Chuyện tình của thầy giáo “xe lăn”

Thứ Tư, 21/10/2020, 07:32
Căn phòng nhỏ của hai vợ chồng ngập tràn sắc hoa hồng thắm, lúc nào cũng như phòng tân hôn. Đây là bản thiết kế công phu, tỉ mẩn của chị Minh Thơ, với mong muốn cuộc sống luôn màu hồng, tình yêu mãi đỏ thắm...


Quyết không là phế nhân

Người ngoài nhìn vào, có thể sẽ ái ngại cho hoàn cảnh sinh hoạt của vợ chồng thầy giáo “xe lăn”. Nhưng có tiếp xúc, trò chuyện mới hiểu được sức mạnh của tình yêu, sự đồng cảm trong hai con người. Họ đã vì nhau mà hy sinh và cam chịu. Từ ngày có Minh Thơ bên cạnh, tinh thần của Ngọc Lâm luôn tươi trẻ, sức khỏe ổn định hơn trước. Trên cơ thể èo uột, mềm lả ấy, Ngọc Lâm luôn sống lạc quan, mạnh mẽ với ý chí “quyết không là một phế nhân”.

Năm 2004, trong một lần đi đón người nhà vào Bình Phước thăm, Ngọc Lâm bị tai nạn giao thông gãy 2 đốt sống cổ, mất 97% sức khỏe, bác sĩ từng lắc đầu, trả anh về nhà nhưng người cha quá thương con, ông bảo “còn nước còn tát” nên cố gắng năn nỉ bác sĩ cho con trai tiếp tục điều trị. Gia đình ở quê kiệt quệ vì tiền viện phí, nhưng chưa một ai than trách hay muộn phiền vì điều đó. Trong lòng người cha, tình yêu thương con vời vợi như biển cả.

Nguyễn Ngọc Lâm đã phải khép lại giảng đường và giấc mơ làm thầy giáo sư phạm. Chàng trai năm đó chỉ mới 19 tuổi và cơ thể đã gần như chẳng còn sự sống. Suốt 2 năm trời, Lâm nằm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, vừa điều trị vừa kiên trì tập vật lý trị liệu.

Cha thương con trai, muốn đưa về quê ở Thanh Hóa nhưng Lâm từ chối, cương quyết ở lại bám trụ thành phố. Ngọc Lâm suy nghĩ, nếu về quê lúc này thì chỉ có con đường chết, sẽ kết thúc cuộc đời trong vô vọng. “Khi ra đi trai tráng khỏe mạnh, ngày trở về bại liệt toàn thân. Tôi không đủ can đảm đối diện với bà con chòm xóm, tôi muốn sống và cần phải sống”, Lâm chia sẻ về quyết định ở lại của mình. Hai năm trời, Ngọc Lâm được em trai đẩy xe lăn đi bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đêm đến, hai anh em lang thang các bệnh viện tìm chỗ ngủ.

Nụ cười hạnh phúc của vợ chồng thầy giáo “xe lăn”.

Ông trời đã không khép cánh cửa cuộc đời Ngọc Lâm. Trong những ngày tập vật lý trị liệu ở Bệnh viện quận 8, Lâm tình cờ gặp được cô Hoàng Nữ Ngọc Tim, người sáng lập Trung tâm bảo trợ “Nhà may mắn” ở quận Tân Phú. Sau khi biết được hoàn cảnh của Lâm, cô Tim đã đồng ý đưa Lâm về “Nhà may mắn”.

Tại đây, Ngọc Lâm nỗ lực học vi tính. Ban đầu, với 10 ngón tay quắp lại, việc di chuột và đánh bàn phím với anh vô cùng khó khăn. Anh không làm chủ được các ngón tay, cứ đặt xuống bàn phím là các chữ nhảy múa loạn xạ. Ngay cả việc cầm chuột rê thật nhẹ cũng khiến Ngọc Lâm đau điếng. Đã hơn một lần Lâm muốn bỏ cuộc, nhưng nhìn lại cuộc đời đau thương bất hạnh của mình, anh lại cố gắng. “Đã quyết tâm tàn nhưng không phế, chỉ còn cách nỗ lực hết sức mình”, Ngọc Lâm tự động viên bản thân như thế.

