Chuyện tình 13 năm của cặp đôi đồng tính người Việt ở Canada

Thứ Ba, 11/08/2015, 10:00
Quen nhau tại lễ hội diễu hành Gay Pride năm 2002 ở Montreal (Canada), đến nay sau 13 năm yêu và kết hôn, Nguyễn Thái Nguyên và Đinh Công Khanh sắp kỷ niệm lần đầu gặp gỡ khi lễ hội này lại sắp diễn ra vào tháng 8/2015 tới.
Mối duyên nơi đất khách

Với vẻ ngoài có phần thư sinh, Nguyễn Thái Nguyên (43 tuổi), hiện đang làm việc cho Quốc hội Canada về mảng chính sách môi trường, chàng trai có nước da rám nắng Đinh Công Khanh (41 tuổi) đang là một kiến trúc sư làm việc cho Bộ Nông nghiệp Canada, và cặp đôi đã có trên 10 năm yêu nhau. Họ gọi chung cả hai bằng một "biệt danh riêng" dễ thương là "Anh và Cưng", trong đó "Anh" chính là Nguyên và "Cưng" được Nguyên trìu mến gọi người bạn đời của mình.

Nhìn lại quá khứ, hành trình phát hiện xu hướng tính dục của cả hai không như nhau. "Anh" - Nguyễn Thái Nguyên đã theo gia đình sang sinh sống ở Canada từ năm 11 tuổi nên việc nhìn nhận và chấp nhận bản thân diễn ra từ rất sớm và hết sức suôn sẻ. Trong khi những bạn nam xung quanh thích con gái nhưng chỉ riêng Nguyên có rung cảm với con trai. Qua tìm hiểu sách báo, anh nhận ra, "thì ra bẩm sinh, đồng tính chính là mình".

Ngược lại, "Cưng" - Công Khanh vẫn còn đang loay hoay tìm những "xáo trộn" kỳ lạ bên trong cơ thể khi mới chớm trưởng thành dù đã từng hẹn hò thử với các cô gái. Năm 19 tuổi, đến khi theo gia đình sang Canada định cư, sống trong môi trường cởi mở, được tiếp nhận nhiều kiến thức về đồng tính, Khanh mới cảm nhận được tình cảm mình dành cho một người đàn ông mạnh mẽ hơn so với phụ nữ. Khi đó, Khanh chưa thể chấp nhận ngay sự thật và phá bỏ định kiến cố hữu với người đồng tính nên luôn tự dằn vặt. Khanh nhớ lại, khi đó anh giấu hết tất cả mọi người, từ gia đình đến bạn bè và chuyển ra cách nhà 200km để sống một mình, tự cô lập bản thân.

Cặp đôi trong những lần hiếm hoi về thăm quê nhà.

"Anh và Cưng" kể, họ gặp nhau lần đầu vào ngày 10/8/2002 tại lễ hội Gay Pride cho người đồng tính tại thành phố Montreal. Theo số liệu của ban tổ chức năm đó, lễ diễu hành thu hút hơn 800.000 người tham gia nhưng giữa hàng trăm nghìn người, họ lại tìm thấy nhau. "Khi đó cả hai vừa chia tay với mối tình cũ nên còn chưa có dự định gì rõ ràng cho bước kế tiếp. Có lẽ khi người ta vừa bước ra khỏi những hỗn độn, tâm lý, ai cũng muốn giữ cho mình một khoảng trống cố định trước khi bước tiếp. Chính vì vậy, ngay lần đầu gặp nhau tại Gay Pride, cả hai vẫn chưa nói với nhau lời nào, dù ánh mắt đã trao nhau rất nhiều. Để rồi cả hai phải thổn thức suốt khoảng thời gian sau đó bởi tình yêu sét đánh giáng xuống quá nhanh này", họ nhớ lại.

Thế nên, theo như lời Công Khanh, "cái gì đến cũng phải đến", hai tuần sau đó, họ gặp lại nhau trên một diễn đàn chat. Sau một thời gian trao đổi, nhận ra những điểm tương đồng về lối sống, sở thích, mối quan tâm, họ phát hiện ra nhau chính là "người kia" đã gặp trong Gay Pride ngày nào. Quyết không để mất nhau lần nữa, cả hai đã gặp mặt để cùng nhau "tiến một bước xa hơn trong mối quan hệ". "Khi người ta yêu, tự khắc con tim mách bảo mình nên làm gì", cả hai chia sẻ.

