Chuyện tình 50 năm lênh đênh bên sông hồng

Thứ Sáu, 02/08/2019, 10:32
Trong suốt 50 năm gắn bó, chưa lần nào hai ông bà có ý định rời xa nhau. Một phần vì tình yêu, một phần vì cùng chung cảnh nghèo khó nên cả hai dường như thấu hiểu người bạn đời của mình. Trên chiếc bè cũ nát chỉ rộng hơn 10m2 nằm sát mép bãi bồi sông Hồng đó, hai vợ chồng già vẫn nương tựa vào nhau để trôi qua những ngày tháng lênh đênh của cuộc đời.


Nửa thế kỷ gắn bó

Câu chuyện của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành (83 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (82 tuổi) giống như câu chuyện cổ tích ở vùng sông nước, nơi những con người cùng khổ sống lênh đênh trên những mảng bè rách nát bên bãi bồi sông Hồng. Nhiều người nói rằng, ở thời đại mới này tìm đâu ra câu chuyện “một mái nhà tranh hai trái tim hồng”, nhưng mái nhà tranh đó vẫn tồn tại trong suốt nửa thế kỷ khiến bao người ngưỡng mộ.

Bà Thủy rớt nước mắt khi nói về ước muốn của mình.

Nghe bà Thủy kể về ngày hai ông bà quen nhau, có lẽ ai cũng sẽ nhớ đến câu chuyện “Vợ nhặt” của cố nhà văn Kim Lân bởi các tình tiết trong đó cũng trùng hợp và hết sức bất ngờ. Bà Thủy nói, ngày hôm đó, khi đang nhặt nhạnh những hạt gạo trong lúc người khác vận chuyển làm rơi vào chiếc ống bơ, về nấu bát cháo loãng cầm hơi qua ngày thì gặp ông Thành. Từ lần gặp đầu tiên đó, ông Thành đột nhiên ngỏ lời muốn đón người phụ nữ bơ vơ này về làm vợ và bà đồng ý.

“Tôi còn nhớ, chúng tôi gặp nhau lần đầu ở ga Hà Nội. Khi ông ấy nói muốn đón tôi về làm vợ, bất ngờ lắm nhưng rồi nghĩ đó cũng là duyên số. Tôi về làm vợ ông ấy một cách bất ngờ, hai người rau cháo nuôi nhau, sống qua ngày cho tới tận bây giờ”, bà Thủy kể lại.

Hai vợ chồng vẫn thương yêu lẫn nhau sau nửa thế kỷ.

Từ ngày về làm vợ ông Thành, đôi lúc vợ chồng có cãi vã, mâu thuẫn nhưng rồi mọi chuyện cũng nhanh qua đi vì ai cũng muốn cho qua. Cứ thế 50 năm trôi qua, cuộc đời không bao giờ sung sướng, nay đây mai đó, không họ hàng, quê hương hay con cái nhưng họ vẫn gắn bó với nhau không bao giờ rời xa. Cho đến lúc bà Thủy bị mù, gánh nặng cuộc sống lại dồn lên vai ông Thành. Nhưng cũng vì thế mà mọi người biết ông yêu vợ như thế nào.

Tình yêu đó cũng được ông Thành thể hiện trong ngày chúng tôi ghé chơi, bà Thủy ngồi bên chiếc chiếu cũ còn chồng thì cặm cụi pha trà, quét nhà. Đưa bà Thủy cốc trà nóng, ông Thành còn cẩn thận thổi cho nguội bớt rồi mới đưa cho vợ để tránh  bà bị bỏng. Nhìn cách ông ân cần chăm chút cho vợ, chắc chắn sẽ có nhiều người ghen tị, mơ ước bởi tình yêu, sự chăm sóc ấy không tiền tài nào có thể mua nổi.

Ngồi bên cạnh vợ uống trà, tay phe phẩy chiếc quạt cho bà Thủy đỡ nóng, ông Thành tâm sự: “Mắt bà ấy hỏng đến bây giờ cũng được gần một năm, không có tiền chạy chữa nên giờ mắt hỏng hẳn, không thấy đường nữa. Tôi thương bà ấy quá nên bao nhiêu việc trong nhà mình cũng giành làm. Tôi thì bị lãng tai, nhà lại ở ven sông nên lúc nào cũng phải để ý đến vợ, không dám rời mắt vì sợ nguy hiểm”.

Nói về “ngôi nhà” của mình, ông lão 83 tuổi này bật cười rồi sau một phút trầm tư mới bắt đầu kể. “Ngôi nhà” hai vợ chồng ông Thành bà Thủy sống bao nhiêu năm nay được chắp vá từ đủ thứ vật liệu người khác vứt đi như tre, gỗ, nhựa… Mỗi lần ra ngoài, nhìn thấy những đồ vứt đi, ông bà lại nhặt về để chắp vá vào những lỗ thủng của căn nhà. Sau này, những người sống tại bãi bồi thấy cảnh hai vợ chồng già khó khăn nên đã gom góp dựng lại chiếc bè chắn chắn hơn như hiện tại. Thế mới thấy, tình người ở nơi bến sông của những người nghèo khó đôi khi còn “giàu” hơn cả chốn phồn hoa.