“Nhà may mắn” tạo điều kiện cho Ngọc Lâm làm giáo viên dạy tin học cho các em học sinh mồ côi, cơ nhỡ, lang thang; mỗi tháng sẽ trả lương để anh sinh sống. Khi tiếp cận những đứa trẻ nghèo khó nơi này, Lâm không đành lòng nhận lương. Anh ký hợp đồng làm tình nguyện viên và nhận hỗ trợ hơn 2 triệu đồng/tháng.

Mỗi hoàn cảnh đến với “Nhà may mắn” là một số phận kém may mắn. Ngọc Lâm dành hết tình yêu thương cho bọn trẻ. Không chỉ dạy vi tính, anh còn dạy chúng cách sống. Ngọc Lâm tâm sự: “Bọn trẻ bị quăng quật ra đời quá sớm nên sống theo bản năng, có đứa vào học còn chửi thề, đánh nhau. Mình phải kiên trì uốn nắn, tâm sự, chia sẻ với các em thật nhiều điều”. 

Những lúc thảnh thơi, Ngọc Lâm làm thơ cho khuây khỏa và quên đi nỗi buồn cô độc. Anh được một số người bạn tài trợ in 2 tập thơ. Từ đó, nhiều người biết anh, kết bạn, làm quen, chia sẻ, giúp anh tìm thấy ánh sáng của cuộc đời. Cũng nhờ những vần thơ chan chứa tâm sự, chân thành và lắng đọng mà Ngọc Lâm tìm thấy một nửa cuộc đời.

Đám cưới cổ tích của vợ chồng Ngọc Lâm.

Tình yêu đến như một giấc mơ

Chị là người phụ nữ xứ dừa, có tuổi thơ nghèo khổ, thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ. Từ nhỏ, chị sống với người dì ruột, lớn lên ra đời làm việc từ rất sớm. Tâm hồn chị chất phác, đôn hậu, luôn phảng phất nét u buồn. Chị gửi nỗi lòng của mình vào thơ. Một ngày, tình cờ Nguyễn Thị Minh Thơ (34 tuổi, quê Bến Tre) lướt facebook và thấy những dòng thơ của Nguyễn Ngọc Lâm (35 tuổi). Thơ của anh chất chứa điều thầm kín, những nỗi lòng khó bày tỏ cùng ai. Đó là tâm sự của một người nặng gánh gia đình, dù hình hài không lành lặn. Tâm hồn vốn rất nhạy cảm, tự nhiên chị thấy thương anh nên đã nhắn tin làm quen.

Ban đầu chỉ là những lời thăm hỏi xã giao bình thường, sau này quen thân một chút thì họ dùng thơ để đối đáp cùng nhau. Tình cảm đến tự nhiên như hồn thơ đồng vần đồng điệu.

Vào dịp cận tết năm 2013, chị Minh Thơ quyết định qua “Nhà may mắn” để gặp mặt Ngọc Lâm. Nhìn thấy anh ngoài đời, thân hình còm cõi, nhỏ bé trên chiếc xe lăn, chị càng thương nhiều hơn. Chị nói muốn làm bạn, cùng anh chia sẻ, tâm sự chuyện vui buồn trong cuộc sống. Bất ngờ, anh Lâm nói thẳng: “Bạn bè thì anh có nhiều rồi. Bây giờ anh chỉ muốn có một người cùng mình đi đến hết cuộc đời”. Chị Thơ bối rối, nhưng con tim đã khe khẽ rung động. 

Những tưởng hai con người trưởng thành, cảm mến nhau, yêu thương nhau đã là điều kiện cần thiết và đủ đầy để đến bên nhau, nhưng đó mới chỉ bắt đầu cho chuỗi ngày giông bão của cuộc tình.

Khoảng thời gian 5 năm, họ gặp phải vô vàn trở ngại, khó khăn. Chị Thơ quyết định bỏ việc bên quận 7, chuyển về Tân Phú để tiện chăm sóc cho anh Lâm. Ngày đi làm, tối về chị chạy qua “Nhà may mắn” hỗ trợ anh Lâm sinh hoạt, ăn uống.  

