Chuyện tình của ông lão “nhặt” được vợ

Thứ Hai, 16/11/2020, 16:00
Chiếc thuyền nhỏ chưa đầy 15 mét vuông lênh đênh trên mặt nước sông Hồng chính là “mái ấm” của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành (84 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thuỷ (83 tuổi). Cả 2 đều là những người vô gia cư, lần đầu gặp nhau cũng chính là ngày bà Thuỷ “theo không” về làm vợ ông Thành…


"Em về ở cùng tôi nhé!"

Thấy có khách đến chơi nhà, bà Thuỷ vội gọi chồng với giọng rất to: “Ông ơi, ông ơi. Ông về có khách”. Gọi chồng xong, bà Thuỷ quay ra giải thích: “Cô chú thông cảm. Ông nhà tôi điếc nặng lắm. Tôi hét thế mà chưa chắc ông ấy đã nghe thấy đâu. Nhiều khi 2 thân già nói chuyện với nhau mà cứ như cãi nhau vậy”.

Nghe tiếng vợ gọi, ông Thành đang lúi húi hái rau nhanh chóng quay vào nhà. Nói là nhà cho sang chứ kỳ thực nó chỉ là chiếc thuyền với diện tích hơn chục mét vuông. Những ngày vừa qua, ảnh hưởng của thời tiết bão lũ, nước sông Hồng dâng lên cao khiến “ngôi nhà” của vợ chồng ông Thành cứ lắc lư, chòng chành. Mỗi lần như vậy ông Thành lại phải buộc lại phao cho chắc chắn hơn.

“Tổ ấm” của đôi vợ chồng tuổi gần đất xa trời.

Ông tếu táo bảo: “Có được cái “cơ ngơi” này cũng là quá may mắn cho vợ chồng tôi rồi. Trước vợ chồng tôi toàn phải lang thang, lúc ngủ gầm cầu, lúc ngủ ghế đá. Sau này nhiều người tốt bụng thấy vợ chồng tôi khổ quá nên đã góp tiền mua tặng chiếc thuyền này. Từ khi có nó, chúng tôi không phải lo nửa đêm đang ngủ lại phải chạy mưa, chạy bão như hồi vật vạ đầu đường xó chợ nữa”.

Ông Thành kể, đời ông bất hạnh từ nhỏ. Cha mẹ mắc bạo bệnh nên qua đời, ông trở thành đứa trẻ mồ côi khi mới chỉ vừa tròn 10 tuổi. Không còn người thân thích, không còn nơi nương tựa, cậu bé Thành lang thang nay đây mai đó, ai cho gì ăn nấy. Lớn hơn một chút Thành xin vào các hàng quán, làm công việc rửa bát thuê hay gánh nước thuê.

Năm 16 tuổi, Thành dạt từ quê ra Hà Nội mong kiếm được công việc để sinh nhai. Một thời gian sau, Thành may mắn được một người phụ nữ độc thân nhận làm con nuôi. “Thực sự lúc đó tôi hạnh phúc lắm. Tôi nghĩ cuối cùng thì mình cũng có một người coi mình là người thân để nương tựa, mà quả thực mẹ nuôi tôi quý tôi lắm. Bà động viên tôi từ giờ mẹ con mình sẽ dựa vào nhau mà sống. Thế nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, khoảng 1 năm sau thì mẹ nuôi tôi mắc bệnh hiểm nghèo rồi bà qua đời”, ông Thành nhớ lại.

Để ghi nhớ ngày trọng đại, ông Thành đã xăm lên cánh tay của mình.

Một mình nơi đất khách quê người, chàng trai trẻ làm đủ nghề để sống. Ông Thành kể, trong một lần đi nhặt ve chai ở ga Hà Nội, ông nhìn thấy một phụ nữ cặm cụi ngồi nhặt từng hạt gạo người ta đánh rơi cho vào ống bơ. “Thấy vậy tôi tiến lại gần rồi hỏi han. Bà ấy kể gia đình bà ấy không còn ai, bà ấy sống một mình, lang thang nay đây mai đó. Thấy có người phụ nữ hoàn cảnh giống y như mình nên tự nhiên tôi thấy thương lắm. Chả hiểu sao lúc đó lại có cảm giác rất muốn che chở cho bà ấy. Thế là tôi bạo gan nói rằng: “Em theo tôi nhé. Chúng ta sẽ nương tựa vào nhau. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”. Ấy thế mà bà ấy gật đầu ngay”, ông Thành hài hước nhắc lại chuyện “nhặt vợ” của mình.