Tình yêu của cả hai vẫn như ngày đầu sau gần 13 năm.

Thời điểm đó, Thái Nguyên ở tận Ottawa nên mỗi tuần Công Khanh thường lái xe vượt hơn 200km để gặp người yêu và ngược lại. Đều đặn hằng tuần, họ vượt chừng ấy khoảng cách để gặp nhau, có khi cuộc hò hẹn chỉ là một ngày ngắn ngủi rồi về ngay trong đêm. Với họ, khoảng cách không chỉ là thử thách cho hai trái tim đang trông ngóng, mà còn là động lực để cả hai phấn đấu vượt qua rào cản tinh thần.

Trong lần hẹn hò đầu, Khanh đã chủ động nắm tay Nguyên. "Khi đó cũng bối rối, rạo rực y như chưa yêu lần nào", Khanh cười. Sau một năm yêu xa, đến năm 2003 thì Nguyên ngỏ lời để Khanh dọn về ở chung để họ có thể gần gũi, chăm sóc cho nhau.

Đám cưới trong mơ

Khi quyết định đối diện sự thật với gia đình, Công Khanh phải lấy hết can đảm, mời cả nhà ra phòng khách, thú nhận: "Con là gay" rồi oà khóc. Còn với Nguyên, gia đình đã biết trước đó, chỉ chờ con trai lên tiếng. Tuy nhiên, may mắn cả hai đều có điểm chung là gia đình hết mực thông cảm, nhất là với Công Khanh, áp lực "khác biệt" đã được xoá bỏ, bắt đầu sống lại khoảng đời mới với bản chất tình yêu mà anh đã ngộ ra.

Chung sống với nhau được ba năm, đến năm 2005, khi chính phủ Canada ban hành đạo luật chấp nhận hôn nhân đồng giới thì đầu năm 2006, họ đã lên ngay kế hoạch cho hôn lễ của đời mình. Nhìn lại hành trình yêu, họ cho biết điều may mắn nhất là cả hai có được là được gia đình hai bên thông cảm, chấp nhận mà ít khi vấp phải rào cản.

Đám cưới của "Anh và Cưng" diễn ra đầm ấm trong một ngày mùa đông của thành phố Montreal. Các khâu trang phục, hoa quả, rượu chè bánh trái, mâm quả và thậm chí cả mâm xôi con gà cũng được gia đình lo chu đáo. Bố mẹ Khanh trong dịp về Việt Nam đã đặt may hai áo dài cưới nam giống hệt nhau, còn tinh ý mua thêm cả 300 tượng nho nhỏ hình chú rể mặc áo dài làm quà cho khách. Riêng khâu thiết kế và in ấn thiệp cưới, thiệp mời, thiệp chúc và thiệp đặt bàn, với óc thẩm mỹ vốn có, đều do anh Khanh tự vẽ và làm.

Ở mỗi bàn đều có những thông điệp về các quốc gia trên thế giới chấp nhận hôn nhân đồng tính và luôn cả biểu tượng sáu màu của lá cờ LGBT (viết tắt của cụm từ "Lesbian, Gay, Bisexual, and Transgender", tức đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) tại Việt Nam. "Nhìn lại danh sách khách mới hôm đó, có một điểm cũng khá thú vị vì tính ra có 50% là người đồng tính và 50% là dị tính", họ chia sẻ.

Thời điểm năm 2006, chính phủ Việt Nam chưa từng đề cập đến các vấn đề thừa nhận người đồng tính cũng như sự cởi mở của vấn đề này trong xã hội còn nhiều định kiến nên đám cưới của Nguyên và Khanh đã tạo được làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng ở Việt Nam.