“Từ ngày được mọi người giúp đỡ, hai vợ chồng cũng yên tâm hơn. Lúc trước mỗi khi có gió mùa hay mưa bão, hai vợ chồng phải đi lấy giẻ nhét vào lỗ thủng với đi hứng nước mưa. Chúng tôi sợ lắm, chỉ sợ thổi bay cả bè rồi không còn chỗ mà sống ấy chứ”, ông Thành cười đùa nói.

Mong ước tuổi già

83 tuổi, ngoài chuyện bị lãng tai ra thì ông Thành vẫn còn rất minh mẫn, tỉnh táo. Có lẽ ông biết trách nhiệm của mình bây giờ vô cùng nặng nề nên cũng không cho phép ốm yếu thêm nữa. Vì cuộc sống thiếu thốn nên ông tận dụng bất cứ thứ đồ gì có thể sử dụng, rửa sạch sẽ rồi cất một cách gọn gàng trong nhà.

“Ngôi nhà” của vợ chồng ông Thành, bà Thủy.

Cũng vì thế mà khi vào trong chiếc bè nhỏ của hai vợ chồng, mọi thứ đều vô cùng ngăn nắp. Bà Thủy bảo, đó cũng là một cách quan tâm của chồng đối với bà, ông sợ bà va đụng phải đồ đạc trong nhà nên mọi thứ luôn phải thật chỉn chu. Để hỗ trợ đôi vợ chồng già có thể đi kiếm sống, nhiều người tốt đã quyên góp tặng ông Thành một chiếc xe đạp, đó cũng là tài sản đáng giá nhất trong “ngôi nhà” của hai vợ chồng già.

Hàng ngày, ông Thành đạp xe quanh chợ Long Biên, người ta cho gì thì ăn nấy, có đồ ngon ông đều để dành để mang về cho bà. Đêm đến, ông cặm cụi đi nhặt phế liệu từ 8g tối đến tận 2g sáng hôm sau. Ngày thuận lợi cũng kiếm được 20.000 - 30.000 đồng. Từ ngày mắt bà không thấy gì nữa, ông lo mọi việc cơm nước, trồng rau hái rau ở bãi đất ven bờ.

Và cũng vì thế, ông Thành coi chiếc xe đạp là “bảo bối”, ông nói: “Không có chiếc xe thì tôi chẳng biết đi kiếm tiền thế nào, sức mình yếu rồi, không thể đi bộ đi nhặt phế liệu được. Mà cũng nhờ chiếc xe mà tôi đi nhanh về nhanh, dù mình đã khóa cửa cẩn thận nhưng để vợ ở nhà cũng lo lắm. Khi sợ bà ấy ngã, khi thì sợ bà ấy không tự lo được cho bản thân…”.

Vì thế mỗi khi ra ngoài, ông Thành lại cố gắng đi thật nhanh để nhặt được nhiều đồ hơn, thu thập nhiều thức ăn hơn. Kể lại kỷ niệm của mình, ông Thành nói thời gian đi lâu nhất của ông có lẽ là lần bị hiểu nhầm là người lang thang cơ nhỡ, đưa lên trại Ba Vì (Hà Nội) mất gần 4 tháng. Ông phải nhiều lần xin xỏ, giải thích đến rớt nước mắt là ở nhà có vợ bị mù không ai chăm sóc. Sau khi xác minh đúng như vậy, các cán bộ của trại bảo trợ mới cho ông về. Rất may khi ông vắng nhà, bà Thủy được những người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ chăm sóc nên cũng không bị sao.

Một khó khăn khác của cuộc sống ven sông đó là thiếu điện. Vào những ngày mát trời thì không sao, nhưng khi thời tiết nóng 39 - 40 độ, trong chiếc bè của hai vợ chồng già nóng như đổ lửa. Do không có điện, hai ông bà cũng chỉ giải nhiệt bằng nước và chiếc quạt nan cầm tay.

“Trước đây người ta cũng mua tặng vợ chồng tôi cái ắc quy mặt trời để tích điện, bật cái quạt cho mát. Nhưng trộm nó lẻn vào lấy mất lâu rồi, cả nhà chỉ còn ngọn đèn ắc quy nhỏ leo lét, lúc sáng lúc tối, đủ để đêm hôm còn dùng tạm. Những ngày nóng, hai vợ chồng thay nhau quạt để ngủ”, ông Thành chia sẻ.

Khi hỏi về mong ước nhất cuộc đời của hai vợ chồng là gì, không cần suy nghĩ bà Thủy nói ngay, đó là có một đứa con. Không phải giàu sang, không phải sức khỏe mà bà chỉ mong có một đứa con để bây giờ chồng không phải chăm mình vất vả và gia đình cũng sẽ vui hơn. Sau hơn 50 năm chung sống, ai cũng ngầm hiểu khi tuổi ngày càng cao, rồi sẽ có một người ra đi trước. Đến với nhau cũng chỉ vì thương nhau, vì chung cảnh nghèo nên hai vợ chồng chỉ sợ một người đi trước, người ở lại sẽ không có gì để bám víu.

Trước khi chúng tôi ra về, ông Thành vén tay áo khoe dòng chữ 26.9.69 xăm trên cánh tay. Ông nói đó là ngày hai vợ chồng ông về chung một nhà, vết mực này sau 50 năm vẫn còn in đậm, không phai mờ cũng giống như chuyện tình của hai ông bà vậy.

Ngọc Minh
.
.
.