Ngày 26-9-1969 là ngày trọng đại của đôi trẻ bơ vơ. Bởi từ sau ngày ấy họ đã sống một cuộc đời khác. Tuy còn nhiều vất vả, gian nan nhưng họ đã có người yêu thương để cùng nhau cố gắng. Ngồi cạnh ông Thành, bà Thuỷ không giấu được vẻ bối rối khi nhắc lại chuyện “theo không” chồng mình. Bà nói như giải thích: “Lúc đó thì đòi hỏi gì được chứ. Mình vất vưởng, không nhà không người thân, giờ có người tỏ lòng yêu thì phải đồng ý ngay”.

Sau khi “nhặt” được vợ, ông Thành về xăm lên cánh tay mình cái ngày định mệnh ấy. Giơ tay ra cho chúng tôi xem, ông khoe: “Đây này, ngày vui nhất đời tôi đây này. Tôi phải đánh dấu lại để ghi nhớ”. Về ở chung với nhau được một thời gian trong cảnh đói khổ, bom đạn bắn phá miền Bắc dữ dội nên hai ông bà kéo nhau lên Lào Cai – Yên Bái dựng lều ở và sống bằng nghề hái măng rừng, đốn củi bán lấy tiền đong gạo. Khi hòa bình lập lại, ông bà bàn nhau về Hà Nội. Rồi cứ thế, hai vợ chồng lang thang đi khắp phố phường nhặt phế liệu.

Giá như có đứa con thì tôi bớt áy náy với ông ấy

Chiếc thuyền nhỏ là nơi vợ chồng ông Thành sinh sống suốt nhiều năm qua. Ở đây, điện là thứ xa xỉ với 2 vợ chồng già. “Trước đây mọi người cũng mua tặng chúng tôi cái ắc quy mặt trời. Nhưng trộm nó lấy mất lâu rồi. Cả nhà chỉ còn ngọn đèn ắc quy nhỏ leo lét, lúc sáng lúc tối, đủ để đêm hôm còn dùng tạm. Mùa hè này, nắng nóng như đổ lửa càng khổ. Hai ông bà cứ phe phẩy quạt cho nhau ngủ cả đêm thôi”, ông Thành chia sẻ.

Khi thành phố lên đèn, ai cũng về với tổ ấm của mình thì cũng là lúc ông Thành lên đường mưu sinh. Mưa gió, lạnh giá khiến đôi chân ông run lên bần bật, mắt nhòe đi nhưng cứ nghĩ ở nhà có người vợ đang mong chờ mình ông lại có sức bước tiếp. “Không ốm, không đau, đi làm đủ thì mỗi tuần cũng kiếm được độ 200.000 đồng. Đủ bữa rau, bữa cháo cô chú ạ. Đi xa thì lại sợ bà ấy buồn, hơn bốn chục năm rồi có dám đi đâu đâu, chẳng rời được một ngày đâu. Được thế này là mừng lắm rồi, trước cứ dắt díu nhau đi khắp nơi, vớ đâu cũng nằm, cũng là nhà cả. Sướng nhất là đến bữa cơm, dù rau cháo nhưng nghe tiếng bà ấy mời cơm tôi là sướng lắm”, ông Thành rưng rưng.

Bà Thuỷ hướng sang phía chồng và bảo: “Mấy năm gần đây, sức khoẻ tôi yếu đi nhiều lại bị bệnh thấp khớp nên chẳng đi nhặt phế liệu cùng ông ấy được. Nhiều lúc nghĩ thương ông ấy lắm mà chả biết làm thế nào”.