Trong một gia đình khi cả hai đều là nam, họ quan niệm: "Thật ra một gia đình trong đời sống hiện đại ngày nay thì chẳng có việc nào là của riêng nữ hay của riêng nam cả. Dù là gia đình nam-nữ, nữ-nữ hay nam-nam thì đều phải thay phiên nhau mà vun vén lo toan. Điều nhìn thấy rõ ràng nhất, là trong các nhà vệ sinh công cộng ở Canada của cả nữ và nam đều có đặt bàn thay tã cho em bé, chứ không chỉ riêng phòng toilet nữ mới có. Đó là một điển hình rất nhỏ để thấy quan điểm con người trong thời kỳ hiện đại khi quyền và trách nhiệm của nam và nữ là ngang nhau từ việc bé đến việc lớn".

Quỹ "Anh và Cưng" dành cho người đồng tính

Năm 2011, Công Khanh và Thái Nguyên thành lập "Quỹ Anh và Cưng" nhằm dành một khoản tiền trợ cấp cho các hoạt động tuyên truyền nhận thức về LGBT.

Với mong muốn cộng đồng LGBT được đối xử bình đẳng trong xã hội và được tôn trọng, đến nay sau hơn bốn năm  hoạt động, quỹ đã hỗ trợ được cho hoạt động của một số sự kiện hoặc tổ chức LGBT Việt Nam như: Đài radio AAU của cộng đồng LGBT, Giải thể thao của cộng đồng đồng tính nữ TP Hồ Chí Minh, Học bổng cho sinh viên LGBT do Việt Pride tổ chức.

Anh và Cưng là chỗ dựa tinh thần lớn cho cộng đồng LGBT tại Việt Nam.

Năm 2015, "Quỹ Anh và Cưng" đã hỗ trợ dự án xây nhà tạm lánh cho những bạn LGBT bị gia đình bạo hành. Đây là một dự án của nhóm OPEN, một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người dễ bị tổn thương tại Việt Nam. "Nhà Tạm Lánh" là nơi để giúp đỡ các bạn LGBT có nơi nương thân trong thời gian gặp vấn đề với gia đình.

Từ ngày thành lập đến nay, quỹ hoạt động với tinh thần tự phát do Khanh và Nguyên dành dụm riêng mỗi năm nhằm ủng hộ và khích lệ các hoạt động LGBT tại Việt Nam. Riêng năm nay, ngoài số tiền vẫn dành dụm, thì họ có chương trình kêu gọi mọi người cùng đóng góp để tăng hiệu quả, khi ai đóng góp vào quỹ thì sự đóng góp ấy sẽ được nhân đôi.

Đối với nhận thức về người đồng tính ở Việt Nam, theo cả hai, truyền thông và thông tin về LGBT là yếu tố cực kỳ quan trọng để xã hội hiếu biết đúng đắn về người đồng tính và xóa bỏ kỳ thị cũng như định kiến. "Cũng vì thế mà những tổ chức như Trung tâm ICS đã có những khóa huấn luyện cho các phóng viên, nhà báo về cộng đồng LGBT nhằm định nghĩa lại những ngộ nhận và cũng để giảm thiểu những thông tin sai".

"So với chưa đầy 10 năm trước thì sự nhìn nhận và hiểu biết của xã hội về người đồng tính đã phát triển tích cực. Một phần có lẽ nhờ Internet nên người dân có cơ hội tiếp cận được với thông tin nhanh hơn. Tuy nhiên, lý do lớn của sự phát triển tích cực ở Việt Nam là do chính cộng đồng LGBT đã can đảm "bước ra anh sáng", dần bỏ thái độ thụ động và tổ chức được các hội, nhóm nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Các tổ chức như Trung tâm ICS và PFLAG (Hội các phụ huynh có con là người LGBT) đã đóng vai trò rất lớn để thay đổi nhìn nhận và hiểu biết của các cơ quan nhà nước và xã hội về người LGBT hiện nay", Khanh nói.

Trong những lần hiếm hoi về Việt Nam thăm quê, cả hai luôn dành thời gian tham gia các buổi tư vấn, hội thảo dành cho người đồng tính ở Việt Nam cũng như tham vấn giúp các bạn trẻ kiến thức về sức khoẻ tình dục. Tình yêu của cặp đôi là chỗ dựa cho những người đồng tính đang loay hoay tìm hướng đi cho tình yêu của họ, và tạo động lực cho họ dũng cảm nhìn nhận xu hướng tính dục với gia đình.

Huỳnh Duyên
.
.
.