để làm cơm lam, xin mổ dê, mổ bò… để đặt thờ cho trang trọng. Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, ngày hôm sau mỗi gia đình sẽ đặt lễ vật lên bàn thờ thần lúa cúng. Người chủ nhà lễ khấn bày tỏ lòng biết ơn với thần lúa đã cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cầu cho năm sau được nhiều lúa hơn, con người khỏe mạnh, không đau ốm bệnh tật…

Lễ cúng A Ya trong mỗi gia đình xong thì tiếp tục cúng lúa mới theo họ hàng thân tộc. Mỗi gia đình trong họ sẽ đem lễ vật đặt vào bàn thờ thần lúa của dòng tộc mình và trưởng họ sẽ là người chủ lễ. Cuối cùng là cúng A Ya của làng. Mỗi nóc nhà sẽ đem lễ vật đến bàn thờ thần lúa của làng để cúng tế. Trưởng bản sẽ đứng ra làm lễ. Lễ vật cúng A Ya được làm rất công phu, đặc biệt là cơm lam.

Những hạt gạo trắng tinh, thơm lừng như ngọc trời sau một mùa vất vả chăm bón sẽ được bà con Pa Kô bỏ vào ống tre, nướng trên bếp lửa hồng đến khi chín, có mùi thơm. Không khí làm lễ A Ya rất trang nghiêm. Phần lễ kết thúc, cơm lam, rượu, thịt sẽ được bà con bày biện ra mâm cỗ và cùng nhau tận hưởng thành quả một mùa lao động cực nhọc. Họ chia vui với nhau qua lời ca, điệu múa hòa với các loại nhạc như đàn Ta Lư, đàn môi, khèn bè, sáo Tirel, đàn Abel, đàn Ămpray… Không khí Tết rộn rã, tưng bừng giữa nơi trập trùng rừng núi.

Chia tay già Côn Liên, chúng tôi đến trụ sở UBND xã Tà Rụt. Biết chuyện chúng tôi đi tìm hiểu tục thờ cây lúa của người Pa Kô, ông Hồ Văn Ngơn - Chủ tịch UBND xã Tà Rụt cho biết thêm, từ xưa đến nay, nhờ có tục thờ lúa nên người Pa Kô ở đại ngàn Trường Sơn dù thường xuyên thiếu đói, nhưng họ không hề sợ bị mất trộm lúa. Vì không ai trộm lúa để bị thần lúa bắt phạt ốm đau.

"Cho nên, tục thờ lúa và những điều cấm kị của người Pa Kô có chút hủ tục nhưng nó lại có những cái hay rất riêng, góp phần vào việc bảo vệ sản xuất, coi trọng nông nghiệp, giữ gìn một nét văn hóa độc đáo. Ở đây, dù lúa nhà này ngã qua rẫy nhà kia cũng không hề bị mất dù chỉ một hạt. Ngày nay, người Pa Kô đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên khá nhiều người chuyển đổi trồng lúa rẫy sang trồng lúa nước. Tuy nhiên, dù trồng lúa theo phương cách nào thì việc thờ thần lúa vẫn luôn được bà con duy trì", ông Ngơn cười thật sảng khoái…

Bảo Ngọc
.
.
.