Nếu như trước kia chỉ bị bệnh thấp khớp thì bà Thuỷ còn quanh quẩn ở nhà nấu cơm, trồng thêm luống rau. Nhưng 2 năm nay bà đành phải ngồi một chỗ vì đôi mắt mờ dần rồi mù hẳn. Ông Thành bảo: “Giá có tiền chữa trị kịp thời thì mắt bà ấy chắc không bị mù như bây giờ đâu. Thế nhưng hoàn cảnh vợ chồng tôi đến ăn còn chưa đủ, nói gì thuốc thang tốn kém”. Để vợ bị mù là điều khiến ông Thành day dứt nhất. Bởi ông có thừa tình yêu với vợ nhưng lại “lực bất tòng tâm”. 

Giờ đây, mỗi khi đi nhặt phế liệu, ông Thành lại cẩn thận khoá cửa chiếc thuyền. Ông rất sợ nếu sơ sảy, bà Thuỷ mò mẫm chẳng may rơi xuống sông. Đi làm nhưng lúc nào ông Thành cũng đau đáu lo bà Thuỷ ở nhà. Ông bảo: “Tuy nghèo khổ nhưng lúc nào chúng tôi cũng vui vì được quan tâm, chia sẻ với nhau. Chúng tôi yêu thương thấu hiểu nhau nên khó khăn đến mấy cũng không cãi nhau bao giờ”.

Yêu thương nhau là thế nhưng ông bà lại không thể có với nhau một đứa con. Điều đó khiến bà Thuỷ luôn cảm thấy có lỗi với chồng. “Chúng tôi không thể sinh con nhưng cũng không biết được lý do vì sao. Cũng chẳng biết do tôi hay do ông ấy, vì đâu có tiền mà đi khám chữa để biết được. Nhiều lúc tôi vẫn hay bảo với ông ấy hay là ông đến với người khác, kiếm đứa con để còn nương tựa sau này thì ông ấy đều gạt đi. Ông ấy bảo, tôi khổ rồi nên cũng không muốn con sinh ra cũng khổ như mình. Tôi với bà cứ yêu thương nhau, dựa vào nhau mà sống là được rồi”, bà Thuỷ ngậm ngùi tâm sự.

Ước mơ được chết cùng ngày để không ai phải chịu cảnh cô đơn.

Ngồi bên cạnh vợ, ông Thành cười hạnh phúc bảo: “Cuộc sống về già của chúng tôi chẳng có gì rồi cũng về với cát bụi. Thế nhưng chúng tôi luôn vì nhau, hạnh phúc bên nhau. Còn khoẻ mạnh ngày nào chúng tôi còn chăm lo cho nhau ngày đó”. Mặc dù cuộc sống muôn vàn khó khăn, luôn trong cảnh ăn bữa nay mà chẳng biết bữa mai nhưng ông Thành không vì thế mà bi quan. Ông vẫn rất hay làm thơ đọc cho vợ nghe. Ở các góc nhà, những bài thơ nho nhỏ được ông viết và treo lên.

Cuộc sống của hai vợ chồng được ông Thành nhìn qua lăng kính rất thơ: “Dập dìu sông nước đầy vơi/ Ngồi ra cửa sổ thảnh thơi uống trà/ Đơn sơ nhưng cũng là nhà / Nương thân cuộc sống để mà mưu sinh/ Miễn sao có nghĩa có tình/ Trời cho khoẻ mạnh là vinh lắm rồi/ Giàu nghèo là lộc của trời/ Cho ai người được ước thời bằng không”... Hay những câu thơ như để tự răn mình: “Vợ mù, chồng điếc buồn thay/ Miễn sao hạnh phúc hằng ngày ấm êm/ Không vì nghèo khổ gây nên bất bình…”.

Khi được hỏi, mơ ước cuối đời của ông bà là gì, ông Thành không một phút suy nghĩ mà trả lời ngay rằng: “Vợ chồng tôi lúc nào cũng ao ước giá mà khi chết cũng được chết cùng nhau. Như vậy sẽ không ai phải chịu đau khổ, cô đơn khi người kia mất đi”.

Trâm Anh
.
.
.