Tiền lương công nhân năm 2014 của chị Thơ chỉ hơn 3 triệu đồng, đóng tiền nhà trọ hết 1 triệu và trăm thứ chi phí khác, chưa kể phải gửi về quê giúp đỡ gia đình. Chị Thơ cảm thấy bế tắc, nản lòng, muốn rời đi nơi khác tìm việc mới, nhưng anh Lâm ở đây thì ai chăm sóc. Anh nói với chị: “Tình yêu nếu xa mặt sẽ cách lòng, em đi rồi có trở về với anh không”. Buồn quá, Lâm đổ bệnh. Vì quá thương mà Minh Thơ không nỡ rời đi. Trong suốt thời gian quen Ngọc Lâm, chị Thơ giấu gia đình vì chị biết chắc chắn, gia đình sẽ phản đối. Và cũng bởi lời thề với người dì đã nuôi dưỡng và cưu mang mình: “Sau này con sẽ không lấy chồng hoặc nếu có thì không lấy chồng xa”.

Vậy mà, lời hứa đó đã không thể thực hiện được khi trong lòng chị đã dành một chỗ không thể thiếu cho người đàn ông khuyết tật quê tận Thanh Hóa. 

Ngọc Lâm bên những học trò ở “Nhà may mắn”.

Gia đình anh Lâm nợ số tiền khá lớn mà hơn chục năm nay không trả nổi, nhà chị Thơ thì lụp xụp cần phải sửa chữa. Những gánh nặng ấy đều đè lên vai anh Lâm và chị Thơ khiến hạnh phúc của họ chưa bao giờ viên mãn, cuộc sống chưa một ngày thanh thản. Cả hai chăm chỉ làm việc, gom được một chút tiền, anh Lâm nhường cho chị Thơ mang về quê sửa nhà cho mẹ và dì trước để lấy cớ thưa chuyện.

Ngập ngừng mãi, chị Thơ mới thốt ra lời với mẹ. Nghe xong, bà thoáng chút buồn, sau bà cũng buông xuôi mà chấp nhận, bà dặn con: “Hạnh phúc là do con chọn, sau này sướng khổ thế nào thì ráng mà chịu”.

Thật ngạc nhiên là ngay lần đầu gặp mặt, mẹ Minh Thơ đã cảm mến và thương chàng trai tật nguyền Nguyễn Ngọc Lâm. Rào cản lớn nhất được phá vỡ, một đám cưới cổ tích được tổ chức vào cuối năm 2018 tại “Nhà may mắn”. Người hạnh phúc nhất hôm ấy là mẹ Ngọc Lâm, bà ôm Minh Thơ vào lòng, xúc động nghẹn ngào và thầm cảm ơn con dâu đã đến bên cuộc đời làm bờ vai, đôi chân, chỗ dựa cho con trai của bà.

Yêu và chấp nhận lấy Ngọc Lâm làm chồng, Minh Thơ đã phải hy sinh cả cuộc đời và thiên chức của mình. Mỗi ngày, chị tần tảo chăm sóc cho chồng, từ việc thay băng bông, rửa vết thương, ẵm bồng di chuyển... cho đến miếng ăn giấc ngủ. Cơ thể Ngọc Lâm vẫn rất yếu, anh phải uống thuốc mỗi ngày nếu không thì sẽ đau đớn và ngất xỉu.

Trước khi chia tay, Ngọc Lâm đọc tặng chúng tôi mấy vần thơ do anh sáng tác để khẳng định tinh thần lạc quan, luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống:

Cuộc đời ít những màu hồng/ Thì ta tự tạo từ lòng yêu thương/ Thế gian không phải thiên đường/ Thì ta kiến tạo từ hương vị tình.../ Hạnh phúc ư? Chẳng đâu xa/ Nó luôn hiện hữu bên ta mỗi ngày/ Thiên đường ư? Ở tâm này/ Tinh thần hoan lạc hiện ngay thiên đường...”.

Ngọc Hoa
.
.
.